Quỹ NAFOSTED: Cần mở rộng khung tiêu chuẩn công bố quốc tế

Các tiêu chí đánh giá xét duyệt công bố khoa học của Quỹ Nafosted hiện nay mang ba đặc điểm là: (1) Thiên về công bố bằng Anh ngữ, (2) Thiên về áp dụng chuẩn mực phù hợp với khoa học tự nhiên (qua xét tạp chí thuộc hệ thống ISI và SCOPUS), (3) Thiên về khoa học hiện đại và đương đại. Điều này gây ra sự thiếu công bằng cho một số ngành. Vì vậy, việc mở rộng danh mục tạp chí quốc tế uy tín được Quỹ chấp thuận là điều cần thiết.


Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận về việc nghiên cứu một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ví dụ như người Khơ Mú liệu có quá khó để công bố quốc tế hay không. Ảnh: Cema.gov.vn.

Ba đặc điểm nêu trên trong hệ tiêu chí đánh giá xét duyệt của Quỹ Nafosted gây bất lợi cho các nhà nghiên cứu một số ngành, đặc biệt là các ngành khoa học nhân văn cũng như các ngành nghiên cứu Việt Nam truyền thống. Ví dụ, danh sách tạp chí ISI của Thomson thì ngành Ngôn ngữ có 52 tạp chí, Văn học có 68 Tạp chí, mà nội dung học thuật của chúng chủ yếu là lý thuyết ngôn ngữ, lý thuyết văn học, và nghiên cứu cụ thể các ngôn ngữ mạnh và các nền văn học lớn. Rất khó để các tạp chí này đăng các nội dung về các chuyên ngành hẹp quan trọng với Việt Nam và Đông Nam Á, như Nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc, Việt ngữ học, tiếng Việt lịch sử, Văn học Việt Nam, Văn học Đông Nam Á…

Các tiêu chuẩn mà Quỹ đề ra cũng ít đề cập khối Pháp ngữ, Nga ngữ, khối Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Chẳng hạn, nếu xét trong ngành Hán học (Sinology) có các ngành hẹp như Văn tự học (văn tự học chữ Hán, và văn tự học chữ Nôm), văn bản học, văn hiến học, bi kí học, mộc bản học,…; mỗi chuyên ngành ấy có phương pháp riêng, đối tượng riêng, và một truyền thống học thuật riêng, thường chỉ phù hợp với “sân chơi” của bốn nước Nhật, Trung, Hàn, và Đài Loan, nơi có truyền thống trích dẫn và hệ tiêu chuẩn rất khác, không phù hợp trong “cuộc chơi” của ISI và SCOPUS (xem danh mục Chỉ số trích dẫn khoa học đề xuất ở dưới).

Vì vậy chúng tôi đề xuất mở rộng danh sách tạp chí các trường đại học; đa dạng hóa các ngôn ngữ xuất bản (gồm 7 ngôn ngữ chính: tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Hàn và tiếng Anh), đa dạng hóa các hình thức xuất bản (gồm chuyên luận, chương sách, bài nghiên cứu), và các ấn phẩm khoa học được xuất bản bởi các Viện Hàn lâm, các viện nghiên cứu mạnh.

 

Quan điểm của chúng tôi là mỗi chuyên ngành phải có bảng xếp hạng các tạp chí của riêng ngành mình, căn cứ trên tư vấn của hội đồng chuyên ngành. Cần xem xét, căn cứ trên tình hình thực tiễn của Việt Nam, đặt ra mục tiêu phù hợp để có thể nâng dần trình độ các nhà nghiên cứu trong nước. Ví dụ, với xếp hạng (ranking) hiện tại của Đại học Quốc gia là 1578 thì ta lấy tiêu chuẩn công bố trên tạp chí của các đại học trong tốp 1000 trên thế giới là đã vượt 578 hạng, nếu lấy tốp 500 thì đã vượt 1078 hạng; với xếp hạng của Viện Hàn lâm KH&CN là 674 trên 79531 thì lấy tiêu chuẩn công bố trên tạp chí của các viện trong tốp 500 trên thế giới có lẽ là mục tiêu phù hợp và khả thi.

Các đề xuất cụ thể

1. Mở rộng danh sách tạp chí các trường đại học hàng đầu thế giới từ top 100 lên top 1000, hoặc tối thiểu là mở rộng trong top 5002. Xin lưu ý, các trường xét đến ở đây có được xếp hạng cao chủ yếu là nhờ các nghiên cứu từ lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nếu lấy chuẩn 1000 thì vẫn cao hơn 578 hạng so với vị trí 1578 (xếp hạng thế giới) của Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Mở rộng các danh mục Chỉ số trích dẫn khoa học (ngoài các danh mục AHCI, SSCI, Scopus, chúng tôi đề xuất một số hệ Chỉ số trích dẫn khoa học của một số quốc gia như sau:

– Parcourir les collections – Persée (Danh mục 246 bộ sưu tập tạp chí khoa học xã hội của cộng đồng Pháp ngữ xếp theo 22 ngành)4. Ngoài ra có một biệt lệ cho tạp chí Mousson (gió mậu dịch) Social Science Research on Southest Asia- của Universite d’Aix-Marseille, mà chính những người như GS Trịnh Văn Thảo vẫn thường đăng bài.  (link: http://moussons.revues.org/).

– CSSCI (Chinese Social Sciences Citation Index – Chỉ số trích dẫn khoa học xã hội Trung Quốc). Hệ thống trích dẫn được xây dựng bởi Đại học Thanh Hoa (48/100 thế giới)5.

– THCI Core (Taiwan Humanities Citation Index Core -Cốt lõi Chỉ số trích dẫn khoa học nhân văn Đài Loan)6 và TSSCI (Taiwan Social Science Citation Index – Chỉ số trích dẫn khoa học xã hội Đài Loan)7.

– KSSCI (Korean Social Science Citation Index – Chỉ số trích dẫn khoa học xã hội Hàn Quốc, link:) và KSCI (Korean Science Citation Index, Chỉ số trích dẫn khoa học Hàn Quốc, danh sách gồm 600 tạp chí)8.

– RSCI (Russian Science Citation Index – Chỉ số trích dẫn khoa học của Liên bang Nga, hay  РИНЦ (Российский Индекс Научного Цитирования)9.

3. Mở rộng các danh sách ấn phẩm khoa học do các nhà xuất bản danh tiếng công bố (theo 6 hệ ngôn ngữ).

Các nhà xuất bản hàng đầu bằng Anh ngữ: theo danh mục xếp hạng của SENSE RANKING OF ACADEMIC PUBLISHERS, chia làm 5 hạng, trong đó có thể chọn 70 nhà xuất bản hàng đầu thế giới thuộc 3 nhóm A, B, C; theo danh mục của Publisher Global (cơ sở dữ liệu của gần 10000 nxb trên toàn thế giới, trong đó có 441 nhà xuất bản Academy)10.

Các nhà xuất bản hàng đầu của Pháp: gồm PUF11 (hệ thống các nhà xuất bản đại học) – hệ thống này có bộ Que-sais je? và “Revue d’histoire littéraire de la France” rất nổi tiếng, l’Harmatan; Le Seuil12, Gallimard13, có truyền thống từ đầu thế kỷ với hệ thống NRF, Temps moderne, Debat và các sách học thuật; Nhà xuất bản Klincksieck14 với các tạp chí nghiên cứu nhân văn như Revue de littérature comparée, …

Về cơ bản tôi đồng ý với đề xuất của TS. Trần Trọng Dương. Tuy nhiên, tất cả các tạp chí quốc tế được bổ sung vào danh mục hiện hành của Quỹ Nafosted chỉ nên được chấp nhận trên nguyên tắc đó là các tạp chí được bình duyệt (peer review) bởi những nhà khoa học quốc tế có uy tín, do các hội đồng ngành của Quỹ thống nhất lập danh sách cụ thể. Tôi không đồng tình với đề nghị Quỹ chấp thuận các công bố khoa học được xuất bản bằng tiếng Việt (“Chuyên luận bằng Việt ngữ (monograph của một tác giả, có ISBN) được hội đồng chuyên ngành, hoặc hội đồng Chức danh quốc gia thừa nhận”). Với các xuất bản của các trường đại học, chỉ nên giới hạn trong danh mục 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Ngoài ra, nên bổ sung các tạp chí sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha là một trong các ngôn ngữ chính của thế giới, thay vì bổ sung các tạp chí sử dụng tiếng Hàn Quốc. GS.TS Phạm Quang Minh (Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Các nhà xuất bản hàng của Trung Quốc đại lục, Hồng Kong, và Đài Loan, bao gồm15:

– Các nhà xuất bản tổng hợp: 1 商务印书馆; 2 人民出版社; 3 人民文学出版社; 4 作家出版社; 5 译林出版社; 6 中华书局; 7 社科文献出版社; 8 大象出版社; 9 中央编译出版社; 10 国家藏书楼出版社;
Các nhà xuất bản cho ngành Khoa học kỹ thuật: 1 科学出版社; 2 清华大学出版社; 3 机械工业出版社; 4 电子工业出版社; 5 化学工业出版社; 6 建筑工业出版社; 7 人民邮电出版社; 8 中国水利水电出版社; 9 中国电力出版社; 10 北京科学技术出版社;

– Các nhà xuất bản cho ngành kinh tế: 1/ 1 中国金融出版社; 2 中国财经出版社; 3 中信出版社; 4 中国经济出版社;

– Các nhà xuất bản chuyên về pháp luật: 1 法律出版社; 2 中国法制出版社; 3 中国政法大学出版社; 4 人民法院出版社;

– Các nhà xuất bản chuyên về giáo dục, học thuật: 1 清华大学出版社; 2 中国人民大学出版社; 3 北京大学出版社; 4 高等教育出版社; 5 人民教育出版社;

Các nhà xuất bản hàng đầu của Nga (chỉ lựa chọn theo danh sách các nhà xuất bản thiên về Khoa học được nêu ở đây): New Literary Observer Publishing House, Moscow University Press, Izdatelstvo VES MIR (Moskow), TVP Science Publishers, Meditsina Publishers, Praxis Publishers16.

10 nhà xuất bản hàng đầu của Nhật: Nhà xuất bản Đại học Rikkyo 立教大学; Iwanamishoten 岩波書店 (Nham ba thư điếm); Heibonsha 平凡社 (Bình phàm xã); Shogakukan 小学館(Tiều học quán); Shueisha 集英社 (Tập anh xã); Shinchosha 新潮社 (Tân trào xã); Kadokawashoten 角川書店(Giác xuyên thư điếm); Benseishupansha 勉誠出版社 (Miễn thành xuất bản); Shinwasha 森話社 (Sâm thoại xã). Kasamashoin 笠間書院 (Lập giản thư viện); Izumishoin 和泉書院(Hòa tuyền thư viện);  Hozokan 宝蔵館 (Bảo tạng quán); Junshusha 春秋社(Xuân thu xã).

Ngoài ra là một số các nhà xuất bản hàng đầu của Hàn Quốc theo sự xem xét đánh giá của các hội đồng ngành.

4. Đa dạng hóa các hình thức xuất bản (Quỹ hiện nay chỉ dùng một dạng sản phẩm khoa học duy nhất để xét duyệt đầu vào là bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Quốc tế có chỉ số. Trong khi đó, với khối ngành Nhân văn, được đánh giá hàng đầu là hình thức chuyên luận, tiếp đến mới là các bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học):

– Chuyên luận quốc tế (monograph của một tác giả, hoặc đồng tác giả, hoặc đồng chủ biên, có ISBN, có peer review) – ngoài chuyên luận quốc tế, nên cân nhắc chấp nhận kết quả các chuyên luận bằng Việt ngữ (monograph của một tác giả, có ISBN) được hội đồng chuyên ngành, hoặc hội đồng Chức danh quốc gia thừa nhận.

– Chương sách trong một chuyên luận quốc tế (đồng tác giả, có peer review, ISBN).

– Các bài tạp chí được đăng trong các tạp chí chuyên ngành, nhưng được xuất bản bằng chỉ số ISBN (tức các tạp chí dạng sách, ví dụ Ngôn ngữ học luận tùng của Bắc Đại, được xuất bản bởi Thương vụ ấn thư quán, Tạp chí Hán học quốc tế được xuất bản bởi Đại tượng xuất bản xã, Tạp chí Ngôn ngữ của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga… Xin chia sẻ thêm, ngành Văn học- Ngôn ngữ trước đây (2016) đã có trường hợp không được xét duyệt vì lý do này, dù Hội đồng Khoa học đã làm văn bản đề xuất cân nhắc!)

5. Các xuất bản phẩm được ấn hành bởi một số viện khoa học của các nước: Trong số 7953 viện của tất cả các chuyên ngành khoa học của tất cả các nước trên toàn thế giới17, chúng ta có thể cân nhắc lấy tiêu chuẩn là các tạp chí của các viện trong tốp 500, hoặc mỗi chuyên ngành chọn các tạp chí trong tốp 50. Cũng xin lưu ý thêm là Viện Hàn lâm KH&CN ở hạng 674, Viện Hàn lâm KHXH không có mặt trong danh mục xếp hạng này, trong khi đó Taiwan Academia Sinica có một truyền thống khoa học lâu đời đứng ở vị trí 29 (trên 7953 viện), vì sao đến giờ hàng chục tạp chí của cơ quan khoa học này không được chưa vào danh mục? Vấn đề vẫn là ở hệ tiêu chí!

6. Cuối cùng, chúng tôi có đề xuất lập các danh sách tạp chí quốc tế được công nhận riêng cho từng chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Hán Nôm. Trong nước, Hán Nôm được coi là một trong tám chuyên ngành nhỏ của Ngôn ngữ học. Thực chất đây là một ngành khoa học lớn, độc lập, giao giới giữa Sinology Vietnamese Studies, và rất nhiều chuyên ngành nhỏ khác nhau. Phần lớn các tạp chí quốc tế có uy tín của ngành này, ngoài một số tạp chí như Sino-Platonic Papers, hiện đều nằm ngoài tất cả các danh mục hiện nay, cũng như các danh mục đề xuất trên đây18.

Trên đây là một số kiến nghị bổ sung mang tính chất cá nhân trên cơ sở tham khảo ý kiến một số nhà khoa học và Hội đồng Khoa học Liên ngành Văn học – Ngôn ngữ học*. Những đề xuất này sẽ không tránh khỏi bất cập, bởi người viết chỉ làm việc trong một chuyên ngành hẹp, với phông tri thức cũng còn nhiều thiếu sót so với tình hình thực tế. Rất mong được các nhà khoa học và bạn đọc góp ý để có thể có được cái nhìn bao quát hơn về tình hình công bố khoa học của Việt Nam, cũng như đưa ra các giải pháp hợp lý cho tư vấn chính sách. Thiết nghĩ, đẩy mạnh công bố quốc tế là việc nhất thiết phải làm. Nhưng, các tiêu chuẩn hoặc quá cao với tình hình thực tế trong nước, hoặc quá xa so với các đặc điểm của từng chuyên ngành sẽ khiến cho không ít nhà khoa học nản lòng.

Đồng ý với tác giả về việc không nên giới hạn các tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh và chỉ chấp nhận danh mục tạp chí ISI và SCOPUS. Tuy nhiên, khi xem xét mở rộng danh mục các tạp chí để phù hợp với các chuyên ngành có tính đặc thù phải lưu ý tới xu hướng phát triển của khoa học thế giới ngày nay là liên ngành và đa ngành, ranh giới giữa các chuyên ngành rất mỏng manh. Lâu nay, tư duy đào tạo ở Việt Nam vẫn là chuyên ngành, thậm chí đào sâu cách biệt giữa các chuyên ngành, và đòi có những tạp chí cho các chuyên ngành chuyên sâu có tính đặc thù. Ví dụ đối với các chuyên ngành hẹp như Hán Nôm, vẫn có thể có công bố quốc tế đăng ở các tạp chí về lịch sử ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ/giáo dục… Bên cạnh đó, việc mở rộng danh sách các tạp chí công bố quốc tế cho KHXH&NV ra ngoài khuôn khổ ISI và SCOPUS nếu được xem xét áp dụng với Quỹ Nafosted thì nên được nhìn nhận trên bình diện rộng hơn, áp dụng cả trong tiêu chuẩn tối thiểu bảo vệ luận án tiến sỹ, phê duyệt thành viên hội đồng hướng dẫn và đánh giá luận án tiến sỹ, tiêu chuẩn công nhận giáo sư và cho việc công nhận chất lượng các đề tài khoa học khác ngoài Quỹ Nafosted, bởi các tiêu chuẩn có tính quốc gia thì nên thống nhất thay vì mỗi quỹ/tổ chức khoa học/hội đồng làm một kiểu. PGS.TS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia HN)

——
* Bài viết được hoàn thành là nhờ các ý kiến của Hội đồng Khoa học liên ngành Văn học- Ngôn ngữ học, và nhiều nhà khoa học khác: GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, GS. TS. Lê Huy Bắc, PGS. TS. Nguyễn Thị Oanh, PGS. TS. Đoàn Lê Giang, PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền, TS. Nguyễn Tuấn Cường, TS. Phùng Ngọc Kiên… Ở một khía cạnh, quý vị là đồng tác giả của bài báo này. Nhân đây người viết xin gửi lời cảm ơn.

Nguồn thông tin và ghi chú:
1 http://research.webometrics.info/en/ search/Rankings/Vietnam
2(http://www.webometrics.info/en/search/Rankings/Vietnam%20national%20university) hoặc của Times Higher Education World University Rankings: https://www.timeshighereducation.co.uk/world-university-rankings/2016/world-ranking#/sort/0/direction/asc
3 http://www.scimagojr.com/
4 http://www.persee.fr/disciplines.
Danh mục các tạp chí ngôn ngữ học tại: http://www.persee.fr/collections?d=113
Danh mục các tạp chí văn học tại: http://www.persee.fr/collections?d=114
5 http://www.shu.edu.cn/Default.aspx? tabid=4605.
Chỉ số trích dẫn cập nhật nhất đã công bố của Đại học Thanh Hoa là vào năm 2015, với 533 tạp chí (của tất cả các chuyên ngành khoa học), xem tại: http://www. shu.edu.cn/Portals/81/CSSCI%EF%BC%882014-2015%EF%BC%89%E6%9D% A5%E6%BA%90%E6%9C%9F%E5%88%8A%E7%9B%AE%E5%BD%9511415056.pdf
6 http://www.hss.ntu.edu.tw/model. aspx?no=66
7 http://www.hss.ntu.edu.tw/model. aspx?no=67
8 http://ksci.kisti.re.kr/kjcr/indicator/ jourList.ksci
9 Đây là sản phẩm hợp tác của Thomson Reutersvới Thư viện Khoa học điện tử Nga (eLibrary.RU): http://wo info.com/products_tools/multidisciplinary/rsci/. Danh sách tạp chí nằm ở cuối trang: http://wokinfo.com/media/pdf/RSCI_Journal_List.pdf?utm_source=false&utm_medium=false&utm_campaign=false. Bản tiếng Nga ở: http://elibrary.ru/project_risc.asp
10 http://www.publishersglobal.com/directory/subject/academic-publishers/1/
11 https://www.puf.com/
12 http://www.seuil.com/thematique/revues-350?tri=titre
13 http://www.gallimard.fr/Revues
14 http://www.klincksieck.com/revues/ rlc/
15 http://www.maigoo.com/goomai/ 151736.html
16 http://www.publishersglobal.com/directory/russia/publishers-in-russia/
17 http://research.webometrics.info/en/ world
18 Tạp chí Manuscript Culture2 (nghiên cứu Văn hóa thủ sao bản của Châu Á- Châu Phi và Châu Âu) của Hamburg University (ranking 140) ở vị trí rất cao nhưng vẫn nằm ngoài tiêu chí hiện hành của Nafosted. Tạp chí European Journal of Sinology3 không thấy có trong danh mục của ISI; hai nhà xuất bản in cho tạp chí này là European University Press/ The University Press Bochum cũng không trong danh mục 10 nxb được chấp thuận bởi Quỹ. European University cũng không nằm trong top 100 thế giới, mà nằm ở vị trí 853. Tạp chí International Sinology của Đại học Ngoại ngữ Bắc kinh 北京外国语大学 cũng không được xét đến vì trường này không nằm trong top 100 và sử dụng chỉ số trích dẫn theo kiểu Trung Quốc (không theo ISI) đó là CSSCI 中文社会科学引文索引. Tạp chí Hán học thế giới xuất bản dưới dạng sách, mã ISBN, 1 năm 2 số. Hán tự nghiên cứu của Đại học Kyungsung (Hàn Quốc), là hàng đầu về văn tự học của Hàn Quốc với hội đồng cố vấn và các ủy viên từ Mỹ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng vị trí của trường này là 3566. Số hạng 3566 đó không phản ánh được tính chất chuyên môn hẹp của tạp chí. Quốc tế Hán học (của Đại Ngoại ngữ Bắc Kinh) là hàng đầu ở Đông Á hiện nay thì xếp hạng của trường này là 3732. Tờ Chinese Studies (Trung Quốc học) của Viện Hán học thế giới (thuộc Viện KHXH Thượng Hải) thì hiện nay Quỹ không chấp nhận vì không tình đến các Viện Nghiên cứu. Tạp chí Nghiên cứu văn hiến Đông Á 東亞文獻研究 xuất bản ở Hàn Quốc bằng tiếng Trung Quốc, do Trung Quốc và Hàn Quốc phối hợp tổ chức, cũng không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào của quỹ. Còn nhiều tạp chí khác nữa có thể nêu ra ở đây, chúng tôi xin được đề cập sâu hơn ở bài viết khác.

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)