Các hộ tiểu nông có thể góp phần làm lây truyền dịch cúm gia cầm

Với bài báo “Poultry farmer response to disease outbreaks in smallholder farming systems in southern Vietnam” (Phản hồi của nông dân nuôi gia cầm với những bùng phát dịch bệnh trong các hệ thống nuôi trồng nhỏ ở miền Nam Việt Nam) trên tạp chí eLife, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã cảnh báo về nguy cơ làm trầm trọng hơn dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) khi những hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ ở Việt Nam có xu hướng đối phó cách bán thật nhanh đàn gia cầm để tránh thiệt hại về tài chính. Do những đàn gia cầm này sẽ sống chung một nơi với những con khác trong chợ và các mạng lưới giao thương, khả năng lan truyền dịch bệnh trên diện rộng cũng có nguy cơ tăng cao.


Các hộ tiểu nông có xu hưởng phản hồi dịch cúm HPAI bằng cách bán tháo để tránh thất thoát tài chính. Nguồn: Alexis Delabouglise, CIRAD/Penn State

Alexis Delabouglise, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà kinh tế học về sức khỏe động vật tại CIRAD – Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển ở Pháp, cho biết, “nếu giá gia cầm tăng lên, nông dân có thể sẽ mở rộng hoạt động chăn nuôi và gây ra nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nếu dịch xuất hiện ở trang trại lân cận, họ sẽ có thể bán sớm đàn gia cầm để tránh vật nuôi bị lây cúm và giảm giá thành. Còn nếu dịch bùng phát ngay trong chính trang trại của họ, nông dân sẽ bán đàn gia cầm nhanh để tránh cả tổn thất về tài chính lẫn rủi ro về dịch tễ học”.

Ông và cộng sự là Nguyễn Thị Lê Thanh – Chương trình Nghiên cứu Chuyên đề Hải ngoại Wellcome Trust Việt Nam, Huỳnh Thị Ái Xuyên – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau, Benjamin Nguyễn Văn Yên – Chương trình Wellcome Trust và Ecole Normale Superieure, Phùng Ngọc Tuyết – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau và Hà Minh Lâm – Chương trình Wellcome Trust và Đại học Oxford, đã thực hiện một nghiên cứu về các trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ ở khu vực ĐBSCL. Mục tiêu của họ là xác định đặc điểm ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh đối với tỉ lệ “thu hoạch” gia cầm, cũng như với hai phương pháp phòng ngừa: tiêm vaccine và khử trùng trang trại. Nhóm đã theo dõi 53 người nông dân và việc quản lý đàn gia cầm hơn 1000 con của họ từ năm 2015 đến năm 2017.

Họ sử dụng các mô hình tuyến tính tổng quát (general additive models) để khảo sát xác suất những người nông dân bán hoặc giết mổ đàn gia cầm; xác suất thực hiện tiêm phòng cúm gia cầm trên những đàn chưa được tiêm vaccine trước đó và xác suất khử trùng trang trại khi có dịch bệnh. “Chúng tôi phát hiện ra các hộ chăn nuôi đã sớm bán gà ra thị trường trước khi dịch bùng lên ở trang trại của họ”, Delabouglise cho biết. “Những người chăn nuôi quy mô nhỏ đã tăng sản lượng giết mổ và bán gà thịt lên 56% trong thời gian có dịch nhưng chưa làm chết gà, và tăng lên 214% khi dịch bùng lên và có những con chết đột ngột. Điều này có khả năng làm ổ dịch trở nên trầm trọng hơn cũng như tăng phạm vi lây nhiễm virus”.

Kết quả cho thấy tỉ lệ tiêm phòng cúm gia cầm tăng mạnh theo quy mô đàn, trong đó, xác suất tiêm phòng gần như bằng 0 đối với những đàn có 16 con trở xuống và đạt gần 100% đối với những đàn có trên 200 con. Lý do khiến hàng triệu hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ không tiêm vaccine cho đàn gia cầm của mình là muốn tránh các chi phí giao dịch liên quan đến việc khai báo thông tin vật nuôi cho dịch vụ thú y của chính phủ trước khi tiêm phòng. Một nguyên nhân khác có thể là do quy mô đàn nhỏ, tình trạng tiêm phòng chưa được kiểm soát, người chăn nuôi không nhận thấy nhiều hiệu quả từ tiêm vaccine.

“Quan trọng là những đàn quy mô nhỏ lại hay bị bán ra thị trường trong thời gian dịch bệnh”, ông nói. “Tỉ lệ bán nhanh những con mắc bệnh có thể lây truyền virus cho những con khác tại các cửa hàng cũng như những địa điểm bán gia cầm sống ở chợ. Nó cũng khiến tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở người tiêu dùng, thương nhân, người giết mổ và người bán lẻ”.

Ngược lại, sự xuất hiện ồ ạt của các loại gia cầm chưa đến thời điểm bán, hoặc việc giá bán giảm do nguồn cung tạm thời tăng có thể là dấu hiệu cho thấy có một đợt dịch đang hoành hành”.

Delabouglise cũng cho biết, kết quả nghiên cứu của nhóm có thể giúp các cơ quan chính phủ hoạch định chính sách để phòng tránh sự lây lan cúm HPAI.

Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-08-farmers-quick-sale-poultry-outbreaks.html

Tác giả