Hilary Hahn: Thông điệp mới từ những tác phẩm cổ điển

Album mới của Hilary Hahn nhắc nhở mọi người về điều xứng đáng được đấu tranh bảo vệ ở âm nhạc cổ điển.


Nữ nghệ sĩ Hilary Hahn. Nguồn: Deutsche Grammophon

Vào tháng 9/2019, Hilary Hahn đặt cây violin của mình xuống, bắt đầu một kỳ nghỉ đặc biệt: rút lui khỏi sự ồn ào huyên náo của công việc và đời sống hòa nhạc, tìm không gian cho suy tư và ngẫm ngợi “xem mọi thứ như thế nào, xem mình thực sự muốn làm gì tiếp theo rồi sẽ tái hòa nhập”.

Việc chứng kiến những buổi hòa nhạc cổ điển bị hủy bỏ vì dịch bệnh khiến Hilary Hahn không khỏi buồn bã. “Bối cảnh thật là rối ren,” Hahn nói về khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2020 khi nhịp sống buộc phải thay đổi. “Thoạt tiên tâm trạng tôi chuyển sang đau buồn, dù đây là kỳ nghỉ tôi đã lên kế hoạch trước, tất cả đã đi tong”. Vẽ tranh màu nước, các khóa học và những chuyến du lịch dài ngày đã được thay thế bằng việc Hahn, chồng cô và hai đứa con nhỏ “chỉ nương tựa nhau như mọi gia đình khác” tại nhà ở Cambridge, Massachusetts.

Ngồi trong phòng thu cách nhà một cuốc xe, Hahn trao đổi với Gramophone qua ứng dụng Zoom, đôi mắt xanh nổi tiếng không biết e sợ đã trở nên dịu dàng hơn. Đến nay đã tròn hai thập niên kể từ lần xuất hiện đầu tiên của Hahn 20 tuổi trên trang bìa tạp chí Gramophone và cũng quãng thời gian hơn thế cô thu âm album đầu tay. Khi đó, tạp chí giới thiệu Hahn bằng những lời lẽ mà hôm nay vẫn còn chính xác: một nghệ sĩ violin mà vẻ ngoài gần gũi lại ẩn chứa sự nhạy cảm và kỹ thuật xuất sắc trong lối chơi đàn thông minh và rạng rỡ. “Không nghệ sĩ violin hiện đang biểu diễn nào lại tạo ra âm thanh đáng yêu hơn”, nhà sản xuất âm nhạc Rob Cowan từng nhận xét về bản thu âm cặp concerto violin của Sibelius và Schoenberg phát hành vào năm 2008 của cô, sau album solo Bach giành được danh hiệu “Bản thu âm của tháng”.  Nhìn lại những bản thu âm này, người ta có thể thấy ngay cả vào năm 2000 thì Hahn đã trân trọng Bach, đúng như điều cô thổ lộ “tôi tập luyện bằng âm nhạc của Bach mỗi ngày”.

Đó là chuyện của quá khứ, giờ đây, Hahn cảm thấy mình cần phải bổ sung nhiều kiến thức nữa. Sự phát triển nhanh như chớp của kỹ thuật số trong lĩnh vực nhạc cổ điển đã vượt qua ngay cả người am hiểu công nghệ như Hahn. “Có rất nhiều thứ tôi phải bắt kịp khi trở lại”, cô nói, “Tôi sẽ cố gắng hiểu mối quan hệ giữa mình và kỹ thuật số để xem xem liệu có thứ nào có thể học hỏi cách mọi người kết nối và chia sẻ âm nhạc hiện nay hay không. Biết đâu mình có thể mang theo trong các mùa diễn tương lai”.

Vậy Hahn muốn trở lại với công việc biểu diễn bằng tác phẩm nào? Rõ ràng, mọi thứ đã được ấn định một cách hoàn hảo. Hahn thu âm cho hãng Deutsche Grammophon, một dự án thu âm mà Hahn đã mơ ước khi mọi thứ trở lại ‘bình thường’, được đánh dấu bằng việc cô trở thành nghệ sĩ lưu trú [Artist-in-Residence] của Dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh Pháp trong mùa diễn 2018/2019, dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Mikko Franck. Album mang tên “Paris” là một cái nhìn yêu thương vào thành phố mà Hahn vẫn đến hằng năm kể từ thời niên thiếu, đó cũng là nơi cây đàn Jean-Baptiste Vuillaume cô đang biểu diễn ra đời vào năm 1865. Tiết mục đinh của album này là concerto violin số một của Prokofiev, một tác phẩm Hahn yêu thích nhưng cứ lần lữa trì hoãn việc thu âm qua nhiều năm cho đến khi thời gian, địa điểm và dàn nhạc đều thuận lợi một cách hoàn hảo. Cô nói: “Tác phẩm luôn mang lại cảm giác về thành phố Paris thân thuộc cho tôi”. Với cảm giác này, việc đưa Poème, tác phẩm viết cho violin và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Lãng mạn Pháp Chausson dường như là điều hiển nhiên, nhưng thật ra lựa chọn của Hahn còn có một ẩn ý khác: nhà soạn nhạc đã đề tặng tác phẩm cho nghệ sĩ violin Eugène Ysaÿe, người đã dạy chính Jascha Brodsky, thầy giáo của Hahn sau này.

Trong album này còn có một tác phẩm còn chưa có nhiều người biết đến tồn tại của nó. Năm 2010, sau khi chơi concerto violin lấy cảm hứng từ Manhattan của nhà soạn nhạc đương đại người Phần Lan Einojuhani Rautavaara, Hahn đã đặt ông viết một trong 27 bản ‘encore’ hòa nhạc mới mà cô đã thu âm và phát hành album. Rồi cô đề nghị Mikko Franck, cộng sự lâu năm của mình tại Đài phát thanh Pháp, hỏi ý kiến người đồng hương Phần Lan của anh về việc viết một tác phẩm dài hơn, nhưng thật đáng tiếc là nhà soạn nhạc đã sớm qua đời vào tháng 8/2016 mà không có phản hồi gì. Tại đám tang của Rautavaara, Franck bất ngờ được trao một tác phẩm gần như đã hoàn thành, Two Serenades cho violin và dàn nhạc, và những gì tiết lộ sau đó thì đây là tác phẩm mới dành cho Hahn. Điều khác lạ của Rautavaara là ông dùng tiếng Pháp để đặt tiêu đề cho hai chương nhạc là ‘Sérénade pour mon amour’ [Serenade cho tình yêu của tôi] và ‘Sérénade pour la vie’ [Serenade cho cuộc đời].


Album mới “Paris” của Hilary Hahn. Nguồn: Deutsche Grammophon.

Tác phẩm cuối cùng của nhà soạn nhạc không kèm theo những thông tin nào của Rautavaara nhưng từ những thay đổi hòa âm theo thể thức và lối tô điểm cho violin solo, có thể thấy ông đã thổi vào đây nguồn ánh sáng mới mẻ khiến âm nhạc giống một sinh vật sống động. Có lẽ nó tiềm ẩn nhiều xúc cảm phức tạp, vừa chứa đựng sự băn khoăn, nỗi hoài nhớ lẫn lộn buồn vui. Hahn xúc động nói về những ấn tượng điều cô cảm nhận được: “Trong bản nhạc, có một khoảnh khắc đặc biệt khi phần phối cho dàn nhạc kết thúc ở giữa câu, đó là chỗ tác giả bỏ lửng và không bao giờ trở lại với giai điệu này nữa”. Nó dường như là một dấu lặng, một sự mất mát nào đó mà tác giả gửi gắm một cách sâu sắc và dấu lặng ấy đã ghìm chậm lại cả lời thổ lộ của cô. “Được trở thành một phần trong tác phẩm cuối cùng của ai đó là một vinh dự của một nghệ sĩ”, cô nói.

Tác phẩm của Rautavaara là một khúc dạo đầu gây ấn tượng cho album, mở đường cho tác phẩm của Prokofiev. “Tôi cảm thấy mình giống như một vũ công đang vào vai mà tôi đã chìm đắm trong nhiều thập kỷ”, cô nói về chương nhạc thứ hai trong bản concerto của nhà soạn nhạc Nga. “Cơ thể tôi biết điều đó; Tôi có mối quan hệ với kỹ thuật cũng như với âm nhạc.” Nó có giống như nhạc ballet không? “Rõ ràng là Prokofiev đã biên đạo biểu cảm hình thể trong kỹ thuật chơi: khi bạn đang kéo vĩ xuống, bạn chỉ có thể kéo vĩ xuống [cô minh họa bằng một chuỗi âm thanh “de-de-de-de-des từ cổ họng”] trong khi ở những thời điểm khác, bạn chỉ đơn giản là chống cằm [cô hát một giai điệu glissando linh hoạt hướng lên] và hy vọng đạt được nốt cao nhất đó ngay trước dàn nhạc. Đó là một tác phẩm thách thức với nhiều nghệ sĩ nhưng tôi cảm thấy mình đã tìm ra cách thể hiện nó theo cách phù hợp với mình và tạo ra hiệu ứng âm thanh tối đa”.

Hiện tại, không phải ai khác, chính Hahn là người điều phối các dự án thu âm của riêng mình và giao kết quả cho Deutsche Grammophon nhưng giữ bản quyền trọn đời. Cô đã đi được một chặng đường dài từ cuối những năm 1990, khi bắt đầu ký hợp đồng thu âm nhiều album đầu tiên với hãng Sony Classical, “khi đó là hợp đồng độc quyền cho một số bản thu âm nhưng giờ đây thì ngược lại, tôi thích làm việc theo từng bản thu âm và tự sản xuất – đó là sự cách dàn xếp phù hợp với tôi nhất”.

Với sự biến đổi gần như hoàn toàn của ngành công nghiệp thu âm trong hai thập kỷ qua, điều có vẻ đáng chú ý là Hahn đã duy trì được mối quan hệ với “các ông lớn” thu âm trong toàn bộ sự nghiệp của mình. “Các nhãn hiệu sẽ là tuyệt vời nếu bạn có một mối quan hệ tốt: chúng làm việc cho bạn, chúng mang lại những trải nghiệm cộng tác và cảm giác là một phần của nhóm – có mọi người để trò chuyện về cách bạn sẽ triển khai và về thế giới âm nhạc mà trong đó nó tồn tại. Tôi cho rằng phần lớn các bản thu âm của tôi là với Deutsche Grammophon. Hiện vẫn còn rất nhiều khán giả trên khắp thế giới yêu thích nhãn hiệu đó,” cô nói về lý do lựa chọn Deutsche Grammophon làm nơi phát hành các bản thu âm của mình.

Nhưng Hahn không chỉ tiếp cận với khán giả theo cách đó. Thương hiệu truyền thông xã hội của cô, Violincase, có tổng cộng nửa triệu người theo dõi và cô thường xuyên sử dụng nó để phổ biến hoạt động sư phạm và khuyến khích các nhạc công trẻ. Cô đã trở thành đại sứ cho phong trào 100 Days of Practice (100 ngày luyện tập) và gần đây đã thu âm các cuốn Book 1-3 của Trường phái violin Suzuki. Đó cũng có thể là bản thu âm quan trọng nhất của cô mà hàng trăm nghìn nghệ sĩ violin trẻ đầy khát vọng trên khắp thế giới sẽ lắng nghe.

Câu chuyện của cô và tạp chí Gramophone đã quay trở lại với thực tại bởi sớm hay muộn “mọi thứ sẽ trở lại như trước và tất cả mọi nghệ sĩ đều chờ được quay lại biểu diễn”, cô nói. Cuối cùng thì cô rút ra bài học gì từ năm 2020? “Tình trạng phong tỏa đã dạy tôi rất nhiều về câu hỏi nghệ thuật có ý nghĩa gì đối với con người và điều gì sẽ xảy ra khi nghệ thuật buộc phải thay đổi. Có những câu chuyện thế này về nước Nga trong Thế chiến thứ hai, khi đèn trong nhà hát bị tắt thì buổi biểu diễn vẫn tiếp tục, bởi âm nhạc, nghệ thuật và nhà hát luôn là nơi người ta khao khát tìm đến. Tôi không dám nói là ở mọi địa điểm mà tôi biểu diễn, người nghe đều khao khát tôi chơi đàn như thế nhưng sau tất cả những gì diễn ra, tất cả chúng ta đều đã khám phá ra tình cảm của mình đối với những gì đó chúng ta không thể tự do tiếp cận: nghệ thuật tự nó luôn luôn có những câu hỏi đặt ra cho chính mình để khám phá, nghệ thuật luôn trông chờ những cách thể hiện mới để nói với mọi người những điều khác biệt và tiết lộ những điều tuyệt đẹp”. □

 

Ngọc Anh lược dịch

Nguồn:

https://www.gramophone.co.uk/features/article/hilary-hahn-interview-lockdown-has-taught-me-a-lot-about-what-art-means-to-people-and-what-happens-when-the-availability-of-it-changes

Tác giả