Quỹ Nafosted cần hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh và Postdoc

Tại phiên họp triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHTN&KT năm 2016 của Quỹ Nafosted diễn ra vào ngày 6/8 vừa qua, GS. TS Đào Tiến Khoa và một số nhà khoa học khác đề nghị Quỹ cần có kinh phí hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh, postdoc dưới dạng học bổng fellowship như quốc tế đã áp dụng. Đây sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để bổ sung nguồn nhân lực cho khoa học Việt Nam.


Các nhà nghiên cứu trẻ tại phòng thí nghiệm Công nghệ nano, ĐH Quốc gia TPHCM.

Nêu những suy nghĩ về việc nỗ lực nâng cao hiệu quả tài trợ mà Quỹ Nafosted đã thực hiện trong thời gian qua, GS. TS Đào Tiến Khoa (Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân), thành viên Hội đồng ngành vật lý, cho rằng để nâng cao tiềm lực KH&CN Việt Nam, Quỹ cần có những biện pháp hữu hiệu, đầu tư cho đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ. Ông bày tỏ băn khoăn “không hiểu tại sao mãi chúng ta không làm được” khi phân tích thực tế là “tiến sỹ trẻ về nước hay được đào tạo trong nước, muốn tiếp tục phát triển [khả năng nghiên cứu khoa học] nhưng Quỹ không có hỗ trợ nào dưới dạng postdoc được cả”. Đây là nguyên nhân mà theo ông, dẫn đến tình cảnh thường gặp ở Hội đồng chuyên ngành vật lý khi xét duyệt hồ sơ xin tài trợ của một số tiến sỹ từ nước ngoài về, dù chỉ có một mình thực hiện nhưng cũng “vơ quàng vơ xiên” vài người để [cùng] đứng tên một đề tài”. Về lâu dài, việc gian dối để nhận kinh phí làm đề tài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không hay cho khoa học Việt Nam.

Theo GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu “có tình trạng có không kêu gọi được postdoc và nghiên cứu sinh [tham gia thực hiện đề tài]. Nghiên cứu sinh cứ cho vào [nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài] rồi lại đi” và cứ tiếp diễn tình trạng nhóm nghiên cứu không có nghiên cứu sinh hay postdoc thì không đẩy mạnh nghiên cứu khoa học được.

Vì vậy, GS. TS Nguyễn Hữu Đức nêu giải pháp mà theo ông có thể áp dụng được đối với các đề tài nghiên cứu có sự tham gia của nghiên cứu sinh hay postdoc: “Trong phần kinh phí được phân bổ, phần nào của nghiên cứu sinh về trường cần được tách riêng ra để phát cho nghiên cứu sinh. Tôi cho rằng cần trả kinh phí cho postdoc và nghiên cứu sinh trong quãng thời gian có thể là 12 tháng hoặc 24 tháng”. Đề xuất này của GS. TS Nguyễn Hữu Đức cũng nhận được sự đồng thuận của GS. TS Đào Tiến Khoa, “đã đến lúc chúng ta cần có một hỗ trợ dưới dạng học bổng postdoc fellowship như quốc tế đã áp dụng và lương (payment), hỗ trợ đều ít nhất trong 12 tháng để người ta có một mức lương nào đó để yên tâm nghiên cứu. Chỉ thực sự làm như vậy, mình mới tạo ra được bước đệm cho các tiến sỹ trẻ trưởng thành, sau 1 hoặc 2 năm [làm] postdoc, có được hướng nghiên cứu riêng hoặc hội nhập được hướng nghiên cứu mạnh trong nước. Phải làm như thế mới có được đội ngũ nghiên cứu giỏi”.

Trước vấn đề do hai giáo sư Đào Tiến Khoa và Nguyễn Hữu Đức nêu, TS. Đỗ Tiến Dũng, giám đốc Quỹ Nafosted cho biết: “Đề xuất tài trợ cho postdoc đã được GS. TS Khoa và các nhà khoa học trao đổi, đề xuất từ năm 2013. Tháng 5/2015, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN quy định quản lý hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ hỗ trợ, trong đó có hình thức hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc). Hiện tại, chương trình hỗ trợ này cùng một số hoạt động tài trợ, hỗ trợ mới được bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ của Quỹ và đang được thống nhất về cơ chế tài chính, quy mô tài trợ, hỗ trợ làm căn cứ triển khai”.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh giải đáp thêm, từ năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định 2395/QĐ-Ttg phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trong đó có 3 hình thức đào tạo: chuyên gia, nhóm nghiên cứu và postdoc. Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, Thứ trưởng đặt hy vọng, khi ban hành thông tư việc đào tạo postdoc của cán bộ nghiên cứu trẻ sẽ được đẩy mạnh, qua đó góp phần tạo nguồn nhân lực cho khoa học Việt Nam trên nhiều lĩnh vực ưu tiên.

 

 

Tại phiên họp triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHTN&KT đợt 1 năm 2016, Quỹ Nafosted thông báo số lượng các đề tài được phê duyệt là 402 đề tài, trong đó lĩnh vực Toán học có 27 đề tài; lĩnh vực Khoa học thông tin và máy tính 36 đề tài; lĩnh vực Vật lý 94 đề tài; lĩnh vực Hóa học 70 đề tài; lĩnh vực Khoa học Trái đất và Môi trường 25 đề tài; lĩnh vực Khoa học sự sống- Sinh học Nông nghiệp 76 đề tài; lĩnh vực Khoa học sự sống – Y sinh Dược học 39 đề tài; lĩnh vực Cơ học 35 đề tài.

 

 

Tác giả