Phát hiện căn phòng bí mật trong Đại Kim tự tháp Giza bằng tia vũ trụ

Các nhà nghiên cứu đã dùng các máy dò muon để khám phá ra một không gian dài 30 m, cơ hội có thể giúp họ tìm hiểu người Ai Cập cổ đại đã xây đài tưởng niệm có tuổi đời 4.500 tuổi này như thế nào.

Các nhà nghiên cứu đặt thiết bị dò muons bên ngoài và bên trong kim tự tháp để kiểm tra liệu các giả thuyết về không gian trống trong Kim tự tháp vĩ đại là có thật hay không.

“Sự tồn tại của một căn phòng có kích thước lớn như vậy trong lòng Kim tự tháp nhất định không thể là ngẫu nhiên”, ông Mehdi Tayoubi – Chủ tịch Viện Bảo tồn Sáng tạo Di sản có trụ sở đặt tại Paris, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết. Phát hiện này cũng thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ và các nhà vật lý hạt.

Theo ước tính, Đại kim tự tháp Giza được xây dựng từ gần 2.3 triệu khối đá granite, cao 140m và rộng 230m, là một kỳ quan xây dựng còn nhiều bí ẩn, giống như hai “người anh em” của nó nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều là Kim tự tháp Khafre và Menkaure. Công trình này được xây dựng làm lăng mộ cho vua Khufu – trị vì trong giai đoạn 2589 – 2566 trước công nguyên cho tới khi mất. Trong suốt một thời gian dài, các nhà khoa học vẫn băn khoăn về cách [chính xác] mà các kim tự tháp này được xây dựng vùng với cấu trúc bên trong của chúng. 

Và nay, ngành khảo cổ đã nhận được sự trợ giúp từ một công cụ mà ít ai ngờ tới: các tia vũ trụ cùng những hạt hạ nguyên tử rớt xuống từ không gian. Trên thực tế, các nhà vật lý đã phát hiện căn phòng trống bên trong Đại kim tự tháp qua việc chụp ảnh nó bằng các hạt muon –một loại hạt sơ cấp hình thành từ các va chạm năng lượng cao của các proton và hạt nhân nguyên tử khác có trong tia vũ trụ với bầu khí quyển Trái đất.

Theo lý thuyết, trung bình mỗi phút có hàng chục ngàn hạt muon đi qua một diện tích bằng một mét vuông trên bề mặt Trái đất. Những hạt này trông giống với electron nhưng có khối lượng gấp 207 lần. Do rất nặng, những hạt mang điện tích âm này có khả năng đi xuyên qua lớp đá dày hàng trăm mét trước khi bị hấp thụ, trong lúc đó electron chỉ có thể đi xa được vài cm. Cũng giống như các bác sĩ dùng tia X để “nhìn” vào trong cơ thể bệnh nhân, còn các nhà vật lý dùng hạt muon để “nhìn” xuyên qua những vật thể có cấu trúc dày – như núi lửa hay các lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động. Để làm được điều đó, các nhà khoa học cần đặt thiết bị dò muon ở ngay gần với vật thể muốn tìm hiểu nhất, sau đó tính toán số lượng các hạt muon tới từ nhiều hướng khác nhau.      

Lần đầu tiên các nhà khoa học – tiên phong là nhà vật lý đạt giải Nobel Luis Alvarez đã dùng bức ảnh muon để tìm kiếm bí mật bên trong Kim tự tháp Khafre (lớn thứ hai sau Giza) là vào cuối những năm 1960, tuy nhiên lúc đó họ không phát hiện được gì vì độ nhạy của máy chưa đủ cao. Cho đến nay, công nghệ đã thay đổi và tiến bộ hơn trước rất nhiều, Tayoubi nhận định: “Tôi nghĩ Alvarez là người có tầm nhìn xa, ý tưởng của ông ấy là đúng nhưng chỉ hơi sớm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thực hiện lại thí nghiệm với Kim tự tháp Khafre để chứng minh Alvarez đúng và vinh danh ông ấy.”

Tháng 12/2015, nhà vật lý Kunihiro Morishima – ĐH Nagoya (Nhật Bản) cùng các đồng nghiệp đã đặt một thiết bị dò muon ngay bên trong phòng của hoàng hậu, nơi họ phát hiện các hạt muon có khả năng đi xuyên qua kim tự tháp từ bên trên. Vì các hạt đã bị hấp thụ phần nào, cho nên bất kỳ khoảng trống lớn nào bên trong kim tự tháp cũng có xác suất xuất hiện hạt muon lớn hơn khi sử dụng thiết bị dò. Những thử nghiệm mới đã hé lộ nhiều bất thường, cho thấy phải có thứ gì đó tồn tại ngay phía sau những bước tường đá. 

Để kiểm chứng giả thuyết này, hai nhóm các nhà vật lý khác – tới từ Tổ chức Nghiên cứu năng lượng cao Nhật Bản (ở Tsukuba), và Ủy ban Năng lượng thay thế & Năng lượng nguyên tử Pháp (ở Paris) đã đặt các thiết bị dò muon rất nhạy, tại nhiều vị trí khác nhau, ở cả bên trong lẫn bên ngoài kim tự tháp: tại phòng hoàng hậu và hàng lang liền kề, ở cả hướng Bắc, tiếp đó họ phân tích dữ liệu thu thập sau 2 đến 5 tháng. Kết quả cho thấy, giả thuyết về sự hiện diện của 3 khoảng trống lớn: tại phòng của nhà vua (nơi lưu giữ cỗ quan tài đá), phòng của hoàng hậu, và khu vực hành lang kết nối giữa hai phòng giống như một đường hầm lớn. Kết cấu này tương đối khác với những kim tự tháp được xây dựng trong cùng thời kỳ – khi các hàng lang thường được xây dựng nằm ngay trên hầm mộ đặt dưới lòng đất. Cụ thể, căn phòng này có chiều cao gần 8m, rộng 2m và dài ít nhất 30m – khá giống với một thánh đường Công giáo, nhưng hẹp hơn, và cao khoảng 20m tính từ phần nền bên trong kim tự tháp. Nghiên cứu đã được công bố trên Nature vào ngày 2/11/2017.   

Bob Brier – nhà Ai Cập học tại ĐH Long Island (Brookville, New York), tác giả cuốn sách Bí mật Đại Kim tự tháp (Smithsonian, 2008) nhận định về kiến trúc này: “Những bức tường cao, dốc và chìa ra cùng với những chiếc ghế đá huyền bí, đường hầm lớn quả là một công trình xây dựng kỳ vĩ bởi thế giới cổ đại”. Cũng theo GS Lee Thompson – chuyên gia vật lý hạt tại Đại học Sheffield vương quốc Anh, người không tham gia trong nghiên cứu: vì các nhà khoa học đã sử dụng nhiều thiết bị dò muon trong 3 thí nghiệm độc lập, cho nên các phát hiện đồng loạt về căn phòng này là rất vững chắc.  

Các giả thuyết xoay quanh

Hiện nay, vì chưa thể chui vào sâu bên trong kim tự tháp để tiếp cận căn phòng trống, người ta mới chỉ có thể đưa ra phỏng đoán về vai trò của nó. Tuy nhiên, chắc chắn đó không phải là nơi thích hợp để an táng như nhà khảo cổ Mark Lehner – giám đốc Hiệp hội nghiên cứu Ai Cập cổ đại ở Boston, người không tham gia nghiên cứu nhận định. Aidan Dodson – nhà Ai Cập học tại ĐH Bristol (Anh) cũng loại bỏ khả năng tìm kho báu thất lạc trong một khu vực trống dài tới 30m như vậy.

Thay vào đó, mục đích khi xây dựng căn phòng trống này có thể chỉ đơn giản là để hỗ trợ, làm giảm bớt áp lực từ những khối đá nặng nằm ngay phía trên và giữ cho chúng khỏi đổ xuống, bảo vệ nơi an táng xác ướp nhà vua – như Lehner nhận định. Giả thuyết về một hệ thống cân bằng lực khổng lồ như vậy cũng được Brier và kiến trúc sư người Pháp Jean-Pierre Houdin đặt ra vào năm 2007, rằng những nhà xây dựng Ai Cập cổ đại đã sử dụng một hàng lang bên trong để nâng các khối đá lên cao nhất có thể. Đồng ý với quan điểm này, Dodson nêu ví dụ về một cấu trúc tương tự trong Kim tự tháp giành cho vua Sneferu (cha của Khufu) ở Meidum (một khu vực kháccó nhiều kim tự tháp ở Ai Cập). Tuy nhiên, Colin Reader – nhà địa chất và kỹ sư độc lập tới từ Liverpool (Vương quốc Anh), người từng nghiên cứu về cách xây dựng các Kim tự tháp Ai Cập đã bác bỏ giả thuyết này khi cho rằng không gian này nằm quá xa đường hầm lớn nên không phù hợp với mục đích như vậy. Ông đặt nghi vấn: cũng giống như đường hầm lớn dẫn đến phòng nhà vua, liệu không gian này có dẫn tới một gian bí mật nào khác nằm tại vị trí cao hơn. 

Hay đơn thuần, không gian này chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, như là một lối đi dành cho linh hồn nhà vua, Tayoubi suy đoán. TS Zahi Hawass – nhà Ai cập học ở Cairo, chủ tịch hội đồng đánh giá nghiên cứu, tỏ ra rất thận trọng trong việc gọi căn phòng trống này là “phòng thiêng liêng” vì những người cổ xưa khi xây dựng kim tự tháp thường cố ý để chừa lại những khe hở lớn, nắm giữa các khối đá – khiến lõi kim tự tháp trông có vẻ giống như miếng phô-mai Thụy Sĩ.  

Trả lời cho những thắc mắc về cấu trúc và chức năng chi tiết của căn phòng trống, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều thí nghiệm chụp ảnh bằng hạt muon hơn, đi kèm với độ phân giải rõ nét hơn. Điều đó có nghĩa rằng sẽ phải đặt thêm máy dò ở khu vực bên trong và gần với kim tự tháp, dữ liệu sẽ phải thu thập lâu hơn, trong thời gian có thể lên tới cả năm, Tayoubi cho biết. Khi đã hiểu rõ cấu trúc chi tiết bên trong căn phòng trống này, các nhà khoa học có thể làm rõ [chính xác] cách mà Đại Kim tự tháp được xây dựng.

Tới nay, những phát hiện trên, mặc dù rất mới và “ấn tượng”, nhưng vẫn chưa đủ để nhanh chóng thay đổi hiểu biết của chúng ta về kim tự tháp, Lehner nhận xét. Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khác, như nhà vật lý hạt Guido Saracino – Đại học Naples Federico II (Italia), họ cảm thấy rất hứng thú với phát hiện này. Theo Saracino, công trình này đã góp phần khẳng định: vật lý hạt có giá trị ứng dụng rất lớn trong thực tiễn, bao gồm cả công việc điều tra khảo cổ học. Một ngày nào đó, những nhà khoa học có thể tìm ra cách xây dựng những kim tự tháp cổ xưa.

Hải Đăng tổng hợp

Nguồn: http://www.sciencemag.org/news/2017/11/cosmic-rays-reveal-unknown-void-great-pyramid-giza; http://www.nature.com/news/cosmic-ray-particles-reveal-secret-chamber-in-egypt-s-great-pyramid-1.22939

Tác giả