Bảo tồn di sản văn hóa đô thị từ tiếp cận liên ngành

Bảo tồn di sản đô thị về bản chất là xác lập phương thức dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Việc phối hợp liên ngành trong bảo tồn là cần thiết để duy trì cấu trúc vật chất của di sản ở một mặt, và đồng thời cải tạo, tái sử dụng, thích ứng các giá trị vật thể và phi vật thể của nó vào dòng chảy của cuộc sống đô thị hiện đại ở một mặt khác.


Khu vực trung tâm thành phố gồm cảnh quan và những công trình kiến trúc tiêu biểu không chỉ thuộc về di sản văn hóa vật thể, mà còn thuộc về di sản ký ức của cộng đồng. Trong ảnh: Trụ sở UBND TP HCM trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, đã 109 tuổi. Tác giả: Anh Tuấn.

Một đối tượng được coi là di sản khi có các thuộc tính: tính truyền thông, vì di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng: sự hiện diện của di sản là thông điệp của cộng đồng gửi đến cho thế hệ sau, của một đô thị gửi đến cho du khách, có di sản còn là biểu tượng của một thành phố; tính khoa học, vì di sản được thừa nhận thường có giá trị lớn về mặt lịch sử hoặc nghệ thuật; và tính kinh tế: di sản còn gắn với giá trị kinh tế và khi mất đi, nó có thể gây nên tổn thất cho các nghề truyền thống, dịch vụ du lịch và văn hóa nghệ thuật… của cộng đồng. Như vậy, có thể nhận biết, di sản văn hóa đô thị bao gồm các di tích khảo cổ học; hình thái và cấu trúc đô thị (gồm cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn như các công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị); các công trình tiêu biểu cho lịch sử phát triển của đô thị; các loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội, lối sống, ngôn ngữ, ẩm thực, địa danh, ký ức thị dân…

Do di sản đô thị thường là những cấu trúc sống động, có nhiều thuộc tính, với sự tích tụ đầy đủ nhịp điệu sinh hoạt và phát triển của nó trong quá khứ và cả hiện tại, nên việc bảo tồn các giá trị của nó cần có sự phối hợp của nhiều ngành. Chẳng hạn, nếu chỉ tiếp cận từ góc độ khảo cổ học truyền thống thì khó có thể nhận biết hệ thống di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là “những di sản sống cùng thành phố” mà chỉ là những di tích “chết”, trong khi trên thực tế, nhiều di tích – nhất là các công trình kiến trúc – đang tồn tại, được cộng đồng sử dụng và thông qua đó thể hiện đời sống của một đô thị. Một trong những giải pháp căn bản để đánh giá giá trị nhằm bảo tồn và phát huy hệ thống di sản đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh nói chung là tiếp cận liên ngành từ ngành nghiên cứu đặc thù khảo cổ học đô thị, hay nói cách khác là sự phối – kết hợp giữa khảo cổ học với khoa học về quy hoạch – kiến trúc đô thị, và trùng tu – bảo tồn di tích. Phương pháp nghiên cứu liên ngành cho phép bao quát được hệ thống di tích trên và dưới mặt đất của thành phố, đồng thời giúp tìm hiểu những yếu tố chuyên sâu về từng khía cạnh như khảo cổ, quy hoạch, kiến trúc, nghệ thuật…, như vậy mới có thể vừa đạt yêu cầu về việc phát hiện các tư liệu lịch sử mới, vừa định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản.

Qua khảo sát và hệ thống những di tích, công trình thuộc về cấu trúc đô thị, phản ánh đời sống mọi mặt của đô thị, niên đại chủ yếu từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, trong đó có cả những công trình chưa được xếp hạng, hệ thống di tích khảo cổ học đô thị ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh có thể chia thành chín loại hình, trong đó quần thể di tích của người Hoa ở Chợ Lớn với đặc trưng riêng biệt hợp thành một loại hình.
1. Loại hình di tích khảo cổ học đã khai quật, dưới và trên mặt đất
2. Loại hình cảnh quan đô thị (tuyến đường và bến sông)
3. Loại hình công trình kiến trúc nghệ thuật
4. Loại hình công trình tín ngưỡng, tôn giáo
5. Loại hình nhà truyền thống và biệt thự
6. Loại hình công trình hạ tầng và công nghiệp
7. Loại hình di tích mộ táng, lăng tẩm
8. Loại hình di tích thành lũy và công trình quân sự
9. Loại hình quần thể di tích của người Hoa ở Chợ Lớn

Một số trường hợp điển hình của “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” ở TP. Hồ Chí Minh đều là những di tích có niên đại vào thời kỳ khởi lập và giai đoạn phát triển đầu tiên đô thị Sài Gòn, khoảng thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 20. Các di tích đều có quy mô lớn, có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng qua các sinh hoạt của con người – tức là di tích đã từng/ đang có đời sống của nó trong đô thị. Đó là:

Di tích loại hình công nghiệp (6) như Lò gốm cổ Hưng Lợi và công xưởng Ba Son, theo quy luật của quá trình đô thị hóa, tất yếu phải chấm dứt hoạt động để đảm bảo về môi trường và những vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, giá trị của nó sẽ không mất đi khi “cuộc sống” của nó được duy trì bằng “hình thức” khác: bảo tồn và phục dựng hoặc có chức năng mới để phục vụ du lịch và mang lại giá trị lịch sử cho khu vực đô thị mới. Trên thế giới đã có nhiều hình mẫu về sự phục hồi giá trị những công trình như vậy, trong đó trường hợp nổi tiếng là Nhà kho gạch đỏ Yokohama (Nhật Bản), một công trình kho vận trong hệ thống cảng Yokohama, được xây vào thời Minh Trị Duy Tân. Trong suốt gần 80 năm, Nhà kho gạch đỏ đã tham gia vào quá trình mở mang và hiện đại hóa, được coi là một chứng nhân quan trọng trong lịch sử cận đại của Nhật. Từ năm 1989, nhà kho hoàn thành nhiệm vụ của nó và bị bỏ hoang phế. Năm 1992, thành phố Yokohama đã mua lại và lên kế hoạch bảo tồn di tích này. Trải qua quá trình trùng tu và nghiên cứu phương án khai thác, năm 2002, Nhà kho gạch đỏ được hồi sinh và trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng của Yokohama. Đây là một tổ hợp thương mại – văn hóa, với hơn 50 cửa hàng và nhà hàng, khu hội trường và không gian triển lãm. Năm 2010, đây là nơi đầu tiên của Nhật Bản được nhận giải thưởng Di sản Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

Khu vực trung tâm thành phố (2) gồm cảnh quan và những công trình kiến trúc tiêu biểu không chỉ thuộc về di sản văn hóa vật thể, mà còn thuộc về di sản ký ức của cộng đồng. Thay đổi, phá hủy khu vực này dù với lý do đáp ứng nhu cầu “hiện đại hóa” về cơ sở hạ tầng cũng là hành động xóa bỏ ký ức lịch sử, cắt đứt quá khứ và sự “di truyền văn hóa” là tình cảm gắn bó với đô thị giữa các thế hệ thị dân, đồng thời cũng làm mất đi những “đặc trưng” nhận diện Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đối với du khách, trong đó gồm cả đặc trưng về lối sống cởi mở, phóng khoáng, quan hệ thân thiện, nghĩa tình của người Sài Gòn. Gìn giữ di sản văn hóa mang tính biểu tượng tại khu vực trung tâm thành phố còn là sự đối xử công bằng với quá khứ, trên tinh thần “hòa giải hòa hợp”.

Trường hợp quần thể di tích ở khu vực Chợ Lớn (9) và các công trình nhà thờ Công giáo (4) cho thấy vai trò của cộng đồng, bao gồm người dân và tổ chức dân sự, trong việc duy trì đời sống, sinh hoạt liên quan đến các công trình hay cảnh quan di tích. Chẳng hạn, hệ thống di tích tín ngưỡng tôn giáo ở Chợ Lớn tồn tại gắn liền với đời sống cộng đồng người Hoa và họ luôn duy trì nghi lễ cùng những sinh hoạt khác tại đây, vì vậy việc bảo vệ, tu sửa di tích là trách nhiệm và từ nguồn đóng góp của cộng đồng. Duy trì “bảo tồn” đời sống (văn hóa, kinh tế) một cộng đồng trong một khu vực địa lý nhất định là giải pháp gián tiếp bảo tồn di sản văn hóa. Một thí dụ khác, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hiện bắt đầu được trùng tu lớn sau gần 140 năm tồn tại. Cuối tháng 6/2017, việc sửa chữa, trùng tu Nhà thờ mới chính thức khởi công nhưng ngay từ tháng 8/2015, Tòa Tổng giám mục TP. Hồ Chí Minh đã xuất bản tập sách “Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn qua dòng thời gian 1880 – 2015” với hình ảnh đẹp trình bày tất cả bộ phận kiến trúc, trang trí của Nhà thờ, chỉ ra và đánh giá mức độ cụ thể những nơi, chi tiết bị hư hỏng, đồng thời nêu rõ những nguyên vật liệu bị hư hỏng là loại nào, nguồn gốc từ đâu, dự kiến kinh phí mua vật liệu, công lao động… Hiện nay phương án và kế hoạch trùng tu Nhà thờ được phổ biến đến giáo dân bằng clip 3D trên youtube và trong mỗi buổi lễ. Công khai và minh bạch những gì liên quan đến trùng tu Nhà thờ giúp giáo dân và cộng đồng nói chung hiểu biết tính cấp thiết, khoa học và giá trị di sản. Đó cũng là một trong nhiều phương cách huy động kinh phí trùng tu Nhà thờ, qua đó cộng đồng tham gia kiểm soát nguồn kinh phí này.

“Xã hội hóa” việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa có nhiều phương thức, trong đó việc nâng cao hiểu biết và ý thức của cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Khi ý thức bắt nguồn từ tri thức, người dân sẽ tự giác tham gia bằng nhiều hình thức. Cộng đồng càng có ý thức xã hội thì đòi hỏi vai trò và trách nhiệm quản lý của nhà nước về di sản văn hóa càng phải cao hơn.

Vài trường hợp điển hình nêu trên là câu chuyện về quá khứ và hiện tại của một số loại hình di sản, từ tiếp cận khảo cổ học đô thị trong mối liên hệ với những tiếp cận từ khía cạnh kinh tế, xã hội và chính trị. Những câu chuyện này kết thúc “có hậu” hay không, tức là tương lai của các di sản này còn hay mất… phụ thuộc vào cách ứng xử của chủ thể di sản: cộng đồng dân cư nói chung và nói riêng là những giới liên hệ và tác động trực tiếp vào di sản đô thị, đó là chính quyền, nhà quản lý và nhà đầu tư.

———————————–

Cần tầm nhìn người lãnh đạo, năng lực người quy hoạch, và hiệu lực pháp lý

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ thời kỳ phong kiến cho tới hiện nay, có thể thấy quá trình phát triển đô thị của chúng ta là sự “chồng lớp”, trong đó luôn có xu hướng thay thế di sản thời đại trước bằng các công trình của thời hiện tại. Một số lần quy hoạch Hà Nội giữ lại được di sản của thời đại trước lại vô tình là “cơ duyên” của lịch sử. Ví dụ như trong thời Pháp thuộc, Hà Nội đã mất mát rất nhiều di sản, điển hình như thành cổ từng bị phá trong vòng ba năm trời, hay trước đây có 21 cửa ô nhưng ngày nay chỉ còn Ô Quan Chưởng. Xu thế tàn phá di sản đó chỉ thay đổi khi đến thời toàn quyền Paul Doumer: khi đến Việt Nam, ông ta đã kéo theo những kiến trúc sư và những người có trình độ bậc nhất của nước Pháp và chính họ đã giúp chúng ta giữ lại được một phần di sản quá khứ. Những kiến trúc sư ở Sở Kiến trúc đô thị Đông Dương thời kỳ này có công giữ được dấu tích của triều Nguyễn ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, ở những công trình tôn giáo tín ngưỡng lẩn khuất trong các con phố ô bàn cờ hiện nay. Doumer từng nói: “tôi sang quá muộn nên rất nhiều thứ bị phá bỏ”.
Nhiều bài học về quy hoạch đô thị trong quá khứ cho thấy, việc gìn giữ di sản phụ thuộc vào tầm nhìn của những người lãnh đạo, của các cơ quan quản lý đô thị, những người phải đủ giỏi, đủ tầm để “đứng trên vai” di sản của người khổng lồ để lại.
Vấn đề cấp bách thứ hai là phải có sự thống nhất về mặt khái niệm luật pháp. Hiện nay một số khái niệm về di sản, di tích hay rất nhiều khái niệm khác của ngành văn hóa không thống nhất và chưa “tương thích” với các văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ, nếu các nhà nghiên cứu muốn bảo tồn di sản nhưng di sản đó chưa được công nhận là di tích thì không bao giờ giữ được bởi vì các văn bản pháp luật về bảo tồn mới chỉ đề cập tới khái niệm “di tích đã được công nhận”.
Hiện nay, để thống nhất trong quy hoạch đô thị, giới quản lý cũng đang bàn tới việc hợp nhất các quy hoạch. Nếu quy hoạch hợp nhất khu vực trung tâm lịch sử của Hà Nội hay TP. HCM thì ít nhất phải đảm bảo được ba yếu tố: bảo tồn, xây dựng và kinh tế. Theo đó, những khái niệm trong quy hoạch xây dựng và quy hoạch bảo tồn phải được chỉ ra một cách chính xác và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng sau này có thể bị đánh tráo khái niệm, đánh lộn giữa các văn bản pháp quy với các văn bản có giá trị ngắn hạn. Quyết định phê duyệt quy hoạch chỉ là quyết định cá biệt mà không phải là văn bản có tính quy phạm pháp luật, nên nhiều khi người ta có thể thay đổi. Vì vậy cần có quy định pháp lý chỉ rõ khu vực nào được xây dựng mới, khu vực nào không được xây dựng và cần phải bảo tồn, v.v. Tuy nhiên, để lập được quy hoạch có tính toàn diện và rạch ròi như vậy thì bản thân người làm quy hoạch phải có đầy đủ năng lực cần thiết.

KTS Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội)

 

 

Tác giả