Người Việt trẻ chuộng các giá trị cá nhân hơn tập thể

Người Việt trẻ sống ở thành thị ưa chuộng các giá trị cá nhân hơn là các giá trị tập thể.


Ảnh minh họa: Kulnews.

Cụ thể, trong Báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh công bố trong tháng Tám vừa qua, những người trẻ cho biết họ thấy ít gắn kết với cộng đồng địa phương, nhất là khi so sánh với cha mẹ và ông bà họ và cảm nhận rằng những mối quan hệ cộng đồng chẳng hạn như quan hệ hàng xóm đã suy yếu và lỏng lẻo hơn thế hệ trước.

Nghiên cứu này tiến hành khảo sát trên 1200 người trẻ, kết hợp với chia nhóm và thảo luận nhóm tập trung ở 100 người và phỏng vấn sâu, ở cả thành thị và nông thôn. 

Những người được khảo sát sinh sống ở khu vực thành thị và ven đô cảm nhận được xu hướng này rõ rệt hơn so với những người đang sinh sống nông thôn vì các cộng đồng nông thôn vẫn duy trì được sự gắn kết làng xã. Chỉ chưa tới một phần ba (27%) người trẻ ở thành thị cho biết họ tham gia vào việc lập kế hoạch và ra quyết định trong cộng đồng; chỉ có 35% cảm thấy ý kiến của họ được cộng đồng coi trọng. Thông tin thu được từ các buổi thảo luận nhóm tập trung cho thấy sự gắn kết xã hội giữa những người sống cùng một khu trong các thành phố kém hơn các nơi khác. Họ cũng cho biết cảm nhận về người Việt Nam giờ đây ít giao lưu với hàng xóm do cuộc sống đã thay đổi, mang tính cá nhân nhiều hơn. Các cuộc thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu giới trẻ sống ở khu vực nông thôn cho thấy họ nhận được nhiều sự hỗ trợ và có tham gia vào cộng đồng tại địa phương nhiều hơn so với nhóm trẻ ở thành thị.

Tỉ lệ tham gia các hoạt động cộng đồng như các câu lạc bộ hoặc các tổ chức ở thành thị là khá thấp. Một nửa số người trẻ được hỏi (52%) cho biết họ có tham gia các tổ chức hoặc câu lạc bộ. Đặc biệt là nhóm trẻ sinh sống ở thành thị của đồng bằng sông Hồng (64%) và đồng bằng sông Cửu Long (61%) có xu hướng không tham gia vào các câu lạc bộ và tổ chức nhiều hơn cả mức trung bình và các khu vực khác. Trong số các tổ chức xã hội, họ chỉ tham gia vào các nhóm thanh niên (24%), các câu lạc bộ thể thao/ giải trí (18%), và công đoàn (14%) là phổ biến nhất. Khảo sát này cho thấy một bức tranh tương tự với một số nghiên cứu khác trong khoảng một, hai thập kỷ trở lại đây – đã nhấn mạnh rằng người Việt trẻ ngày càng có tính cá nhân cao hơn là tính tập thể và một số nhà tâm lý học đã gọi tên vấn đề ngày càng ít gắn bó với cộng đồng là “sự cô đơn của thời hiện đại”.

Và nhìn chung, phần lớn giới trẻ cảm thấy không gắn kết với các vấn đề lớn của quốc gia, đặc biệt là vấn đề chính trị. Dữ liệu từ khảo sát cho thấy khoảng ba phần tư (78%) giới trẻ Việt Nam không tham gia vào các vấn đề chính trị, và chỉ khoảng 7% tin rằng họ có tham gia ở mức độ nào đó. Khoảng 24% số người được hỏi có tham gia vào các tổ chức thanh niên, chỉ 12% tham gia các tổ chức từ thiện, tổ chức nhân đạo hoặc tương tự và 5% tham gia các tổ chức cộng đồng (các tổ chức phi chính phủ ở địa phương, quy mô nhỏ).

Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy Internet và mạng xã hội đang ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong đời sống thường ngày của người Việt trẻ.  Khoảng một phần ba người trẻ (35%) cho biết mạng xã hội đóng vai trò định hình họ là ai ngày nay. Trong đó, nhóm 16–19 tuổi (43%) có xu hướng thừa nhận điều này nhiều hơn nhóm lớn tuổi (khoảng 32-33% với các nhóm trong độ tuổi 20–30). Nhìn chung người trẻ cảm thấy việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể dẫn đến việc tách rời thế giới thực, gây ra các vấn đề từ sức khỏe thể chất, lười biếng cho đến thiếu tương tác với những người nằm ngoài vòng quan hệ lõi (như gia đình và bạn bè thân thiết nhất).

Nhóm những người trẻ ở thành thị có xu hướng quan tâm nhiều tới giải trí ảo nhiều hơn ở đời thực. Ngược lại, những người trẻ ở nông thôn, nhất là những người sống trong cộng đồng dân tộc thiểu số gắn kết chặt chẽ hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương gần kề, tương tác với mọi người và cùng tham gia các hoạt động ngoài trời. Trong các phỏng vấn sâu, người trẻ ở nông thôn cho biết, các hoạt động địa phương chủ yếu gồm chơi thể thao, câu cá, thăm chùa chiền, thăm đồng và thả diều. biệt trong nhóm dân tộc thiểu số, tương tác giữa người và người như các buổi tụ họp gia đình và bạn bè diễn ra thường xuyên cùng các lễ hội dân tộc, tạo nên cốt lõi đời sống thường nhật.

Tác giả

(Visited 1.319 times, 1 visits today)