Phát triển và bảo tồn dược liệu ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Vì sao chưa như mong đợi?

Dù có một hệ sinh thái dược liệu đa dạng phong phú và sự quan tâm của các cấp chính quyền nhưng ngành dược liệu Việt Nam vẫn chật vật.

Công nhân chăm sóc vườn sâm giống của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: VGP/Bạch Dương

 

Nói riêng về sâm, nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên khi Việt Nam không chỉ có sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum mà còn có sâm dây, sâm cau, Đảng sâm, Đan sâm, sâm bố chính, sâm Nam núi Dành mọc ở nhiều tỉnh thành khác, trong đó nhiều loại có hàm lượng saponin không kém gì hồng sâm Hàn Quốc…Sự đa dạng và phong phú về các loại dược liệu ở Việt Nam, không chỉ được thể hiện trong ví dụ trên của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng mà còn được nhấn mạnh trong hầu hết các bài phát biểu của nhà khoa học tại Hội nghị KH&CN phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ được tổ chức ở Đà Nẵng vào 21/6 vừa qua. Theo các báo cáo, có hơn 5000 loài cây thuốc phân bố ở vùng này. Thậm chí, PGS.TS. Nguyễn Hữu Toàn Phan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên cho biết, hằng năm các nghiên cứu hợp tác với hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn ở Tây Nguyên đều phát hiện ra loài mới, thậm chí là chi mới.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành một loạt văn bản pháp luật, các tỉnh cũng xây dựng đề án quy hoạch riêng nhằm bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý. Trong đó có Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, quy hoạch tám vùng trồng ở Việt Nam và tập trung nhân giống, sản xuất 54 loại dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng nơi. Bản thân nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng xây dựng các quy hoạch để bảo tồn và phát triển dược liệu của mình. Các bộ, ngành cũng có các chương trình KH&CN nhằm đưa các ứng dụng KH&CN để giải quyết vấn đề này như Chương trình KH&CN trọng điểm, chương trình quỹ gene, chương trình công nghệ sinh học, Chương trình hỗ trợ tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn miền núi và dân tộc, Chương trình hóa dược, Chương trình Nông nghiệp công nghệ cao…

Nhưng đối lập với tiềm năng được nhận định là “to lớn” và những “quan tâm” từ phía nhà nước, ngành dược liệu của Việt Nam vẫn chật vật, kể cả khối viện – trường lẫn khối doanh nghiệp. TS. Phan Phước Hiền, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sài Gòn – SMI cho biết, mặc dù thực hiện rất nhiều năm nhưng các chính sách vẫn gần như chỉ là trên giấy, chưa tạo ra được những kết quả thực tế, trong 1000 nhiệm vụ KH&CN, chỉ có 70 nhiệm vụ là về dược liệu. Hơn nữa, nhắc nhiều đến “chuỗi giá trị” dược liệu và doanh nghiệp có vai trò “đầu tàu” trong một loạt hội thảo, sự kiện, nhưng các ưu đãi trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 không hề đề cập tới doanh nghiệp, Quỹ Đổi mới KH&CN quốc gia của Bộ KH&CN được cho là rất khó tiếp cận đối với các công ty. Cuối cùng, số lượng sản phẩm có tiếng trên thị trường so với hàng nghìn dược liệu được ghi nhận chỉ như muối bỏ biển.

Trong buổi hội nghị, qua phát biểu của các diễn giả, có thể nhận ra bốn vấn đề chung của cả khối viện, trường – doanh nghiệp trong việc áp dụng KH&CN vào phát triển dược liệu mà các chính sách của nhà nước gần như còn bỏ ngỏ: Thiếu một cơ sở dữ liệu chung về các dược liệu phân bố trên cả nước; Thiếu quy hoạch vùng trồng dược liệu; Thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn từ khâu giống, quy trình trồng trọt đến chế biến, đóng gói các sản phẩm từ dược liệu; Chưa tận dụng liên kết giữa các viện trường – doanh nghiệp.

Con số 5000 loài được lặp đi lặp lại trong các phát biểu tại buổi hội nghị nhưng PGS. Nguyễn Hữu Toàn Phan bất ngờ tuyên bố rằng đó chưa chắc đã là con số chính xác. Theo ông, từ trước đến nay các khu bảo tồn, vườn quốc gia ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đều có danh mục động thực vật của vùng này nhưng số liệu không hề khớp nhau. Không phải nơi nào cũng cập nhật dữ liệu mới và những dữ liệu cũ thì không thể kiểm chứng trên thực tế. Rất nhiều đoàn điều tra dược liệu công bố hàng trăm loài trên địa bàn mình khảo sát nhưng theo PGS. TS. Phan, đó chỉ là “ghi nhận”, hay nói cách khác, chỉ là “con số ảo” vì không hề có tiêu bản, mẫu vật, cũng không ghi lại địa chỉ phân bố của từng loài (mặc dù công nghệ định vị GPS, GIS đã phát triển). Chính vì vậy, việc nhầm lẫn giữa các loài với nhau là chuyện…bình thường. Chẳng hạn như, lan kim tuyến, được cho là một dược liệu quý và “khắc tinh với bệnh ung thư”, giá bán lên đến một trăm triệu đồng/kg khô, có hàng trăm loài với hoạt tính khác nhau nhưng chưa hề được đánh giá và kiểm định rõ ràng. Không có một cơ sở dữ liệu chính xác về động, thực vật sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ công việc nghiên cứu, bảo tồn, quy hoạch, quản lý và phát triển các vùng và loại dược liệu. Và như thế, quy hoạch trong Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng năm 2013 nói trên vẫn chỉ là những phác thảo mơ hồ trên giấy mà khó đi vào hiện thực. Các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, vì vậy, giờ đây, việc tốt nhất mà họ có thể làm là quản lý cho những nơi này không bị xâm phạm bởi những người dân sống xung quanh. Còn các doanh nghiệp thì gần như mạnh ai người đó trồng. Chính Cục trưởng Cục quản lý Y dược Cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh cũng nói trong hội nghị rằng, khó có thể trồng theo quy hoạch mà doanh nghiệp hãy tự lựa chọn trồng cây gì phát triển tốt nhất mà đem lại giá trị cao nhất. Nhưng rủi ro của việc “mò mẫm”, “tự lựa chọn” là không tưởng. Trong hàng nghìn loài dược liệu được ghi nhận mọc ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, chưa đầy 2% trong số đó là có giá trị cả về mặt hoạt chất và thương mại. Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) trình bày rằng, doanh nghiệp rất lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc trồng cái gì và trồng ra sao, rất cần tiếp cận những điều tra thực trạng về dược liệu của nhà nước mà không được.

Nhưng việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm mới là điều đáng nói. Phần lớn các đề tài nghiên cứu, đầu tư của nhà nước và các bộ, ngành của Việt Nam hiện nay mới tập trung vào mục đích bảo tồn còn kiểm định phân biệt dược liệu thật – giả, quy trình trồng theo GACP (tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái của Tổ chức Y tế thế giới) mới đang dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, thử nghiệm, gần như chưa áp dụng rộng rãi trên quy mô lớn. Cục trưởng Cục quản lý Y dược Cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh còn cho biết rằng, hiện nay các quy định về chất chuẩn (loại đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định với một hoặc một số thuộc tính) chỉ có ở thuốc Tây còn Đông dược thì có nhiều vị không có chất chuẩn, có trường hợp có chất chuẩn nhưng không có ý nghĩa gì, còn thực phẩm chức năng thì gần như thả nổi. Trong khi đó, việc đầu tư vào tiêu chuẩn, quy chuẩn này là điều tối quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và tạo ra thương hiệu của những loại dược liệu mà chúng ta gọi là “quốc bảo”. Đây cũng là kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc phát triển hồng sâm và cây đinh lăng, đảm bảo rằng dù bất cứ ở quy mô nào, hộ gia đình, tổ hợp tác hay quy mô công nghiệp đều đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nếu thiếu các quy chuẩn này, ngoài việc chất lượng dược liệu không ổn định, còn khuyến khích tạo ra các hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Chẳng hạn như theo lời của bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc Công ty Dược Lâm Đồng Ladophar, hiện đang đầu tư chuỗi sản xuất Atiso từ khâu giống, vùng trồng (liên kết với người dân) theo chuẩn GACP, cho biết không thể nào cạnh tranh nổi với những doanh nghiệp “cứ nơi nào cao là trồng Atiso” hoặc “nhập từ nơi khác về bán”, giá rẻ nhưng không rõ chất lượng, không thể truy xuất được nguồn gốc. Bà Hương nhấn mạnh rằng, những hỗ trợ về mặt tài chính của nhà nước không cần thiết bằng những chính sách tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Atiso là một trong số những dược liệu được trồng phổ biến ở Tây Nguyên. Ảnh: Internet

 

Theo lời của các nhà khoa học trong hội nghị, nói chung nguồn lực nghiên cứu và bảo tồn dược liệu của Việt Nam là “thiếu” và “yếu”, thậm chí đa số tự bỏ tiền túi ra nghiên cứu các chế phẩm từ dược liệu. Nhưng ngay cả khi không có nhiều hỗ trợ về mặt tài chính, nhà nước cũng chưa có các công cụ chính sách để tận dụng tối đa nguồn lực của các viện – trường, vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng như của doanh nghiệp. Ví dụ như, không có cơ chế để các vườn quốc gia tạo ra các nguồn kinh phí để quay trở lại phục vụ R&D, giờ đây gần như họ cung cấp giống, kể cả những giống quý hiếm miễn phí hoặc với giá rẻ cho doanh nghiệp mà không có ràng buộc gì về bản quyền giống. Vùng đệm gần một triệu ha của sáu vườn quốc gia và năm khu bảo tồn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ chỉ phục vụ cho việc trồng rừng mà không tìm cách quy hoạch để khai thác và trồng các dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là những dược liệu quý hiếm chỉ phân bố và phát triển trong vùng sinh thái hẹp như sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, thông đỏ nam…sẽ mất rất nhiều chi phí nghiên cứu và xây dựng quy trình trồng ở những vùng đất khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều mong muốn hợp tác nghiên cứu với các viện – trường, thậm chí sẵn sàng bỏ ra gấp ba, gấp bốn lần đầu tư của nhà nước nhưng các dự án, chương trình dược liệu lớn hiện nay được cho là chưa tạo ra nhiều liên kết thực chất giữa khối công – tư. Bà Xuân Hương ở công ty Ladophar nói trên cho rằng, không phải dự án hợp tác nào hiện nay cũng điều tra, khảo sát máy móc, nhân lực của doanh nghiệp, đảm bảo rằng kết quả nghiên cứu sẽ phù hợp với điều kiện tiếp nhận của công ty nên gần như doanh nghiệp chỉ đứng tên mà không được hưởng những lợi ích thực sự.

Theo khoahocphattrien.vn

Tác giả