B. Brecht: Người không chết trong một nền văn học nhân bản

Tôi được đọc B. Brecht lần đầu tiên vào giữa thập niên sáu mươi, lúc đang học tại Viện Goethe ở Muenchen, vào khoảng 10 năm sau ngày B.


Nhà hát Vienna Volkstheater đưa hình ảnh B. Brecht lên sân khấu vở “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”. Nguồn: Vienna Volkstheater.

B. Brech tại Việt Nam

Tôi được đọc B. Brecht lần đầu tiên vào giữa thập niên sáu mươi, lúc đang học tại Viện Goethe ở Muenchen, vào khoảng 10 năm sau ngày B. Brecht qua đời. Trước đó ở miền Nam, có lẽ vì lí do chính trị nên sinh viên chúng tôi chưa được biết đến văn chương của ông, mặc dù trên lãnh vực văn học nước ngoài, chúng tôi đã say mê đọc H. Hesse, Stefan Zweig, Kafka v.v… và những nhà văn mới của Đức. Mãi đến đầu thập niên bảy mươi, ở miền Nam mới xuất hiện một vài bài viết về B. Brecht do nhóm nhà văn mới chủ trương.

Ngược lại, dưới chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc, B. Brecht đã được biết đến từ khoảng cuối thập niên năm mươi, và từ đó đã có những cuộc trao đổi trên bình diện văn học kịch nghệ giữa văn nghệ sĩ miền Bắc với các nhà văn học cũng như với đoàn hát Đức tại Đông Bá Linh (Deutsches Ensemble) nước Cộng hòa dân chủ Đức, như các nhà thơ và nghiên cứu văn học lão thành Tế Hanh, Phan Bình v.v… đã tường thuật trong cuộc hội thảo kỉ niệm 100 năm B. Brecht tại Hà Nội do nhóm Giao lưu Việt Đức Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của Hiệp Hội W. P. Schmitz-Stiftung vào tháng 3 năm 1999.

Sau 1975 đến nay, B. Brecht đã trở nên quen thuộc trong giới kịch nghệ và văn chương tại Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Vừa qua, một nữ diễn viên và đạo diễn sân khấu đã cho biết đề tài thi ra trường của cô là vở kịch “Mẹ đảm” (Mutter Courage) tại Trường Nghệ thuật sân khấu thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng thập niên 80. Được biết trong chương trình đào tạo diễn viên và đạo diễn kịch, lí thuyết nghệ thuật sân khấu của B. Brecht và các vở kịch của ông thuộc vào chương trình nghiên cứu của trường. Nhiều vở kịch của ông ví dụ như “Mẹ đảm” đã được chuyển sang tiếng Việt nhưng không được phổ biến rộng rãi mà chỉ trong giới kịch nghệ và cũng chưa được xuất bản cho bạn đọc Việt Nam.

Vở kịch đầu tiên của B.Brecht

Vở kịch đầu tiên của B. Brecht tôi được đọc và được xem trình diễn tại  Bá Linh là vở “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”.

Thể loại, chuyện kịch, lối viết sâu sắc, nghiên cứu nhạy bén về tâm lí nhân vật, luật gián cách đã gây ấn tượng sâu xa trong tôi. Nằm trong lòng phong trào thanh niên đi tìm một nghệ thuật mới, một lối nhìn và tư duy mới cho nền văn học Việt Nam, tôi đã bắt đầu dịch vở kịch từ đầu thập niên 1970 để giới thiệu độc giả Việt Nam qua các tờ báo sinh viên thời bấy giờ.

Mặc dù lí thuyết kịch nghệ của ông rất mới và khác với truyền thống kịch nghệ nói chung, thể loại sân khấu diễn ra của ông lại gần gũi một cách đáng ngạc nhiên với các loại tuồng, chèo, ca trù và vè Việt Nam, như giáo sư nghiên cứu văn học Phan Bình, và những chuyên gia sân khấu Việt Nam đã từng trao đổi kinh nghiệm kịch nghệ với đoàn hát Bá Linh trong các thập niên 60 đã nhận xét. Vở kịch “Vòng phấn Kau-ka” đã được chuyển sang thể hát chèo một cách tự nhiên và đã được trình diễn nhiều lần tại miền Bắc trong những năm chiến tranh, theo như lời các vị đã rất thành công về phương diện sân khấu và diễn đạt. Một đoạn trong vở kịch được diễn lại trong buổi kỉ niệm 100 năm B. Brecht tại Hà Nội vừa qua thật rất lí thú.


Vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” của Bertolt Brecht được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng theo phong cách kịch nói châu Âu. Nguồn: VTV.

Như Winko đã phân tích lí thuyết sân khấu của B. Brecht trong lời bạt vở kịch “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”, chính thể loại âm nhạc mới cho sân khấu ca diễn dễ dàng tự nhiên gần gũi với sự diễn tả không chải chuốt của con người lại tương đồng với thể loại hát nói của ca kịch truyền thống Việt Nam, bởi thế khi chuyển đạt những ca khúc trong vở “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”, người dịch đã mạn phép linh động theo điệu hò hay điệu ru để diễn dịch Brecht và một phần nào Việt hóa Brecht.

Nói Việt hóa Brecht không có nghĩa là làm lu mờ tính cách độc đáo nghệ thuật sân khấu và tư tưởng phê bình xã hội của Brecht. Một nữ đạo diễn Việt Nam đã phát biểu rằng sân khấu Việt Nam cần đến Brecht với tinh thần khai sáng và phê bình của ông – không chỉ cho sân khấu, giới trẻ Việt Nam cần có một sự phản tỉnh của lí trí để nhận chân bản tính văn hóa của mình, và sân khấu Brecht là một tấm gương phản tỉnh cho khán giả – phản tỉnh nhưng không khô khan giáo điều, bởi lẽ đối tượng của Brecht là con người hiện thực với những mâu thuẫn gay gắt của thân phận con người. Và bởi vì tư tưởng phục vụ con người nên không thể chấp nhận một sự đóng khung nào, ở đâu, ở vào thời nào không có công bằng thì ở đấy có tiếng nói B. Brecht và nói như nhà thơ Tế Hanh, “Bertolt Brecht, người không chết” trong một nền văn học nhân bản – có một con người chung với mọi người – Như chính nhà văn đã viết về mình trên tấm bia mộ đơn giản không có tượng đài, trong nấm mồ này có một người đã đưa ra những đề nghị và các bạn đã chấp nhận… □

Tác giả

(Visited 56 times, 1 visits today)