Thiệt hại của người lao động TP. HCM do giãn cách bằng 12% GRDP thành phố

Mặc dù con số thiệt hại lớn nhưng hiện nay các chính sách hỗ trợ lại chưa tương xứng.

Hình minh họa: CafeF.

Thiệt hại về thu nhập của người lao động và hộ kinh doanh trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư vừa qua ước tính vào khoảng 174 nghìn tỉ, tương đương với 12% GRDP của TP.HCM. Đây là ước tính đầu tiên chi tiết về thiệt hại này, do nhóm nghiên cứu của TS.Phạm Khánh Nam, Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) khảo sát và công bố tại tọa đàm “Chính sách lao động – việc làm trong điều kiện bình thường mới” do UEH tổ chức ngày 17/12 vừa qua.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết, làn sóng dịch lần thứ tư đã khiến hơn 545.000 lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Đó là chưa kể hơn 21.000 điểm, sạp của thương nhân tại các chợ truyền thống; 23.000 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng.

Hiện nay, “một vấn đề liên quan đến việc rời thành phố trở về quê của một bộ phận lao động ngoại tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực cung ứng cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế sau khi phục hồi hoạt động”, ông Lâm nói.

Trong thời gian giãn cách, thành phố đã thực hiện nhiều gói an sinh xã hội như phát hơn 70.000 tấn gạo, hỗ trợ gần 10.500 tỉ đồng cho khoảng hơn 8,7 triệu người dân, người lao động gặp khó khăn. Trong quí 3 vừa qua có hơn 40.000 lao động bị mất việc làm có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Về phía doanh nghiệp, có khoảng 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ với số tiền khoảng 1.500 tỉ đồng từ các chính sách hỗ trợ gián tiếp như như giảm mức đóng bảo hiểm, vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Nhưng các chính sách này chưa “thấm tháp” nhiều so với những thiệt hại mà người lao động đã trải qua.

Nghiên cứu của nhóm TS. Phạm Khánh Nam tính toán thiệt hại cho lĩnh vực lao động trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5 đến tháng 10 và ước lượng thiệt hại trực tiếp với người lao động làm công ăn lương và với các hộ kinh doanh tự trả cho chính mình. Riêng thiệt hại tiền lương của người lao động trong giai đoạn giãn cách tương đương với 174 nghìn tỉ đồng, tức là vào khoảng 12% GRDP của TP.HCM. Thu nhập của các hộ kinh doanh như tạp hóa, cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, quán café… gồm tiền công lao động của hộ kinh doanh trả cho chính họ và tiền lời thì trong giai đoạn giãn cách vào khoảng 47 nghìn tỉ, tương đương với 3,3% GRDP của TP.HCM. Như vậy ước tính thiệt hại về thu nhập của hộ kinh doanh và thiệt hại về tiền lương trong vòng sáu tháng là 221 nghìn tỉ đồng, tương đương 15.3% GRDP của TP.HCM.

“Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng của dịch và biện pháp giãn cách đến an sinh xã hội là rất lớn. Mặc dù con số thiệt hại lớn nhưng hiện nay các chính sách hỗ trợ lại chưa tương xứng”, TS. Phạm Khánh Nam nói. Không chỉ các chính sách hỗ trợ ảnh hưởng do đại dịch còn khá ít ỏi, mà về lâu dài, mảng chính sách về lao động, dù ảnh hưởng tới hàng triệu người và cả nền kinh tế, nhưng vẫn chỉ được đề cập “khá mỏng” trong các quy hoạch của các địa phương.

Nhóm nghiên cứu dự báo dự kiến lực lượng lao động tại TP.HCM sẽ bị thu hẹp, kể cả lao động nhập cư và lao động tại địa phương. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm dân số trẻ từ 15-24 tuổi, của lao động giản đơn có trình độ kỹ thuật thấp nhất so với nhóm khác. Tổng số việc làm, số giờ làm việc trong nền kinh tế và mức lương bình quân của lao động cũng sẽ giảm. Số lao động ký hợp đồng sẽ giảm, nên số lao động không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế sẽ tăng lên.

Nhóm nghiên cứu dự báo khả năng hồi phục nhanh hơn cả là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng và bảo hiểm. Nhóm ngành thứ hai có cơ hội phục hồi nhanh là: xây dựng, giáo dục, y tế, hoạt động dịch vụ phục vụ gia đình, bất động sản. Tuy nhiên, với ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống: việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân đã làm giảm đi cầu về lao động giản đơn, nhiều lao động dễ bị tổn thương trong ngành này lại không có kỹ năng và khả năng chuyển đổi sang ngành nghề khác. □

Tác giả