Công bố quốc tế trong KHXH&NV: Bài toán “con gà quả trứng”
Lựa chọn tạp chí nào để xuất bản các công trình của mình và cách nào loại trừ được các tạp chí yếu kém khỏi danh mục tạp chí uy tín là nội dung cuộc trao đổi của Tia Sáng với giáo sư Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội).
GS Lâm Thị Mỹ Dung.
Chủ đề chất lượng các công bố quốc tế cũng như tiêu chí lựa chọn các tạp chí phù hợp để đăng bài và đánh giá các danh mục ấy đang được các nhà nghiên cứu khoa học rất quan tâm. Quan điểm của bà và các đồng nghiệp quốc tế trong lĩnh vực khảo cổ học như thế nào?
Nhìn từ góc độ nhà nghiên cứu trong ngành khảo cổ học thì có thể thấy có hai dạng lựa chọn để công bố: Thứ nhất là những dạng công bố nghiên cứu chuyên sâu, trên các tạp chí chuyên ngành hẹp chỉ dành cho giới nghiên cứu khảo cổ học ở cả trong nước và quốc tế. Thông thường, chúng tôi ưu tiên công bố trên các tạp chí này những nghiên cứu theo hướng mình chuyên tâm cả đời, vì đấy mới là nơi có đúng đối tượng độc giả đọc nghiên cứu chuyên sâu của ngành. Bên cạnh đó sẽ có những bài công bố ở các tạp chí mang tính phổ quát có nội dung đề cập ở phạm vi rộng, mang tính liên ngành.
Chúng tôi cần cả hai dạng công bố này vì dạng một là để thảo luận với các chuyên gia trong ngành mình, còn dạng hai là để thảo luận với các liên ngành khác và xa hơn nữa là đóng góp vào việc truyền bá tri thức khoa học nói chung ra công chúng. Nhưng khi đánh giá vai trò của một chuyên gia thì các hội đồng sẽ đánh giá chủ yếu dựa trên các bài công bố ở tạp chí chuyên ngành mà anh theo đuổi. Mặt khác, các hội đồng xét duyệt đề tài các cấp, các quỹ chủ yếu là theo ngành và chuyên ngành.
Có ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục chọn danh mục tạp chí uy tín, trong đó có tính trọng số cho các tạp chí theo các mức độ khác nhau?
Để đảm bảo chất lượng công bố quốc tế, tôi nghĩ việc chọn và thảo luận danh mục tạp chí, thậm chí nếu có đòi hỏi tính trọng số cho các tạp chí thì vẫn là chưa đủ, đúng hơn là phải tính trọng số cho từng công bố. Bởi vì bạn cũng biết, có những tạp chí có dấu hiệu rởm rõ ràng có thể loại trừ được ngay, thì vẫn có nhiều tạp chí cao thấp làng nhàng ở các ranh giới khác nhau. Trong xu thế vẫn đương hỗn loạn như thế khó mà ngăn được các nhà khoa học công bố ở các địa chỉ khác nhau cũng như khó mà lựa chọn ra được danh mục tạp chí tốt ngay.
Do vậy, bản thân các hội đồng phải đọc, phải đánh giá dựa trên từng bài bên cạnh việc kiểm tra xem bài báo đó được đăng ở đâu, đăng kiểu gì. Nếu trong hội đồng không đủ người để đọc các công bố ở các ngành hẹp thì phải mời chuyên gia bên ngoài, ví dụ như Hội đồng ngành của tôi vừa rồi đã phải gửi các công bố của ứng viên cho các nhà khoa học ngoài hội đồng thẩm định và liên lạc với một số đồng nghiệp ở nước ngoài để xác định mức độ uy tín của tạp chí hay nhà xuất bản mà ứng viên đăng bên cạnh việc các thành viên hội đồng thẩm tra dựa vào nhiều kênh khác nhau. Trong hội đồng chức danh liên ngành Sử năm nay đã có thêm thành viên là nhà khoa học nước ngoài. Các hội đồng của chuyên ngành và liên ngành mà tôi tham gia ở Nafosted hay Hội đồng chức danh giáo sư mấy năm nay số hồ sơ không nhiều, đấy cũng là điều kiện để việc đánh giá thẩm định kỹ hơn tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Ở mức cuối cùng, để đảm bảo chất lượng chính cho các nghiên cứu, vẫn cần tới trách nhiệm và vai trò của hội đồng khoa học.
Gần đây trên thế giới có hiện tượng là các siêu tạp chí đa ngành (mega journal) mới nổi, thường chấp nhận đăng nhiều bài, có tốc độ đăng bài nhanh, không quá đòi hỏi các công bố phải thực sự mới mẻ, đột phá. Theo bà, ngành của bà và giới KHXH&NV sẽ “chọn mặt gửi vàng” như thế nào?
Vì ngành của tôi tương đối đặc thù nên tôi chỉ có thể nói kinh nghiệm của mình mà khó đại diện cho các ngành khác. Về phía cá nhân mình, tôi vẫn chọn các tạp chí trong chuyên ngành của mình, và nếu có điều kiện thì sẽ viết thêm các bài cho các tạp chí liên ngành. Nhưng có lưu ý rằng, đây là các tạp chí có mức độ bình duyệt chặt chẽ chứ không phải là “đồ ăn nhanh”. Bởi vì, có thể ở một số lĩnh vực khác, các chủ đề khác cần đăng nhanh, ví dụ như khoa học ứng dụng hoặc là chủ đề dịch bệnh Covid-19 … nhưng khoa học cơ bản như ngành của chúng tôi thì không thể bình duyệt và đăng nhanh chỉ trong một vài tháng như vậy được.
Hiện nay cũng có hiện tượng một số nhà xuất bản rất tích cực gửi nhiều thư mời chào công bố, tôi thường từ chối ngay. Ví dụ, năm 2018, tôi đi hội thảo Khảo cổ học Đông Nam Á ở Bangkok, vừa về tới Hà Nội thì đã nhận được một đống thư mời chào đăng bài cho số đặc biệt, và ban tổ chức hội thảo phải gửi cho tất cả các nhà khoa học nói rõ là họ không gửi những lá thư mời chào như vậy, đề nghị các nhà khoa học không đăng ở đó, mà các bài của hội thảo sẽ được chọn và phản biện theo quy trình để đăng trên tạp chí chuyên ngành của khu vực. Nói vậy để thấy rằng có khá nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài sẵn lòng cung cấp dựa trên nhu cầu phải xuất bản quốc tế của các nhà khoa học không chỉ Việt Nam.
Tôi vẫn nói với các bạn trẻ là “mình nghiên cứu mãi mới được một vấn đề, vậy thì hãy cố gắng chọn lọc ở các tạp chí vừa tầm với mình nhưng phải đảm bảo các tiêu chí bình duyệt và độc giả của các tạp chí ấy là ai, đăng ở đó thì các nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực mình quan tâm có trích dẫn, thảo luận lại với mình hay không”.
Bạn đã hỏi danh mục tạp chí có uy tín thì tôi nói luôn là các danh mục của Quỹ Nafosted hay thông tư hướng dẫn của Hội đồng Chức danh giáo sư vẫn chưa thực sự phù hợp với bức tranh của ngành KHXH&NV, ví dụ hội đồng ngành của tôi đã phải loại trừ những ứng viên, hoặc các bài công bố chất lượng tốt ở các tạp chí tốt của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vì nó không nằm trong danh mục tạp chí được tính là có uy tín, mặc dù đó đều là những công trình nghiêm túc. Đây cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận nhiều, nhưng có lẽ là vẫn phải thảo luận nữa, tiếp tục thu hẹp lại một số tạp chí chưa tốt nhưng ngược lại là phải mở ra một số tạp chí khác nữa hay chương sách ở các nhà xuất bản có uy tín mà giờ chưa có trong danh mục.
Có một chiến lược, với nguồn lực con người được đào tạo, có liên kết ngành sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ và có nhiều công bố quan trọng. Ảnh: Bãi cọc Cao Quỳ, Hải Phòng mới được phát hiện vào năm 2019, từng được dự đoán rằng là một phần của thế trận cọc Bạch Đằng trước đây nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Chính vì các tiêu chí đó đang quá ngặt nghèo nên thời gian gần đây các bạn trẻ cũng không mấy khi dám nộp hồ sơ xin đề tài ở ĐHQG hay Nafosted. Vì một số bài họ viết không được chấp nhận trong danh mục uy tín nữa, trong khi với các bạn trẻ trong KHXH&NV, để điền dã, khảo sát, khai quật, thu thập số liệu, phân tích … cho đến lúc đăng được một bài là mất mấy năm rồi chứ không ít.
Bà vừa nhắc tới việc có ít hồ sơ xin tài trợ trong KHXH&NV vì chưa đạt tiêu chuẩn. Vậy khó có thể ngay lập tức đòi hỏi ngành này phải hội nhập khi chưa có sự chuẩn bị nền tảng và bài bản?
Nhìn chung chúng ta vẫn đang loay hoay không thoát ra được những hạn chế cũ, một mặt mong muốn đáp ứng được những chuẩn mực của quốc tế để nâng lên gần tiệm cận với trình độ của thế giới, mặt khác lại muốn thúc đẩy một quy trình quá nhanh. Mấy năm trước chưa có bài nào, năm nay đã đùng một cái muốn đăng tới mấy bài thuộc danh mục ISI, Scopus, thì làm sao có thể đáp ứng được, nhất là với những nhà khoa học trẻ. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, có nhiều liên hệ với các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới, được một số cộng đồng học thuật biết đến rồi mà vẫn cần thời gian chứ đừng nói tới người trẻ.
Hầu như chúng ta chưa có lộ trình khoa học từng bước một ngay từ khâu lên kế hoạch nghiên cứu. Ví dụ trong nghiên cứu khảo cổ, một đề tài hầu như chỉ dành kinh phí cho đi khai quật là chính, còn quy trình để phân tích ra được những hiện vật mang về từ khai quật có thể mất cả mấy năm trời thì phải huy động nhiều nguồn lực, nhiều chuyên gia và nhiều lab khác nhau thì lại không được đề ra trong kế hoạch. Ngay một nghiên cứu phức hợp di tích thuộc thời đại kim khí ở Đầu Rằm, Quảng Ninh của chúng tôi, chỉ riêng phân tích vỏ sò hay xương động vật hoặc hàng trăm mẫu than đã cần chuyên gia riêng. Để đăng tải quốc tế không phải chỉ có khai quật lên rồi báo cáo là đăng được, mà cần phải đảm bảo nhiều khâu, từ việc lấy số liệu có đúng quy trình không? có thể kiểm tra chéo không? phân tích ở phòng thí nghiệm nào? Nguồn nhân lực của anh có được đào tạo bài bản từ trước để “đọc” được các thông tin ấy hay không? Chưa kể, một thách thức lớn nữa là về cơ bản chúng ta mới hội nhập chưa lâu, chưa cập nhật nhiều lý thuyết và phương pháp mới, thậm chí mang nhiều định kiến trong nghiên cứu.
Đơn cử như cả bạn và tôi đều tin Cổ Loa chắc chắn là của An Dương Vương rồi, vì chúng ta được dạy như thế nhưng không bao giờ đặt câu hỏi tại sao lại của An Dương Vương, những câu chuyện về An Dương Vương được hình thành từ khi nào? Chỉ cần một nhà nghiên cứu phương Tây hỏi câu ấy thôi là phải xem lại quá trình nghiên cứu và cách đặt vấn đề. Hoặc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở vùng Mê Linh được cho là dựa trên nền tảng của văn hóa Đông Sơn bản địa, nhưng ở Mê Linh không có nhiều di tích Đông Sơn và chúng ta phải xem kỹ địa danh và phạm vi của địa danh cổ. Nghiên cứu chính là quá trình hoài nghi và lý giải những hoài nghi. Nhưng suốt một thời gian dài chúng ta ít hoài nghi!
Vấn đề thứ hai, nhìn vào bối cảnh các đơn vị nghiên cứu KHXH trong nước thì sẽ thấy điểm khó nữa là mỗi nơi làm một kiểu: Có những đơn vị như ĐHQG HN khi làm đề tài nghiên cứu khoa học cần phải có công bố quốc tế, thì ở một số nơi khác không coi trọng mà vẫn chỉ tập trung đề cao nhiệm vụ chính trị và công bố trong nước.
Vậy chiến lược thúc đẩy công bố được vạch ra như thế nào?
Phải thành thật mà nói, chúng ta nói thúc đẩy công bố quốc tế trong KHXH&NV nhưng chưa có một chiến lược bài bản. Kết quả phần lớn là nỗ lực của từng cá nhân là chính, chưa hình thành các định hướng lớn cần các nhóm mạnh, liên ngành cùng tham gia giải quyết. Nhưng để đưa ra được những định hướng nghiên cứu thì chúng ta lại vướng bài toán “con gà quả trứng” là không chỉ nguồn nhân lực của từng ngành chưa thực sự được đào tạo bài bản mà tính liên ngành còn yếu, chưa có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành, liên quốc gia trong KHXH.
Nhưng cũng quay trở lại chiến lược, vì chúng ta không có chiến lược nghiên cứu chung và tổng thể từ đầu nên không có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực mới là điều quan trọng bậc nhất, chẳng hạn khi những người làm khảo cổ rất cần sự tham gia ngay từ đầu và toàn thời gian của chuyên gia cổ nhân học, môi trường cổ, động vật, thực vật cổ, bảo tồn, thực nghiệm… thì gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân lực và phương tiện, thành ra phải nhờ cậy vào chuyên gia và các phòng thí nghiệm nước ngoài.
Bên cạnh việc đăng bài quốc tế để hội nhập thì phải quyết liệt nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước. Trong ảnh: Tạp chí KHXH&NV của ĐH Quốc gia Hà Nội, dù mới thành lập năm 2015 nhưng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn thuộc danh mục các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.
Vậy theo đánh giá của bà thì việc công bố trong nước có vai trò gì?
Tôi và các đồng nghiệp đã nói rất nhiều lần, đầu tiên là phải nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước. Đây mới là vấn đề của mình. Vì mình đăng chủ yếu trong nước, cho nên nếu anh không nâng cao chất lượng, không xiết chặt đầu vào và quy trình phản biện thì vô hình trung anh nhất bên trọng anh nhất bên khinh à? Tạp chí của quốc gia, cho sự nghiệp khoa học của đất nước này tại sao không được quan tâm? Mặt khác, nâng cao tiêu chuẩn công bố trong nước tiệm cận với thế giới thì mới trở thành bước đệm cho nhà nghiên cứu “tập dượt” tới không gian học thuật quốc tế được. Như vậy bên cạnh việc đăng bài quốc tế để hội nhập thì phải quyết liệt nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước.
Suy cho cùng, không nhất thiết chỉ có duy nhất công bố quốc tế, nhất là công bố ở các tạp chí top đầu ở Âu Mỹ. Anh có thể công bố ở tạp chí Khảo cổ học trong nước hoặc tạp chí của một nước Đông Nam Á khác nhưng sẽ được đồng nghiệp trong khu vực thảo luận lại, thì đó là điều có giá trị cả. Bởi vì, thông thường, điều đầu tiên mà giới nghiên cứu khảo cổ học quốc tế đến đây là tìm mua tạp chí Khảo cổ học để xem các nhà khoa học Việt Nam đang nghiên cứu gì. Mặt khác, chính họ khi nghiên cứu về Việt Nam đều có kế hoạch đăng bài đăng trên tạp chí Việt Nam bên cạnh việc đăng tạp chí quốc tế. Các nhà nghiên cứu ấy cũng muốn đăng ở đây như là đóng góp lại cho Việt Nam, vì nghiên cứu cuối cùng là để phục vụ cho chính cộng đồng cư dân ấy. Nhìn những nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế về khảo cổ học Việt Nam, chúng ta dễ thấy rằng rất nhiều trích dẫn từ các bài tạp chí của các nhà khoa học Việt Nam xuất bản ở Việt Nam và bằng tiếng Việt! Đó cũng là lý do để chúng ta tập trung nâng cao chất lượng học thuật của những bài nghiên cứu đăng trong nước!
Thời gian gần đây, tôi thường cùng thảo luận với các nhà khoa học trong khu vực Đông Nam Á và chúng tôi cùng đặt câu hỏi, tại sao không thể phát triển được tờ tạp chí để chính giới học thuật trong khu vực này có thể thảo luận cùng nhau, thay vì trước đây mỗi nước cứ độc lập nghiên cứu đăng bằng thứ tiếng riêng của mình, để rồi sau đó cứ phải đọc về chính khu vực mình, chính người láng giềng của mình thông qua con mắt các nhà nghiên cứu phương Tây. Và kết quả rất đáng khích lệ đó là tạp chí của SEAMEO SPAFA, Tổ chức khu vực về khảo cổ học và Nghệ thuật đã vừa được lập chỉ mục trong Scopus và Thư mục các tạp chí truy cập mở.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!□
Thu Quỳnh thực hiện