Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2025: Không có nhiều thay đổi

Trong quyết định ban hành Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2025 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký duyệt, Chương trình giai đoạn 2021-2015 không có nhiều thay đổi so với Chương trình phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (được thông qua 5 năm trước) ở hai nội dung nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng.


Phòng thí nghiệm của Trung tâm nano và năng lượng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN). Ảnh: Hoàng Nam

Theo Quyết định ban hành ngày 4/8/2020, chương trình 2021-2025 ưu tiên nghiên cứu một số chuyên ngành vật lý hiện đại, làm nòng cốt cho phát triển lĩnh vực KH&CN đa ngành, ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống, gắn với một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp lần thứ tư và các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý mà Việt Nam có thế mạnh. Do đó, chương trình sẽ tập trung vào ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của ngành vật lý đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là: Vật lý lý thuyết và tính toán; Vật lý các chất đậm đặc và chất mềm; Quang lượng tử và quang tử học; Vật lý hạt nhân, vật lý kim loại  (nghiên cứu cơ bản); Quan trắc và xử lý môi trường; Thiết kế, chế tạo linh kiện điện tử, thẻ điện tử và vi mạch; Vật liệu điện từ, điện tử và quang tử; Lưu trữ và chuyển hóa năng lượng; An toàn vệ sinh thực phẩm và y sinh; An toàn bức xạ hạt nhân; Phát triển một số thiết bị khoa học hiện đại, đặc chủng, đặc thù (nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng).

So với chương trình được thông qua 5 năm trước thì chương trình này mới bổ sung thêm lĩnh vực vật lý kim loại vào nhóm nghiên cứu cơ bản. 

Không chỉ có sự tương đồng về mặt nội dung mà còn ở một số vấn đề khác như nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, chương trình mới cũng không có sự thay đổi nào đáng kể so với chương trình cũ. Có lẽ, việc bám sát các nội dung và định hướng trước đây cũng là cách để vật lý Việt Nam kiên trì thực hiện tiếp những công việc đã định hình nhiều năm trước. 

Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật lý” do Hội đồng ngành vật lý (Hội đồng giáo sư nhà nước), Hội đồng ngành vật lý Quỹ NAFOSTED và trường Đại học Phenikaa tổ chức vào ngày 10/7/2020, PGS. TS Nguyễn Ái Việt (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN) đã cho rằng, những yêu cầu phát triển đất nước và tự chủ về công nghệ trong bối cảnh mới đòi hỏi cách định hướng và tổ chức nghiên cứu theo hướng khác. Cách thức khiến ngành vật lý chưa phát huy được đúng năng lực của mình là “Chúng ta vẫn xây dựng và thực hiện chương trình phát triển theo kiểu cũ, tức là phân chia theo các ngành riêng rẽ như hiện nay vẫn làm thì không thể có bài báo lớn, không có sản phẩm công nghệ và vẫn chỉ phụ thuộc kinh phí đầu tư từ nhà nước”.

Để giải quyết được vấn đề này, ông đề xuất cách thức mà nhiều đồng nghiệp đồng tình: “Chúng ta nên xây dựng các chương trình, theo các vấn đề lớn để ngành nào cũng vào được bởi chúng ta mở cửa cho ngành khác tức là mở cửa cho chính mình. Các ngành xâm nhập vấn đề của vật lý, tạo cơ hội cho vật lý xâm nhập trở lại ngành khác, qua đó có thể giải quyết được các vấn đề lớn, có được những sản phẩm cụ thể và có thể tiếp cận những nguồn lực mới, như vậy không lo không có nguồn lực đầu tư để giải quyết”.

Khi chưa có thể đón nhận được một thay đổi lớn nào trong việc xây dựng chương trình như các nhà vật lý mong đợi thì một trong những điểm sáng của Chương trình mới là ưu tiên nghiên cứu một số chuyên ngành vật lý hiện đại để làm nòng cốt phát triển lĩnh vực KH&CN đa ngành, ứng dụng kết quả vào sản xuất và đời sống. Có lẽ nó cũng gần với một trong những giải pháp mà PGS – TS Nguyễn Ái Việt nêu tại tọa đàm “tăng cường tư duy liên ngành thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án lớn, hướng đến giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, con người”.  □

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)