Đào tạo tiến sĩ: Để có đầu ra mong muốn

Lời tòa soạn: Bộ GD&ĐT mới ra thông tư hướng dẫn về đào tạo tiến sĩ, trao quyền tự chủ cho các trường đảm bảo chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh (NCS), chấp nhận NCS công bố cả trong nước thay vì chỉ công bố quốc tế như 4 năm trước. Thay đổi này gây tranh cãi khi có những người lo ngại khung tối thiểu là công bố trong nước sẽ làm giảm chất lượng đầu ra của đào tạo tiến sĩ, đồng thời lại có ý kiến cho rằng sự thay đổi là cần thiết vì NCS các ngành nhân văn rất khó có thể đáp ứng yêu cầu công bố quốc tế. Tuy nhiên đa số các ý kiến thống nhất cho rằng không thể dùng chung một khung đầu ra cho tất cả các ngành. Bên cạnh đó việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ không chỉ phụ thuộc vào phương thức kiểm soát chất lượng đầu ra mà còn đòi hỏi những cải thiện cơ bản trong chương trình đào tạo, chất lượng người thầy hướng dẫn, môi trường học thuật và những thay đổi trong nhận thức xã hội về mục đích và bản chất của việc đào tạo tiến sĩ.

Gốc rễ của đào tạo không phải chỉ là chuyện đăng bài báo khi bảo vệ luận án mà ở quá trình đào tạo, kiến thức mà người thầy có thể trang bị thực sự cho nghiên cứu sinh. 


Phải có đánh giá tác động của các quy chế 

Mới đây, Bộ GD&ĐT ra thông tư hướng dẫn mới về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt là quy chế 2021), đã khiến giới học thuật liên tục bàn luận xung quanh một số điểm điều chỉnh “mức sàn công bố” của nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ và người hướng dẫn giảm xuống chỉ cần tối thiểu có công bố trên các tạp chí trong nước đạt 0,75 điểm theo danh mục của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, so với thông tư hướng dẫn ra đời vào năm 2017 (gọi tắt là quy chế 2017) yêu cầu phải có hai bài tạp chí quốc tế hoặc hội thảo quốc tế. Liệu quy chế mới này, hoặc quy chế cũ có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo trong nước là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra. 

Đa phần giới khoa học đều đã thống nhất, việc quốc tế hóa đào tạo nghiên cứu sinh là bắt buộc nhưng để thay đổi các tiêu chí đầu ra của chương trình đào tạo NCS theo tiêu chí đó, cần có sự khảo sát kỹ lưỡng về hiện trạng đào tạo, khả năng đáp ứng của các trường, các ngành. Nếu như hầu hết các ngành khoa học tự nhiên đều đạt được sự đồng thuận về tiêu chuẩn công bố quốc tế của NCS thì đối với phần lớn các ngành khoa học xã hội vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. 

Đối với quy chế 2017, để đánh giá được mức độ ảnh hưởng của nó tới chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh thì thời gian 4-5 năm kể từ 2017 tới nay là quá ngắn, thậm chí có nhiều NCS theo quy chế này còn chưa tốt nghiệp. Có lẽ chúng ta cần phải thêm năm năm nữa để đánh giá, xem xét chất lượng luận án của nghiên cứu sinh cùng với chất lượng, số lượng các bài đã công bố của họ trước và sau khi bảo vệ luận án. Chúng ta có thể xem xét những NCS theo quy chế 2017 có tiếp tục công bố quốc tế sau khi tốt nghiệp hay không và so sánh họ với nhóm NCS không theo quy chế 2017.

Mặt khác, cũng cần khảo sát NCS vào học theo quy chế 2017 để đánh giá thực trạng đào tạo khi áp dụng chuẩn cũ, những khó khăn mà học viên cũng như giảng viên hướng dẫn gặp phải khi hướng tới tiêu chuẩn công bố quốc tế. 

Về tổng thể, cá nhân tôi nghĩ rằng quy chế 2021 hạ mức sàn chuẩn đầu ra có lẽ sẽ làm giảm chất lượng nghiên cứu cũng như đào tạo NCS. Việc yêu cầu xuất bản quốc tế sẽ hướng sinh viên vào việc quan tâm nhiều hơn đến các nghiên cứu hiện nay trên thế giới và nỗ lực hơn trong việc đọc tài liệu và viết bài báo bằng tiếng Anh. Tuy nhiên “hàng rào kỹ thuật” đầu ra này cũng là biện pháp tạm thời. Bởi vì gốc rễ của đào tạo không phải chỉ là chuyện đăng bài báo trước khi bảo vệ luận án mà ở kiến thức trang bị thực sự cho NCS như thế nào và người hướng dẫn ra sao. Ở châu Âu hay Mỹ, hầu hết các trường không yêu cầu NCS có công bố trước khi tốt nghiệp, vì họ tin vào chất lượng đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu của giáo viên. Về lâu dài để hướng tới công bố quốc tế thì phải đảm bảo nhiều yếu tố như chương trình đào tạo đạt gần với tiêu chuẩn quốc tế, trình độ của giáo viên hướng dẫn, cũng như bản thân NCS dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu.

Với một số quốc gia ở châu Á như Đài Loan, Thái Lan và Malaysia thì chất lượng đào tạo tiến sỹ chưa được đồng đều như châu Âu và Mỹ. Để nâng cao chất lượng đào tạo thì các quốc gia này đặt mục tiêu công bố quốc tế cho các nghiên cứu sinh và coi đó là mục tiêu hoàn thành, đảm bảo luận án có chất lượng thông qua các bài báo từ luận án được thẩm định bởi các phản biện độc lập. Để làm được, họ cần có đội ngũ giáo viên hướng dẫn có kinh nghiệm và năng lực, cũng như các điều kiện học tập và khuyến khích phù hợp. Tuy nhiên trong tương lai khi mà việc đào tạo giáo dục ở các nước này đạt tiêu chuẩn như châu Âu hoặc Mỹ thì tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ bỏ điều kiện công bố quốc tế đối với NCS.


Hình 1: Dữ liệu Tổng Điều tra doanh nghiệp năm 2017 thì  tỷ lệ giám đốc tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sĩ ở các doanh nghiệp nhà nước cao gấp khoảng 10 lần so với các doanh nghiệp tư nhân.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Hai yếu tố quan trọng nhất trong đào tạo NCS là các môn học cơ sở và chất lượng của giảng viên hướng dẫn. Hiện nay mặt bằng công bố quốc tế cũng như đào tạo trong các lĩnh vực khác nhau rất khác nhau, khó có một quy định, “hàng rào kỹ thuật” nào đủ bao trọn tất cả mọi ngành. Tôi muốn nói cụ thể về trường hợp của ngành kinh tế, đào tạo NCS còn chịu nhiều hạn chế như các môn học còn chưa theo kịp tiêu chuẩn quốc tế, không đào tạo NCS bằng tiếng Anh, và giảng viên hướng dẫn thì không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm công bố quốc tế.  

Để công bố quốc tế được thì các kiến thức từ bậc thạc sĩ cũng như các môn học bắt buộc ở bậc tiến sĩ cần được xây dựng theo tiêu chuẩn gần với quốc tế. Ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển, các môn học bắt buộc ở bậc đào tạo tiến sĩ trong ngành kinh tế thường rất khó, yêu cầu sự nỗ lực và tập trung của NCS. Một số môn học yêu cầu NCS đọc nhiều bài báo để cập nhật phương pháp và các chủ đề nghiên cứu gần đây. Một khi đã hoàn thành các môn học này thì NCS có thể nắm vững kiến thức và công cụ để tự tin tiến hành nghiên cứu và viết luận án. Việc hoàn thành các môn học cũng là minh chứng cho khả năng, sự nghiêm túc cũng như sự nỗ lực của NCS. Những NCS không hoàn thành tất cả các môn học theo yêu cầu thì có thể dừng việc học tiến sĩ sau một năm và nhận chứng chỉ các môn học đã hoàn thành, tránh bỏ nhiều năm để nghiên cứu nhưng cuối cùng không bảo vệ được luận án. Như vậy, nếu muốn nâng cao chất lượng tiến sĩ thì cần phải cải tiến hệ thống các môn học bắt buộc ở bậc học này. Một số môn học có thể hoàn toàn sử dụng giáo trình nước ngoài, và được giảng dạy bằng tiếng Anh. NCS cần phải được yêu cầu đọc và thảo luận nhiều hơn các bài báo quốc tế trong chuyên ngành của mình. 

Con đường đi tới chuẩn hóa đào tạo tiến sĩ ở nước ta đang vấp phải một thực tế tiếp theo là không phải ai đi học tiến sĩ cũng để làm công việc học thuật. Như truyền thông phản ánh, bằng tiến sĩ vẫn được mọi người cho rằng là một ưu điểm trong thăng tiến công việc ở các cơ quan nhà nước mặc dù các vị trí quản lý cần nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng quản lý chứ không phải kiến thức hàn lâm. Đơn cử theo Dữ liệu Tổng Điều tra doanh nghiệp năm 2017 thì  tỷ lệ giám đốc tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sĩ ở các doanh nghiệp nhà nước cao gấp khoảng 10 lần so với các doanh nghiệp tư nhân (xem Hình 1). Một khi đã cho rằng học tiến sĩ để “thăng quan tiến chức’’ thì chất lượng khó lòng được đảm bảo. Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ thì theo tôi, chúng ta nên thay đổi tư duy cho rằng những người có học vị cao như tiến sĩ sẽ làm quản lý tốt hơn. Đó không phải là căn cứ để bổ nhiệm hay bầu cán bộ quản lý. 

Nếu như Quy chế đào tạo tiến sỹ 2021 có thể yêu cầu NCS dành toàn thời gian cho việc học tập và nghiên cứu thì sẽ góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo. Ở các quốc gia châu Âu hay Mỹ, học tiến sĩ thường là toàn thời gian. NCS thậm chí được coi như một cán bộ nghiên cứu của khoa hay dự án nghiên cứu tại nơi đào tạo. Do vậy, ở nước ta các cơ quan nên cử cán bộ đi học tiến sĩ dưới dạng toàn thời gian, không yêu cầu NCS đến cơ quan làm việc cho đến khi tốt nghiệp tiến sĩ. 

Cũng như chúng ta đã biết, có lẽ vì môi trường học thuật chưa tạo được sự tin tưởng lẫn nhau nên NCS phải chịu nhiều ràng buộc, quy định mang tính hình thức liên quan đến đánh giá chất lượng luận án. Một số quy định về đào tạo tiến sĩ quá chặt chẽ và có phần không cần thiết. Một ví dụ điển hình là các NCS phải xin 15 ý kiến về luận án từ các nhà khoa học và tổ chức, mà việc này mang nặng tính hình thức. Theo tôi việc xin ý kiến này cần được loại bỏ để cho NCS dành nhiều thời gian cho việc chỉnh sửa luận án, thay vì đến từng nơi xin ý kiến như vậy. □

Công bố quốc tế: Đi dần từ số lượng tới chất lượng
Với các ngành KHXH trong nước, công bố quốc tế mới chỉ được nhắc tới nhiều trong khoảng vài năm trở lại đây nên mức độ quốc tế hóa còn chậm, một số ngành rất ít công bố quốc tế, chất lượng công bố còn chưa đồng đều. Nhưng trong quá trình phát triển của các ngành, cũng phải chấp nhận có số lượng trước, khi đã có số lượng nhất định rồi mới nâng cao chất lượng được. Khi hầu hết các nhà khoa học đều có thể xuất bản quốc tế được rồi thì họ sẽ nghĩ tới việc chuyển từ số lượng sang chất lượng công bố. Với NCS cũng vậy, ngay từ đầu đòi hỏi công bố trên tạp chí chất lượng rất cao ngay thì khó, nhưng nếu nỗ lực và dành thời gian cho việc học tập và nghiên cứu thì một NCS có công bố trong danh mục Scopus cũng là điều khả thi. Có ý kiến cho rằng một số chuyên ngành hẹp đặc thù của Việt Nam thì gặp rất nhiều khó khăn trong công bố quốc tế. Tuy nhiên tôi cho rằng kiến thức và phương pháp nghiên cứu mới là những điều mà NCS cần đạt được sau khi tốt nghiệp. NCS nên chọn những chủ đề rộng, được nhiều người quan tâm cho luận án, còn những chuyên đề hẹp họ có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp, trong những đề tài được sự tài trợ của nhà nước hay các tổ chức quốc tế. Đối với cá nhân tôi, nếu hướng dẫn NCS, tôi vẫn hướng tới việc để cho NCS nỗ lực công bố quốc tế trước khi bảo vệ luận án.

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)