Một thế kỷ phong trào nữ quyền tại Việt Nam

Dù phải đối diện với hai rào cản lớn, đó là 2000 năm ảnh hưởng Nho giáo và chế độ Pháp thuộc áp bức tiếng nói tự do, nhưng theo TS Bùi Trân Phượng, làn sóng nữ quyền vào những năm đầu thế kỷ XX vẫn diễn ra vô cùng sôi nổi.

TS Khuất Thu Hồng (bên trái) và TS Bùi Trân Phượng tại buổi tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam”. Ảnh: Tuấn Quang.

Có mặt tại buổi tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam” diễn ra vào ngày 24/3 ở Viện Pháp tại Hà Nội, TS Bùi Trân Phượng cho biết, bất chấp những khó khăn, giai đoạn này vẫn có nhiều thuận lợi để nữ quyền phát triển. Thuận lợi thứ nhất là sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ với đặc điểm dễ học, dễ dàng lan tỏa ra ngoài xã hội, cùng với đó là sự góp sức của nền giáo dục công lập khi mà lần đầu tiên nữ sinh được cắp sách đến trường, và từ đó ra đời nhiều ngành nghề mới mà phụ nữ có thể tham gia như viết báo, viết văn, làm thơ…

Thuận lợi thứ hai là ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam không cam tâm chịu áp bức. Những cuộc đấu tranh chống thực dân bằng con đường vũ trang giai đoạn đầu thế kỷ XX đều đi đến thất bại. Sau năm 1930, chỉ còn cách đấu tranh phi bạo lực, và trong loại hình đấu tranh đó, vị thế của người phụ nữ vô cùng thuận lợi. Chính vì vậy, các nhà yêu nước đã dùng phong trào đấu tranh nữ quyền để tiếp tục chống áp bức. 

Đó đều là những thuận lợi để làn sóng đấu tranh nữ quyền phát triển rực rỡ, đa dạng, phong phú từ cách đây 100 năm. Ngọn cờ của làn sóng nữ quyền đó có nhiều thế hệ tham gia và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như bà Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Nguyệt…, họ không chỉ đấu tranh giải phóng dân tộc, mà họ còn đấu tranh giải phóng phụ nữ với một ý thức nữ quyền hết sức rõ ràng. Họ tham gia nhiều hoạt động hợp pháp diễn ra ở trong thành phố một cách bình thường, có người Pháp tham dự, và thậm chí người Pháp còn bắt chước làm theo, như Hội Dục anh do báo Phụ nữ Tân văn tổ chức. Đáng chú ý, thậm chí đã có hàng ngàn người đến lắng nghe những buổi diễn thuyết về quyền phụ nữ của bà Nguyễn Thị Kiêm về những chủ đề như “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không?”… Sự can đảm và quyết liệt ấy đã khiến tác giả của Thi nhân Việt Nam phải thốt lên về Nguyễn Thị Kiêm rằng, “đó là một nữ sĩ có gan và có tài.” 

Nhưng cuối cùng, trước sự đàn áp của chính quyền thực dân, những nỗ lực đó đã không thành công trong việc phối hợp và tổ chức ở quy mô cả nước, cũng như do rào cản văn hóa, chính trị, xã hội; làn sóng nữ quyền đó cũng kết thúc hệt như một vệt sao băng thoáng qua. 

Nữ quyền là nhân quyền

Nối tiếp câu chuyện về nữ quyền trong 100 năm qua, TS Khuất Thu Hồng cho biết, nữ quyền trong giai đoạn đương đại thường xuyên bị chế giễu, mọi người tỏ ra sợ hãi khi nhắc về nó. Thậm chí, bà chia sẻ, mọi người thường nghĩ về nữ quyền như thể đó là một đám phụ nữ rỗi việc đi đấu tranh đòi những quyền rất đặc biệt cho phụ nữ. Những cách hiểu không đúng về nữ quyền là lý do khiến cho con đường đấu tranh vì nữ quyền ngày càng trắc trở. Họ không hiểu rằng, không có cái gọi là nam quyền hay nữ quyền, tất cả đều là nhân quyền. Nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền là vì phụ nữ thiệt thòi, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền. 

Trước câu hỏi rằng rốt cục nữ quyền trong quá khứ đã để lại bài học gì cho nữ quyền trong hiện tại, thì câu trả lời của TS Bùi Trân Phượng là “có học đâu mà hỏi bài học”, vì sau đó những tên tuổi đó “có còn ai biết đến, có còn ai dạy nữa đâu”. Chẳng hạn, xét riêng trong lĩnh vưc văn học nửa đầu thế kỷ XX, nữ quyền không chỉ có Tự Lực Văn Đoàn, mà còn có những nhà văn khác, tác phẩm khác, và đó đều là những hoạt động đấu tranh nữ quyền vô cùng phong phú. Nhưng cuối cùng những tác phẩm ấy chỉ còn chìm khuất trong các nghiên cứu để trình luận án ở các Đại học nước ngoài. 

Còn theo TS Khuất Thu Hồng, nếu để tóm tắt một câu về 100 năm nữ quyền Việt Nam, thì bà sẽ nói đó là “Tiến một bước lùi hai bước”, bởi chúng ta cứ tiến được một chút thì lại bị kéo lùi trở lại bởi những trở lực khác nhau. 

Tác giả

(Visited 291 times, 2 visits today)