Cơ chế tài chính: Nút thắt của mô hình quỹ

Nếu không có một cơ chế tài chính hợp lý, sẽ rất khó để các quỹ và dự án mang tính thí điểm về chính sách đầu tư cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ do Bộ KH&CN quản lý đạt được mục tiêu đề ra.

Dự án nghiên cứu công nghệ chế tạo vaccine phòng bệnh tiêu chảy thành dịch (PED) cho lợn nuôi trang trại Dự án FIRST tài trợ, Công ty cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet thực hiện. Nguồn: Marphavet

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch công tác năm 2019 của Khối Ban và Quỹ (Bộ KH&CN) vào chiều ngày 17/12/2018, không hẹn mà gặp, cả Quỹ Đổi mới KH&CN quốc gia (NATIF) và Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (FIRST) đều đề cập đến cơ chế tài chính – yếu tố dẫn đến những khó khăn bủa vây quanh việc họ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới của các doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù trong một vài năm trở lại đây, chủ trương của Bộ KH&CN là “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” cho các hoạt động phát triển và ứng dụng KH&CN nhưng với các doanh nghiệp tư nhân – đối tượng thụ hưởng quan trọng của cả NATIF và FIRST, thì dường như đều rất khó tiếp cận với nguồn vốn hoặc nếu tiếp cận được thì lại rơi vào tình cảnh khó giải ngân.

Doanh nghiệp khó tiếp cận

Không phải tới buổi họp tổng kết chiều ngày 17/12, người ta mới biết đến hiện trạng doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn do NATIF và FIRST quản lý và số doanh nghiệp “qua cửa” xét chọn cũng không nhiều. Ở hội thảo “Đổi mới công nghệ: Vai trò của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN và cơ quan quản lý” do NATIF tổ chức vào tháng 11/2017, nhiều doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã thực hiện một số đề tài cấp bộ, cấp viện hàn lâm và quen với cơ chế tài chính, cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước nhưng vẫn thấy khó đáp ứng được những yêu cầu của Quỹ.

Chính những trở ngại trong các quy trình xét chọn về cả nội dung công nghệ lẫn tài chính khiến có doanh nghiệp như Nafoods – một công ty xuất khẩu nước ép chanh leo cô đặc, đã quyết định không xin tài trợ để xây dựng tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu từ NATIF nữa vì “nếu chờ Quỹ thì chắc nhà máy vẫn còn chưa khánh thành được” như lời phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Trong cuộc họp tổng kết, ông Nguyễn Đình Bình, giám đốc NATIF cũng thừa nhận thực trạng, kể từ giai đoạn chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, “chúng tôi đã chọn được 184 đề xuất từ 300 hồ sơ đề xuất gửi đến và tiến hành ký 27 hợp đồng tài trợ. Hiện còn có 57 nhiệm vụ đang được thẩm định để có thể tiến hành ký hợp đồng”. Báo cáo tổng kết năm 2018 của NATIF nêu, Quỹ đã tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lần 1, giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu cho 20 nhiệm vụ và cho đến thời điểm hiện nay, Quỹ mới trong giai đoạn triển khai thực hiện 3 đề tài và 1 dự án cấp bộ.

Tình hình của FIRST dường như có vẻ sáng sủa hơn NATIF khi hợp phần “Tài trợ cho nhóm hợp tác nghiên cứu về KHCN và đổi mới sáng tạo” của họ đã lựa chọn được 18 nhóm liên kết bao gồm 70 doanh nghiệp cùng 19 viện nghiên cứu, 11 trường học và 6 bệnh viện phối hợp thực hiện dự án, trong đó có những dự án “triệu đô đình đám” như “Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam” với Nhóm hợp tác do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đứng đầu, “Nghiên cứu công nghệ chế tạo vaccine phòng bệnh tiêu chảy thành dịch (PED) cho lợn nuôi trang trại” với nhóm hợp tác do Công ty cổ phần thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet đứng đầu. Thoạt nhìn bên ngoài thì như vậy nhưng theo những gì ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý FIRST, báo cáo thì trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc dự án vào năm 2019, “tổng giải ngân đến thời điểm này mới chỉ hơn 35% và hy vọng đến ngày 31/1/2019, mức độ giải ngân sẽ đạt 45% theo chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng như cam kết với World Bank”.

Vướng mắc trong giải ngân

Các doanh nghiệp được NATIF hay FIRST phê duyệt hồ sơ, dù ở lĩnh vực hoạt động nào, cũng đều gặp nhau ở một điểm: vướng mắc trong giải ngân, chậm tiến độ thực hiện dự án. Ông Lương Văn Thắng báo cáo, mặc dù “đầu tư cho các doanh nghiệp cũng có những điểm sáng ban đầu, thực sự bỏ tiền để tham gia quá trình thương mại hóa công nghệ, FIRST bỏ 1 đồng thì các doanh nghiệp cũng bỏ ra 1 đồng” nhưng tiến trình giải ngân cũng chậm chạp. Theo giải thích của ông Thắng, FIRST phải hoạt động trên những quy định của World Bank, của nhà nước, “những hành lang pháp lý theo các dạng như vậy khiến cơ chế ở FIRST gặp rất nhiều khó khăn” trong khi “cơ chế giám sát trong FIRST rất khủng khiếp, chúng tôi tính có 8 tầng giám sát, từ World Bank giám sát sang, các quy định nội bộ của Việt Nam, nhất là khi sử dụng ngân sách quốc gia để tài trợ cho doanh nghiệp tư nhân”. Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Lương Văn Thắng chỉ nói thêm một cách ngắn gọn về nguyên nhân chậm giải ngân là “chưa có sự hài hòa trong các quy định quản lý tài chính, ở đây là quy định của World Bank với những quy định của Việt Nam về quản lý dòng vốn từ World Bank và những quy định về việc đầu tư cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam”.

Do đó, ông Lương Văn Thắng cũng thừa nhận quy trình tiếp cận vốn do FIRST quản lý của các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục.

Trong khi đó, câu chuyện của NATIF lại mang màu sắc khác. Theo ông Nguyễn Đình Bình, mặc dù “về cơ bản cũng có đủ các văn bản pháp lý về chức năng tài trợ để quỹ có thể triển khai tài trợ” nhưng trên thực tế vẫn “chưa có kinh phí để thực hiện”. Trong báo cáo năm 2018, NATIF cho biết năm 2018, Quỹ chỉ giải ngân được 4 nhiệm vụ mới cho 3 công ty TNHH một thành viên Thế hệ mới Phú Thọ, công ty cổ phần Beton 6, công ty 3T Robotic.

Ông Bình phân trần khó khăn mà NATIF đang phải đối mặt, “các dự án của chúng tôi đã qua 1 năm, đến thời kì kiểm tra tiến độ, đánh giá để giải ngân lượt 2, thế nhưng không có kinh phí đi kiểm tra tiến độ. Nếu không kiểm tra được thì không thể giải ngân được lần 2”. Khó khăn này không chỉ mình NATIF phải hứng chịu mà cả doanh nghiệp cũng liên đới. “Dự án của doanh nghiệp đi rất nhanh, họ thực hiện được phần việc sử dụng tiền đối ứng rồi, họ chưa dùng tiền của mình. Thế nhưng đến lúc mình kiểm tra thì mình lại không đánh giá được, không công nhận được những chứng từ trên phần việc họ thực hiện. Vì mình chưa công nhận cái này thì họ thực hiện được cái tiếp theo”, ông Bình nói.

Thiếu kinh phí tài trợ cũng là nguyên nhân khiến trong 3 đề tài và 1 đề án cấp bộ đang được Quỹ triển khai thực hiện, chỉ có 1 đề án đang có tiền để thực hiện, 3 đề tài tuy hết thời gian thực hiện nhưng không đủ tiền giải ngân.

Vì đâu nên nỗi?

Công ty Robot 3 T là một trong số ít những công ty được NATIF giải ngân. Nguồn: Công ty Robot 3T

Khó khăn của FIRST và NATIF đều được mọi thành viên tham gia cuộc họp ngày 17/12 chia sẻ. Khác với Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) – nơi cơ chế vận hành đi vào nề nếp sau 10 năm hoạt động và đối tượng thụ hưởng chủ yếu vẫn là các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cũng khác với Dự án Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) – vốn “không phải là một thiết chế tài chính” như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thu Hương, giám đốc IPP, cả NATIF và FIRST đều đi tiên phong trong đầu tư vào hoạt động đổi mới sáng tạo và R&D cho doanh nghiệp tư nhân trong khi cơ chế tài chính cho các hoạt động đó còn chưa rõ ràng là theo Luật KH&CN hay Luật Ngân sách nhà nước.

Theo diễn giải của NATIF, theo quy định tại thông tư liên tịch số 120/2014/TTLT/BTC-BKHCN thì “Quỹ được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phi hoạt động thường xuyên như đối với đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định hiện hành”, tuy nhiên theo điều 12 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Ngân sách nhà nước lại quy định “ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”. Do đó, thực trạng của NATIF theo ông Nguyễn Đình Bình là “khi chiểu theo Luật Ngân sách nhà nước thì Quỹ đương nhiên là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước nên Bộ Tài chính không phê duyệt kinh phí”.

Ở góc độ một người quản lý một tổ chức “vận hành theo cơ chế quỹ”, TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc NAFOSTED, nhận xét với cơ chế tài chính của tổ chức quỹ như NAFOSTED hay NATIF thì “thực ra vẫn còn độ vênh về cơ chế giữa hoạt động Luật KH&CN và Luật Ngân sách…” Tuy đã hoạt động 10 năm nhưng mô hình mà NAFOSTED đang triển khai cũng như mô hình của NATIF vẫn còn chưa được phân biệt một cách rõ ràng là “quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hay là đơn vị sự nghiệp”. Anh phân tích, “mỗi cái đều có khó khăn riêng”, giả thử chọn một trong hai mô hình cũng “đều rất khó để hoạt động” vì “quỹ thì không được bổ sung vốn còn nếu là đơn vị sự nghiệp thì phải cấp kinh phí theo cơ chế dự toán”. Nếu rơi vào trường hợp thứ hai thì chắc chắn NAFOSTED sẽ khó giữ được sự thông thoáng trong giải ngân và nghiệm thu đề tài mà “khối lượng công việc để giải quyết vấn đề của một đề tài sẽ lên gấp ba lần, ví dụ như Quỹ hỗ trợ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp có 7, 8 nhiệm vụ thôi nhưng khối lượng công việc này so với các đề tài của Quỹ thì phải lên tới 100 nhiệm vụ”, TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết.

Tuy cùng gặp khó khăn trong cơ chế nhưng với FIRST, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn bởi Dự án sẽ kết thúc thời gian hoạt động vào năm 2019, còn với NATIF thì dường như không có đường lùi. Để có thể thực hiện tốt mục tiêu như kỳ vọng, có lẽ NATIF cần được vận hành theo những cơ chế đổi mới hơn, không chỉ ở cơ chế tài chính, cấp phát kinh phí mà còn ở quy trình xét duyệt, thẩm định dự án.

Qua ba vòng kêu gọi, FIRST đã lựa chọn được 18 nhóm liên kết bao gồm 70 doanh nghiệp, 19 viện nghiên cứu, 11 trường đại học và 6 bệnh viện cùng phối hợp các tiểu dự án. Việc tài trợ cho các nhóm liên kết là cơ hội để các tổ chức KH&CN hợp tác với các doanh nghiệp và cùng nhau phát triển năng lực sáng tạo, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các khách hàng hiện tại và tương lai, đồng thời thu hút 19 tỷ đồng tiền vốn đối ứng thực hiện các tiểu dự án từ khu vực doanh nghiệp. Một số tiểu dự án đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế xã hội như nghiên cứu tảo xoắn làm thực phẩm chức năng: tảo bột, tảo tươi từ tảo Spirulina; sản xuất tảo sử dụng làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Quy trình công nghệ sản xuất tảo; Sản phẩm chế phẩm từ tảo Spirulina để sử dụng xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản; sản xuất phân bón hữu cơ từ tảo Spirulina và các phụ phẩm trong nuôi trồng tảo; đã triển khai thực hiện trên quy mô công nghiệp.
 

Tác giả