Quỹ NAFOSTED: Tỷ lệ cạnh tranh trong lĩnh vực KHXH&NV từ 50 đến 60%

Theo TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc điều hành Quỹ NAFOSTED, năm năm sau khi nêu yêu cầu phải có công bố quốc tế, số lượng các hồ sơ trong lĩnh vực KHXH&NV gửi tới Quỹ đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng và số lượng hồ sơ được các hội đồng khoa học ngành phê duyệt luôn xấp xỉ mức 50 đến 60%.


“Vai trò của các loại hình nhà đầu tư khác nhau đối với doanh nghiệp niêm yết và đối với thị trường chứng khoán trong bối cảnh hội nhập” là một trong những đề tài ngành Kinh tế học được phê duyệt lần này. Nguồn: VnReview.

Trong thông báo kết quả xét duyệt đợt hai vào ngày 14/11/2019, Quỹ cho biết đã nhận được 58 hồ sơ và tuyển chọn được 38 đề tài thuộc năm chuyên ngành và liên ngành: Triết học – Chính trị học – xã hội học; Kinh tế học; Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học; Tâm lý học – giáo dục học; Văn học – Ngôn ngữ học (không có hồ sơ nào của ngành Luật học, Văn hóa học – nghệ thuật – thông tin đại chúng và truyền thông), xấp xỉ lượng hồ sơ của đợt xét duyệt đầu của năm. “Dĩ nhiên so với số lượng các hồ sơ giai đoạn trước, khi Quỹ chưa đặt yêu cầu phải có công bố quốc tế thì số lượng hồ sơ nhận được hằng năm của Quỹ lớn hơn nhiều”, TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết. 

Theo số liệu của Quỹ thì trước đây, các hồ sơ gửi đến hằng năm đều dao động ở mức 100 đến 150 hồ sơ và tỷ lệ cạnh tranh cũng xấp xỉ mức như hiện nay. Tuy nhiên, số lượng xuất bản quốc tế từ các đề tài được Quỹ tài trợ đều ở mức thấp, không chỉ trên các tạp chí thuộc danh mục ISI mà còn trên các tạp chí quốc tế khác. Lý giải về điều này, một nhà nghiên cứu dấu tên cho biết, “nó phản ánh một tình trạng chung của ngành KHXH&VN Việt Nam là từ lâu, các nhà nghiên cứu không đủ năng lực công bố hoặc không có ý thức công bố quốc tế. Mặt khác, bản thân Quỹ cũng chưa chính thức đặt ra yêu cầu nên họ cũng chưa muốn phải ‘cố’ đạt cho bằng được”.
Tình trạng này chỉ thay đổi rõ nét kể từ khi Quỹ chính thức áp tiêu chuẩn phải có công bố đối với các đề tài do Quỹ tài trợ. Mặc dù ban đầu ít có ý kiến ủng hộ nét đổi mới này nhưng hiện tại, quan điểm phải có xuất bản quốc tế đã bắt đầu được chấp nhận rộng rãi trong giới học thuật, tương tự như với ngành KHTN&KT những năm 2009-2010. Nhận xét về chuyển biến đó, TS. Đỗ Tiến Dũng cho biết, “các chủ trì đề tài đều rất ý thức về yêu cầu mới và chỉ khi thấy mình có đủ năng lực công bố và xuất bản quốc tế, họ mới đề xuất hồ sơ lên Quỹ”. Dù chưa đến hạn nghiệm thu các đề tài mà Quỹ tài trợ nhưng “ở thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy triển vọng đạt được yêu cầu rất lớn”, anh nói thêm.
Nhìn vào số lượng các đề tài được phê duyệt hằng năm thì chuyển biến này vẫn chưa thật đồng đều trong nhiều lĩnh vực. Các ngành Luật học, Văn học – Ngôn ngữ học, Văn hóa học vẫn luôn “lép vế” khi có số lượng hồ sơ đăng ký và phê duyệt ở mức thấp nhất, có năm chỉ có một đề tài trong khi ngành Kinh tế học luôn chiếm ưu thế, tương tự như với ngành Vật lý và Hóa học thuộc lĩnh vực KHTN&KT. Đợt xét duyệt lần hai này, Kinh tế có 27 đề tài được thông qua trong khi mỗi ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học và Văn học – Ngôn ngữ học chỉ vỏn vẹn 1 đề tài. Xét về tiêu chuẩn đầu ra thì số lượng xuất bản quốc tế của ngành Kinh tế thường ở mức cao nhất, ngay cả trước thời điểm có yêu cầu vào năm 2015 của Quỹ cũng vậy. 
Tuy nhiên, để thúc đẩy chất lượng của các đề tài do Quỹ tài trợ, không chỉ có nỗ lực của các nhà khoa học mà còn cần cả sự hoàn chỉnh trong các tiêu chí đánh giá của Quỹ. Trong nhiều phiên họp của các hội đồng ngành KHXH&NV, một số thành viên hội đồng ngành như GS. TS Bùi Thế Cường (ngành Triết học – Chính trị học – Xã hội học), PGS. TS Nguyễn Thị Hiền (ngành Văn hóa học – Nghệ thuật – Thông tin đại chúng và truyền thông), TS. Trần Quang Tuyến (ngành Kinh tế học)… đã nêu vấn đề mở rộng danh mục tạp chí quốc tế của Quỹ, ví dụ bổ sung số lượng tạp chí của 100 trường đại học hàng đầu châu Á, châu Âu sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà nghiên cứu hơn.
Cân nhắc các ý kiến đóng góp, Quỹ NAFOSTED đang bổ sung một số tạp chí vào danh mục tạp chí quốc tế uy tín ngành KHXH&NV và sẽ công bố vào những ngày tới.

Tác giả