Các tạp chí quốc gia: Cần tự nâng cao chất lượng xuất bản

Tại cuộc họp triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật đợt 1 năm 2019 của Quỹ NAFOSTED ngày 26/1/2019, vấn đề danh mục tạp chí quốc gia có uy tín đã được các thành viên hội đồng khoa học ngành đặt ra bởi theo quan điểm của GS. TS Ngô Việt Trung (Chủ tịch Hội đồng ngành Toán học), nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nghiệm thu đề tài do Quỹ tài trợ.

GS. TS Nguyễn Đức Chiến (Hội đồng ngành Vật lý) 

Theo thông tư 37/2014/TT-BKHCN về quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ NAFOSTED tài trợ, một trong những tiêu chí đánh giá kết quả đề tài là chủ nhiệm đề tài phải có công bố trên tạp chí quốc tế và tạp chí quốc gia uy tín. Yêu cầu cần có một bài báo xuất bản trên tạp chí trong nước để nghiệm thu đôi khi gây trở ngại cho nhà khoa học bởi theo ý kiến của GS. TS Nguyễn Văn Tuyến (Phó chủ tịch Hội đồng ngành Hóa học), “dù chúng tôi chỉ mất 1, 2 tháng để hoàn thành việc viết bài nhưng viết xong rồi không có chỗ mà đăng”. Ông phân tích, hiện nay có một bất cập nảy sinh là “một năm ngành Hóa có khoảng 60 đề tài NAFOSTED, tương đương 60 bài trong nước” trong khi ngành Hóa học chỉ có 2 tạp chí quốc gia uy tín, nên “mình không chen chân được với nghiên cứu sinh, không thể có bài báo theo yêu cầu của Quỹ được”. Do đó ông cho rằng, giải pháp cần thiết là Quỹ không nên bắt buộc phải đăng bài trên tạp chí trong nước mà chỉ nên để khuyến khích.

Với kinh nghiệm của người tham gia xét duyệt và nghiệm thu đề tài Quỹ NAFOSTED nhiều năm, GS. TS Nguyễn Đức Chiến (Chủ tịch Hội đồng ngành Vật lý) chia sẻ những suy nghĩ của GS. TS Nguyễn Văn Tuyến. Nhìn từ ngành Vật lý – nơi có số lượng hồ sơ lớn, “có đợt 100, 120 đề tài”, ông cho rằng, “nếu áp dụng quy định mỗi đề tài phải có một công bố trên các tạp chí quốc gia có uy tín thì số tạp chí quốc gia có uy tín ngành Vật lý không thể kham nổi. Chờ thế nào đó để có được bài báo trên tạp chí quốc gia có uy tín cũng là có vấn đề với các chủ nhiệm đề tài”. GS. TS Nguyễn Văn Quảng (Hội đồng ngành Toán học) xác nhận tình trạng tương tự ở ngành toán, “chỉ có hai tạp chí quốc gia uy tín, việc các nhà khoa học ngành toán đăng bài trên các tạp chí này còn khó hơn đăng quốc tế”.

Tuy nhiên, GS. TS Nguyễn Quang Liêm (Hội đồng ngành Vật lý), nêu vấn đề: nếu “bỏ quên” tạp chí quốc gia, không đăng bài trên các tạp chí quốc gia uy tín thì đến bao giờ các tạp chí trong nước mới phát triển được? “Chúng ta cần có sự hài hòa trong yêu cầu công bố trên tạp chí quốc tế và tạp chí quốc gia có uy tín bởi chúng ta cần có đủ bài có chất lượng để đăng trên các tạp chí quốc gia có uy tín thì mới có thể góp phần nuôi dưỡng được chất lượng của các tạp chí này”, ông nói.

Là tổng biên tập tạp chí Advances in natural Sciences (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp xuất bản với IOP Publishing), ông cũng chia sẻ thông tin: một số tạp chí quốc gia ở trong tình trạng “thiếu bài nên cứ chờ mãi để khi có đủ bài thì xuất bản”, ví dụ Tạp chí Hóa học – Journal of Chemistry do VAST hợp tác xuất bản với NXB Wiley “lúc nào cũng bù đầu vì không lúc nào có đủ bài để đăng” và ngay cả Advances in natural Sciences thì cũng có số không có bài của tác giả Việt Nam. Do vậy ông đề nghị, đây là những tạp chí quốc tế nhưng không loại trừ vai trò “là tạp chí quốc gia mà chúng ta có chủ quyền” nên có thể công nhận những bài đăng ở đó như đăng ở tạp chí quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn cần một giải pháp có tính lâu dài mà ông đặt ra là bản thân các tạp chí quốc gia cần phải thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng của chính mình, phải xứng tầm với tiêu chuẩn “uy tín”, đồng thời phải tạo điều kiện để các nhà khoa học chưa có thể có được công bố quốc tế thì có thể có nơi đăng tải bài báo.

Hiện giải pháp nâng cao chất lượng của tạp chí trong nước cũng gặp một số thuận lợi về chính sách, trong đó sự hỗ trợ từ chính Quỹ NAFOSTED thông qua quy định của Thông tư 09/2015/TT-BKHCN về quy định quản lý hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia với việc hỗ trợ ở các mục như kinh phí đánh giá chất lượng tạp chí, phí xuất bản, thuê biên tập viên tiếng Anh trong vòng hai năm đầu.

Còn về trước mắt, để đảm bảo được tiêu chí ít nhất các công bố từ đề tài do Quỹ tài trợ đạt tỷ lệ từ 15 đến 20% số bài trong năm, các nhà khoa học thống nhất cần có sự thảo luận kỹ trong các hội đồng để sớm lựa chọn và đề xuất danh mục các tạp chí quốc gia có uy tín với Quỹ, không để ảnh hưởng đến việc nghiệm thu đề tài ở những đợt phê duyệt tiếp theo.

 

Tác giả