Homo Deus: Tương lai có thuộc về loài người?

Mất mạng - đây là hai tiếng đáng sợ nhất mà một người bình thường trong thời đại ngày nay có thể nghe thấy. Không phải vì họ được thông báo về cái chết của chính mình, trừ khi bị ngắt kết nối cũng là một dạng chết tạm thời.

Kể từ khi mạng Internet trở thành một phần thiết yếu trong đời sống của chúng ta, nhiều người thậm chí sẵn sàng nhường hết quyền kiểm soát cho các thiết bị thông minh. Thế giới mạng có gì quyền năng đến thế, đủ để khiến loài người vốn là chủ nhân Trái đất phải cúi mình?

 

Cuốn sách Homo Deus: Lược sử tương lai của Tiến sĩ Yuval Noah Harari, bước tiếp nối xuất sắc cuốn Sapiens: Lược sử loài người đã được ủng hộ nhiệt liệt của ông, là những suy ngẫm về con đường phía trước của giống loài homo sapiens. Tiến sĩ Harari cho rằng, khi đã vượt qua nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh, con người sẽ tiến đến với những mục tiêu tham vọng hơn, cụ thể là sự bất tử, hạnh phúc và quyền năng (vốn thuộc về) thần thánh. Thực tế là một số không nhỏ con người đã đang trên đường tìm kiếm sự bất tử, và những mục tiêu này cuối cùng sẽ không nằm ngoài tầm với của con người hiện đại được hỗ trợ bởi công nghệ. Nhưng ông đồng thời đặt nghi vấn rằng, con đường đến với những mục tiêu ấy sẽ biến đổi cuộc sống của chúng ta theo hướng khác hẳn hướng ta dám kỳ vọng.

Con người hiện đại vốn được dẫn lối bởi một kim chỉ nam là cảm xúc của bản thân. Chẳng phải “biết chính mình” vẫn là mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề từ nhỏ nhặt như chọn món ăn cho bữa tối đến to tát như chọn sự nghiệp hay chọn bạn đời đó sao? Nhưng điều đó đang thay đổi, khi ta thay đổi cách nhìn về cảm xúc con người và không còn coi nó là thứ thiêng liêng nhất nữa.

Vì xét cho cùng, cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ đều chỉ là những thuật toán để phục vụ những mục đích sinh tồn cụ thể không có gì thiêng liêng, như thuật toán của máy pha cà phê được viết ra để biến những hạt cà phê nguyên thành cốc cà phê cho bạn. Cơn đói đang thúc giục bạn với tay lấy cái bánh cho vào miệng ư? Không gì hơn một quá trình tính toán để đi đến quyết định. Cuộc sống con người, vì vậy, nếu được nhìn nhận hoàn toàn như một chuỗi xử lý dữ liệu và đưa ra quyết định thì cũng không có gì là lạ. Và trong trường hợp đó, con người dễ dàng bị thay thế bởi những thuật toán ưu việt hơn.

Mối đe dọa của máy móc đối với con người trên thị trường lao động đã được bàn nhiều, nhưng điều chưa được nói đến đủ là ngay cả trong những lĩnh vực mà con người tự hào rằng không gì thay thế được nét độc đáo chói sáng của riêng mình, máy móc vẫn tỏ ra ưu việt hơn. Những khán giả con người không nhận ra được sự khác biệt giữa bản nhạc do máy và do người viết. Trong khi đó, nếu bạn vẫn tin vào lời khuyên “biết chính mình” thì những thuật toán quyền lực với tất cả dữ liệu về bạn như của Facebook và Google cũng đã biết bạn rõ hơn bạn đời của bạn rồi – và có lẽ không quá nếu nói rằng thậm chí rõ hơn chính bạn. Nếu thật sự có gì đặc biệt đến thế về con người, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ hiểu điều đó hơn chính con người.

Đó có lẽ là nguyên do cuộc sống hiện đại đang phụ thuộc đến thế vào máy móc – những thuật toán làm tốt công việc chuyên môn của chúng, những thuật toán hiểu rõ chúng ta hơn chính chúng ta. Mỗi chúng ta chỉ còn là một mắt xích bé tẹo trong mạng kết nối toàn cầu của dòng dữ liệu trao đổi giữa những máy móc này. Mỗi ngày bạn hấp thu và chuyển tiếp quá nhiều dữ liệu, từ email đến tin tức, từ các cuộc điện thoại đến bài viết trên Facebook, nhiều đến mức mục đích của bạn dường như chỉ còn là đẩy cho dòng dữ liệu vô tận chảy hoài chảy mãi.

Liệu nói rằng những thuật toán nhân tạo có thể trở thành bá chủ của con người thì có vô lý không, khi mà con người là đấng sáng tạo ra những thuật toán đó từ đầu? Nhưng chẳng phải con người cũng chính là nguồn gốc của những câu chuyện về các đấng thần linh, về những thực thể hư cấu như đất nước hay tiền tệ, và rồi cuối cùng vẫn đi đến chỗ sùng bái những thứ tự nghĩ ra này hay sao?

Chưa kể, những thuật toán có thể đều là do con người tạo ra, nhưng những thuật toán lớn và quan trọng như của Google chẳng hạn, cần đến cả một đội ngũ mới làm nên được, mỗi người chỉ kiểm soát và hiểu một phần rất nhỏ của thuật toán. Rồi với quá trình học máy (machine learning) thì những thuật toán đã tự phát triển thêm rất nhiều – tương lai của thuật toán nhân tạo sẽ sớm không còn nằm trong tay con người hay bị giới hạn bởi trí óc con người nữa. Thứ tôn giáo có thể thống trị tương lai chúng ta – Dữ liệu giáo – đã bắt rễ trong hành động của chúng ta ngày hôm nay rồi.

Ngày nay, mỗi việc bạn làm đều cần được ghi lại bằng một dòng trạng thái Facebook hay một chiếc ảnh Instagram, mỗi bước chân của bạn đều được Fitbit đo đếm, mỗi bài hát bạn nghe đều được Spotify phân tích – việc những dịch vụ này hiểu bạn rõ hơn chính bạn đã không còn là chuyện viễn tưởng hay kinh dị nữa, đó chỉ là thực tế. Và không chỉ chấp nhận thực tế này, chúng ta còn vồ vập lấy nó là đằng khác. Việc được hòa mình vào dòng dữ liệu dường như là một điều cốt tử, việc được hiểu thấu bởi các thuật toán là một đặc ân, còn điều ngược lại – mất mạng, mất kết nối – là cái chết.

Xã hội loài người được xây dựng trên những câu chuyện và khái niệm tưởng tượng, và như Harari đã khẳng định trong Sapiens, đó chính là cách con người tập hợp được thành nhóm sinh vật lớn và hùng mạnh nhất trên Trái đất. Đây là điểm bắt đầu cho nét sáng chói của homo sapiens, nhưng cũng có thể là điểm kết thúc: câu chuyện và ý nghĩa mà con người đang chọn để theo đuổi vào thời điểm này rất có thể sẽ đến lúc quyết định rằng nó không cần đến nhân vật con người nữa.

Homo Deus không phải là một lời tiên tri. Cuốn sách tự chỉ ra rằng một khi chúng ta bắt đầu nói về tương lai thì tương lai đã thay đổi rồi. Cái tương lai mà chúng ta nói về chỉ là tương lai của quá khứ. Tương lai thật sự đang đến nhanh hơn bao giờ hết, và nó sẽ không giống bất cứ thứ gì ta từng thấy trước đây.

Thanh Huệ

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/homo-deus-tuong-lai-co-thuoc-ve-loai-nguoi/20180712093559p1c160.htm

Tác giả