Thuốc giả khiến hơn 250 000 trẻ em tử vong mỗi năm

Mực in, sơn và asen được tìm thấy trong một số loại thuốc điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Do đó, các bác sĩ kêu gọi một nỗ lực quốc tế khẩn cấp nhằm chống lại một "đại dịch thuốc giả" đã giết chết hàng trăm ngàn người trên toàn cầu mỗi năm.

Họ cũng cảnh báo, sự gia tăng của thuốc giả và thuốc kém chất lượng đã khiến 250.000 trẻ em tử vong sau khi tiếp nhận các loại thuốc này để điều trị bệnh sốt rét và viêm phổi.  Nhiều người đã chết vì các loại vaccine và thuốc kháng sinh giả, kém chất lượng được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng cấp tính cũng như các bệnh viêm gan, sốt vàng da và viêm màng não. 
Hầu hết các trường hợp tử vong đều thuộc các quốc gia có nhu cầu dược phẩm cao trong khi các quy định, hoạt động giám sát, kiểm soát chất lượng kém khiến các băng đảng tội phạm và các nhóm độc quyền dễ dàng xâm nhập thị trường. Thông thường, khi bị bắt họ chỉ bị khép vào những tội danh nhỏ hoặc bị phạt tiền. Joel Breman, một nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Mỹ, nhận xét: “Chúng ta đang nói về tội giết người bằng thuốc giả, nhưng các hình phạt lại quá nhẹ. 
Các thử nghiệm về thuốc đã xác định được một loạt các loại thuốc giả và kém hiệu quả, bao gồm thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch và ung thư. Nhiều loại thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó có chứa mọi thứ từ mực in, sơn cho đến asen. Các loại thuốc chức năng như Viagra cũng chiếm lĩnh thị trường thuốc giả. 
Bên cạnh những loại thuốc giả do các băng đảng tội phạm sản xuất và phân phối là những loại thuốc kém chất lượng, không đủ hoạt chất để phát huy công dụng, hoặc không tan khi sử dụng. Các vấn đề này thường bị đổ cho lỗi sản xuất, nhưng nhiều loại thuốc quá hạn sử dụng hoặc biến chất do điều kiện bảo quản kém cũng được bán ra thị trường.
Trong một bài viết trên tạp chí American Journal of Tropical Medicine and Hygiene, các bác sĩ ở các cơ quan chính phủ, các trường đại học, bệnh viện Mỹ và công ty dược phẩm Pfizer đã cảnh báo về sự gia tăng của “các loại thuốc giả và không đạt tiêu chuẩn” dẫn đến “tình trạng đáng báo động đối với sức khỏe cộng đồng”. Ngoài tác hại trực tiếp mà chúng gây ra, các loại thuốc kém chất lượng là nhân tố chính thúc đẩy nguy cơ kháng kháng sinh, vốn tiếp tay cho siêu khuẩn gia tăng. 
Báo cáo nêu, tỷ lệ các loại thuốc giả và kém chất lượng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là 10%, gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 10 – 200 tỷ USD mỗi năm, và vấn đề còn đang trở nên tồi tệ hơn. Năm 2018, Pfizer đã xác định có 95 loại thuốc giả tại 113 quốc gia trong khi năm 2008 con số này mới là 29 sản phẩm tại 75 quốc gia. 
Trong một loạt các khuyến nghị, các bác sĩ kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho chương trình giám sát thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cập nhật các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó các chính phủ sẽ đảm bảo ít nhất 90% thuốc trong quốc gia có chất lượng cao. Họ cho rằng cần công khai thông tin các loại thuốc giả với công chúng. 
Một khuyến nghị khác dành cho một hiệp ước toàn cầu về chất lượng thuốc là xây dựng các biện pháp thu thập bằng chứng về các hoạt động liên quan đến thuốc giả và đưa ra các thỏa thuận dẫn độ để nghi phạm có thể bị xét xử tại các quốc gia mà chúng nhắm tới. Hiệp ước bao gồm cả những hiệu thuốc trực tuyến bất hợp pháp mà theo các bác sĩ, đang ngày càng gia tăng. 
Cộng đồng quốc tế và các công ty dược phẩm cần cải thiện tính bảo mật của chuỗi cung ứng thuốc ở tất cả các quốc gia từ điểm sản xuất đến bệnh nhân, trước mắt phải có những công cụ kiểm tra đơn giản và nhanh chóng để các bác sĩ có thể xác định được chất lượng thuốc. 
Tháng trước, WHO đã đưa ra một cảnh báo toàn cầu về một loại thuốc ung thư giả ở châu Âu và châu Mỹ. Thuốc giả được đóng gói trông giống như Iclusig, một loại thuốc ung thư dùng để điều trị cho người trưởng thành mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML) và bệnh bạch cầu nguyên tủy bào cấp tính (AML).  WHO cho biết loại thuốc này không chứa gì ngoài paracetamol. 
Michael Deats, người dẫn đầu nhóm Cảnh giác giả dược tại WHO ở Geneva, nói rằng “cần có quyết tâm chính trị cao nhất” để đảm bảo hiệu quả của các chính sách toàn cầu về thuốc giả. Hơn 110 quốc gia đã báo cáo hơn 2.000 vụ thuốc giả qua hệ thống giám sát và kiểm soát toàn cầu của WHO, và mỗi ngày lại có thêm những vụ mới. □

Thanh An lược dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2019/mar/11/fake-drugs-kill-more-than-250000-children-a-year-doctors-warn?fbclid=IwAR305iB7JPoI6psgYZKTL5UrdluyZNj8-WF1KYVhwQwjx34IP4lseNaAkok

Tác giả