Nhà giáo Phạm Toàn nói về tâm lý học giáo dục

Cuối tuần qua, nhà giáo Phạm Toàn vừa có buổi trình bày về một số công trình nghiên cứu tâm lý đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo cơ sở cho phương pháp giáo dục mà Cánh Buồm theo đuổi: tự học - tự giáo dục.

Sự kiện này nằm trong chuỗi Ngày Sư phạm Cánh Buồm, được tổ chức mỗi tháng một lần từ nay đến cuối năm.

Mở đầu buổi nói chuyện, nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu về cách nghiên cứu được đánh giá là “tâm lý học thực nghiệm” của Wilhelm Maximilian Wundt (1832-1920), nhà sinh lý học người Đức. Ông không nghiên cứu tâm lý học. Nhưng ông đã tổ chức cho những sinh viên đang được thực nghiệm hãy cùng tham gia thực nghiệm và mô tả lại trải nghiệm của mình. Từ năm 1879 (năm ông chính thức có phòng thực nghiệm tâm lý học) đến năm 1912 (năm ông có số sinh viên nhiều nhất, 620 người), ông đã hướng dẫn 186 luận án tiến sĩ tâm lý học – nói cách khác, ít nhất đã có gần hai trăm lần chứng minh hiện tượng tâm lý học bằng thực nghiệm. Có thể nói, khoa học về tâm lý đã ra đời trong thực nghiệm.

Tham gia Ngày Sư phạm Cánh Buồm đâu tiên có rất nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà, đã thường xuyên theo dõi, góp ý và ủng hộ cho hoạt động của Nhóm Cánh Buồm như Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nhà thơ Dương Tường, GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, TS Trần Văn Khải, TS Giáp Văn Dương…  và gần 100 khách đăng kí. Nhận được thông tin về Ngày Sư phạm Cánh Buồm khi vừa ra đến Hà Nội, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, đã dành trọn buổi chiều tham dự sự kiện và có nhiều phát biểu sôi nổi.

Sau Wundt, ở Pháp có bác sĩ Alfred Binet (1857 –1911) bắt đầu từ năm 1905 đã xây dựng hẳn một bộ câu hỏi trắc nghiệm nhằm phân loại học sinh trước khi vào học bậc tiểu học. Bộ trắc nghiệm sau đó đã vượt Đại Tây Dương qua Mỹ châu, để được hoàn thiện thêm, trở thành bộ đo nghiệm Binet-Simon, không chỉ nhằm loại ra những trẻ em không đủ điều kiện “cưỡng bức tiểu học” mà sau khi ồ ạt thực nghiệm rất rộng rãi trên động vật, đã cung cấp những cơ sở dữ liệu nghiên cứu quy luật về việc học thể hiện trong “Định luật về hiệu quả học tập”.

William James (1842 –1910), xuất thân bác sĩ y khoa, nhà giáo dục và nhà nghiên cứu triết học, cũng trở thành nhà tâm lý học đầu tiên có giáo trình dạy môn học này ở Hoa Kỳ. Và đến năm 1910, như một “tuyên ngôn” được viết lần đầu bởi Edward Thorndike (1874 – 1949), là bài báo “Đóng góp của tâm lý học cho công cuộc giáo dục”, khẳng định vai trò không thể thiếu của tâm lý học đối với giáo dục.

Cuộc viễn du của tâm lý học qua Đại Tây Dương sau rồi lại quay trở về châu Âu với những công trình của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget (1896 –1980). Ông Jean Piaget khi bắt đầu nghiên cứu tâm lý học cũng từng đi theo con đường của Mỹ là người đo nghiệm IQ của trẻ em. Khác với những đồng nghiệp, Piaget không chỉ thu thập những câu trả lời “đúng”, mà ông còn chú ý tới những câu trả lời “sai” của con trẻ. Ông cũng mở trường ở Genève cho trẻ em bình thường (khác với đối tượng trẻ em có khiếm khuyết thời Binet, và rất khác với đối tượng thực nghiệm là động vật ở Hoa Kỳ) lấy tên là trường Jean-Jacques Rousseau, cho ba đứa con đẻ của mình theo học ở đó, và cần cù làm thực nghiệm hình thành trí khôn thao tác ở con trẻ.

Cánh Buồm tiếp thu các nhà kinh điển

Wundt – giã từ tư biện để đi vào việc làm hàm chứa lý thuyết

Thorndike – Ứng dụng TLH toàn diện vào Giáo dục con người

Piaget – Kính trọng thế giới trí khôn trẻ em do các em tự hình thành

Gardner – Tự do và dân chủ trong chương trình và sách

Từ đầu những năm 1930 ở Liên Xô cũ cũng xuất hiện nhiều nghiên cứu tâm lý học quan trọng. Các nước phương Tây cho tới nay vẫn thường vinh danh nhà tâm lý học Lev Vygotski (1896 –1934) với sự nhấn mạnh vào bối cảnh văn hóa của người học. Các nhà tâm lý học khác của Liên Xô cũ cũng có công rất lớn khi củng cố thêm lý thuyết về trí khôn thao tác bằng những thực nghiệm dạy khái niệm khoa học cho trẻ em. Có thể thấy một số thành tựu tâm lý học giáo dục theo hướng Xô-viết đó tại Hà Nội trong công trình “giáo dục thực nghiệm” do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng, và ở đó nhà giáo Phạm Toàn cũng hình thành những thực nghiệm để soạn ra chương trình và sách giáo khoa giáo dục nghệ thuật, giáo dục ngôn ngữ học cho trẻ em tiểu học.

Cuối cùng, các luồng tâm lý học giáo dục đó cũng được bổ sung bằng một đóng góp hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, và dân chủ mà tác giả là nhà tâm lý học đương thời Hoa Kỳ Howard Gardner (1943) – lý thuyết về trí khôn nhiều thành phần (Cơ cấu trí khôn, bản dịch của Phạm Toàn, nhà xuất bản Giáo dục, 1997, 1998; nhà xuất bản Tri thức, 2011).

Howard Gardner không hoàn toàn đồng tình với Piaget khi ngả về khuynh hướng rất coi trọng trí khôn toán học ở con người – Gardner nhấn mạnh vào sự đa dạng của trí khôn người. Bảy thành phần trí khôn có thể có ở một con người, và ở một người có khi cũng chỉ có một vài thành phần trí khôn cũng là đủ cho sự phát triển của chính con người ấy. Các thành phần đó là: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn logic-toán, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể ở dạng động, trí khôn âm nhạc, trí khôn cá nhân hướng nội, và trí khôn cá nhân hướng ngoại.

Như vậy, có thể thấy rằng Nhóm Cánh Buồm đã tìm cách thừa kế có chọn lọc các thành tựu tinh hoa trong môn tâm lý học mà loài người đã đạt được để áp dụng vào việc xây dựng chương trình học và các sách giáo khoa của nhóm những năm qua.

Nhà giáo Phạm Toàn cho biết, Nhóm Cánh Buồm đang tổ chức dịch các tác phẩm tâm lý học của Piaget và Gardner. Hiện nay, hai thành viên cao tuổi của Nhóm Cánh Buồm (nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh) đã hoàn thành bản dịch hai tác phẩm quan trọng của Piaget, “Sự ra đời trí khôn con trẻ” và “Sự hình thành biểu tượng ở con trẻ”.

Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng “Trong công cuộc cải cách giáo dục, cái khó nhất là thay đổi người lớn” và ông hy vọng những buổi sinh hoạt thường kì như thế này, các thành viên Câu lạc bộ Sư phạm Cánh Buồm sẽ là những người thay đổi tích cực nhất để bắt kịp với nhịp độ phát triển của trẻ em, để thực sự tôn trọng trẻ em và có khả năng hướng dẫn các em phương pháp học tập hiện đại.

Đọc thêm
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6524&CategoryID=6

Tác giả