Ngăn chặn nạn chảy máu chất xám: Xây dựng hệ sinh thái quốc gia hỗ trợ nghiên cứu

Chuyên gia R&D và đổi mới sáng tạo Anita Tregner Mlinaric cho rằng việc tăng mức lương mới chỉ là một phần trong câu trả lời cho vấn đề làm thế nào để thu hút các nhà nghiên cứu trở về đất nước, góp phần ngăn chặn nạn chảy máu chất xám ở các quốc gia nghèo châu Âu. Muốn giải quyết vấn đề này, các chính phủ cần đầu tư xây dựng và thúc đẩy các hệ sinh thái quốc gia phát triển.


Phòng thí nghiệm Quang lượng tử tại đại học Nova Gorica, một trong những trường đại học hàng đầu của Slovenia có được nhiều kết nối với các đối tác châu Âu. Nguồn: Đại học Nova Gorica.

Thông thường, các nhà nghiên cứu muốn cộng đồng trong nước công nhận những công việc mà họ đã thực hiện ở nước ngoài, đặc biệt là khi họ đạt được nhiều kết quả xuất sắc. Và khi trở về, họ muốn có được đầu tư của chính phủ ở cùng mức độ như họ nhận được ở nước ngoài để có thể tiếp tục nghiên cứu.
Với kinh nghiệm làm việc khắp châu Âu, đặc biệt với các quốc gia mới gia nhập liên minh châu Âu, Anita Tregner Mlinaric cho rằng, sự chênh lệch trong lương bổng giữa khi làm việc ở nước ngoài và trong nước cho các nhà nghiên cứu mới chỉ là một phần trong cả một vấn đề lớn hơn. Mặc dù quyết định rời quê hương để theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp của mình, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sự nghiệp, nhưng hầu như các nhà nghiên cứu đều muốn trở lại đất nước mình. Những gì ngăn cản họ trở về không chỉ là mức lương thấp mà còn là sự bất bình đẳng tồn tại trong hệ thống nghiên cứu quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo, yếu tố khiến hệ sinh thái hỗ trợ nghiên cứu không phát triển.
Khi đề cập đến hệ sinh thái,  Anita Tregner Mlinaric không chỉ muốn nhắc đến cơ sở hạ tầng như các phòng thí nghiệm, trang thiết bị và các cơ sở nghiên cứu mà còn muốn ám chỉ tới các dịch vụ hỗ trợ các nhà nghiên cứu thực hiện công việc và cho phép họ đạt được những kết quả như khả năng họ có. Điều này còn rất thiếu ở 13 quốc gia Đông và Trung Âu. 
Trong Liên minh châu Âu, thông qua chương trình “Những cải cách trong nghiên cứu ở viện nghiên cứu và các hệ thống đổi mới sáng tạo” (MIRRIS) do EU đầu tư, các nhà quản lý phát hiện ra là nhiều viện nghiên cứu trong 13 quốc gia thành viên này hoàn toàn không biết là mình có thể sử dụng kinh phí từ Quỹ Phát triển vùng châu Âu, để đầu tư không chỉ cho thiết bị và cơ sở nghiên cứu mà còn xây dựng năng lực và phát triển kỹ năng mềm – những yếu tố thiết yếu để hoàn thiện thành công các cơ sở nghiên cứu. 

Ở các quốc gia này, nhiều viện nghiên cứu còn không có một chiến lược phát triển và các cấu trúc quản trị để nhận được kinh phí tài trợ của EU. Về khía cạnh thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, các trường viện ở 13 quốc gia Đông và Trung Âu cũng chưa đánh giá cao giá trị của việc marketing. Các vấn đề, như việc sử dụng các kết quả nghiên cứu và khai thác tài sản trí tuệ, vốn là yếu tố trọng tâm trong nhiều cuộc thảo luận ở các cường quốc EU, lại khó có thể triển khai ở 13 quốc gia Đông và Trung Âu. Tuy vậy, trong bức tranh tổng thể này cũng tồn tại một vài điểm sáng, đó là những công cụ và dịch vụ hỗ trợ như vậy cũng bắt đầu xuất hiện tại đây. Do đó, các tổ chức nghiên cứu cần phải tận dụng và ưu tiên phát triển chúng. 
Để có thể góp phần làm tăng cường hình ảnh và sự hiện diện trong mắt các đồng nghiệp Tây Âu, ví dụ như cử đại diện tới dự các sự kiện có liên quan đến những dự án của EU, của các viện nghiên cứu Trung và Đông Âu cần tham gia vào các tổ chức, hiệp hội châu Âu cũng như các liên minh để tăng cơ hội góp mặt tại các dự án do EU tài trợ với tư cách là một thành viên của các tổ chức đó hoặc thậm chí là thực hiện một công đoạn nhỏ trong một dự án do một thành viên khác chủ trì. Khi không tham gia các tổ chức như Liên minh các trường đại học nghiên cứu châu Âu (LERU), Mạng lưới trao đổi thông tin về R&D (IGLO), Hiệp hội Nghiên cứu và công nghệ châu Âu (EARTO)…, họ có thể mất đi rất nhiều cơ hội hỗ trợ và tài trợ quý báu từ EU cũng như sự ủng hộ của các viện nghiên cứu EU. Đây là một điều thiệt thòi bởi nó cũng đồng nghĩa với việc tiếng nói của cộng đồng nghiên cứu Trung và Đông Âu sẽ bị bỏ qua mỗi khi các kế hoạch về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của EU được thiết lập.
Đó là nỗ lực mà mỗi đơn vị nghiên cứu có thể tự thực hiện được. Tuy nhiên, nhìn chung những biện pháp này chỉ thực sự có kết quả khi nó là một phần trong một chiến lược phát triển tổng thể và lâu dài của các viện nghiên cứu. Và quan trọng không kém là họ có đủ ngân sách do chính phủ tài trợ để sẵn sàng có vốn đối ứng thực hiện dự án (hầu hết các dự án do EU tài trợ đều đòi hỏi đơn vị thực hiện có kinh phí đối ứng). 
Có một sự thật là ở nhiều quốc gia Đông và Trung Âu, không phải lúc nào các viện nghiên cứu cũng được chính phủ ủng hộ, thậm chí việc đầu tư ngân sách để tăng cường vai trò của các viện này cũng khó thuộc số các ưu tiên phát triển ở tầm quốc gia. Sự thiếu hụt những cam kết hỗ trợ nghiên cứu từ chính phủ có thể tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khoa học, trong đó có các viện nghiên cứu. Liên minh châu Âu, dẫu có hào phóng trong các sáng kiến tài trợ nâng cao năng lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các quốc gia thành viên, không phải là cây đũa thần để giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề như thế. 
Trong những trường hợp như thế này, có một điều rõ ràng là sự chuyển hướng trong tầm nhìn của một chính phủ theo hướng đầu tư lâu dài cho nghiên cứu cần diễn ra trước khi cải thiện hệ sinh thái nghiên cứu. Sau đó, các viện nghiên cứu cần trở nên năng động hơn và bắt đầu trở thành thành viên của các tổ chức, hiệp hội châu Âu, qua đó được xét tham gia vào những dự án, sáng kiến nghiên cứu châu Âu. Đây là cách làm vừa cải thiện năng lực nghiên cứu ở tầm châu Âu, vừa mở rộng mạng lưới hợp tác của mình. Về lâu dài, việc có nhiều đối tác và nhiều kinh phí hỗ trợ có thể dẫn đến những hệ quả như phát triển các cơ sở hạ tầng nghiên cứu, kết hợp xây dựng năng lực quản lý và các kỹ năng mềm. Một ví dụ điển hình là Slovenia đã có mặt trong hầu hết các sáng kiến nghiên cứu của EU và điều đó dẫn đến việc các trường đại học hàng đầu Slovenia được coi là đối tác của nhiều trường đại học lớn của châu Âu.
Khi các bước này được thiết lập, Anita Tregner Mlinaric cho rằng, một hệ sinh thái nghiên cứu lành mạnh sẽ xuất hiện, góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển một cách đồng thời, vốn là những yếu tố quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể tạo ra những sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao. 
Và chỉ khi đó, các nhà nghiên cứu tài năng và nhiều ước mơ sẽ nhận được những cơ hội quý để tự do theo đuổi sự nghiệp khoa học ở ngay trên quê hương mình.□

Anh Vũ lược dịch

Nguồn: https://sciencebusiness.net/framework-programmes/viewpoint/its-not-only-better-salaries-prevent-researchers-newer-member-states

Tác giả