Khoa học viễn tưởng về khí hậu: Khi nhà văn “đọ sức” với nhà khoa học

Truyện hư cấu về khí hậu là một tiểu loại mới nổi của truyện khoa học viễn tưởng, lấy điểm tựa là những kiến thức chuyên ngành sinh vật học và sinh thái học, từ đó, đưa ra những hình dung đáng tin cậy và có căn cứ khoa học về tương lai Trái đất.

Khi tiểu thuyết cũng chọn biến đổi khí hậu

Công nghệ laser, những chuyến du hành vũ trụ, kĩ thuật ảnh ba chiều và hình tượng các siêu chiến binh, tất thảy đều hiện diện trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, dưới đủ mọi dạng thức và cấp độ khác nhau. Nhưng hư cấu không phải lúc nào cũng có nghĩa là cường điệu, và huyễn tưởng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với viển vông. Ở một phân nhánh của thể loại này, có một tuyến truyện cùng chia sẻ chung một chủ đề đang ngày càng nhiều thêm về số lượng: đó là các tác phẩm lấy bối cảnh là Trái đất ở thì tương lai, dựa trên những hình dung xác tín về mặt khoa học. Trong những năm gần đây, tiểu loại truyện hư cấu lấy đề tài là sự suy thoái môi trường nặng nề và nguy cơ biến đổi khí hậu đang dần trở thành một xu hướng chủ đạo.


Tiểu loại truyện hư cấu lấy đề tài là sự suy thoái môi trường nặng nề và nguy cơ biến đổi khí hậu đang dần trở thành một xu hướng chủ đạo. Nguồn: grist.org.

Những cuốn sách thuộc hàng best-seller gần đây như Tập tính bay (Flight Behavior, 2012) của Barbara Kingsolver, câu chuyện kể về cách người dân một thị trấn vùng nông thôn phản ứng trước sự xuất hiện lạ lùng của một kén bướm chúa khổng lồ (khiến các nhà khoa học phải đến tận nơi nghiên cứu), hay Vòm rừng (Overstory, 2018) của Richard Powers, lồng ghép mạch truyện về chín nhân vật khác nhau nhưng đều có sự gắn kết mật thiết với cỏ cây và chính điều này đã kéo họ lại với nhau để cùng bảo vệ một khu rừng khỏi sự tàn phá. Cả hai tác phẩm này đều đã thu hút được sự chú ý của phía các nhà phê bình cũng như độc giả. Ngay tháng trước đây, Jeff VanderMeer cũng vừa phát hành cuốn tiểu thuyết giật gân lấy chủ đề sinh thái (eco-thriller) Chim ruồi Kì giông (Hummingbird Salamander) – một câu chuyện li kì hồi hộp xoay quanh sự biến mất của các loài và một cuộc khủng hoảng sinh thái có thể sẽ diễn ra trong một tương lai rất gần. Meghan Brown – tác giả cuốn sách, người đã có được thành công vang dội với tác phẩm Vùng hủy diệt (Annihilation) – từng được trao giải và chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2014, đã tìm gặp một nhà sinh vật học làm việc tại trường Cao đẳng Hobart & William Smith phía ngoại ô New York, để nhờ làm cố vấn khoa học trong suốt quá trình viết truyện. Trong cuốn sách của mình, Brown đã tạo ra những loài chim và những loài động vật lưỡng cư hư cấu (nhưng hoàn toàn hợp lí về mặt sinh học), và đây chính là các đối tượng khiến nhân vật chính của câu chuyện lao vào những cuộc kiếm tìm săn đuổi hòng biết được bản chất sinh tồn thực sự của chúng.

“Đây là một phần của mẫu hình tự sự,” Adeline Johns-Putra, một nhà nghiên cứu văn học tại Đại học Giao thông Tây An-Liverpool tại Tô Châu, Trung Hoa, nhận định. Cô từng xuất bản một chuyên khảo về đề tài biến đổi khí đổi khí hậu trong tiểu thuyết đương đại. “Đó là một vòng lặp theo cơ chế phản hồi, bởi [những cuốn sách này] đi sâu vào nhận thức của chúng ta, và thúc đẩy nhu cầu đọc thêm những cuốn khác bên trong chính chúng ta”.

Truyện và tiểu thuyết rõ ràng là một phương tiện quan trọng trong việc gia tăng cảm giác đồng cảm ở người đọc với những kẻ khác (the others), và giúp chúng ta hiểu được những điều vẫn còn khiến đa số băn khoăn mù mờ khi nhìn vào các số liệu hay dữ liệu thống kê. Tiểu loại văn học mới này, bởi thế, đặt ra một câu hỏi: Một khi đã thấu hiểu được hành tinh của chúng ta cũng như tương lai của nó, liệu các tiểu thuyết gia có chạm tới được công chúng theo những cách mà các nhà khoa học không thể?

Brown tỏ ra lạc quan. “Tôi thường quan sát thấy ngành nhân văn có nhiều cơ hội gặp gỡ với cả trái tim và khối óc con người, giúp chúng ta nhận biết nhanh hơn các vấn đề khoa học, đồng thời, tạo ra được sự khác biệt trong cách con người hành xử với môi trường,” bà nói. “Nỗi buồn, sự tuyệt vọng, niềm hy vọng, niềm tin và niềm vui, tất cả thường bị loại bỏ nếu chúng ta chỉ viết các văn bản khoa học thuần túy”.

Văn chương nói điều khoa học không thể

Ý tưởng về việc môi trường Trái đất có thể biến đổi rất khác trong tương lai kéo chúng ta trở về với việc nhận thức lại những tác động của con người thời hiện đại. H.G. Well đã mơ về tương lai của môi trường Trái đất khi ông đặt bút viết Cỗ máy thời gian (The Time Machine) vào năm 1895. Nhưng phải đợi đến những năm 1960, các tác giả mới bắt đầu đề cập đến chủ đề về sự suy thoái môi trường do con người gây ra trong các tiểu thuyết của mình. Và phải chờ thêm một vài thập kỉ nữa, đề tài về biến đôi khí hậu mới chính thức được xuất hiện.

Một trong những tác phẩm được xuất bản chính thống sớm nhất có thể được xếp vào danh mục “viễn tưởng khí hậu” (hay “cli-fi”) là Dụ ngôn của người gieo hạt (Parable of the Sower) của Octavia Butler, phát hành năm 1993. Câu chuyện kể về một cô gái tuổi học trò cố gắng kiếm tìm cho mình sự tự do giữa một cộng đồng đang mỗi lúc một tha hóa, lại đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn vì biến đổi khí hậu. “Nếu bạn nhìn vào những tập lưu trữ tài liệu [của Butler], bạn sẽ thấy rất nhiều mẩu báo nói về những vấn đề như nạn hạn hán ở California những năm 1980, hay cách Tổng thống Ronald Reagan đã dốc sức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong lúc đương nhiệm ra sao để ngăn chặn những tác động lớn đến khí hậu bang California,” Ted Howell – nhà nghiên cứu văn học, giảng viên ĐH Rownan, New Jersey, nhận định. Bà đã mường tượng trước được rồi chúng ta sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nạn hạn hán và cháy rừng. Liệu có phải văn chương đã nói với chúng ta những điều mà khoa học đang cố hết sức để khiến chúng ta hiểu ngay lúc này, và mở rộng ra được những viễn vọng khác về tương lai”.

Không phải tác phẩm hư cấu nào cũng cần một thời gian dài đến như thế để kiểm chứng, và cũng không phải tác phẩm nào cũng đặt nặng việc lí giải và cảnh báo. J.R.R. Tolkien đưa đến cho chúng ta một bộ bách khoa toàn thư về các loài động thực vật với đời sống sinh học của riêng chúng trong một tác phẩm đã chinh phục được rất nhiều độc giả từ năm 1973. Hay cũng có thể nhắc tới cái vũ trụ được xây dựng trong Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) với những con chuột và những con sarlacc (một loài động vật hư cấu), hay cả những con quái vật kì quái dị thường trong thế giới của Harry Potter. “Sự phức tạp và vẻ đẹp [trong tự nhiên] thật kỳ diệu, và việc quan trọng là phải hiểu và biểu đạt được chúng,” VanderMeer từng nói. “Bởi đó chính là nơi mà cái đẹp cư ngụ – trong từng chi tiết dù nhỏ nhất của vạn vật”.

Để tạo ra các giống loài hư cấu mới, Brown đã đựa trên những kiến thức đáng tin cậy về mặt sinh vật học. Trong Chim ruồi Kì giông, bà đã ghép các bộ phận từ các loài có thật với nhau. Bà gần như mô tả lại một cách chính xác các chi tiết về chim ruồi và kì giông như trong một cuốn sách hướng dẫn khoa học: từ đặc điểm hình thái, môi trường sống, vòng đời, các tập tính lạ lùng và thậm chí cả những mối đe dọa của chúng. “Điều quan trọng với tôi là tính chính xác. Nó phải cho thấy được mối liện hệ giữa môi trường sống của các sinh vật với các đặc điểm hành vi và thể chất của chúng,” bà giải thích. Chẳng hạn, con chim ruồi trong truyện của bà có một loại protein đặc biệt là hemoglobin cho phép nó thực hiện chuyến di cư lạ thường từ dãy Andes đến tận vùng Tây Bắc Thái Bình Dương – đây cũng là một đặc điểm và tập tính di cư được tìm thấy ở giống chim ruồi ngoài đời thực. Con kì giông trong truyện có tên là Road Newt, vì có một sọc vàng như vạch kẻ đường chạy dọc sống lưng – một dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng của môi trường sống đến chọn lọc tự nhiên. “Các sinh vật này là hư cấu, nhưng vòng đời và các đặc điểm của chúng đều được dựa trên sự khảo sát, ghi chép, cùng các ước tính chi tiết về khả năng tồn tại của mỗi giống loài trong môi trường”.

Rất nhiều tác giả đã thực hiện những tính toán chi tiết để đảm bảo tính chính xác trong các mô tả khoa học về tự nhiên. Howell cho rằng: “Có cả một truyền thống khoa học viễn tưởng nặng về nghiên cứu vẫn thường được gọi dưới cái tên hard science fiction. Các tác giả bỏ nhiều công phu trong việc tìm hiểu khoa học và diễn giải lại nó một cách thực tế nhất”.

Khi viết cuốn tiểu thuyết mới của mình, VanderMeer đã gửi các đoạn trích liên quan đến các chuyên gia để lấy ý kiến phản hồi về nạn buôn bán động vật hoang dã toàn cầu cùng nhiều vấn đề khác: “Tôi cảm thấy người viết cần phải có trách nhiệm với những gì mình viết ra. Chỉ cần công bố một điều gì sai sự thật là đã có thể gây hại”.

Ngay cả khi cốt truyện rõ ràng hư cấu, khán giả vẫn có thể bị tác động theo những cách thực sự bất lợi, ví dụ các cốt truyện xoay quanh kĩ thuật di truyền tiềm ẩn khả năng đưa đến sự mù mờ, chẳng hạn như Công viên kỉ Jura (Jurassic Park) với sự hồi sinh của các giống loài đã tuyệt chủng hay các kĩ thuật cải tiến và đột biến gene được lấy làm nền tảng cho hầu hết các bộ phim siêu anh hùng hiện đại. “Những sản phẩm kiểu ấy không giúp cho mọi người hiểu khoa học cũng như hiểu những gì thực sự có thể xảy ra,” Howell nhận định. “Tôi nghĩ rằng các tác giả có trách nhiệm phải đặt sự chính xác lên hàng đầu, hoặc nếu không, phải cho người tiếp nhận thấy rõ ràng đó là những điều không chính xác”.


Cửa hiệu sách Foyles ở London đã dành một góc cho khoa học viễn tưởng về biến đổi khí hậu. Nguồn: teleread.com.

 

Nói đến sức ảnh hưởng, không phải lúc nào hư cấu cũng nhất thiết sẽ có được sức ảnh hưởng lớn hơn phi hư cấu. Mùa xuân im lặng (Silent Spring) của Rachel Carson đã làm thay đổi việc sử dụng thuốc trừ sâu trên toàn thế giới sau khi tiết lộ những tác hại của nó vào năm 1962. Nhiều tác phẩm phi hư cấu cũng có được sự tác động lớn, như Thế lưỡng nan của loài ăn thịt (The Omnivore’s Dilemma) của Michael Pollan. Việc đọc cuốn sách này đã khiến nhiều sinh viên thức nhận về chất lượng nguồn cung cấp thực phẩm tại Mỹ.

Hư cấu lấn lướt khoa học?

Nhưng hư cấu có thể làm điều phi hư cấu không thể: viết về những gì diễn ra ở thì tương lai.

“Tôi nghĩ điều mà chúng tôi [các nhà văn viết truyện viễn tưởng] có thể kể cho các bạn nhiều nhất về tương lai đó là những mô tả xem liệu môi trường sống quanh bạn có khả năng sẽ hiện diện như thế nào một cách hết sức trực quan,” VanderMeer chia sẻ. “Ngoài độ chính xác thực tế của các chi tiết, điều tôi quan tâm hơn cả là cuộc sống vào một thời điểm cụ thể bất kì trong tương lai sẽ ra sao”.

Vậy nên trong khi các tác giả không muốn vô tình gây ra bất cứ một sự hiểu lầm nào về mặt khoa học trong tác phẩm của mình, thì về phía độc giả, mục đích đọc một cuốn tiểu thuyết cũng không hẳn để tìm kiếm chân tướng các sự vật. Nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là một câu chuyện không thể trở thành một công cụ giúp mọi người hiểu hơn về khoa học.

“Khi chúng ta xem các dự báo về khí hậu, có rất nhiều dữ liệu khoa học phía sau nó, nhưng hầu như đều được mô tả bằng những con số”, Howell nói. “Chúng ta thường nghe thấy những điều như: trong tương lai mức nhiệt sẽ tăng lên 2,4oC, mực nước biển sẽ dâng cao 3,6 mét… Nhưng điều mà truyện hư cấu có thể làm là mang lại cho mọi người một cảm giác thực sự xem chúng ta sẽ ra sao nếu sống trong một thế giới nơi mức nhiệt đã tăng lên và mọi điều kiện thời tiết đã trở nên khắc nghiệt hơn”. Truyện hư cấu, có thể cung cấp cho bạn góc nhìn của một người đã thực sự phải sống trong cái thế giới đã hoàn toàn bị thay đổi đó.

Một nghiên cứu trên tạp chí Environmental Communication cho thấy việc đọc tiểu thuyết về khí hậu có khả năng gia tăng đáng kể niềm tin của độc giả vào việc chính con người là thủ phạm gây ra hạn hán, lũ lụt, nghèo đói, và nạn di cư. Nhưng những tác động này thường rất thoáng qua, cùng lắm chỉ kéo dài được trong vòng một tháng. Nói như Howell, “rất ít khả năng một người vừa đọc một cuốn truyện khoa học viễn tưởng có thể bỏ sách xuống và nói, chà từ bây giờ, nhận thức của tôi về môi trường và khoa học khí hậu đã thay đổi hoàn toàn”.

Tuy nhiên, những câu chuyện trong đầu chúng ta có thể kích thích những cuộc đối thoại với nhau. Trong một báo cáo của Đại học Yale về Truyền thông biến đổi khí hậu, vào năm 2016, phải đến hơn một nửa dân số Mỹ cho rằng biến đổi khí hậu “hiếm hoi lắm” mới có thể xảy ra, không những thế, còn “chẳng bao giờ” hoặc “hiếm khi” lắm mới trò chuyện những vấn đề này cùng gia đình, bạn bè. Cứ bốn người Mỹ thì có một người chưa từng nghe tới cái gọi là sự ấm lên toàn cầu. Chính vì thế, những cuốn sách về chủ đề này ít nhiều đều có công dụng riêng của nó.  

Tuy nhiên, ngay cả những nghiên cứu minh chứng được tác động tích cực của tiểu thuyết về khí hậu cũng thừa nhận rằng, chưa chắc những động lực thúc đẩy từ bên trong đã đủ sức đưa lại những thay đổi hành vi tương ứng. Nhưng khi tất cả chúng ta đều chưa biết phải làm gì, tiểu thuyết có thể là điểm khởi đầu để mọi người cùng suy nghĩ và hành động. Hay, nói như John Putras, “[Những cuốn sách này] sẽ không giải cứu thế giới dưới bất kì dạng thức nào. Nhưng chúng chắc chắn sẽ khiến chúng ta dừng lại và ngẫm nghĩ về việc có thể làm gì để cứu thế giới”.□

Đặng Hà dịch
Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/innovation/can-climate-fiction-writers-reach-people-ways-scientists-cant-180977714

Tác giả