Bernard Haitink: Người trung gian

Là một trong những nhạc trưởng được kính trọng nhất thế giới, Bernard Haitink giữ một vị trí quan trọng trong nền âm nhạc cổ điển. Tuy nhiên, ông vẫn coi mình là người giữ vai trò trung gian giữa nhà soạn nhạc với người chơi và người nghe.

Với một nhiệm kỳ kéo dài 27 năm cùng Concertgebouw Orchestra và cộng tác với hầu hết các dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới, Haitink đã để lại một di sản đồ sộ với gần 500 bản thu âm cùng với vô vàn những lời đánh giá tích cực từ phía những nhà phê bình, đồng nghiệp, nhạc công và khán giả. Cách diễn giải của ông về những bản giao hưởng của Anton Bruckner hay Gustav Mahler được đánh giá là mẫu mực. John Puccio đã bình luận về bản giao hưởng số 9 của Mahler mà Haitink thu âm cùng Concertgebouw Orchestra: “Chương cuối được kiểm soát một cách tuyệt vời, giảm dần dần và đều đặn vào sự im lặng vĩnh viễn. Đó là một màn trình diễn xứng đáng được xếp vào hàng xuất sắc nhất trong số các bản ghi âm”. Còn nhà phê bình âm nhạc Andrew Clements đã từng nhận xét về ông trên Guardian: “Một trong những nhạc trưởng hàng đầu của thời đại chúng ta, một nhạc sĩ với tài năng thiên bẩm tuyệt vời, người đã mang đến sự kết hợp hiếm có giữa sự chặt chẽ và biểu cảm cho mọi thứ mà ông diễn giải. Các buổi biểu diễn của Haitink luôn phản ánh chính con người ông: trực tiếp, không phô trương và trung thực một cách vô cùng sâu sắc”.

Nhạc trưởng tuổi 30

Bernard Haitink sinh ngày 4/3/1929 tại Amsterdam trong một gia đình có người cha Willem Haitink, một công chức, người sau này sẽ trở thành giám đốc của công ty điện lực Amsterdam và người mẹ Anna Clara Verschaffelt làm việc cho Alliance Française, một tổ chức quốc tế được thành lập nhằm thúc đẩy việc nói tiếng Pháp và văn hóa Pháp. Bernard được học violin từ khi lên 9 tuổi. Cậu lớn lên trong thời kỳ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra và nước Hà Lan bị phát xít Đức chiếm đóng. Đó là giai đoạn nguy hiểm cho gia đình Bernard bởi vì mẹ của cậu mang một nửa dòng máu Do Thái. Bỗng một hôm ông Willem biến mất, cả nhà không có được một tin tức gì cho đến khi nhận được một bức thư, trong đó ông hỏi về việc nhà có nhận được tổng phổ của vở Fidelio hay không. Hóa ra, ông Willem đã bị bắt và giam cầm trong trại tập trung để trả thù cho vụ đánh bom một hiệu sách. Haitink nhớ lại: “Họ bắt giữ 100 con tin và cha tôi là một người trong đó. Ông ấy cứ thế biến mất và chúng tôi không biết điều gì xảy ra với ông trong vòng bốn tuần lễ. Rồi chúng tôi nhận được một bức thư cho biết ông đang ở trong trại tập trung. Chúng tôi chưa bao giờ trao đổi với nhau về bất kỳ tổng phổ nào nhưng đó là mật mã của ông khi nói rằng ông đang ở trong hoàn cảnh giống như các tù nhân của vở Fidelio”. Khi ông được thả sau ba tháng rưỡi – “theo lòng thương xót của Quốc trưởng” – ông gầy đến mức Bernard không nhận ra ông.

Đó là những tháng ngày kinh khủng đối với Haitink.

Khi Hà Lan được giải phóng, anh đã đắm mình trong âm nhạc. Haitink hầu như sống tại phòng hòa nhạc, nơi anh chứng kiến những nhạc trưởng danh tiếng như Bruno Walter, Erich Kleiber và Otto Klemperer chỉ huy. Anh đã được nhận vào học violin tại Conservatorium van Amsterdam. Bên cạnh đó Haitink cũng theo học chỉ huy dàn nhạc với Felix Hupka. Sau khi tốt nghiệp, Haitink trở thành nhạc công của bè violin hai tại Hilversum Radio Philharmonic Orchestra. Tuy nhiên, ngay lúc đó, ước mơ trở thành nhạc trưởng đã cháy bỏng trong anh. Năm 1954, Haitink giành được học bổng của một khóa đào tạo nhạc trưởng trong hai năm do Đài phát thanh Hà Lan tổ chức và anh đã theo học với Ferdinand Leitner. Ông luôn phủ nhận trình độ biểu diễn violin của mình và cho biết, nếu không trở thành nhạc trưởng, sự nghiệp âm nhạc của ông sẽ kết thúc với việc ngồi ở hàng cuối của một bè violin hai trong dàn nhạc tỉnh lẻ nào đó.

Buổi biểu diễn đầu tiên của Haitink trên cương vị nhạc trưởng diễn ra vào ngày 19/7/1954 với Netherlands Radio Union Orchestra (sau này là Netherlands Radio Philharmonic). Ông nhanh chóng trở thành nhạc trưởng thứ hai của dàn nhạc vào năm 1955 và nhạc trưởng chính vào năm 1957. Một bước ngoặt quan trọng đến với sự nghiệp của Haitink diễn ra vào ngày 7/11/1956 khi ông thay thế Carlo Maria Giulini chỉ huy một buổi hoà nhạc của Concertgebouw Orchestra, dàn nhạc nổi tiếng nhất Hà Lan trong Requeim của Luigi Cherubini. Ban đầu Haitink định không nhận lời vì cảm thấy mình chưa sẵn sàng nhưng sau đó ông đã đổi ý. Sau khi Eduard van Beinum, nhạc trưởng chính của Concertgebouw Orchestra bất ngờ qua đời vì một cơn đau tim, năm 1961, Haitink được bổ nhiệm làm đồng nhạc trưởng chính của dàn nhạc cùng với Eugen Jochum và từ năm 1963, Haitink trở thành nhạc trưởng chính duy nhất của Concertgebouw Orchestra, người trẻ tuổi nhất từng đảm nhiệm cương vị này, mở ra một chương mới trong sự nghiệp của ông, nhanh chóng đưa tên tuổi của Haitink trở thành một trong những nhạc trưởng uy tín nhất trên thế giới.

Cùng nhau, họ đã tạo dựng danh tiếng. Dưới sự dẫn dắt của Haitink, Concertgebouw Orchestra đã trở thành một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới. Haitink đã tạo được dấu ấn riêng đậm nét đồng thời vẫn duy trì được bản sắc riêng của Concertgebouw Orchestra, đặc biệt trong các bản giao hưởng của Mahler và Bruckner, gây được những ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả và giới phê bình. Dưới nhiệm kỳ của ông, dàn nhạc đã thực hiện vô số bản thu âm, chủ yếu với Philips, Decca và EMI Classics. Haitink cũng chú trọng nhiều đến âm nhạc đương đại, bao gồm cả những nhà soạn nhạc Hà Lan trong thế kỷ 20. Ông miêu tả mình là một sự kết hợp kỳ lạ giữa sự thiếu tự tin tột độ và sự bướng bỉnh trong nội tâm. Nếu như trong một buổi tập, có điều gì đó xấu đi, vì bất cứ lý do gì, ông sẽ cố chấp để sửa sai bằng được: “Tôi nghĩ sự ngoan cố đó đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đó. Có một số thứ tôi đã làm khác đi trong sự nghiệp nhưng không bao giờ tôi trở thành nhà độc tài”. Với tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới Hà Lan, Haitink đã trở thành nhạc trưởng khách mời trên khắp thế giới. Trong đó, ông đặc biệt gắn bó với nước Anh, nơi Haitink đã phát triển một sự nghiệp lâu dài và tạo ra được nhiều ảnh hưởng. Trong vòng một phần tư thế kỷ, Haitink đã nắm giữ 3 trong số những vị trí nổi bật nhất của nền âm nhạc cổ điển Anh. Năm 1967, ông trở thành nhạc trưởng chính của London Philharmonic và giữ cương vị này cho đến năm 1979 và là người tại vị lâu nhất trong lịch sử dàn nhạc. Các buổi biểu diễn của ông đã thu hút được một lượng lớn công chúng, luôn lấp đầy 90% phòng hoà nhạc Festival Hall 2.700 chỗ, vượt trội hơn bất kỳ dàn nhạc nào khác ở London. Bên cạnh Bruckner và Mahler, các bản giao hưởng của Dmitri Shostakovich cũng thường xuyên được Haitink biểu diễn. Cùng với London Philharmonic và Concertgebouw Orchestra, Haitink đã thu âm trọn bộ 15 bản giao hưởng của Shostakovich cho Decca.

Tôn trọng các nhà soạn nhạc và nhạc công

Khi lần đầu xuất hiện tại Glyndebourne, vào năm 1972 trong vở Die Entführung aus dem Seraglio (Wolfgang Amadeus Mozart), kinh nghiệm của Haitink với opera là vô cùng ít ỏi: “Tôi thực sự không biết opera đòi hỏi điều gì. Nhưng tôi đã được đề nghị xuất hiện, bất chấp một số hiểm họa trực chờ”. Tuy nhiên, bằng tài năng của mình, theo thời gian, Haitink đã có được những dấu ấn tốt đẹp. Năm 1976, trong lần công diễn The Rake’s progress (Igor Stravinsky) tại Glyndebourne, ông đã gây chấn động giới opera quốc tế. Kể từ đó, Haitink cũng là một nhạc trưởng bận rộn với các vở opera khi ông liên tục đảm nhận cương vị giám đốc âm nhạc tại liên hoan opera Glyndebourne, Anh từ năm 1978-1988 và Royal Opera House, Covent Garden từ 1988-2002. Trong những năm 1970, Haitink cũng thường xuyên cộng tác với những dàn nhạc tại Mỹ khi có những buổi biểu diễn cùng Boston Symphony Orchestra, Chicago Symphony Orchestra hay New York Philharmonic. Ông cũng trở thành nhạc trưởng khách mời thường xuyên tại Vienna Philharmonic và Berlin Philharmonic. Một điều đáng lưu ý trong danh mục biểu diễn ở Haitink là ông luôn có xu hướng tránh xa những vở opera Ý. Ông chỉ biểu diễn một vài tác phẩm của Giuseppe Verdi như Il trovatore, Don Carlo, Simon Boccanegra Falstaff. Những buổi biểu diễn Gioacchino Rossini, Vincenzo Bellini, Gaetano Donizetti hay Giacomo Puccini tại Covent Garden luôn được để lại cho những nhạc trưởng khác. Haitink thậm chí còn bị la ó trong một chỉ huy Il Trovatore tại Covent Garden.

Mặc dù rất thành công tại Amsterdam, nhưng trong nhiều năm Haitink luôn có một mối quan hệ khó khăn với giới quản lý và báo chí Hà Lan. Vào đầu những năm 1980, Haitink đã đe doạ từ chức để phản đối chính phủ lên kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho dàn nhạc, dẫn đến việc có thể 23 nhạc công sẽ bị sa thải. Cuối cùng, chính phủ đã phải từ bỏ kế hoạch của mình. Tuy nhiên, những năm tháng cuối cùng của ông trên cương vị nhạc trưởng chính với Concertgebouw Orchestra đã diễn ra không hề êm đẹp. Xu hướng mời nhiều nhạc trưởng cộng tác cùng dàn nhạc đã trở thành phổ biến, điều này dẫn đến việc danh mục biểu diễn của Haitink bị thu hẹp lại. Hơn thế nữa, mối quan hệ của ông với giám đốc nghệ thuật Hein van Royen đã trở nên tồi tệ dẫn đến việc Haitink đã từ nhiệm Concertgebouw Orchestra vào năm 1988, ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập dàn nhạc. Đó là một sự chia tay đầy đau khổ. Chỉ sau đó một khoảng thời gian dài, mỗi quan hệ giữa ông và dàn nhạc mới được thiết lập trở lại. Năm 1999, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 70, Haitink được vinh danh là nhạc trưởng danh dự của dàn nhạc.

Đồng thời với việc từ nhiệm tại Concertgebouw Orchestra, ông cũng chia tay Glyndebourne để tập trung cho vị trí mới của mình tại Royal Opera House, Covent Garden cũng như là nhạc trưởng khách mời chính tại Boston Symphony Orchestra, cương vị mà ông đảm nhận từ 1995-2004. Với sân khấu, Haitink tỏ ra rất gắn bó với các vở opera của Richard Wagner. Buổi biểu diễn Die meistersinger von Nürnberg vào tháng 10/1993 được Guardian đánh giá là: “Một trong những sản phẩm hay nhất của Covent Garden kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”. Với tư cách giám đốc âm nhạc, Haitink đã cùng với nhà hát trải qua một thời khắc khó khăn khi vào năm 1997, tổng giám đốc Jeremy Isaacs đã quyết định đóng cửa nhà hát đến năm 1999 để sửa chữa. Điều này khiến cho các thành viên của dàn nhạc, dàn hợp xướng và ballet trở nên vô gia cư. Tinh thần các thành viên đã xuống mức rất thấp, dàn nhạc đã đe doạ giải thể và Haitink đề nghị từ chức. Trong một buổi biểu diễn Götterdämmerung (Wagner) tại Royal Albert Hall, sau khi kết thúc, Haitink đã có một việc làm táo bạo khi đứng trước khán giả, đề nghị họ viết thư cho chính phủ. Ngày hôm sau, ông được mời đến một cuộc họp chính thức để giải quyết các vấn đề, và với việc tương lai của Nhà hát Opera Hoàng gia đã được đảm bảo, Haitink đồng ý gắn bó với nhà hát cho đến năm 2002. Là một người vui vẻ nhưng ông rất nghiêm túc trong công việc. Tất cả những gì cản trở âm nhạc đều là kẻ thù của Haitink. Ông đã chiến đấu tại Amsterdam và London để giành về những gì tốt nhất cho dàn nhạc của mình: “Điều quan trọng là các nhạc công tin tưởng bạn. Họ biết, khi thời khắc đến, bạn sẽ đứng bên họ, không để họ ở lại một mình”.

Haitink là nhạc trưởng quan tâm đến giá trị đằng sau những nốt nhạc và bản chất tác phẩm, không áp đặt những diễn giải chủ quan lên đó. Có người từng so sánh rằng, nếu như bạn nhận được một bản giao hưởng của Ludwig van Beethoven từ Herbert von Karajan thì đó sẽ Beethoven của Karajan còn nếu nó đến từ Haitink thì đó sẽ là Beethoven của Beethoven. Trong lúc luyện tập, Haitink cho rằng lời nói chỉ là những thứ bên ngoài: “Bạn có thể nói tất cả những điều ngu ngốc, nhưng chính việc tạo ra âm nhạc bằng đôi tay của bạn, bằng khuôn mặt của bạn, bằng cá tính âm nhạc của bạn, đó là phần quan trọng. Tôi luôn nói với một nhạc trưởng trẻ rằng khi bạn đang biểu diễn bạn không thể nói chuyện với dàn nhạc, bạn phải cho họ thấy ý đồ của bạn”.

Các nhạc công luôn nói về ông với sự tôn kính. Dường như không ai biết chính xác về cách ông thực hiện vì ông luôn nói rất ít trong các buổi tập nhưng Haitink khiến họ chơi với sự tập trung, cường độ cao và tự do hơn. Simon Rattle cho biết ông có thể dễ dàng nhận biết khi nào Haitink chỉ huy dàn nhạc của ông, Berlin Philharmonic, bởi vì chúng nghe thoải mái, rộng rãi và biểu cảm hơn. Ngay cả Haitink cũng giải thích cho điều này một cách rất khó hiểu: “Rất nguy hiểm khi nói về những điều này. Tôi cố gắng tập trung tối đa, tập trung vào âm nhạc, không nghĩ về những thứ không cần thiết – và có rất nhiều thứ không cần thiết”.

Trong suốt cuộc đời, Haitink cho rằng mình đã rất may mắn: “Tôi có một giả thuyết kỳ lạ. Nếu tôi đã không sống qua thời kỳ khủng khiếp khi rất nhiều tài năng bị giết hại – tôi không chỉ nghĩ đến cộng đồng Do Thái mà cả những người bị giết ngay trong cuộc chiến tranh – sẽ có nhiều tài năng hơn và tôi sẽ không trở thành một nhạc trưởng. Khi bạn bắt đầu nghĩ về điều đó, nó sẽ trở nên kinh khủng. Tại sao lại là tôi? Tại sao không phải là họ, những người đã bị sát hại”? Chính vì trân trọng những gì mình đã có, Haitink luôn làm việc một cách siêng năng, cần mẫn, đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ ngay khi đã ở độ tuổi ngoài 70 để bảo đảm không lãng phí cơ hội mà mình được trao: “Đó là bởi vì khi đó tôi là một con lợn lười biếng. Khi tôi nghĩ về những năm đi học của mình, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không ngu ngốc nhưng tôi đã không học. Một nửa thời gian chúng tôi bị dạy dưới bàn học bởi vì những trận không kích. Nhưng ngay cả khi mọi thứ trở nên bình thường tôi cũng không hứng thú. Có lẽ đây là lý do tại sao bây giờ, khi tôi đã ngoài 70, mọi người luôn hỏi tôi tại sao tôi làm việc chăm chỉ như vậy. Tôi phải bù đắp cho những ngày lười biếng của mình”.

Sau khi chia tay Covent Garden, năm 2002, Haitink đảm nhiệm cương vị nhạc trưởng chính tại Staatskapelle Dresden. Tuy nhiên, ông chỉ gắn bó tại đây cho đến năm 2004 do xung khắc với giám đốc nhà hát Gerd Uecker trong việc lựa chọn người kế nhiệm. Sau khi Daniel Barenboim chia tay Chicago Symphony Orchestra vào năm 2006, dàn nhạc đã không có giám đốc âm nhạc chính thức. Haitink trong cương vị nhạc trưởng  chính, chia sẻ vị trí cùng Pierre Boulez, đã lãnh đạo dàn nhạc trong 4 năm trời. Trên thực tế, ông đã từ chối vị trí giám đốc âm nhạc vì lý do tuổi tác. Ông cho biết: “Tất cả mọi nhạc trưởng, bao gồm tôi, đều có hạn sử dụng”.

Haitink kết thúc nhiệm kỳ của mình với Chicago Symphony Orchestra vào tháng 6/2010 bằng một chuỗi chương trình biểu diễn trọn bộ các bản giao hưởng của Beethoven. Bên cạnh công việc nhạc trưởng, Haitink cũng thường xuyên tổ chức dạy các lớp master class. Ông nhấn mạnh vai trò của nhạc trưởng là ở đó để mang đến cho các nhạc công sự tự tin ngay cả mọi thứ diễn ra không hoàn hảo. Haitink cho biết: “Bạn không thể thành công với một dàn nhạc nếu bạn bắt đầu nói về những ý tưởng tuyệt vời và những bài giảng lý thuyết. Sau ba hoặc bốn từ, họ sẽ hoàn toàn không quan tâm. Với tư cách là một nhạc trưởng, bạn cần học cách sử dụng tính cách, tính cách tự nhiên của mình, để truyền tải ý tưởng cho dàn nhạc”. Buổi biểu diễn cuối cùng của Haitink diễn ra vào ngày 6/9/2019 khi ông đã 90 tuổi trong liên hoan Lucerne, Thuỵ Sĩ. Ông chỉ huy piano concerto số 4 của Beethoven (Emanuel Ax độc tấu) và bản giao hưởng số 7 của Bruckner cùng Vienna Philharmonic. Và nó thành công đến nỗi cho ta thấy rằng, sức mạnh của một số nhạc trưởng không giảm xuống khi tuổi của họ tăng lên. Haitink vẫn giữ được phong thái và độ chính xác vốn có của mình.

Haitink qua đời tại nhà riêng ở London vào ngày 21/10/2021. Ông thọ 92 tuổi. Riccardo Muti, người tiếp nhận Chicago Symphony Orchestra từ ông đã tuyên bố: “Một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất, người đã cống hiến rất nhiều cho lịch sử diễn giải âm nhạc. Sự qua đời của ông để lại một khoảng trống bao la trong thế giới âm nhạc và sự hợp tác phi thường của ông với Chicago Symphony Orchestra sẽ còn mãi trong lịch sử của tổ chức vĩ đại này”. Được biết đến như là một người khiêm tốn, ít nói, luôn tham dự những buổi biểu diễn của các đồng nghiệp khác mỗi khi có cơ hội, Haitink không có cái tôi quá lớn như thường thấy ở nhiều nhạc trưởng khác. Ông rất dễ dàng và thẳng thắn khi làm việc cùng. Nó giống như một hơi thở của không khí trong lành! Cách ông yêu âm nhạc, tôn thờ những nhà soạn nhạc vĩ đại, cũng như thái độ của ông khi nhìn nhận vai trò của mình, chính xác như nó phải là một phương tiện trung gian giữa nhà soạn nhạc với người chơi và người nghe khiến Haitink trở nên vĩ đại và luôn được kính trọng ở bất cứ nơi đâu.

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn: https://www.nytimes.com/2021/10/21/arts/music/bernard-haitink-dead.html

              https://www.theguardian.com/books/2000/oct/14/books.guardianreview8

              https://musicianguide.com/biographies/1608003420/Bernard-Haitink.html

Tác giả