Nafosted – Những đổi mới cần thiết

Sau 5 năm triển khai đạt được những thành tựu và nền tảng nhất định, nhưng đã đến lúc Nafosted cần hướng đến những cải cách, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của giới khoa học.

Để thảo luận về vấn đề này, ngày 19/4/2014 tại Hà Nội, Tạp chí Tia Sáng đã tổ chức Hội thảo Xây dựng mô hình tài trợ kinh phí dài hạn của Nafosted cho các tổ chức nghiên cứu với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, và lãnh đạo đại diện Bộ KH&CN, Quỹ Nafosted, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.

Đa số các nhà khoa học đánh giá sự ra đời và hoạt động của Quỹ Nafosted là một sự tiến bộ trong cơ chế tài chính cho các đề tài nghiên cứu, đồng thời đã giúp tăng tính khách quan trong hoạt động phê duyệt, thẩm định các đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, với yêu cầu các đề tài phải đáp ứng tiêu chí về số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí ISI. Báo cáo của ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Nafosted, cho thấy những cải cách nêu trên đã khiến hoạt động của Quỹ trong những năm qua góp phần làm tăng đáng kể số lượng các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí ISI, mặt khác giúp trẻ hóa đội ngũ các nhà nghiên cứu có công trình được Nhà nước tài trợ.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN– Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định rằng Nafosted đã tạo được một sân chơi bình đẳng cho phép các nhà nghiên cứu trẻ giàu năng lực tham gia đăng ký các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được Nhà nước tài trợ, mang lại cho họ cơ hội cống hiến và nâng cao thu nhập để có thể yên tâm làm việc. “Trung bình mỗi năm viện chúng tôi có 4 tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài trở về, và chúng tôi không thể nào giữ chân họ ở viện nếu không có Nafosted”, PGS. Phạm Thành Huy nói.  

Ngoài ra, theo GS. Phạm Hùng Việt, Phó chủ tịch Hội đồng ngành hóa học của Nafosted, một tác động lan tỏa khác của Quỹ là tạo ra những thói quen mới ở các tổ chức, nhóm nghiên cứu, phù hợp cho tiến trình hội nhập học thuật theo các chuẩn mực quốc tế, chẳng hạn các nhà nghiên cứu đã bắt đầu có thói quen viết các bài báo khoa học trực tiếp bằng tiếng Anh, thậm chí một số cơ sở trong nước đã bắt đầu yêu cầu bảo vệ luận văn bằng tiếng Anh.

Những tác nhân ảnh hưởng tới chất lượng các đề tài

Tại hội thảo lần này, các nhà khoa học và quản lý đã thẳng thắn chỉ ra một số những bất cập trong công tác quản lý, phê duyệt, nghiệm thu các đề tài của Nafosted, trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất là các mối lo ngại xung quanh phương thức quản lý chất lượng các đề tài nghiên cứu căn cứ theo tiêu chí về số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí ISI. Theo GS. Phạm Duy Hiển, đây là “một hành xử thuần túy mang tính hành chính, tuy bề ngoài có vẻ dân chủ nhưng nguy hiểm”, vì gây ra nguy cơ thẩm định, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu một cách sai lệch khi người ta lệ thuộc một cách máy móc vào số lượng công trình công bố trên các tạp chí ISI đồng thời ngộ nhận rằng mọi tạp chí ISI đều có chất lượng tốt.

Hậu quả là có thể sẽ dẫn tới tình trạng có quá nhiều các công bố quốc tế trên các tạp chí ISI kém chất lượng, theo nhận định của GS. Hoàng Tụy. Ông cho rằng thậm chí việc áp dụng chỉ số ảnh hưởng (impact factor) để phân loại, đánh giá các tạp chí ISI cũng không thể giúp loại trừ triệt để nguy cơ này. Mặt khác, việc nghiệm thu các đề tài đơn thuần bằng cách đếm số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí ISI không thúc đẩy nhà nghiên cứu thực hiện các đề tài quy mô lớn, dài hạn, và không động viên họ đầu tư chất xám vào những đề tài chất lượng tốt để có khả năng công bố trên những tạp chí quốc tế thứ hạng cao, mà trái lại, nó tạo ra xu hướng xé lẻ công trình thành nhiều đề tài nhỏ nhằm thu được nhiều kinh phí hơn cho nhà nghiên cứu. Trong một môi trường nghiên cứu có khuynh hướng chạy theo lợi ích trước mắt như vậy, chỉ có những nhà khoa học “đẳng cấp, điềm tĩnh” mới không bị dao động, kiên trì theo đuổi những đề tài nghiên cứu dài hơi, tuy nhiên những người như vậy không có nhiều, theo nhận xét của GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng, Phó chủ tịch Hội toán học Việt Nam.

Mặt khác, đòi hỏi đảm bảo tiêu chí về số lượng công bố quốc tế trong khi nguồn kinh phí nghiên cứu được cấp hạn hẹp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng các đề tài, đặc biệt trong những lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi chi phí tốn kém cho nguyên vật liệu và các hoạt động khảo sát, thử nghiệm. Ví dụ trong ngành khoa học sự sống, “với mức kinh phí 600-800 triệu đồng cho một đề tài khoa học kèm theo yêu cầu có hai công bố quốc tế, chúng ta đa phần sẽ chỉ thu được những công trình nghiên cứu mang tính chất đối phó, theo lời PGS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp.

Vấn đề năng lực các hội đồng ngành khoa học xã hội và nhân văn

Khác với các đề tài khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Nafosted không đòi hỏi phải có công bố quốc tế. Điều này khiến các nhà quản lý không có cơ sở nào khác để đánh giá chất lượng đề tài ngoài kết luận của các hội đồng ngành. Tuy nhiên, đây là điều đáng lo ngại khi có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về năng lực chuyên môn và chất lượng thẩm định của các hội đồng ngành Nafosted trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại hội thảo, GS.Trần Ngọc Vương khẳng định, trong thực tế có những thành viên hội đồng từ nhiều năm nay không có đóng góp gì cho khoa học, và tồn tại một số đề tài trong đó người thực hiện cũng đồng thời chính là thành viên hội đồng thẩm định. Hậu quả gây ra là không ít những đề tài kém chất lượng bị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu loại bỏ nhưng lại được Nafosted chấp nhận phê duyệt và nghiệm thu, ông cho biết.

Kiến nghị của các nhà khoa học và các chuyên gia

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các nhà khoa học cho rằng việc duy trì các tiêu chí ISI là cần thiết để đảm bảo tính khách quan và chất lượng tối thiểu của các đề tài khoa học cơ bản, tuy nhiên họ kiến nghị Nafosted cần sớm có sự phân loại các tạp chí ISI của từng ngành, theo đó các đề tài công bố trên những tạp chí chất lượng cao sẽ được tính điểm nhiều hơn. Đối với những tạp chí quốc tế open-access, TS. Đinh Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện CNTT– Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng các hội đồng ngành cần sớm có một chính sách và thái độ dứt khoát. Ngoài ra, GS. Trần Xuân Hoài (nguyên Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học) đề nghị Nafosted bổ sung thêm những “phép đo” mới bên cạnh tiêu chí về công bố ISI để tăng tính khách quan khi thẩm định chất lượng các đề tài, đồng thời nghiên cứu, xây dựng một cơ chế chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính đạo đức và sự trung thực trong khoa học, bởi đó là yêu cầu đầu tiên đảm bảo chất lượng của các đề tài nghiên cứu – trong tham luận gửi hội thảo và một bài viết trước đây1, GS. Pierre Darriulat (Viện Khoa học và kỹ thuật Hạt nhân) đã đưa ra một giải pháp để cải thiện đạo đức và hạn chế tiêu cực trong các hội đồng khoa học, đó là mời các chuyên gia quốc tế có uy tín tham gia trong các hội đồng này.

Với các đề tài Nafosted thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng, GS. Phạm Duy Hiển và một số nhà khoa học, nhà quản lý đề nghị các cơ quan quản lý có sự đánh giá, nhìn lại giá trị đóng góp của chúng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội sau mỗi giai đoạn 5-10 năm. GS. Hồ Tú Bảo của Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản và PGS. Phạm Thành Huy kiến nghị tăng cường mối liên kết hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp, ngành công nghiệp để tạo ra những đột phá đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế và xã hội. PGS. Phạm Thành Huy cho rằng cần thúc đẩy phát huy nguồn lực từ các doanh nghiệp bằng cách tạo chính sách ưu đãi cho những dự án nghiên cứu đổi mới công nghệ của họ, đồng thời Nhà nước có thể cùng đầu tư và yêu cầu doanh nghiệp góp một phần vốn đối ứng.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, GS. Trần Ngọc Vương kêu gọi sớm có sự cải thiện chất lượng các hội đồng ngành, đảm bảo rằng các thành viên hội đồng là các nhà khoa học đáp ứng đầy đủ các tiêu chí yêu cầu về chuyên môn khoa học, đã và vẫn đang tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu.   

Các nhà khoa học cũng kiến nghị Nafosted cần có chính sách khuyến khích những đề tài có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và những đề tài mang tính dài hạn. GS. Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, đề nghị Nafosted có cơ chế cấp kinh phí cho những đề tài dài hạn (4-5 năm) do những nhóm nghiên cứu có uy tín, từng thành công trước đây thực hiện.

Về cơ chế quản lý tài chính của Nafosted, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế – Bộ Tài chính, kiến nghị Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng một thông tư hướng dẫn giúp các nhà khoa học nắm rõ những quy trình thủ tục và những vấn đề cần nắm rõ để có thể phối hợp hiệu quả với các cơ quan quản lý chức năng. PGS. Nguyễn Ngọc Châu kiến nghị Quỹ xây dựng một cơ chế quản lý thông thoáng hơn nữa và giao quyền lớn hơn cho chủ nhiệm đề tài, trong đó Quỹ sẽ ký hợp đồng trách nhiệm rõ ràng với từng người và quản lý theo sản phẩm. Mỗi đề tài sẽ có tài khoản riêng và các chi tiêu được phép tự do trong định mức cho phép giống như thông lệ các đề tài quốc tế.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả và hạn chế hơn nữa khả năng xảy ra tiêu cực, PGS. Nguyễn Ngọc Châu đề nghị nâng cao trình độ năng lực và mức thu nhập cho cán bộ của Quỹ, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế.

Những cải cách sẽ được các nhà quản lý triển khai thực thi

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, yêu cầu Nafosted và các đơn vị trong Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, và đề xuất các cơ chế chính sách cụ thể phù hợp để hiện thực hóa các kiến nghị này, ví dụ như nghiên cứu phân loại các tạp chí ISI của từng ngành khoa học tự nhiên và xây dựng các trọng số tính điểm phù hợp tương ứng, nghiên cứu xây dựng các tiêu chí phù hợp cho việc đánh giá chất lượng các đề tài khoa học xã hội và nhân văn, hay nghiên cứu về kiện toàn tổ chức bộ máy của Nafosted, v.v. Ông cũng cho biết một số nội dung kiến nghị của họ trong thực tế đã được đưa vào dự thảo một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cho Luật KH&CN sửa đổi. Tuy nhiên, hiện nay một số nội dung vẫn đang chờ cơ chế tài chính phù hợp để thực thi, ví dụ cơ chế tài chính để mời các chuyên gia quốc tế tham gia vào các hội đồng ngành, hoặc phục vụ cho các nội dung về đào tạo nhân lực trong các đề tài.

Theo bà Đỗ Phương Lan, Phó giám đốc Quỹ Nafosted, hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng và lấy ý kiến các Bộ, ngành cho thông tư liên tịch hướng dẫn lập dự toán và quản lý kinh phí đối với đề tài nghiên cứu cơ bản của Nafosted nhằm thúc đẩy triển khai cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng – theo đó cơ chế tài chính cho các đề tài nghiên cứu sẽ tiếp tục được cải tiến thông thoáng hơn, kinh phí được cấp căn cứ theo hợp đồng giữa Nafosted với nhà nghiên cứu và không bị kho bạc Nhà nước kiểm soát chi các khoản tạm ứng, thanh toán. Quy mô các nhóm thực hiện đề tài sẽ tùy theo sự xét duyệt của các hội đồng ngành, không còn bị giới hạn (hiện nay giới hạn chung cho các nhóm thực hiện đề tài Nafosted là 7 người) đối với những đề tài lớn, có tính liên ngành.

Đối với các kiến nghị khuyến khích các đề tài ứng dụng triển khai phục vụ các doanh nghiệp, các nền công nghiệp, được biết trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tích cực xây dựng, hoàn thiện các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03/04/2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Nafosted, trong đó đã bổ sung một số chức năng quan trọng cho Quỹ như bảo lãnh vốn vay, hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi cho những dự án triển khai các ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.
               
————
1 Pierre Darriulat, 2012: Tiêu chí và phương thức mời thành viên nước ngoài tham gia hội đồng khoa học, tạp chí Tia Sáng
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=5641

Tác giả