Bieguni, những kẻ chạy trốn

Trong một phân mảnh của Bieguni, những người không ngừng chuyển động, một người dẫn truyện bí ẩn kể về một người đàn bà khởi hành từ Shetland để đi dọc theo đường kinh tuyến số 0 với niềm hồ hởi phấn khích khó mà giải thích. Nhưng người dẫn truyện bí ẩn “cảm thấy bất an trước ý định đó. Bởi lẽ kinh tuyến có tồn tại đâu cơ chứ”.

Nhà văn Olga Tokarczuk. Nguồn: Poland today

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu một cách khá cổ điển với một đứa bé nhỏ tí teo đang ngắm nhìn sự bất động xung quanh nó. Ta chờ đợi đứa bé ấy lớn lên, làm một cuộc chu du nào đó, thực hiện một “hero’s journey” (hành trình của vị anh hùng) như cấu trúc một câu chuyện dấn thân thường phải thế. Một vài chương đầu cũng cho ta cảm tưởng sự chờ đợi của ta là có lý. Rồi bất thình lình, cuốn truyện cua gấp vào một phòng trưng bày những mẫu vật sinh hóa trong cơ thể người, và từ đó nó một đi không trở lại, liên tục nhảy qua những cuộc gặp gỡ rời rạc, những tiểu cảnh đứt đoạn, những ghi chép ngắn, những tự sự hay quan sát khoa học có vẻ không liền mạch và kết nối – như một người dạo trong bảo tàng và ngắm nhìn những mẫu hóa thạch không hoàn chỉnh của những chủng loại thời tiền sử.

Bạn đã biết rằng ngay từ khi Anna Karenina xuất hiện thì cuộc đời nàng dù lắm biến cố thế nào cũng chỉ có một mục đích duy nhất là đi từ căn nhà của Karenin ra nhà ga hỏa xa để đâm đầu xuống đường ray xe lửa. Thôi thì nếu cuốn sách ấy đã quá cũ xưa, ta hãy nói về Harry Potter đi, từ khi thằng bé với cái thẹo trên trán nằm gọn lỏn trong nôi trước cửa nhà Dursley thì nó đã là sự chuẩn bị cho bước cuối cùng trong đời nó, và dù nó có đi theo lối nào chăng nữa, điểm đích cũng sẽ là đối diện với Voldemort. Còn nhân vật nữ không tên trong Bieguni, những người không ngừng chuyển động, cô có một cuộc hành trình không theo motif nào, không kịch tính nào, không dẫn tới đâu, một giây phút đốn ngộ càng không có. Tóm lại, cuốn tiểu thuyết của Olga Tokarczuk có thể mở ra đến vô cùng. Sự vô cùng ấy nhất định khiến người ta thảng thốt, hoảng hốt, hoang mang, không biết hành trình đọc này sẽ đưa ta đến nơi nào, và vào những lúc như thế, một người đọc có thể quay lại với đoạn phân mảnh về người đàn bà đi dọc kinh tuyến số 0, để trấn an bản thân rằng ngay cả khi một hành trình không tồn tại, điều đó cũng không ngăn cản ta tự tạo ra ý niệm rằng ta đang bước đi trên hành trình ấy.

Trong khi Trên đường hay Dạo bước ra đời vào thời đại con người có xu hướng định cư và an cư, thì Bieguni ra đời vào thời đại của sự dịch chuyển và của những “nhà nước” sân bay. Cái đi ở đây là trạng thái hiện tồn của thế kỷ 21. Cái đi chỉ đúng nghĩa là đi, và đi vì không có gì buộc họ vào một chỗ, họ như một nắm bụi, bị gió bốc lên, và cứ thế băng qua những mặt phẳng không thời gian.

Mà, không chỉ hành trình không tồn tại. Có gì thú vị thực sự tồn tại đâu? Trong diễn từ giành giải Nobel 2018 của mình, nữ tiểu thuyết gia Olga Tokarczuk nhắc tới một câu chuyện cổ tích của Andersen mà mẹ bà kể cho bà nghe trong thời thơ ấu về một chiếc bình trà bị vứt trên đống rác, nó buồn bã thuật lại tại sao nó bị vứt đi, rồi những đồ vật “cơ nhỡ” khác cũng cảm động mà kể lại đời mình. Bà nói mình đã nước mắt lưng tròng khi nghe xong câu chuyện, và tin rằng mọi đồ vật cũng có xúc cảm như con người. Một cái bình trà biết vui biết buồn nhất định là không tồn tại, nhưng không ai ngăn Andersen tin vào sự tồn tại của nó. Nếu cần một biện hộ cho sự cần thiết của hư cấu, thì chính là đây: nó cho phép cái tồn tại và không tồn tại bình đẳng ngang hàng.

Giờ, một khi đã bớt hoang mang, thì không còn lý do gì để ta không du hành vào bên trong cuốn sách.

Bieguni nghĩa là những kẻ chạy trốn. Họ là một giáo phái những kẻ buộc phải liên tục chuyển động không thể dừng lại, bởi sự bất động là một cạm bẫy của quỷ Satan. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết của Olga Tokarczuk là về sự di động, về những kẻ với bộ rễ nông. Nhưng, chủ nghĩa hành hương nơi Tokarczuk không giống như triết lý “trên đường” của Jack Kerouac hay sở thích “dạo bước” của Henri David Thoreau. Nhân vật của Tokarczuk đi không để cứu rỗi linh hồn hay để thực hành minh triết. Họ dịch chuyển không vì đó là lý tưởng, vì niềm bất tín với thế giới đang ngả ngốn hay vì một cá tính riêng ngang tàn. Họ không phóng vọt đi bạt mạng trên con xe để đâm sầm vào cuộc sống rồi muốn ra sao thì ra, cũng không thong thả với một mục đích suy ngẫm về những gì thuộc về bản chất. Và nữa, trong khi Trên đường hay Dạo bước ra đời vào thời đại con người có xu hướng định cư và an cư, thì Bieguni ra đời vào thời đại của sự dịch chuyển và của những “nhà nước” sân bay. Cái đi ở đây là trạng thái hiện tồn của thế kỷ 21. Cái đi chỉ đúng nghĩa là đi, và đi vì không có gì buộc họ vào một chỗ, họ như một nắm bụi, bị gió bốc lên, và cứ thế băng qua những mặt phẳng không thời gian.

Điều đó dẫn đến chủ thể đi không nhất định là một người. Có khi, nó là một cái chân bị cưa, trái tim của một nhà soạn nhạc hay những cái túi nhựa. Đến đây, hẳn bạn đã cảm thấy được hình như một thứ gì đó đang bị xâm phạm, và nó chính là: cái không cần đi cũng đi. Nghịch lý ấy khiến khái niệm “đi” nơi Olga Tokarczuk trở thành một bản án không thể tránh khỏi thay vì một đặc quyền như trong những tiểu thuyết của Kerouac hay luận văn của Thoreau. Sự đi quá đỗi dễ dàng nên sự biến mất cũng quá đỗi dễ dàng. Như trong một mảnh truyện về Kunitsky, một người đàn ông cùng vợ và con lên một hòn đảo nhỏ chơi, rồi bỗng vợ anh và con anh biến mất, người ta lục tung hòn đảo lên mà không một dấu tích để lại, như thể hai người họ đã bị người ngoài hành tinh bắt đi, hay tan thành một đụn khói hoặc chui vào lòng đất. Họ biến mất trong 72 giờ rồi quay trở lại, tiếp tục sống như vẫn vậy, và Kunitsky không bao giờ biết tại sao, đến mãi mãi về sau sự chập chờn của tình thế tồn tại ấy còn đeo bám tâm trí anh không rời. Sự bế tắc của con người hiện đại nằm ở chỗ họ có đủ công cụ để lùng sục vào mọi địa hình, vậy nhưng, bằng cách nào đó, không gian luôn có những kẽ hở và vết đứt gãy để giấu nhẹm một thực thể, không cho ta tìm kiếm.

Không nương vào bất cứ lý thuyết nào về dịch chuyển, Olga Tokarczuk bày ra mọi khả năng siêu hình để diễn dịch lại về những nơi chốn. Trong một mảnh truyện mang tên “Xóa bản đồ”, nhân vật tôi không tên đặt ra giả thiết nếu như mình xóa hết những nơi làm mình bị tổn thương ra khỏi bản đồ, và dần xóa đi cả những thành phố lớn và những đất nước, và rồi cô lại xuất hiện ở chính những vùng đất đã bị xóa sổ ấy, thì sao. Một mảnh truyện khác mang tên “Vẽ bản đồ chỗ trống không”, nhân vật chính là James Cook cùng đoàn tùy tùng dong duổi tới phương Nam quan trắc sao Kim đi ngang qua quầng Mặt trời, rồi tình cờ phát hiện ra lục địa cuối cùng trên Trái đất, New Zealand. Hai mảnh truyện, một xóa bản đồ, một vẽ bản đồ, một nhằm làm mờ, một nhằm minh định, và vì cả hai hành động đều được phép, nên sự hiện hữu bỗng chấp chới hơn bao giờ hết. Bởi dịch chuyển luôn là từ A đến B, từ B đến C, nhưng khi A, B, C không còn là những điểm cố định nữa và có thể được đưa vào hay bị gạt đi bất cứ lúc nào, thì kẻ đi đang đi đâu? Còn gì đáng tin cậy trên đời này? Heidegger viết: “Cây cầu không tới một địa điểm để đứng trong địa điểm đó; đúng hơn, một địa điểm tồn tại nhờ phẩm chất của cây cầu.” Olga Tokarczuk thì đốt bỏ cả cây cầu, và vì vậy, đốt bỏ cảm thức về “nơi chốn”, nhân vật của bà khi đang ở nơi này thì hình như đã có sẵn một gia tốc bên trong đẩy họ đến nơi kia. Mọi nỗ lực của con người khi đặt ra bản đồ và tưởng tượng ra những đường kinh tuyến vĩ tuyến hay phân chia tọa độ những mong định vị lẫn nhau trở thành công cốc, bởi ngay cả sự quy hoạch siêu việt ấy cũng không tài nào hóa giải được tình thế bấp bênh của sự hiện diện của thế hệ người vốn được cấu thành từ thứ hoạt chất bất ổn với chu kỳ bán rã không thể lường trước được.

Mọi nỗ lực của con người khi đặt ra bản đồ và tưởng tượng ra những đường kinh tuyến vĩ tuyến hay phân chia tọa độ những mong định vị lẫn nhau trở thành công cốc, bởi ngay cả sự quy hoạch siêu việt ấy cũng không tài nào hóa giải được tình thế bấp bênh của sự hiện diện của thế hệ người vốn được cấu thành từ thứ hoạt chất bất ổn với chu kỳ bán rã không thể lường trước được.

***

Cũng trong diễn từ Nobel của mình, Olga Tokarczuk phân tích một khoảnh khắc trong lịch sử thế giới khi chiếc thuyền Santa Maria ra khơi từ một bờ kè trên cảng Palos ở Tây Ban Nha, mang theo Christopher Columbus cùng đoàn thủy thủy đi tìm Ấn Độ. Một khoảnh khắc mà vào thời khắc nó diễn ra, chỉ như muôn vạn khoảnh khắc khác đang cùng lúc diễn ra trên quả địa cầu, nhưng lại dẫn đến một chuỗi những hệ quả tầm cỡ còn kéo dài tới tận hôm nay – như Olga chỉ ra, nó là một ví dụ không thể tuyệt vời hơn về “hiệu ứng cánh bướm”.

Ngày hôm nay, ta nhìn về khoảnh khắc ấy với sự nghiêng mình cúi đầu đầy kính cẩn, nhưng nếu như ngày đó, Santa Maria bị hải tặc tấn công hay đâm vào băng hay vì bất cứ nguyên nhân nào khiến Columbus  không tìm ra châu Mỹ, thì sẽ chẳng có gì thay đổi, và khoảnh khắc ấy sẽ chuội vào quên lãng. Hơn trăm phiến đoạn và khoảnh khắc tưởng như không ăn nhập mà Olga Tokarczuk đã dày công bỏ vào cuốn tiểu thuyết dài này cũng là những khoảnh khắc như thế, một số đã kết thúc, một số còn tiếp diễn, và hầu hết, ta không biết nó sẽ để lại gì, nó sẽ được lãng quên hay được ghi nhớ, nó sẽ đi đến châu Mỹ của nó hay sẽ bị vùi chôn trong biển sự kiện vô tận. Nhưng bất kể thế nào, trong từng khoảnh khắc như vậy có một mầm mống “cánh bướm” – trong số đó, một số mầm mống sẽ chết trước khi đập cánh, một số mầm mống khác sẽ lớn lên và làm dịch chuyển thế giới.

Bởi không phải những con người đơn lẻ, mà chính cả thế giới này, trên tư cách một thể thống nhất, cũng là tín đồ giáo phái Bieguni. Thậm chí, thế giới này chính là một nhà tiên tri của giáo phái ấy, nó là kẻ đầu têu ra sự không ngừng chuyển động, không ngừng chạy trốn. Bạn sẽ hỏi, chạy trốn khỏi cái gì? Khỏi Satan ư? Ta không biết, nhưng cứ coi là thế đi.□

Tác giả