Lời chúc cho ngành khoa học và công nghệ

Sáu mươi năm cho chúng ta ấn tượng về một giai đoạn thời gian khá dài nhưng thực ra chỉ tương đương với khoảng hai thế hệ. Ta có thể coi mỗi thế hệ dài khoảng ba mươi năm, tức là khoảng thời gian từ khi một người cha sinh ra cho tới khi đứa con đầu lòng ra đời, và cũng là khoảng thời gian từ khi người con sinh ra cho tới khi người cháu ra đời, và nếu đủ may mắn thì đó cũng là khoảng thời gian từ khi đứa cháu của ta sinh ra cho tới khi bản thân ta giã từ trần thế. Rất nhiều chuyện có thể xảy ra trong mỗi thế hệ, như những gì Việt Nam trải qua từ ngày 2/9/1945 đến 30/4/1975.

Vậy là Bộ KH&CN và nền khoa học Việt Nam hiện đại vừa trải qua hai thế hệ, một trước và một sau Đổi Mới. Chúng ta hãy chúc mừng cho dịp kỷ niệm này. Nền khoa học Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách để trưởng thành sau thế hệ thứ nhất. Tôi còn nhớ bà Nguyễn Thị Bình kể về những gì Bộ GD&ĐT trải qua trong hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của bà; tôi hình dung những gì Bộ KH&CN trải qua cũng không kém phần khó khăn. 
Bây giờ là lúc nhìn về phía trước, theo truyền thống chúng ta sẽ chúc nền khoa học và công nghệ Việt Nam tiến bộ nhanh chóng, có một tương lai tươi sáng dưới sự dẫn dắt, hỗ trợ mạnh mẽ và khôn ngoan từ Bộ chủ quản.
Quản lý khoa học và công nghệ là công việc đòi hỏi tầm nhìn xa, không chỉ phục vụ nhu cầu riêng của một quốc gia mà còn vì cả cộng đồng nhân loại. Nó đòi hỏi sự dũng cảm và quyết tâm để giữ vững những giá trị nền tảng, không để bị phân tán, xô đẩy bởi những trào lưu, xu thế phù phiếm. Chúng ta hãy nhớ những lời của Hồ Đắc Di viết từ thời kỳ chiến khu Việt Bắc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị: 
“- Nhà khoa học phải có một phông văn hóa rộng để không chỉ như những người thợ thủ công lành nghề được đào tạo ở các trường trung học chuyên nghiệp. Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật…
– Khi học thì phải nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin.
– Thật quý giá cho nhà khoa học nào có một công việc kết hợp được cả Khoa học và Lương tâm. Có tài là chưa đủ; mà phải có đạo đức trong sáng. 
– Nghiên cứu là làm việc theo nhóm. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nó bao gồm những kỹ năng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, luôn không ngừng tìm kiếm phát minh để có thể nắm bắt cơ hội. Cùng với công việc, trí tưởng tượng và  phương pháp, cơ hội và sự quan tâm sẽ đến trong tầm tay. 
– Nghiên cứu khoa học tạo nên sự nhiệt tình cho những người trẻ tuổi”.
Để làm tốt công việc quản lý đòi hỏi phải có tình yêu; các nhà quản lý khoa học khi đưa ra các quy định và chính sách cần khiến các nhà khoa học cảm thấy họ làm vậy là để giúp các nhà khoa học thành công, và không chỉ cung cấp những hỗ trợ về vật chất, mà quan trọng hơn là tất cả mọi sự ủng hộ về tinh thần. Các nhà khoa học cần cảm thấy họ nhận được sự quý trọng và tin cậy. Đó là thứ tình yêu và trách nhiệm vô tư mà cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu ấy không có nghĩa là chiều chuộng vô lối: khi đứa trẻ cư xử sai, cha mẹ cần nghiêm khắc uốn nắn. Đồng thời, người làm cha mẹ tốt sẽ tạo điều kiện phát triển cho mọi đứa con một cách công bằng, không thiên vị. Người làm quản lý khoa học cũng vậy: không ứng xử thiên lệch giữa khoa học cơ bản hay ứng dụng, lý thuyết hay thực nghiệm.
Khoa học Việt Nam đã làm được nhiều việc, nhưng chặng đường phấn đấu còn dài phía trước. Chúng ta cần tạo dựng lại một môi trường tin cậy và minh bạch trong cộng đồng khoa học, khuyến khích những ý kiến thẳng thắn đóng góp cho sự tiến bộ, khiến mỗi cá nhân cảm thấy trách nhiệm cổ xúy cho những cải cách giúp mang đến thành công. Chúng ta phải ngăn chặn xu thế chảy máu chất xám. Các chương trình nghiên cứu quan trọng cần được chịu trách nhiệm bởi những người lãnh đạo thực sự thay vì những hội đồng. Cần một cơ chế thẩm định chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực vật chất và con người để tránh lãng phí tiền bạc và chất xám. 
Khi nhìn lại những gì đất nước đã làm được trong giai đoạn 1945-1975, tôi tin rằng nếu chúng ta vẫn có được lòng dũng cảm và quyết tâm như của thế hệ đi trước, thì chắc chắn những mục tiêu nêu trên sẽ sớm đạt được trong thế hệ thứ ba, trước khi Bộ KH&CN thổi ngọn nến sinh nhật tiếp theo vào năm 2049. □

Thanh Xuân dịch

Tác giả