Về giải thưởng và phần thưởng

Giải thưởng Tạ Quang Bửu rất đáng quý vì đã là đem lại sự công nhận cho những công trình của các nhà khoa học đặc biệt xứng đáng, đồng thời khích lệ họ quyết tâm theo đuổi nỗ lực của mình. Giải thưởng còn tạo nên những tấm gương cho toàn bộ cộng đồng khoa học trong nước. Tôi cho rằng lưu ý đến những quan niệm giản dị như vậy khi chúng ta trao tặng một giải thưởng là điều rất quan trọng.

Các thành viên của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018. Ảnh: Quỳnh Trang/Nafosted.

Mới đây, giải thưởng uy tín Tạ Quang Bửu đã được trao cho ba nhà khoa học Việt Nam một cách xứng đáng. Là thành viên hội đồng giải thưởng, tôi được chứng kiến các công trình được đề cử có chất lượng rất cao. Phải lựa chọn một vài trong số tác giả để trao giải là việc hết sức khổ tâm, bởi họ đều xứng đáng được trao giải vì những đóng góp cho tiến bộ khoa học của Việt Nam và mang lại niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Được hỏi về việc cải thiện quy trình lựa chọn giải thưởng, tôi thấy về mặt quy trình, hiện tại, không cần cải thiện gì, tuy nhiên, tôi muốn nhân đây đề nghị việc hình thành một số giải thưởng mới tương tự như giải thưởng Tạ Quang Bửu để Việt Nam có thể ghi nhận đầy đủ hơn những đóng góp của các nhà khoa học xuất sắc và xứng đáng nhất của mình.

Thật vậy, một trong những điểm yếu chính của khoa học Việt Nam là chưa dành sự tôn trọng và công nhận đúng mức cho những người cống hiến cả cuộc đời của mình cho khoa học. Cách đây nhiều năm, tôi nhớ đã viết một bài báo cho Tia Sáng với tiêu đề “Cô con gái người hàng xóm”, trong đó tôi có kể về một nghiên cứu sinh trẻ của mình, người phàn nàn rằng, trong dịp cuối tuần về thăm nhà, bị bố mẹ hỏi tại sao cô ấy lại làm việc vất vả như vậy chỉ để nhận một mức lương ít ỏi, trong khi cô con gái người hàng xóm, chỉ học cao đẳng quá hai năm, lại có mức lương gấp ba bốn lần lương của cô. Cách đây khoảng mười năm, chúng tôi đã mở đầu tờ Bản tin của nhóm nghiên cứu VATLY với trích dẫn lời của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhân dịp Đại hội lần thứ 7 của Đảng, với hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực. Thật thú vị khi ghi lại những lời phát biểu đó ngày hôm nay: “…Trong thời đại ngày nay, thanh niên Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn… Trước năm 2020 chúng ta phải xây dựng một thế hệ thanh niên Việt Nam… tự hào về đất nước… làm chủ hoàn toàn tiến bộ khoa học và công nghệ tân tiến nhất… chúng ta cần phát triển một đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng và nâng cao trình độ kiến ​​thức và giáo dục của họ ngang tầm với đội ngũ đó ở các nước phát triển… chúng ta phải làm hết sức để họ có điều kiện vật chất được cải thiện, điều kiện làm việc văn hóa, chúng ta phải đảm bảo những lợi ích vật chất phù hợp với tài năng của họ”. Mười năm sau, chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn còn chặng đường dài phía trước để giấc mơ trên đây có thể trở thành hiện thực.

Với những người yêu khoa học đến mức chấp nhận phụng sự nó bất chấp điều kiện làm việc thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần thì đất nước nợ họ ít nhất một sự tôn trọng và nên trao cho họ những phẩm giá mà họ xứng đáng. Chúng ta vẫn phàn nàn rằng nền kinh tế của Việt Nam dựa vào lao động giá rẻ chứ không dựa vào tri ​​thức và rằng nạn chảy máu chất xám đang diễn ra nghiêm trọng chưa có dấu hiệu suy giảm. Nhưng chúng ta đã làm gì để thay đổi tình thế này? Vào những năm đầu thập niên 1960, sau khi thực hiện xong luận án tiến sĩ của mình ở Hoa Kỳ, tôi được mời ở lại làm việc với mức lương cao hơn nhiều so với ở Pháp. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định trở về vì có những người trong nước luôn nói với thế hệ trẻ chúng tôi rằng đất nước cần chúng tôi và tự hào về chúng tôi; tại thời điểm đó, nước Pháp vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau những năm tháng chiến tranh. Ở Việt Nam, chúng ta có làm như vậy không? Liệu chúng ta có đang nói đủ rõ với thế hệ trẻ rằng đất nước cần tri thức hơn tiền bạc, sự hào phóng và can đảm hơn thói tinh ranh, trách nhiệm công dân hơn tham vọng cá nhân, và cần ở họ cả sự trung thực ở trong đạo đức cũng như trong học thuật? Tôi nghĩ chúng ta chưa làm được điều đó.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu rất đáng quý vì đã là đem lại sự công nhận cho những công trình của các nhà khoa học đặc biệt xứng đáng, đồng thời khích lệ họ quyết tâm theo đuổi nỗ lực của mình. Giải thưởng còn tạo nên những tấm gương cho toàn bộ cộng đồng khoa học trong nước. Tôi cho rằng lưu ý đến những quan niệm giản dị như vậy khi chúng ta trao tặng một giải thưởng là điều rất quan trọng. Một số người, không phải là trường hợp của bất kỳ thành viên nào trong hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu, nghĩ rằng những giải thưởng đó nên được trao cho những thiên tài. Với tôi, suy nghĩ như vậy hoàn toàn sai lầm. Tôi tình cờ được làm việc rất gần gũi với một số người đoạt giải Nobel, vì phòng thí nghiệm nơi tôi làm việc cũng là nơi họ đã từng làm việc, và tôi có thể nói rằng không ai trong số họ là thiên tài cả; Tôi dành sự tôn trọng cao nhất cho họ và mỗi người trong số họ đều là tấm gương để tôi noi theo, nhưng họ cũng là những cá nhân như bạn và tôi thôi, chỉ đơn giản là họ nghiêm khắc hơn về mặt tri thức và đạo đức, làm việc chăm chỉ hơn, cống hiến nhiều hơn cho khoa học, kiên trì hơn trong những nỗ lực của mình. Đề cao thiên tài, như một món quà của thần thánh ban tặng là vô ích bởi như vậy sẽ không thể khuyến khích lớp trẻ noi theo. Chúng ta vẫn có thể ngưỡng mộ di sản của Beethoven hay một Einstein mà không cần lấy họ làm gương cho con cái mình.

Một số người khác, và một lần nữa đây không phải là trường hợp của bất kỳ thành viên nào trong hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu, khá tự phụ và có xu hướng nghĩ rằng không ai xứng đáng được trao giải hay phần thưởng nào. Sự kiêu ngạo như vậy không phải là không phổ biến. Theo tôi, nó hoàn toàn không phù hợp. Sẽ là tội ác phản khoa học nếu trao giải thưởng cho một ai đó vì lý do không thuần túy dựa trên sự xuất sắc, chẳng hạn như xuất phát từ động cơ mang tính chính trị, hoặc thậm chí bởi những lý do ít đáng kính hơn. Nhưng không nên quá khắt khe với một chút hào phóng mang tính động viên, điều này có thể xảy ra vì mỗi thành viên hội đồng lại có những quan điểm chủ quan trong lựa chọn người đoạt giải. Phải cực kỳ nghiêm túc và nghiêm khắc trong việc đánh giá thành tích của các ứng cử viên, nhưng ta cũng phải nhận ra rằng mỗi thành viên hội đồng lại có quan điểm riêng về nghiên cứu mà họ cho là tốt nhất; sự chính trực và khách quan trong quyết định của họ không đồng nghĩa với việc thành viên khác của hội đồng không thể đưa ra lựa chọn khác. Chúng ta phải khiêm tốn và hào phóng khi trao những giải thưởng như vậy, với nhận thức rằng mục đích của giải thưởng là nhằm làm cho khoa học Việt Nam ngày càng tiến bộ, và chúng ta cần có sự khiêm nhường để nhận ra rằng sự phán xét của mình có thể sai dù chúng ta đã công bằng và khách quan nhất.

Mơ về một quy trình khách quan tuyệt đối để đảm bảo rằng một và chỉ một quyết định được đưa ra bởi tất cả thành viên hội đồng giải thưởng là phi thực tế và phản tác dụng. May mắn thay, chúng ta không thể bị thay thế bởi robot. Không nên khuyến khích những nỗ lực như đưa ra trọng số cao một cách quá đáng về chất lượng tạp chí nơi công bố bài báo đang xem xét trao giải. Hội đồng giải thưởng được thành lập là để đánh giá công trình của một nhà khoa học chứ không phải là chất lượng của một tạp chí. Tương tự như vậy, khăng khăng rằng người đoạt giải phải là tác giả đầu của công trình cũng là ngớ ngẩn. Lý do thành lập hội đồng giải thưởng mà không phải là robot chính là để tránh những quy tắc kiểu như vậy.

Một ví dụ về sự chủ quan trong việc đánh giá, đặc biệt ở Việt Nam hiện nay, là công trình được thực hiện trong nước sẽ được đánh giá cao hơn công trình được thực hiện ở nước ngoài. Lý tưởng nhất, công trình được thực hiện trong nước phải có trọng số rất lớn. Tinh thần của những giải thưởng như vậy chắc chắn không phải là để trao cho những công trình nghiên cứu được thực hiện ở nước ngoài. Tất nhiên, điều này phải được hiểu rằng nghiên cứu khoa học hiện đại thường được thực hiện dưới sự hợp tác với các nhóm nước ngoài và/hoặc sử dụng các thiết bị ở nước ngoài. Nhưng công trình nghiên cứu phải được thực hiện phần lớn ở trong nước và giải thưởng là trao cho khoa học Việt Nam cũng như nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, hội đồng cần phải làm rõ “thực hiện phần lớn ở trong nước” là thế nào. Đặc biệt, việc ngăn chặn nạn chảy máu chất xám và khuyến khích các nhà khoa học trẻ Việt Nam thành công trở về nước, như tôi đã nói, nên là một trong những trọng số được ưu tiên cao trong danh sách tiêu chuẩn ưu tiên của hội đồng  và phải có một trọng số nhất định nào đó trong quyết định của thành viên hội đồng.

Hy vọng tôi đã nói đủ để có thể tuyên bố rằng chúng ta cần phải có nhiều cách để phát hiện và khuyến khích nghiên cứu khoa học tốt ở Việt Nam hơn so với hiện nay. Hội Vật lý Pháp, nước có dân số chỉ bằng hai phần ba Việt Nam, trao không ít hơn mười tám giải thưởng chỉ cho vật lý. Hội vật lý Việt Nam, mặc dù được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) giao nhiệm vụ “tổ chức trao giải thưởng khoa học để khuyến khích và phát triển tài năng của các nhà vật lý, đặc biệt là những tài năng trẻ”, chỉ có một giải thưởng cho lý thuyết mà không có giải thưởng nào cho thực nghiệm và quan sát. Vấn đề thiếu kinh phí cho giải thưởng không phải là lý do chính đáng. Chi phí cho giải thưởng thường nhỏ so với lợi ích mà nó mang lại và, tạo nên một giải thưởng có ý nghĩa đồng nghĩa với việc chúng ta đã sử dụng tốt nguồn tài nguyên, hơn là dành tiền mua những thiết bị đắt tiền mà gần như không được sử dụng. Như tôi thường nói, chúng ta cần đầu tư vào bộ não chứ không phải thiết bị. Hơn nữa, phần lớn chi phí cho giải thưởng có thể và nên được các công ty tư nhân chi trả. Ở các nước phát triển, một số công ty tư nhân chấp nhận làm việc này, ta có thể hy vọng ​​những công ty tư nhân khi đầu tư vào các nước đang phát triển nhằm khai thác lao động giá rẻ cũng có ý thức làm điều tương tự. Chưa kể đến các nhà khoa học Việt kiều đặc biệt thành công ở nước ngoài nơi công việc của họ được tưởng thưởng: có cách nào tốt hơn để thể hiện tình yêu với quê hương đất nước bằng việc đóng góp tạo nên một giải thưởng khoa học?

Tôi nghĩ đã đến lúc VUSTA khuyến khích các hội nghề nghiệp tích cực hơn và sáng tạo hơn trong vai trò “khuyến khích và phát triển tài năng trẻ”. Với giải thưởng Tạ Quang Bửu, NAFOSTED đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức được những giải thưởng như vậy một cách công bằng và khách quan theo cách mà cộng đồng mong đợi. Khi được hỏi bình luận về các hội trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, phó chủ tịch VUSTA, nói với chúng tôi rằng ông hy vọng các hội nghề nghiệp sẽ “tìm con đường riêng của mình để hoạt động hiệu quả, có tầm nhìn tương lai, để xác định mục tiêu và chiến lược phát triển của mình”. Ông nói thêm rằng VUSTA nhận thức rõ rằng một số hội “thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để gây quỹ cho các hoạt động của mình” và VUSTA sẽ cố gắng “giúp đỡ các hội đào tạo những lĩnh vực liên quan đến công tác gây quỹ, quản lý và đánh giá các nhiệm vụ và dự án khoa học”. Thông điệp đã rõ ràng, bóng đang ở trong chân chúng ta, đã đến lúc cần dẫn bóng và sút!

Phạm Ngọc Điệp dịch

 

Tác giả