Lưu Công Nhân: Vẽ nhiều để vẽ ít

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ những suy nghĩ của anh về nghệ thuật của họa sĩ Lưu Công Nhân (1930-2007) nhân dịp triển lãm Nét do anh làm giám tuyển vừa khai mạc mới đây tại Hà Nội.


LƯU CÔNG NHÂN, Gia đình, sơn dầu, 1994

Lưu Công Nhân vẽ cực kỳ nhiều. Trong lý lịch nghệ thuật của mình, ông viết, “cả đời đi bộ, đạp xe nông thôn, thành thị… để vẽ”. Ông chưa từng làm ở cơ quan nào, không giữ chức vụ gì. Chưa bàn chuyện ông vẽ hay hay dở, chỉ nội việc ông không làm gì khác ngoài vẽ và vẽ đã cho thấy ông hành nghề ở mức độ chuyên tâm rất cao. Ông chủ ý vẽ ít nét ở trong tranh, vẽ để gợi, chỉ một vài nét đã gợi lên một con đường, một cây xoan, một lô-cốt hay một thiếu nữ. Phải là người thật sự vững hình mới có thể vẽ nét kiểu “cuồng thảo” như ông. Mà cũng phải vẽ thật nhiều thì mới có thể vẽ thật ít ở trong tranh như ông.


LƯU CÔNG NHÂN, Khỏa thân, màu nước trên giấy, 1990

Tôi được xem tranh Lưu Công Nhân từ bé, đó là những lần bố mẹ đưa tôi đến nhà ông chơi hay đến triển lãm ông bày ở nhà số 10 phố Hàng Đào. Nhưng phải sau này, khi lớn lên tôi mới có cái nhìn rõ ràng về con đường nghệ thuật của ông. Tôi chia nó thành hai giai đoạn, hiện thực và hiện thực lãng mạn. Giai đoạn hiện thực của ông được đánh dấu bằng ba tác phẩm tiêu biểu mà ông luôn kể tên trong bất kỳ tiểu sử tự thuật nào: Buổi cày sớm, Bình dân học vụ, Những cô gái công trường. Những tác phẩm này đều nằm trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông, sau khi ông tốt nghiệp khoá Mỹ thuật kháng chiến chỉ vài năm. Giai đoạn này kết thúc  nhanh để chuyển sang một giai đoạn mới khi ông không còn theo hình nhưng cũng không bỏ hẳn hình – ông chỉ buông hình. Ông không còn theo đuổi hiện thực với những quy luật thấu thị, xa gần nhưng hội họa của ông cũng không hoàn toàn là hội họa không hình. Những tác phẩm nổi bật của thời kỳ này có thể kể đến loạt tranh sơn dầu ông vẽ cảnh bờ đê dưới bầu trời mùa xuân nắng bạc, nơi chân đê có cây xoan, quán nước hoặc lô-cốt, biểu tượng của chiến tranh một thời được ông nhìn hết sức ám ảnh. Một loạt tranh nổi bật khác nữa vẽ những con đường quốc lộ, hai bên là hàng cột mốc cây số, xa xa là những ngôi làng, một cảnh tượng nếu tả bằng lời thì rất khô khan nhưng qua tranh ông lại trở nên vô cùng trữ tình.

Người họa sĩ nào cũng phải ghi chép tài liệu. Chẳng hạn, muốn vẽ cảnh một cô nông dân tát nước, người họa sĩ phải ghi lại dáng đứng của cô lúc đứng trên bờ ruộng, động tác khi gầu chìm dưới nước, khi gầu đưa nước sang thửa ruộng bên cạnh… Ghi chép hay ký họa chỉ là phương tiện, chưa phải là tác phẩm, nhưng Lưu Công Nhân biến tất cả những phương pháp, phương tiện đó thành phong cách. Ở ông, khó phân biệt ký họa, trực họa, ghi chép với tác phẩm – bốn thứ đó đã hòa làm một, không còn thấy sự mệt mỏi của dụng công, kỹ xảo, kỹ thuật vờn tỉa. Ông cũng không nệ vào chất liệu, coi sơn dầu hay giấy dó cũng như nhau.

Như một cái duyên, triển lãm khai trương Gallery 39A của tôi hồi tháng 11/2005 có treo một bức khỏa thân vẽ bằng mực nho trên giấy dó của ông do tôi sưu tầm. Biết chuyện này, ông vui lắm. Ông mời tôi vào thăm xưởng vẽ của ông ở Đà Lạt. Ngày tôi gặp ông ở Đà Lạt năm 2006, ông nói muốn nhờ tôi tổ chức triển lãm cá nhân cho ông như một lời chào từ biệt bạn bè và Hà Nội. Lúc đó ông đã phải ngồi xe lăn rồi nhưng ông tính sẽ nói con trai mua một chiếc xe pick-up, sửa thùng xe phía sau thành một buồng nhỏ cho ông để ông đi từ nam ra bắc, mệt đâu nghỉ đấy. Các bước chuẩn bị cho triển lãm đang bắt đầu được tiến hành thì ông qua đời. Tôi không quên lời hứa với ông nhưng vô duyên thế nào đó, dù đã gặp vài nhà sưu tập ở Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhưng tôi chưa tập hợp được đủ tranh vì lúc thì người này không đồng ý, lúc thì người kia không đồng ý cho mượn tranh. Cách đây một năm, tôi gặp được nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng, người chỉ chuyên chơi tranh Lưu Công Nhân. Ông cho tôi xem tất cả các tranh sưu tập được cùng rất nhiều thư từ, ảnh chụp ông có sau những lần lên Đà Lạt gặp họa sĩ. Nét có thể gọi là triển lãm của một nhà sưu tập tôn vinh một họa sĩ. Ngoài bốn bức tranh do bốn nhà sưu tập khác ở Hà Nội mang đến, hơn 50 bức tranh còn lại đều thuộc sưu tập của ông Hưởng. Qua triển lãm, người xem có thể thấy được chân dung khá trọn vẹn về Lưu Công Nhân qua các thời kỳ nghệ thuật: khi còn là sinh viên, thời kỳ hiện thực (sau khi ra trường), thời kỳ hiện thực lãng mạn. Triển lãm cũng bao trùm các  đề tài yêu thích của ông là phong cảnh, tĩnh vật, chân dung (trong đó có khỏa thân) trên các loại chất liệu sở trường bao gồm sơn dầu, mực nho trên giấy dó, và màu nước trên giấy.

Liên quan đến giai đoạn hiện thực, triển lãm trưng bày hai trong ba tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này như đã nêu ở trên, trừ bức Buổi cày sớm hiện đang treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ở giai đoạn sau, có thể tìm thấy ở triển lãm những tác phẩm tiêu biểu như Gia đình (sơn dầu), Ngõ nhà mẹ (màu gouache trên giấy điệp), Cột mốc (sơn dầu)…

Tôi nhớ, sau năm 1975, Lưu Công Nhân có bày mấy triển lãm cá nhân, trong đó có triển lãm Cọ ở 29 Hàng Bài, đánh dấu đợt sáng tác một tháng của ông ở xưởng họa Vĩnh Yên. Nhưng những triển lãm này đều được bày theo kiểu không chính thức, không được ông điểm danh trong lý lịch nghệ thuật, nên có thể nói, Nét là triển lãm cá nhân chính thức đầu tiên của Lưu Công Nhân ở Hà Nội kể từ năm 1975.


LƯU CÔNG NHÂN, Cột mốc, sơn dầu, 1980


LƯU CÔNG NHÂN
, Một buổi cày, sơn dầu, 1960


LƯU CÔNG NHÂN, Bình dân học vụ, sơn dầu, 1955


LƯU CÔNG NHÂN, Ngõ nhà mẹ, gouache trên giấy điệp.

Triển lãm Nét diễn ra từ ngày 25/8 đến 24/9/2017 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) – 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Triển lãm được tổ chức theo hình thức hợp tác giữa VCCA và Gallery 39, theo đó VCCA đóng góp không gian trưng bày và lo việc bảo hiểm cho tất cả các tác phẩm (bao gồm bảo hiểm trong quá trình vận chuyển và trong thời gian trưng bày một tháng), còn Gallery 39 lo nội dung triển lãm.

 

 

Tác giả

(Visited 95 times, 1 visits today)