VINIF- Cơ chế chặt chẽ và linh hoạt

Là một quỹ tư nhân mới ra đời, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã mạnh dạn đặt mục tiêu tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo với cam kết tài trợ lâu dài và đủ mạnh, thậm chí chấp nhận rủi ro. Để làm được điều đó, VINIF cần tới một cơ chế vừa đủ chặt chẽ vừa linh hoạt cho phép Quỹ liên tục cập nhật để “chọn mặt gửi vàng” vào những nhóm nghiên cứu thực sự có tiềm năng.


Các nhà nghiên cứu Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine. Vabiotech là một trong những đơn vị đã nhận được tài trợ của VINIF cho nghiên cứu về vaccine phòng COVID-19. Ảnh: nhandan.

Ra mắt từ tháng 8/2018 và được cộng đồng khoa học công nghệ rất quan tâm nhưng VINIF chỉ thực sự được đông đảo xã hội chú ý khi tài trợ khẩn cấp cho ba dự án về Covid vào tháng 3/2020 trong đó có một dự án đồng tài trợ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Cú bắt tay giữa một đơn vị quản lý nhà nước về khoa học và một quỹ tư nhân để cùng tài trợ cho các nhóm nghiên cứu như vậy là điều hết sức mới mẻ của Việt Nam. 

Đề cập đến đợt tài trợ đột xuất này, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành VINIF, cho biết, sau khi trao đổi và được Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc hoan nghênh ý tưởng đồng tài trợ, chỉ trong vòng có mấy chục tiếng đồng hồ, một văn bản thỏa thuận với rất nhiều điều khoản mới như điều kiện hợp tác, quy trình rót một khoản kinh phí rất lớn (cả hai bên tài trợ 16 tỉ đồng), cách phối hợp đánh giá nghiệm thu đề tài… đã được hình thành. Vậy làm thế nào để một quỹ vừa mới thành lập hai năm đã có đủ kinh nghiệm để nhanh chóng tài trợ đột xuất, khẩn cấp theo cách  này? “Bí quyết” để VINIF làm được việc này dựa vào hai từ “chặt chẽ và linh hoạt” trong cơ chế hoạt động, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương cho biết.

Quản lý chặt chẽ và linh hoạt

Sau hai năm hoạt động, VINIF đã tổ chức nhiều chương trình và hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho viện nghiên cứu, trường đại học, nhóm nghiên cứu trẻ và các cá nhân, từ chương trình hỗ trợ nghiên cứu thường niên, học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước cho đến cả các tài trợ nhỏ, ngắn hạn hơn như các hội thảo, tọa đàm và diễn đàn khoa học, cố vấn khoa học. 

Các khoản tài trợ cho các dự án và hoạt động nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau như y dược học, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới… đều ở dạng “tài trợ mồi”, quy mô trung bình 5 tỉ và cao nhất có thể lên tới 10 tỉ/dự án. 

Mục đích của VINIF, theo Giáo sư Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata là góp phần tạo điều kiện cho “các nhóm nghiên cứu có được một khoản tiền đủ lớn để nghiên cứu được các sản phẩm mang tầm quốc tế” và để sau đó có được nền móng tốt tiếp tục con đường nghiên cứu phía trước. Trên thực tế, mức tài trợ của VINIF cũng tương đương với mức tài trợ của Mỹ cho một công trình nghiên cứu khoảng ba năm.

Để chọn được những nhóm nghiên cứu thực sự mạnh, có tiềm năng thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn như vậy, VINIF đòi hỏi một quá trình xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, đặc biệt là hội đồng phản biện gần như phải “đo ni đóng giày” cho từng đề tài chứ không thành lập một hội đồng chung. “Quá trình tìm người phản biện rất công phu vì các hồ sơ đến từ rất nhiều ngành khác nhau mà không phải cứ người đúng chuyên ngành là đã có thể phản biện được. Hội đồng khoa học đóng vai trò tiên quyết cho sự thành công của việc chọn lựa đề tài nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng và minh bạch”, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương cho biết. 

Về quy trình, Quỹ VINIF đang áp dụng việc thực hiện ba vòng phản biện cho tất cả các đề xuất tài trợ: Ở đợt phản biện đầu tiên, mỗi hồ sơ sẽ được ba nhà khoa học trong nước đọc; Vòng hai gồm 2 nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học nước ngoài tiếp tục phản biện (ở vòng này các nhà khoa học sẽ đánh giá cả mức độ phù hợp trong đề xuất tài chính của dự án); Ở vòng cuối cùng, các chủ nhiệm dự án trực tiếp trình bày về dự án của mình trước một hội đồng 10 thành viên. Như vậy với 133 hồ sơ nộp vào năm 2020, qua ba vòng phản biện, đã có tới gần 500 lượt đọc và cần tới hơn 50 nhà khoa học tham gia các hội đồng để cuối cùng Quỹ đã chọn được 22 dự án khoa học công nghệ hướng ứng dụng (ngoài ra còn có 6 dự án công nghệ ứng dụng đã được xét duyệt trước đó). 

Theo thông lệ phổ biến trong quản lý tài trợ khoa học, VINIF không rót kinh phí tài trợ một lần mà theo từng giai đoạn đăng ký của chủ nhiệm đề tài. Hết mỗi giai đoạn, các đề tài sẽ được hội đồng nghiệm thu tiến độ rồi mới nhận tiếp kinh phí của giai đoạn tiếp theo. Để đảm bảo không hành chính hóa thủ tục và tài trợ một cách linh hoạt nhất cho các đề tài, VINIF không đưa ra một mốc thời gian cứng về tiến độ mà chỉ gợi ý chia ra làm ba giai đoạn, sau đó các chủ nhiệm đề tài tự xác định mỗi giai đoạn bao nhiêu tháng dựa trên đặc thù đề tài của mình. 

Nhờ linh hoạt trong những công việc quản lý thường xuyên như vậy nên VINIF ứng phó rất nhanh chóng với những trường hợp tài trợ đột xuất như các đề tài nghiên cứu về COVID-19 kể trên. Thay vì rót kinh phí cho các đề tài COVID-19 theo ba đợt với định mức 30%-30%-30% và cuối cùng là 10% khi nghiệm thu kết quả thì VINIF rót kinh phí cho các đề tài COVID-19 theo tỉ lệ 70%-30% để các nhóm nghiên cứu có ngay nguồn lực cho các nghiên cứu thực nghiệm.

Học hỏi và rút kinh nghiệm 

Đánh giá chất lượng hồ sơ đầu vào và sản phẩm đầu ra là vấn đề quan trọng của các quỹ đầu tư cho khoa học. VINIF cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Đây là lý do vì sao Quỹ dành nhiều thời gian và công sức vào mục tiêu xây dựng một danh mục tạp chí uy tín để phục vụ cho việc đánh giá hồ sơ và nghiệm thu tài trợ. Và cũng bởi có một thực tế khác là “các hội đồng không thể bao gồm hết các chuyên gia, các chuyên gia không đủ mạnh để đánh giá hết các đề tài”, theo nhận xét của giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch hội đồng ngành Toán Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), nhận xét trong Hội thảo Nâng cao chất lượng công bố khoa học do VINIF tổ chức ngày 7/10 vừa qua.

Tuy nhiên để xây dựng được một danh mục tạp chí uy tín như mong muốn không đơn giản vì hiện nay có hiện tượng các tạp chí, kể cả thuộc Q1 nằm trong cơ sở dữ liệu của Web of Science – ISI hoặc Scimago có chất lượng rất chênh lệch. Do đó, chọn được một danh mục tạp chí phù hợp, nhận được sự chấp thuận của cộng đồng không chỉ là câu hỏi đặt ra đối với riêng VINIF mà là câu hỏi chung với bất kỳ một quỹ tài trợ nghiên cứu nào. 

Trong phiên thảo luận, các chuyên gia đều thống nhất với mức hỗ trợ tài chính mà Quỹ VINIF đang hỗ trợ các dự án, việc thu hẹp danh mục tạp chí được nghiệm thu, đảm bảo chất lượng, uy tín là điều cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào một danh sách tạp chí cố định, mà cần có một tiêu chí cụ thể và rõ ràng, kết hợp với đánh giá của Hội đồng xét duyệt, đặc biệt khi Quỹ VINIF đang tài trợ các dự án đa ngành, liên ngành, và cần sự đa dạng hoá.

Các nhà khoa học thuộc các hội đồng khoa học chuyên ngành đều tư vấn VINIF nên học theo kinh nghiệm xây dựng danh mục tạp chí của các quỹ đi trước, đã được thảo luận nhiều và đang được thống nhất sử dụng. “Nếu tự nhiên VINIF đưa ra danh mục riêng thì chắc khó đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học”, theo PGS. TS Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam). 

Lý do thứ hai để VINIF nên vận dụng danh mục của các quỹ đi trước vì quá trình rà soát các tạp chí từ đầu và xây dựng một danh sách riêng sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực con người, mà VINIF khó lòng đảm đương. Với kinh nghiệm cá nhân, giáo sư Ngô Việt Trung cho biết, các hội đồng khoa học cũng phải liên tục thảo luận và bàn bạc rất nhiều lần mới đưa ra được những tiêu chí về danh mục tạp chí uy tín để xét duyệt. Ví dụ, trong mười năm qua, hội đồng khoa học các nhiệm kỳ của Quỹ NAFOSTED (mỗi nhiệm kỳ 2 năm) cũng liên tục thảo luận để hoàn thiện, đưa ra các danh mục ngày càng phù hợp hơn. Qua gần 10 năm thì cách làm này cho thấy hiệu quả tốt.

Giáo sư Ngô Việt Trung cũng tư vấn, để xây dựng một danh mục chất lượng cao thì không nên để một nhóm nhà khoa học xây dựng, vì khi đó sẽ dẫn tới tình trạng bị tính chủ quan của từng người ảnh hưởng. VINIF nên dựa vào tiêu chí định lượng cứng: bắt đầu xuất phát từ cơ sở dữ liệu được cộng đồng thống nhất, ví dụ như danh mục Q1 của Web of Science hoặc Scimago, tiếp tục thu hẹp lại bằng việc chọn tốp đầu của Q1, sau đó cùng thảo luận với các chuyên gia uy tín của từng ngành để chốt danh mục. 

Song song với đó, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng công bố quốc tế ở Việt Nam, các nhà khoa học khuyến nghị VINIF cần thảo luận xem có đặt ra tiêu chí về số lượng bài báo cần đạt hay không? Nếu nhóm nghiên cứu phải chia ra đăng cho đủ số lượng thì chất lượng sẽ không bằng so với việc nhóm chuyên tâm, có thời gian dài hơi cho nghiên cứu và công bố, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nêu.  

Mục tiêu của Quỹ VINIF là thông qua việc tài trợ cho các dự án rất cụ thể để nhằm giới thiệu, hiện thực hóa một số mô hình phổ biến hữu dụng cho quá trình phát triển ở các nước, rất cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam nhưng người Việt đa phần chưa có những hình dung về các mô hình đó. Ví dụ như mô hình doanh nghiệp hỗ trợ nghiên cứu của các trường đại học đã rất phổ biến ở các nước phương Tây nhưng Việt Nam chưa có và cần phải được thúc đẩy. Một mô hình khác nữa là học tiến sĩ hoặc thạc sĩ toàn thời gian vẫn còn xa lạ ở Việt Nam thì các chương trình hỗ trợ học bổng, với số tiền vừa phải (khoảng hơn 10 triệu mỗi tháng) vừa đủ cho cuộc sống đơn giản của nghiên cứu sinh nhưng họ không phải lo về cuộc sống, mà dành thời gian để nghiên cứu.
Đó là những mô hình nên trở nên phổ biến ở Việt Nam. Những gì chúng tôi làm chỉ có thể tác động một phần nhỏ cho cộng đồng những người làm nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng nếu như nó tạo ra được cảm hứng, được nhiều người ủng hộ, nhiều người cùng làm, các doanh nghiệp khác cũng thúc đẩy thì có thể sẽ tạo ra thay đổi trong cả cộng đồng nghiên cứu và xã hội nói chung.
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Quỹ VINIF

Đặt thêm vấn đề về thời gian nghiệm thu, TS Nguyễn Việt Cường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu ra điểm chưa hợp lý trong nghiệm thu đề tài hiện nay “với quy định phải kiểm toán hằng năm, các chủ nhiệm đề tài nhà nước phải bằng mọi cách xuất bản trong thời hạn quy định (thường là 2 năm – PV), trong khi các tạp chí tốp đầu có thể mất tới hai năm mới đăng bài”. Do đó anh đề nghị VINIF có thể khắc phục điều đó bằng cách “linh hoạt hơn, không chỉ là hết dự án là nghiệm thu, mà hội đồng có thể đánh giá chất lượng và khả năng công bố trên các tạp chí top đầu tới đâu để gia hạn cho nhóm nghiên cứu”.

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)