Hướng tới một nền văn hóa khoa học mạnh

Hiện nay, chúng ta có một thế hệ các nhà nghiên cứu mới trong các trường đại học và các tổ chức khoa học, những bạn trẻ sinh ra trong thời kỳ Đổi mới đang khát khao cống hiến những nghiên cứu có chất lượng đủ tầm vươn ra thế giới. Thách thức đối với chúng ta là phải tìm cách phát huy tốt nhất tài năng, nhiệt huyết, năng lượng của thế hệ mới này.

Trong một số bài viết trước, tôi đã từng đề cập đến thực tế trong ngành vật lý hạt nhân, nay xin đưa ví dụ trong các lĩnh vực vật lý hạt thực nghiệm và thiên văn học quan sát. Đây là những ngành có ít nhà khoa học tham gia nghiên cứu đúng nghĩa – tức là tự tiến hành nghiên cứu và công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế – nhưng nếu nhìn vào danh sách các nhà khoa học đoạt giải Nobel trong khoảng ba thập kỷ gần đây, ai cũng thấy rằng vật lý hạt thực nghiệm và thiên văn học quan sát nằm trong số các lĩnh vực sôi động và thành công nhất của vật lý hiện đại: chúng đặt ra những câu hỏi cơ bản còn chưa có lời đáp của vật lý hiện đại. Vậy mà, trong nền nghiên cứu cơ bản của Việt Nam hoàn toàn vắng bóng hai lĩnh vực này.

Khó khăn khởi điểm ở đây là làm sao để các nhà làm chính sách khoa học được nghe ý kiến từ những nhà khoa học trong hai lĩnh vực kể trên, những chuyên gia đủ am hiểu với cái nhìn khách quan không thiên kiến. Cộng đồng khoa học Việt Nam thuộc hai lĩnh vực này quá nhỏ để chọn ra các nhà khoa học như vậy. Vì thế, giải pháp duy nhất là mời các chuyên gia quốc tế. Từ trải nghiệm của mình, tôi đã thấy các hội đồng khoa học được hưởng lợi ích rất lớn nhờ sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, ở đây tôi muốn nói đến những người có uy tín quốc tế, giàu kinh nghiệm hoạt động trong các hội đồng ở quốc gia họ cũng như ở các quốc gia khác, đồng thời am hiểu tình hình khoa học, học thuật của Việt Nam, và có nhận thức rõ về vai trò của mình là phụng sự cho khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế là ở Việt Nam người ta thường ngại nghe tư vấn từ các chuyên gia quốc tế. Các nhà quản lý còn thiếu sự tin tưởng vào các nhà khoa học trong nước, đồng thời lại quá tự tin vào năng lực ra quyết định của mình trong việc sử dụng các nguồn lực [nhà nước dành cho khoa học]. Lẽ ra, ta phải làm điều ngược lại, đó là tin tưởng rằng thế hệ trẻ của đất nước là những người tài năng, chuyên nghiệp, nghiêm túc, cần cù, đồng thời nhận thức rõ những điểm yếu tồn tại trong việc đưa ra các chính sách khoa học, trong các quyết định mua sắm trang thiết bị, và trong xác lập các định hướng nghiên cứu cơ bản.

Ở Việt Nam, các nhà quản lý còn thiếu sự tin tưởng vào các nhà khoa học trong nước, đồng thời lại quá tự tin vào năng lực ra quyết định của mình trong việc sử dụng các nguồn lực [nhà nước dành cho khoa học].
Do thiếu chuyên gia tư vấn giàu năng lực, xu hướng tự nhiên của các nhà quản lý là dựa vào các tiêu chí như số lượng công bố khoa học trên các tạp chí ISI, các chỉ số trích dẫn, những công cụ có thể được sử dụng bởi những ai không am hiểu chuyên môn các ngành khoa học. Thậm chí với trí tuệ của robot cũng có thể vận dụng những công cụ này mà không cần sự can thiệp của con người. Như vậy sẽ tạo ra ấn tượng về sự khách quan, nhưng rõ ràng chúng ta không thể dựa vào trí tuệ kiểu robot để xây dựng các chính sách khoa học phù hợp. Hơn nữa, việc lạm dụng các công cụ nói trên sẽ làm gia tăng xu hướng hành chính quan liêu nguy hiểm.

Một cách lý tưởng, chúng ta hi vọng rằng sẽ đến lúc một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau sẽ phổ biến trong cộng đồng khoa học, nơi không ai phải đề phòng những thủ đoạn lừa dối, nơi có sự hiện diện của những nhà khoa học chân chính, giàu kinh nghiệm, những người mà động lực chính không còn vì thành tích cá nhân, mà là vì ý thức trách nhiệm dẫn dắt huấn luyện cho các thế hệ đi sau. Chúng ta nên đặt mục tiêu hướng tới một nền văn hóa khoa học như vậy, đạt tới càng sớm càng tốt với tất cả mọi nỗ lực.

Thiếu nền văn hóa khoa học sẽ gây hậu quả là các nhà quản lý, những người mà các nhà khoa học bị lệ thuộc về mặt hành chính, lại là những người không hề có kinh nghiệm về công việc nghiên cứu cơ bản, với những hiểu sai căn bản từ khái niệm. Ví dụ, họ đo lường giá trị của một dự án nghiên cứu dựa trên chi phí thực hiện, thay vì dựa trên tỉ lệ giữa kết quả khoa học và mức đầu tư; đánh giá sai tầm quan trọng của việc khai thác các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài, cho rằng đầu tư vào các cơ sở trong nước có ý nghĩa nhiều hơn là tận dụng các cơ sở quốc tế; họ quên rằng trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam nên chú trọng đầu tư cho chất xám hơn là cho trang thiết bị; đánh giá thấp tầm quan trọng của việc hỗ trợ các nhà khoa học trẻ và sinh viên tham dự các khóa đào tạo và hội thảo khoa học; không thấy hết những nỗ lực, sự vất vả, nghiêm túc cần thiết để nhà nghiên cứu trẻ có thể đưa ra công bố khoa học đầu đời của mình; không thấy hết lượng thời gian cần thiết để xây dựng một nhóm nghiên cứu; hiểu sai rằng đào tạo một nhà khoa học nghĩa là chỉ cần gửi người đó ra nước ngoài học lấy tấm bằng thạc sỹ hay tiến sỹ, không thấy rằng còn phải tiếp tục hỗ trợ họ trở về tìm được công việc phù hợp, để khoản đầu tư [cho chất xám ấy] không biến thành lãng phí, v.v.

Tất cả giới khoa học cần quan tâm đúng mức về các chính sách khoa học, về phương thức phân bổ các nguồn lực dành cho nghiên cứu cơ bản hiện nay. Về phía các nhà làm chính sách, phải đảm bảo tính minh bạch và dân chủ trong việc đưa ra các quyết định – trong khoa học không nên có bí mật – để tránh những sai lầm gây lãng phí nhân lực và tài lực.

Chúng ta hi vọng rằng sẽ đến lúc một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau sẽ phổ biến trong cộng đồng khoa học, nơi không ai phải đề phòng những thủ đoạn lừa dối, nơi có sự hiện diện của những nhà khoa học chân chính, giàu kinh nghiệm, những người mà động lực chính không còn vì thành tích cá nhân, mà là vì ý thức trách nhiệm dẫn dắt huấn luyện cho các thế hệ đi sau. Chúng ta nên đặt mục tiêu hướng tới một nền văn hóa khoa học như vậy, đạt tới càng sớm càng tốt với tất cả mọi nỗ lực.

Nhiều lĩnh vực khoa học hiện nay, cũng giống như nhiều lĩnh vực hoạt động khác, đòi hỏi sự liên kết nhóm để có được thành công. Một nhóm nghiên cứu không chỉ là nơi tụ hợp kỹ năng của các cá nhân, mà còn là nơi những kỹ năng cá nhân ấy được nuôi dưỡng, phát huy trong sự tương trợ lẫn nhau. Cái giá phải trả là mỗi người mất đi chủ nghĩa cá nhân, chấp nhận đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng; phải học lắng nghe đồng nghiệp và đối diện những quan điểm khác biệt trên tinh thần xây dựng và quảng đại. Cái giá phải trả ấy là rất nhỏ so với lợi ích mang lại.

Tuy nhiên, ở mọi quốc gia và môi trường sống, việc cưỡng lại thói quen tự nhiên trong mỗi cá nhân để thực lòng hợp tác với người khác không phải là điều dễ dàng. Trong khoa học, thường tồn tại những rào cản khó vượt qua giữa các ngành, trong nội tại mỗi ngành, hay giữa các viện nghiên cứu. Điều này càng phổ biến ở những quốc gia như Việt Nam, nơi hầu như không tồn tại văn hóa làm việc nhóm, hoặc có nhưng rất ít. Vì vậy, chúng ta rất cần nuôi dưỡng sự hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam, hay giữa các tổ chức khoa học, khuyến khích sự hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu.

Không lý gì mà chúng ta không thể bắt đầu thúc đẩy một nền văn hóa khoa học như vậy ngay từ bây giờ. Có làm được như vậy chúng ta mới có thể đưa nền KH&CN lên đúng tầm mức xứng đáng với quốc gia.

Thanh Xuân dịch

Tác giả