40

Đằng sau con số này là câu chuyện của thời gian, là kỷ niệm, là hồi ức, là tình bạn giữa tôi, Hoàng Phượng Vỹ, anh chị Nguyễn Đình Quang và Đinh Thị Sao, hai người sáng lập ra phòng tranh Thăng Long mời hợp tác.


Tranh: Trâu và người/ Hoàng Phượng Vỹ.

Chơi với nhau khi mới 20, giờ đã 60, vó câu qua cửa… Mới thế mà đã 40 năm. Chó già bạn cũ hoặc như rượu nhiều tuổi. Nhịp sống hôm nay nhanh và vô tình với tất cả. May mà còn chợt tỉnh để không bị cuốn đi, để ngồi lại với  nhau, đối ẩm, đối tranh, “cho đời bày cuộc vui”. “Cuộc đời bao giờ cũng cao hơn nghệ thuật”, 40 là triển lãm ghi dấu cho tình bạn 40 năm của chúng tôi,  Hoàng Phượng Vỹ và Lê Thiết Cương. Nhưng có lẽ đẹp hơn là bởi 40 chính là tấm lòng của chúng tôi với các bạn. Nếu lòng chúng tôi không về thì sao có 40? “Thôi ta còn bạn bè”. “Khi tiếp xúc với cái đẹp, người ta thèm có bạn”. Chữ bạn làm cho cuộc sống này đáng sống hơn nhiều lần lắm. 40 bức tranh, mỗi người 20 bức, để cùng thổi nến cho tuổi 40 – bạn. Tranh nhỏ thôi, chất liệu thì bột màu, nhưng đấy là chất liệu đã đưa chúng tôi đến với hội họa. Đó là ga khởi hành. Cách đây 40 năm thì chúng tôi, lứa 6X chúng tôi chỉ mới biết bột màu thôi chứ sơn mài, sơn dầu xa xỉ quá. Bột màu cũng là một người bạn cũ.


Tranh: Tôi xin có ý kiến/ Lê Thiết Cương.

Mỗi người mỗi đường, ai có phận của người nấy. Trời ở với tất cả, nghệ thuật cũng vậy. Hoàng Phượng Vỹ và tôi, mỗi người một bảng màu, một lối tạo hình riêng, không lẫn được. Nhưng sở dĩ là bạn được vì nó vẫn còn một điểm chung, nó làm nền móng cho hình và màu, đó là tư duy hội họa. Chúng tôi cùng thích sự vô lý, thích cái điều không thể là và bất khả giải. Con mèo đi trên mái nhà trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ có thể to hơn cả cái nhà, sao đâu? Ở bức khác là chân dung người đàn bà đang đội một con cá… Đó là vẻ đẹp của thi ca, của mơ mộng, của vô lý, của tưởng tượng. Của đồng dao nữa, của những “ông thợ xẻ bú tí mẹ”, của “dắt trẻ đi chơi đến ngõ nhà trời”, của “cái đanh thổi lửa”…

Thi ca là tự do, là vô lý, Hoàng Phượng Vỹ và tôi đều thích thơ. Cái hữu lý của đời sống sẽ đẹp hơn vì nó thành vô lý trong nghệ thuật. Nghệ thuật ban tặng cho người ta cái quyền được sai. Nhân vật của tôi thích được ngồi trò chuyện với những bậc cầu thang, thích được là cái chìa khóa… Chỉ có sự vô lý mới làm cho những hình, những màu cụ thể, đơn nghĩa trong tranh được hóa thân vào một đời sống khác, dài rộng hơn, đa nghĩa hơn. Sự vô lý tạo ra những câu hỏi với người xem. Nghệ thuật ngày hôm nay không nhất thiết là những câu trả lời có sẵn.


Tranh: Mèo phố/ Hoàng Phượng Vỹ.

Thêm một ý nữa, triển lãm 40 trưng bày tại Gallery Thăng Long cũng là để kỷ niệm hai mươi lăm năm thành lập (1996-2021). Thật hữu duyên, ngay từ những ngày đầu tiên ấy, Hoàng Phượng Vỹ và tôi đã được anh chị Nguyễn Đình Quang và Đinh Thị Sao, hai người sáng lập ra phòng tranh Thăng Long mời hợp tác. Chúng tôi coi nhau là bạn từ thuở ấy, lại còn đồng niên. Triển lãm 40 cũng mở ra một trang mới của Gallery Thăng Long: Đưa nghệ thuật gắn liền với cuộc sống. Gallery Thăng Long sẽ là nơi giới thiệu các tác phẩm mới của các nghệ sỹ với cộng đồng yêu nghệ thuật qua các cuộc triển lãm.

Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, bốn con hổ cùng nhau gặp lại để làm triển lãm 40. Xin được cảm ơn Gallery Thăng Long và trân trọng chia sẻ triển lãm hội họa 40 với các bạn. Chúc một mùa Giáng Sinh và một năm mới an lành cho tất cả.□

Tác giả