VKIST cần có chế độ đãi ngộ đặc thù

Công việc sau gần một năm động thổ của Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) dường như được chia thành hai hướng, một mặt là sự thuận lợi của mảng xây dựng cơ sở hạ tầng, đánh giá thực trạng nghiên cứu còn bên kia là vướng mắc và rào cản khó vượt qua trong quá trình tuyển dụng nhân sự.


Các nhà khoa học tại VKIST và KIST đi khảo sát khối công nghiệp năm 2017. Ảnh: Bảo Như

Rõ ràng để chuẩn bị cho một VKIST sẵn sàng nhập cuộc, ngay từ bây giờ, Viện đang cần một cơ chế mới với nhiều ưu đãi để thu hút nhân tài.

Những vấn đề đó đã được Viện trưởng VKIST Kum Dong Hwa báo cáo tại kỳ họp lần thứ 3 Hội đồng Khoa học VKIST diễn ra sáng ngày 22/2/2019 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng VKIST. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vấn đề mà ông Kum Dong Hwa nêu cũng là câu chuyện thời sự: sau quá trình “chảy máu chất xám” từ nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo công lập đến các doanh nghiệp nước ngoài hoặc tư nhân, nhiều nhà nghiên cứu có tài bắt đầu gửi đơn thẳng tới doanh nghiệp mà không còn “lưu luyến” các đơn vị công. Giữa dòng chảy nhân sự đó, ngay cả một viện như VKIST cũng chịu sức ép không nhỏ.

Cơ chế công có đủ sức giữ người?

Cuộc ra mắt trang trọng của VKIST gần một năm trước với những cam kết của cả Việt Nam và Hàn Quốc trong việc chung tay thúc đẩy một mô hình quản lý thành công ở Hàn Quốc phát huy hiệu quả ở Việt Nam đã trở thành yếu tố thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học Việt Nam, cả đang hoạt động ở trong nước lẫn nước ngoài. Do đó, khi Viện bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho các vị trí chủ chốt đầu tiên là trưởng nhóm nghiên cứu, dường như công việc có vẻ thuận lợi. Những tiêu chí mà VKIST nêu ra cho các vị trí tuyển dụng đều hướng đến các nhà khoa học đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở trong khối doanh nghiệp. Và ở nhiều nơi, nhiều diễn đàn, người ta bắt đầu nói về VKIST như một nơi có thể làm việc tốt, nơi mà cả hệ thống trang thiết bị và môi trường làm việc đều theo chuẩn quốc tế.

Khó có thể thuận lợi hơn, theo báo cáo của Viện VKIST, sau 35 ngày thông báo tuyển dụng, đã có 65 ứng viên ứng tuyển, trong đó 2/3 là tiến sĩ chủ yếu học ở nước ngoài và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong khối công nghiệp. Kết quả phỏng vấn lần 1 đã chọn lọc được 5 ứng viên rất tiềm năng cho vị trí trưởng nhóm nghiên cứu, mà theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Liêm, thành viên của Hội đồng Khoa học VKIST, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), họ đều là những nhà khoa học thực sự có năng lực. Thành viên của Hội đồng Khoa học VKIST, TS Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1, người tham gia tổ tư vấn tuyển dụng của Viện, cũng nêu nhận xét tương tự như GS. TS Nguyễn Quang Liêm, “khi trao đổi với họ, tôi cũng nhận thấy cả 5 người, trong đó 3 người làm việc ở nước ngoài, 2 làm việc trong nước, đều là những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình”.

Sau khi tuyển được người rồi, VKIST có thể giữ được họ gắn bó với Viện khi phải “chống đỡ” được trước sức hút của cơ chế thông thoáng và rộng rãi về đãi ngộ của các doanh nghiệp dành cho nhân sự cấp cao. Trong thời gian gần đây một số tập đoàn như Phenikaa, Vingroup đang “mở cửa” tuyển dụng nhân lực nghiên cứu cả khối ứng dụng và cơ bản, dẫn đến những cuộc “chảy máu chất xám” tại nhiều trường đại học?

Vậy chế độ đãi ngộ của VKIST với những trưởng nhóm nghiên cứu như vậy có ở mức tương đương với các doanh nghiệp trên? GS.TS Nguyễn Quang Liêm chia sẻ thực tế mà Viện Hàn lâm và trường Đại học Bách khoa HN đang phải nếm trải: mất người giỏi về tay Phenikaa với mức lương ưu đãi khoảng 60 đến 80 triệu một tháng.

Trong khi đó, với cơ chế tài chính đặc thù của VKIST hiện nay, hội đồng tuyển dụng chỉ tạm đề xuất mức lương cho các vị trí trưởng nhóm nghiên cứu vào khoảng 1000 USD/tháng.

Cần một cơ chế đãi ngộ đặc thù

Với kinh nghiệm của một người trải qua cả nghiên cứu và quản lý sản xuất, TS Đỗ Tuấn Đạt đưa ra nhận xét chung: “Tìm được nhân sự đáp ứng đủ các điều kiện đang làm ở khối công nghiệp, có mối quan hệ trong nước và quốc tế tốt, có kỹ năng làm việc nhóm là rất khó”. Vậy nếu cần một chế độ đãi ngộ đặc thù cho họ, sẽ là bao nhiêu?

Tiêu chí tuyển người của VKIST là những nhà nghiên cứu từng có nhiều năm làm việc trong khối công nghiệp nhưng theo quy định hiện nay về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, thì kinh nghiệm làm việc trong khối ngoài công lập sẽ không được tính khi xác định hệ số lương. Điều này làm giảm ưu đãi đối với các nhà khoa học và các kỹ sư đã có nhiều năm làm việc trong khối công nghiệp. Như vậy, sẽ rất khó khăn cho VKIST khi cần phải tuyển người có kinh nghiệm, năng lực cao, theo nhận xét của đại diện của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN).

Đây là vấn đề mà bản thân ông Kum Dong Hwa cũng nghiền ngẫm rất lâu để tìm hướng giải quyết, vừa giữ chân được người tài, vừa có thể đáp ứng những quy định của Việt Nam. Ông đưa ra một ví dụ cụ thể: “Với trường hợp một người có bằng tiến sĩ và thâm niên 5 năm là trưởng nhóm nghiên cứu tại Bỉ, nếu làm nghiên cứu viên thông thường sẽ nhận mức lương bậc 3 (3.00), còn chiểu theo quy chế tài chính đặc thù hiện thời của VKIST, thì chúng ta cũng chỉ có thể áp dụng mức lương bậc 2 của nghiên cứu viên chính (4.74). Còn với một người có bằng tiến sĩ đã 13 năm và có nhiều năm kinh nghiệm tại một doanh nghiệp chỉ có thể xếp mức lương bậc 3 của nghiên cứu viên (3.00)”.

Trong một cuộc trao đổi với báo KH&PT gần đây, TS. Kum Dong Wha từng chia sẻ, VKIST có một số lợi thế riêng về môi trường làm việc như có mối quan hệ tốt với khối doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, các công ty hàng đầu Hàn Quốc, với các viện nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc. Ngay tới đây, sau khi được tuyển dụng, các vị trí nhân sự chủ chốt của VKIST sẽ được gửi đi làm việc tại KIST để bổ sung những kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế trả lương vẫn là trở ngại rất lớn mà VKIST đang gặp phải thì Viện trưởng cũng không đủ thẩm quyền giải quyết.

Tham dự phiên họp này, đại diện của Bộ Tài chính thừa nhận, cơ chế tiền lương cho lĩnh vực KH&CN là bài toán rất lớn mà chưa dễ tìm được lời giải. Ở thời điểm này, điều VKIST có thể làm là đưa ra một cơ chế đặc thù như các trường đại học tiên tiến hiện nay, như cách làm của các trường Đại học Việt Đức hay trường Đại học KH&CN Hà Nội là lương gồm “phần cứng” là được tính hai lần lương và “phần mềm” do lãnh đạo được quyền quyết định chi tăng thêm.

VKIST đã triển khai một số đề tài cấp Bộ đầu tiên như: Nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển và ứng dụng chipset PN tại Việt Nam nhằm đưa ra một báo cáo khả thi về tình hình ngành công nghiệp chip của Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chipset. Đối với lĩnh vực công nghệ sinh học, Viện tập trung vào khảo sát những chuỗi giá trị có vai trò quan trọng, gồm khảo sát điều tra thị trường chuỗi giá trị cá tra tại Cần Thơ, đề xuất dự án phát triển các sản phẩm từ cây đinh lăng theo hình thức Nghị định thư phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước là Công ty cổ phần Traphaco và Viện KIST phía Hàn Quốc.

Bảo Như – Thanh Nhàn
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/vkist-can-co-che-do-dai-ngo-dac-thu/2019022803553452p1c785.htm

Tác giả