Chân dung một người vắng mặt
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự vắng mặt của Nhất Linh là khi đọc một bài ký của thi sĩ Đinh Hùng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ông kể lại chuyện một tối nọ, nghe tiếng kèn clarinette từ nhà Thạch Lam vẳng lại, dạo ấy ở quanh khu Yên Phụ không ai chơi thứ nhạc cụ Tây phương ấy, chỉ có Nhất Linh vẫn thường ghé nhà Thạch Lam và mang theo cây clarinette của mình. Nhà thơ liền vội vã xuống nhà Thạch Lam, nhưng lạ thay, vừa tới nơi thì tiếng kèn im bặt. Ông bước vào nhà, nhưng ngoài Thạch Lam nằm co trên giường với gương mặt đã tái đi vì cơn ốm, không còn gì khác cả. Không Nhất Linh. Không clarinette.
Ấn bản “Nhất Linh, cha tôi” của công ty Phanbook và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.
“Có lẽ tôi đã bị lầm vì một ảo tưởng âm thanh nào đó”, Đinh Hùng viết.
Thế nhưng, sự vắng mặt ấy chỉ thoáng qua chốc lát trong ký ức Đinh Hùng, như một nốt lặng giữa bản nhạc ký ức mênh mông. Còn thì, Nhất Linh vẫn hiện hữu, hiện hữu náo nhiệt, hiện hữu sống động, hiện hữu túy lúy, trong những chầu hội ẩm, trong những buổi nghe hát cô đầu ở Ngã Tư Sở nơi Nhất Linh trổ tài đánh trống, trong những “cơn say suốt sáng, trận cười thâu đêm” Nhất Linh đầu têu nhảy ùm xuống hồ Tây mà bơi khi trên người chỉ còn độc chiếc quần xà lỏn.
Phải đến khi đọc Nhất Linh, cha tôi, cuốn hồi ký của Nguyễn Tường Thiết, người con trai út của nhà văn/nhà chính trị Nhất Linh/Nguyễn Tường Tam, tôi mới cảm thấy sự vắng mặt ấy ngân nga thành giai điệu chủ đề, như bản nhạc 4’33 của John Cage, nơi cái tịch mặc chiếm ngự và phủ tràn, dù, cái tịch mặc của Nhất Linh hư ảo và tao nhã và bí hiểm hơn nhiều.
Viết một hồi ký với tựa đề lấy tên người cha, nhưng kỳ thực, chỉ có hai chương đầu người cha thực sự xuất hiện bằng xương thịt. Còn thì, ông là một cái tên thốt lên từ đầu môi một vị đại tá; ông là một đám mây lơ lửng, thoắt ẩn thoắt hiện giữa bầu trời kỷ niệm; ông là một nắm tro tàn; ông là một di cảo; ông là những dòng lưu bút trong cuốn sách thất lạc; ông là cái sống mũi trong một chiều ngồi dưới gốc thông; rồi cũng có khi, ông là một hư cấu, một tưởng tượng của đứa con trai út.
Chân dung Nhất Linh, một chân dung rất nhiều khoảng trống, rất nhiều những nét phác hờ còn chưa thành hình dạng, rất nhiều bỏ ngỏ, rất nhiều đứt gãy của thời gian, (mà, sao khác được, ngay đến lời cuối của ông, “đời tôi để lịch sử xử” cũng là một kiểu khoảng trống, một kiểu bỏ ngỏ, một sự mở ra cuộc đời thay vì khép lại). Người con tìm cha trong sự vun vén những khoảnh khắc vụn vặt nhất và những liên kết phân mảnh nhất, trong sự chập hai dòng thời gian của thực tại và quá khứ vào làm một – khi những áng văn của Bướm trắng, của Giòng sông Thanh Thủy, của bản dịch Đỉnh gió hú cứ vọng lại, cất lên như bản hòa âm cho thì hiện tại, như thể thiên thai xưa vẫn lẩn quất đâu đây, vẫn bập bùng ánh lửa năm nào, chưa bao giờ biến mất.
Có lẽ đó là lý do, cùng một lúc, đâu đâu ta cũng thấy Nhất Linh và đâu đâu ta cũng không thấy ông ở đó. Có cảm giác luôn có hai Nhất Linh, một Nhất Linh hiện diện và một Nhất Linh vắng mặt, hai Nhất Linh ấy hợp thể và đổi chỗ cho nhau. Thậm chí, ở trong những phút giây bằng xương bằng thịt nhất, vẫn có gì không thể phục dựng nơi ông. Như một tấm ảnh Nhất Linh mặc vest đen thổi clarinette, đứng giữa những cành lan rậm rạp, ảnh chụp nghiêng, chú thích đề: “Nhất Linh thổi hắc tiêu cho lan nghe. Đà Lạt 1956”. Nhất Linh mê hoa lan đắm đuối. Đọc những đoạn văn diễm lệ như trích ra từ Hồng Lâu Mộng để mô tả thú chơi lan của bậc văn nhân, người ta dễ dàng hình dung ra một kẻ phong lưu ưu nhã cỡ như chàng thế tử Đại Lý si mê cái đẹp trong Thiên Long Bát Bộ, dẫu bị Vương phu nhân dọa chặt chân bón phân cho cây đến nơi, vẫn còn thao thao về nghệ thuật chơi và khiến cho vị phu nhân tự thấy mình sao mà quê mùa cục mịch. Ấy thế mà, ngay cả sự hình dung ấy cũng đầy vệt trống, bởi, nó phi thực quá chừng, siêu trần quá chừng, tiêu dao quá chừng, sảng khoái quá chừng, làm sao thuộc về cõi giới này cho được.
Một điều phải nói thêm rằng, đọc Nhất Linh, cha tôi gợi cho tôi cái hứng đọc lại Khởi sinh của cô độc của Paul Auster. Hai tập hồi ký, một là của đứa con trai viết về cha vốn là một nhà văn nổi tiếng; một là của đứa con trai vốn là nhà văn nổi tiếng viết về cha. Cả hai người cha đều vắng mặt, đều là những người khách trú trong đời những đứa con, rồi khẽ khàng tan biến.
“Mới ngày nào còn sống đó. Một người, giả dụ đang ở đỉnh cao sức khỏe, thậm chí chưa già, chẳng có tiền sử bệnh tật gì. Mọi thứ vẫn như xưa, như lúc nào cũng vậy. Ông ta sống từ ngày này sang ngày khác, lo việc của mình, mơ về cuộc đời đang trải ra trước mắt. Thế rồi, đùng một cái, cái chết đến. Ông thở nhẹ một hơi, sụp xuống ghế của mình, và thế là chết.”, Paul Auster mở đầu về cái chết của cha ông. Nhất Linh cũng tự vẫn khi đang ngồi trên một chiếc ghế, với chai rượu và cuốn Wuthering Heights còn để trước mặt, dù có khác nhau, vì người cha của Paul Auster từ giã cõi đời không hẹn trước, còn Nhất Linh đã tự sắp đặt những phút giây cuối đời mình. Người cha của Paul Auster là nhân chứng trong vụ mẹ giết cha – tội ác sẽ gieo vào ông nỗi cô đơn mãi mãi, còn Nhất Linh là một nhân chứng của thời cuộc – cái thời cuộc rồi sẽ không đứng về phía ông. Hai người cha cùng đánh mất những căn nhà, với người cha của Auster, ông đánh mất vì sự tan rã của đô thị, còn với Nhất Linh, chẳng vì gì, Thanh Ngọc Đình bên dòng suối Đa Mê mà ông hằng mơ, sau cơn bão, bỗng chỉ là một nấm đất tan hoang
Điều đó có ý nghĩa gì không? Cũng có thể là không, chỉ là một sự trùng hợp không hơn không kém. Nhưng cũng có thể là có, rằng luôn luôn có một bi kịch vùi lấp dưới những lớp cát cuộc đời của những người cha, những sự thật “rất khó tìm và khi đã tìm ra thì cũng rất khó hiểu” nói như Heraclitus, luôn có những giấc mộng bất thành, những điều đổ nát, những sự vắng mặt, họ đều đã từng thấy một điều gì đó mà không ai thấy, và những đứa con trai sẽ luôn luôn bị hấp lực phải đào bới cả cuộc đời người cha mà giờ đã hóa thành sa mạc, để tìm lại cái điều mà người cha đã thấy ấy, để lần theo dấu vết của người cha, bởi chỉ sự giải ảo người cha mới đem đến sự cắt nghĩa cho cuộc đời của những đứa con trai.
Ngoài đọc lại Khởi sinh của cô độc, đọc Nhất Linh, cha tôi cũng dẫn dụ tôi, trong một buổi chiều, tìm đến số 15 Hàng Bè, vẫn biết tư gia Nhất Linh từ lâu đã không còn nữa. Số 15 Hàng Bè giờ đây là một cửa hàng outlet chuyên bán thời trang giảm giá và một Gallery nơi tranh đổ đống (vâng, trong cuốn hồi ký, Nguyễn Tường Thiết ngắm nhìn cái salon tóc Thu Hương, nơi xưa kia là hàng cau nhà Nguyễn Tường, cảm thấy chẳng còn dấu tích gì của gia đình mình còn lại, nhưng đến nay, chính cái salon tóc cũng đã không còn nữa, cái này thế chỗ cái kia, cái khác lại thế chỗ cái này, đời xoay vần nhanh thế!). Đi qua con phố ấy, tôi cố ý đeo tai nghe và mở lên bản Tennessee Waltz mà chuyện kể rằng, Nhất Linh vẫn thổi trên căn lầu trong chung cư chợ An Đông, hoàn toàn lạc lõng trong không khí chợ búa huyên náo. Còn bản tôi nghe – bản có lời của nữ ca sĩ Patti Page: “Tôi vẫn nhớ về đêm ấy, vẫn nhớ về điệu waltz Tennessee. Giờ đây tôi đã biết mình đã đánh mất nhiều đến thế nào.” Bản nhạc đã không ăn nhập gì với đời sống hôm xưa và cũng chẳng ăn nhập gì với đời sống hôm nay. Nhưng điều đó cũng không ngăn được việc bản nhạc ấy cứ đẹp lạ lùng, đẹp xa lạ, đẹp như dội về từ một thế giới khác. Tôi tự hỏi có khi nào đó cũng là một sự vắng mặt của Nhất Linh? □