Một Việt Nam đa lịch sử: Những dòng bút sử chiến tranh

Từ bao giờ lịch sử Việt Nam đã được hình dung và được viết nên như là lịch sử của chiến tranh? Ngày nay, cảm hứng nghiên cứu lịch sử mạnh mẽ nhất đều tập trung về cảm hứng anh hùng với những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.


Trận Bạch Đằng trong cuộc chiến Nguyên Mông lần thứ 3, 1288. Tranh: Lê Năng Hiển

Những dự án lịch sử của nhóm Việt Sử Kiêu Hùng tập trung khắc họa những cuộc chiến lẫy lừng trong lịch sử như Bình Ngô đại chiến, Lam Sơn ca, Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang, Lửa thiêng thành Đa Bang… Hay như Dũng Phan với “Sử Việt 12 khúc tráng ca”. Những tác phẩm này đã thu hút cả triệu lượt người già trẻ xem- đọc. Điều này cho thấy dòng sử chí chiến tranh được tạo nên bởi học giới hàn lâm dưới sự định hướng của nhà nước đã có ảnh hưởng như thế nào đến não bộ trong hàng chục triệu người. Bài viết này sẽ vì thế thử khảo sát sự hình thành và chuyển biến của dòng sử chí chiến tranh từ thời trung đại cho đến nay, để góp phần tìm hiểu về sử học/ lịch sử với tư cách là một phương tiện để tạo nên tư duy của con người.

Chiến tranh là một hiện tượng lịch sử phổ quát của xã hội, tồn tại trong nhiều nền văn minh, trong bất kỳ thời gian nào. Mọi thể chế chính trị dù sơ khai hay hiện đại đều phải đối mặt với hiện tượng này. Chiến tranh là một đại biến cố của xã hội, nếu chiến thắng thì một tập đoàn người vô danh trở thành chủ thể lịch sử, là người nắm giữ lịch sử, là người được viết nên lịch sử, còn nếu chiến bại thì kẻ thua trận dù trước đây là một anh hùng, hay một đế chế khổng lồ, cũng chỉ còn lại là một đống tro tàn, hóa tan vào cát bụi, không còn một chút vết tích, chỉ còn lại những dòng bôi xóa mắng mỏ của kẻ chiến thắng. Dân gian tổng kết một câu gọn gàng nhưng phũ phàng: được làm vua, thua làm giặc. Thêm nữa, chiến tranh là một phương tiện của quyền lực, là nơi để giải quyết các mâu thuẫn, là nơi để cố kết lòng người, là một cỗ máy để sản xuất “giá trị thặng dư” bằng cách cướp bóc của cải, con người và đất đai.

 

Hệ thống lý thuyết về chiến tranh và hòa bình

 

Phần lớn các nền triết học tôn giáo hay tư tưởng chính trị xã hội đều trang bị sẵn cho mình hệ thống lý thuyết về chiến tranh và hòa bình. Nho giáo cũng vậy. Câu “điếu dân phạt tội” (thương nhân dân nên đánh phạt kẻ có tội) là một ngọn cờ nêu cao tính dân bản để phát động chiến tranh. Câu “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn” để làm tôn chỉ cho một nền đức trị (cai trị bằng đạo đức). “Văn minh giáo hóa” (trong sự đối lập với man di) được sử dụng để làm ngọn cờ tiên phong trong các cuộc chiến tranh với những tộc người khác. Các khẩu hiệu “thay trời hành đạo”, hay “thiên mệnh”, “cách mệnh” (đổi mạng) đều là những ngôn từ để diễn đạt tính chính danh tiên thiên (trời trao) cho những cuộc chiến canh cải triều đại và mở rộng lãnh thổ. Cho nên, những địa danh trải dài theo bước chân nam tiến của người Việt Nho giáo về phía nam đều là những từ ngữ trích xuất từ kinh điển nho gia với ước vọng của những người nắm giữ quyền lực: Nghệ An là làm cho yên ổn, Quảng Bình – Quảng Trị  là bình trị rộng khắp, Thừa Thiên là noi theo mệnh trời, Bình Định- Ninh Thuận- Bình Thuận- Gia Định là làm cho các vùng đất này được an lành dễ bảo,… Thế nhưng, Nho gia lấy đạo đức chính trị làm nền tảng, coi tông tộc- huyết thống là chủ thể của lịch sử, nên việc chép sử coi trọng nhất là sự truyền thừa quyền lực của những dòng họ cầm quyền. Thời gian biên niên chép theo thuận tự các họ Đinh- Lê- Lý- Trần- Lê- Mạc- Trịnh- Nguyễn. Còn chiến tranh chỉ được coi như là những sự kiện điểm xuyết trên dòng chảy thời gian của thông sử. Đọc Đại Việt sử ký toàn thư hay bất kỳ cuốn cổ sử nào cũng trên một phông nền như vậy.


Một vị vua Champa trên lưng voi.

Tuy nhiên, đôi khi cũng có những cuốn chuyên chú về lịch sử chiến tranh. Cuốn sử đầu tiên là Trung hưng thực lục soạn năm 1289 sau chiến thắng chống Nguyên1. Sách đã thất truyền, không biết nội dung cụ thể. Đầu thế kỷ 15, có Lam Sơn thực lục, sách do vua Lê Thái Tổ sai văn thần (Nguyễn Trãi ?) soạn năm 1431. Cuốn thứ 3 là Thân chinh ký sự (sách đã mất) chép lại cuộc chiến Việt – Chiêm năm 1471 do nhóm Thân Nhân Trung soạn năm 1484.2 Hồng Thuận trung hưng ký (đã mất) của Nguyễn Dục ghi lại việc chiến tranh nội bộ cung đình Lê sơ (1509). Thời Lê Trung hưng có các bộ gồm “Bình Tây thực lục”, “Bình Hưng thực lục”, “Bình Ninh thực lục” (VHv.2939), “Bình Nam thực lục” (A.1369). Đây là bốn bộ thực lục ghi về các cuộc bình định của chúa Trịnh (từ 1739-1777) ở các vùng Sơn Tây, Hưng Hóa, Trấn Ninh, và phía Nam từ Nghệ An trở vào Thuận Quảng.3 Tiếp đến là cuốn “Nguyễn thị Tây Sơn ký” (A.3138) ghi lại quá trình nổi dậy của anh em Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn đến cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Tây Sơn với Nguyễn Ánh. Cơ bản đây là một bản thảo của Quyển 30 “Ngụy Tây” trong bộ “Đại Nam chính biên liệt truyện” do triều Nguyễn biên soạn (1841). Những bộ sử chiến tranh đồ sộ nhất vào triều Minh Mệnh phải kể đến các bộ tiễu bình ghi chép về việc dẹp giặc phỉ tại Bắc Kỳ (VHv.2701/1-24), Nam Kỳ (VHv.2765/1-23, soạn 1836 bởi nhóm Trương Đăng Quế), Bình Thuận (A.30/6-7), Xiêm khấu (VHv.2788/1-5, năm 1833 của nhóm Nguyễn Xuân Thụ), và Thuận phỉ (dẹp giặc Xiêm, giặc Cao Miên, thổ phỉ ở Bình Thuận và Lê Văn Khôi ở Nam Kì, A.30/1-7). Về giai đoạn Pháp thuộc, có sách “Bài ngoại mậu kiến liệt truyện” (VHv.1280) chép 59 chuyện của những người chống Pháp trên quan điểm cho rằng chống Pháp là một chuyện sai lầm. Cuốn “Bản triều bạn nghịch liệt truyện” (VHv. 2664) của Kiều Oánh Mậu (1901) ghi các cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn và thực dân Pháp, cũng như các cuộc đàn áp của Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân. Hai cuốn đầu tiên (1289, 1431) là các sử phẩm chép về chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên và nhà Minh. Còn lại tất cả các cuốn sau phần lớn là chép về việc triều đình đánh dẹp các cuộc nổi loạn trong nước. Triều Minh Mệnh có chép rõ hơn các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Trấn Tây với người Cao Miên và Xiêm La. Nhưng giai đoạn sau thì giấu nhẹm hàng loạt các cuộc chiến bại với Pháp, và cố gắng làm xóa mờ chiến thắng của quân Tây Sơn trước Xiêm và nhà Thanh. Những phác thảo sơ lược này cho thấy, các triều đại ghi chép về sử chiến tranh thường chú trọng vào lịch sử chiến thắng hơn là lịch sử chiến bại. Giờ ta hãy thử đi sâu vào chi tiết để xem tư tưởng Nho giáo đã được thể hiện như thế nào trong các bộ sử này.

 

Lam Sơn thực lục

 

Lê Thái Tổ (1385- 1433) trong lời tựa “Lam Sơn thực lục” đã có những phát biểu cơ bản về mục đích và tính chất của bộ sách. Sách mang tên “thực lục”- một thể tài trọng việc chép sự thực theo thuận tự thời gian. Đây là một thực hành chính trị- đạo đức, về mặt hình thức là để “trần thuật lại sự nghiệp gian nan của trẫm, truyền cho con cháu mai sau”, về mặt ý nghĩa là nhằm để “coi trọng cái gốc [đạo đức cá nhân của thiên tử], suy xét nguồn cội của cái đạo nghĩa”. Trên quan điểm tông pháp Nho giáo, ông coi sự chiến thắng của mình là kết quả của việc tổ tông đã “tích đức lũy nhân” để gây dựng nên phúc khánh miên trường.4 Triều đại mà ông gây dựng “trên lưng ngựa” được so sánh với các mô hình thể chế tiêu biểu của Nho gia thời viễn cổ: nhà Thương khởi nghiệp ở đất Hữu Nga, nhà Chu ở đất Hữu Thai. Cũng vậy, đất Lam Sơn được coi là nơi phát tích công nghiệp đế vương, là vùng đất thiêng của gia tộc. Đọc toàn bộ cuốn sách cùng các bài “Bình Ngô đại cáo” và “Lam sơn phú”, “Chí Linh phú”, ta thấy quan điểm xuyên suốt khẳng định đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Tiêu chí để phân biệt chính- tà/ ngụy dựa trên nền tảng đạo đức và phương thức thực hành chính trị của Nho giáo. Nếu nghĩa quân Lam Sơn là những người có nhân ái, có đạo đức, thương xót sinh dân, thì quân Minh (cùng đám ngụy quan ngụy quân) là những kẻ tham bạo, tàn độc. Từ đó, nguyên lý của cuộc chiến tranh được xác định là “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Đọc kỹ toàn bộ quá trình quân Lam Sơn đánh quân Minh, cùng những văn thư ngoại giao của Nguyễn Trãi5, ta thấy rõ ràng về quan niệm “đức trị” cụ thể hơn là quan niệm “đức chiến” (chiến tranh bằng đạo đức), và thủ pháp “tâm công” (đánh vào lòng người, thu phục nhân tâm) của nhà Nho thế kỷ XV.


Vua Naresuan, người Xiêm La tiến vào Pegu thuộc Miến Điện (Myanmar) như chốn không người năm 1600. Tranh của Phraya Anusatchitrakon, Wat Suwandararam, Ayutthaya.
 

Thân chinh ký sự

 

Cuốn Thân chinh ký sự ghi cuộc chiến Việt- Chăm năm 1471 tuy đã mất, nhưng qua bài chiếu bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông được chép toàn văn trong Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta có thể thấy rõ những diễn ngôn chính trị, và nền tảng tư tưởng để Đại Việt phát động một cuộc chiến tranh thôn tính nước Chiêm Thành. Trên quan điểm Hoa- Di, Lê Thánh Tông tự nhận mình là thuộc giống người có văn hiến, lễ nghĩa, đạo đức, văn minh, còn đám người Trà Toàn cầm quyền ở Chiêm Thành là nhóm Di Địch. Trên quan điểm dân bản, ông coi các chính sách cai trị của Trà Toàn là những hành động trái với điển chế pháp luật: cấm mổ thịt động vật, cấm nấu rượu làm dân khó sinh nhai, ảnh hưởng đến việc cúng tế thần linh. Sự đối lập được nêu ra: “Dân Chiêm Thành thì nặng thuế thảm hình, người Thi Nại thì quan cao tước trọng.” Tức là Trà Toàn đã làm trái với tư tưởng “dân bản” của lý thuyết Nho giáo. Thêm nữa, từ quan điểm chính- ngụy, việc Trà Toàn cướp ngôi giết vua Chiêm, đánh đuổi hoàng gia Chiêm Thành ra khỏi bờ cõi là một hành động “tiếm thiết” trái với truyền thống chính trị gia tộc Nho giáo. Việc dùng bạo lực, và thi hành chính sách hà khắc, gây khổ nạn cho nhân dân đã khiến cho Trà Toàn dù có chiếm được quyền lực, nhưng không hề có tính chính danh, mà chỉ là hành vi bạo loạn dựng nên một nền chính sự hung tàn, chỉ là “tai họa của sinh dân muôn đời”. Về ngoại giao, Trà Toàn ngoài thì giả vờ triều cống, nhưng bên trong sử dụng chính sách “tàm thực”, lùa quân đánh chiếm đất đai Đại Việt, cướp Hóa Châu, giết quân đồn thú, bắt đàn ông đàn bà của Đại Việt làm nô lệ, lại thêm chứa chấp các tội phạm trốn tránh. Trong quan hệ với Yên Kinh, Trà Toàn gửi văn thư vu khống Đại Việt cướp mất cống phẩm (vàng bạc, voi trắng,…), có ý xưng đế sánh với Hoàng đế nhà Minh “hai mặt trời cùng mọc”, vu cáo Đại Việt muốn động binh thôn tính bờ cõi phương Bắc. Lê Thánh Tông coi những lời lẽ này của Trà Toàn “là muốn đạp đổ tông miếu dòng giống nhà ta” (唎恁). Với lý do cuối cùng này, Lê Thánh Tông đã trên lập trường mệnh mạch vương quốc đồng nhất mới tông miếu dòng họ. Văn bản này được soạn bằng Hán văn, bởi đích thân Hoàng đế nhà Lê, với đối tượng người đọc, không phải nhà Minh hay Chiêm Thành, mà là các tướng sĩ, binh lính và thần dân trong nước. Năm lý do được viện dẫn cho cuộc Nam chinh đều nằm trên lập trường của chủ nghĩa bành trướng Nho giáo (Confucianist expansionism): gồm quan niệm về Hoa- Di, văn minh đối lập với mọi rợ, pháp độ đối lập với vô pháp vô thiên, chính thống đối lập với ngụy đảng tiếm thiết, nhân nghĩa đạo đức đối lập với tàn ác dối trá, quân tử đối lập với tiểu nhân, vì dân đối lập với hại dân. Kết luận của bài chiếu đã hiển ngôn nói về mục đích tối thượng là “mở rộng lãnh thổ theo gương vua Văn Vương” (大文王之闢土)- một biểu tượng tiền lệ vĩ đại trong kinh sử Nho giáo.

Điểm thú vị của diễn ngôn Nho giáo càng đẩy lên đến cao trào khi ta đặt cuộc chiến này trong mối quan hệ tay ba: Việt- Chàm- Minh. Về mặt truyền thống, Đại Minh được công nhận là thiên triều trong mối quan hệ với các chư hầu xung quanh như Đại Việt hay Chiêm Thành, là vương quốc có quyền phán định đúng sai, hay quyết định chinh phạt, trừng phạt những phiên bang không biết tuân theo pháp độ của “luật chơi Nho giáo”. Trong cuộc chơi tay ba này, Đại Việt và Đại Minh có cùng một hệ tư tưởng, cùng là nước văn hiến, cùng hệ thống chính trị- pháp luật, tức là đồng dạng về mô hình nhà nước, còn Chiêm Thành dường như chỉ là một “chư hầu dưới bậc”, do họ dùng một hệ thống chữ viết khác Hán, triều đình hay dân gian Chiêm Thành nói bằng một thứ ngôn ngữ “tiếng chim”. Văn thư của Đại Việt với nhà Minh là Hán văn văn ngôn, bằng một giọng ngôn ngữ đúng kiểu Nho giáo, đạt mọi tiêu chuẩn về ngôn từ (hoa lệ, ẩn ước, điển nhã, biểu hiện chung một nền tảng tư tưởng chính trị). Đại Việt tự chứng minh mình bằng cách “vỗ ngực” là một “văn hiến chi bang”, và đến lượt mình, họ coi mình là sự mở rộng của Hoa phong, có tư thế là một tiểu thiên triều, nhìn Chiêm Thành, Xiêm La, Ai Lao,…như là những phiên bang, và đặt mối quan hệ ngoại giao triều cống với các nước này. Cũng bằng với những nguyên lý của chủ nghĩa bành trướng Nho giáo, Đại Việt đã thực hiện những cuộc “điếu dân phạt tội” theo đúng nguyên lý đã ghi rõ trong Nho điển, và được soi chiếu bằng những tiền lệ được chép sẵn trong sử chí Trung Quốc.

Đọc những lời mà Đại Việt “lấp liếm” tâu bày về tình trạng thôn tính lãnh thổ Chiêm Thành với Đại Minh từ giai đoạn 1471 về sau6, ta thấy rõ, bằng cách mượn giọng đúng điệu, với những nguyên lý tiêu chuẩn của hệ thống chính trị Trung Quốc, Đại Việt đã mở rộng lãnh thổ về phía Nam một cách thành công, mà Đại Minh cũng không thể có cớ gì để đánh phạt Đại Việt. Việc khuất mắt trông coi, không phải nhà Minh không biết các thủ pháp ngoại giao của Đại Việt, mà bởi vì khi đó Đại Việt đã chứng tỏ mình trở thành một đế chế có đủ sức mạnh quân sự để vượt qua ranh giới. Đến mức Đại Việt còn ra lệnh đóng cửa thương cảng Thị Nại không cho thuyền Đại Minh cập bến. Có thể nói, với những dòng sử chí chiến tranh viết về cuộc Nam chinh 1471, ta có thể nhận định về những diễn ngôn đa chiều kích của những người Đại Việt thắng trận về những kẻ bại trận Chiêm Thành. Không nói quá rằng, từ Lê Thánh Tông về sau, chủ nghĩa bành trướng Nho giáo ở Đại Việt, dù biểu hiện với nhiều cạnh khía bằng nhiều phương thức khác nhau, đã tạo nên cuộc mở rộng lãnh thổ của người Việt về phương Nam, mà điểm tụ của nó chính là triều Nguyễn với công cuộc đại thống của vua Gia Long, và mô hình Nho giáo điển hình theo tiêu chuẩn của nền chính trị Nho giáo. Nếu như, Chiêm Thành đánh chiếm Đại Việt (dù ở Hoan Ái, hay vào tận Thăng Long) thì đó chỉ là những cuộc chiến tranh của “cướp biển”, chỉ là cướp bóc rồi rút quân, thì các cuộc chiến tranh Đại Việt đánh Chiêm Thành, với nền tảng ý thức hệ Nho giáo, là những cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ, đi liền với nó là một hệ thống chính trị, lực lượng đồn trú thực dân, chính sách Việt hóa (giáo hóa) bằng các thủ pháp di dân, tàm thực, cài răng lược, cải tạo giống nòi, với mục đích hiển ngôn “y thường kỳ nhân, quận huyện kỳ địa” (khiến họ phải mặc theo chế độ y quan của mình, biến đất đai của họ thành quận huyện của mình)7. Đây cũng chính là tiền đề để những dòng bút sử Nam tiến còn đậm đà hơn nữa cho đến tận ngày nay.


Tranh Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang ngày nay. Ảnh: Trang thông tin điện tử du lịch Lạng Sơn

Tứ bình thực lục

 

Kể từ thế kỷ XVI về sau, những dòng bút sử chiến tranh ở Đại Việt lại chú trọng về việc bình định các tập đoàn người trong nước, và tảng lờ các cuộc chiến tranh với các thế lực ngoại bang. Nhà Mạc sau bảy thập kỷ cầm quyền đã phải rút lên Cao Bằng, và phải chịu mang tiếng là ngụy triều như nhà Hồ khi đã trở thành người thất bại. Bốn bộ Tứ bình thực lục của triều Lê – Trịnh cho thấy tình trạng co rút của quyền lực khi triều đình phải cất quân đánh dẹp các cuộc nổi dậy trong nội bộ vương quốc. Thực chất, nền chính trị lưỡng đầu chế (vua Lê chúa Trịnh) là một mô hình phi Nho giáo, gia tộc họ Lê chỉ còn giữ được tính chính danh còn quyền lực thực sự nằm trong tay các chúa Trịnh. Các cuộc hôn nhân Lê- Trịnh ràng rịt huyết thống khiến cho thực thể lai ghép hòa nhập với cây chính, đến mức họ Lê chỉ còn hư vinh bề ngoài. Nhưng điều này cũng giúp cho họ Trịnh nắm được toàn bộ vương quốc, mà không phải tiến hành một cuộc chiến tranh nội bộ. Trong khi đó, họ Nguyễn “anh em cọc chèo” chạy thoát về phương Nam, tạo nên một vương quốc Đại Việt mới, chồng đè lên lãnh thổ cũ của Chiêm Thành- Lê sơ. Sau tám cuộc chiến (1627-1672), hai bên đều hưu binh, để dành sức cho việc buôn bán, và mở rộng quyền lực trên đất của mình. Bàn cờ chỉ thay đổi vào năm 1774-1775, khi Hoàng Ngũ Phúc đem quân xô đổ ranh giới Hoành Sơn, và làm tiền đề cho quân Tây Sơn từ 1774-1802. Trong 30 năm giông bão, cuộc chiến giữa (Lê- Trịnh- Nguyễn – Nguyễn Tây Sơn) về bản chất là cuộc chiến của các gia tộc chính trị Nho giáo. Đó là những cuộc chiến cùng ý thức hệ, cùng một mô hình chính trị. Những người thất bại hiện lên dưới ngòi bút của những thế lực chiến thắng đều đã được bôi xóa theo những chủ đích thiết thực cho lợi ích của phe mình. Nhà Trịnh đánh bại nhà Nguyễn và anh em Tây Sơn với tư thế phù Lê (chính thống), đoạt lại đất cũ. Tây Sơn nổi lên với tư cách “vì dân” để đánh bại Nguyễn, xin hàng nhà Trịnh rồi sau lại giơ cao “phù Lê diệt Trịnh”, diệt Trịnh xong thì nuốt cả Lê8. Những kẻ thất bại lần lượt được tô vẽ: họ Trịnh bị bêu đầu vì tội 200 năm thao túng nhà Lê, còn Lê Chiêu Thống được coi là kẻ “thất lộc” vì đại bại cùng quân Thanh. Cuối cùng Tây Sơn, sau gần 40 năm bị đốt phá, đến giữa thế kỷ XIX mới được đưa vào chính sử, nhưng hiện lên như một đám ngụy triều/ Tây tặc trong mắt sử gia triều Nguyễn.

 

Đại Nam chính biên liệt truyện

 

Việc nhà Nguyễn chép lại sử thời Tây Sơn, dĩ nhiên, chỉ làm tô điểm thêm công cuộc đại nhất thống của vua Gia Long. Có lẽ ý niệm nhất thống không xuất hiện ngay từ đầu trong tư tưởng của cả Nguyễn Ánh hay Nguyễn Huệ, nó chỉ được xác lập xuôi theo lịch sử khi Gia Long đánh bại Tây Sơn, thâu gồm đất cũ của nhà mình và nhà Lê- Trịnh cũ. Triều Nguyễn là triều đại đầu tiên có lãnh thổ rộng nhất trong lịch sử với hình dáng như ngày nay, nên việc đóng đô trên đất cũ Phú Xuân, sắp đặt hệ thống hành chính, quân sự khắp vương quốc là một công việc khổng lồ của hoạch định quốc gia. Các bộ nhất thống chí (cả lịch sử, và địa lý) đã được biên chép, cùng với bản đồ đã tạo nên các nền tảng tri thức chung phục vụ cho việc cai trị. Một lãnh thổ rộng lớn với quá nhiều vùng địa lý, và các loại cộng đồng dân cư khiến cho việc nội trị trở thành mục tiêu tối thượng. Điều này giải thích cho hàng loạt những bộ sử mang tính “tiễu bình”, “dẹp loạn” của triều Nguyễn, (số lượng các cuộc trấn áp được tính là 250 cuộc trong giai đoạn 1820-1840)9. Một khi đã được nhà Thanh công nhận là vương quốc, triều Nguyễn vươn mình lên với tư cách là dòng tộc nắm giữ quyền lực chính thống. Mọi phản kháng, mọi mâu thuẫn, từ các nhóm công thần, nho sĩ, hay các nhóm sắc tộc, đều được nhìn nhận như là các loại nghịch thần, man phỉ, thổ phỉ, trộm cướp. Tư thế cao lớn, khiến nhà Nguyễn còn gộp chung Xiêm La với nhóm giặc cỏ để gọi họ là “Xiêm khấu”. Các cuộc chiến tranh ở Bình Thuận cho thấy triều đình nhà Nguyễn đang nương theo truyền thống từ Lê Thánh Tông, để xóa sổ và đồng hóa nốt những kháng cự cuối cùng của dân Chiêm Thành và các sắc tộc khác mình. Tiễu trừ ở Bắc Kỳ là để dọn dẹp những tàn dư còn sót lại của những nhóm hoài Lê, hay dư đảng của Tây Sơn, hay bất mãn của các nhóm sắc dân. Như cuộc khởi nghĩa mà Cao Bá Quát có tham dự, đó là một cuộc trừ khử những mầm mống phản kháng từ tập đoàn Mường- Việt. Sử chí về sử chiến tranh triều Nguyễn còn thể hiện diễn ngôn bành trướng của một Đại vương quốc đối với các mảnh đất của người Khmer ở Trấn Tây, với những xung đột quân sự với Xiêm. Tức là, một triều đình đi lên từ chiến trận, sẵn sàng dùng bạo lực để quản lý lãnh thổ, đồng thời tiếp tục mở mang bờ cõi đến những vùng đất chưa được giáo hóa theo Nho phong. Một lần nữa, tư tưởng bành trướng Nho giáo kết hợp với tư tưởng Hoa- Di để tạo nên những giấc mơ lớn cho những nhà Nho nói tiếng Việt viết Hán văn.


Trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa qua minh họa của các họa sĩ châu Âu và Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Nhưng biến cố thực sự đã xảy ra khi Pháp đem quân đánh chiếm các vùng lãnh thổ của Đại Nam từ năm 1858-1884. Các cuộc đụng độ lớn đã xảy ra giữa hai lực lượng từ Nam Kỳ đến Đà Nẵng, rồi lên đến Bắc Kỳ. Đại Nam dần dần mất người, mất đất, và mất cả chính quyền, chịu sự bảo hộ của Pháp, thông qua những hiệp ước giữa Đại Thanh và đế quốc. Bộ Đại Nam thực lục, cũng giống như đầu óc của các nhà Nho, không còn theo kịp thời đại. Lối ghi chép biên niên theo thuận tự thời gian làm xóa nhòa những đại biến cố của lịch sử. Nhưng rõ ràng là các tay bút sử cũng đã cố gắng ghi chép qua loa những dòng chiến bại của triều đại mình. Sự giết người cấm đạo, bế quan tỏa cảng, lẩn tránh buôn bán ngoại giao với phương Tây cho thấy tình trạng co rút thực tế cả trong tư tưởng lẫn thực hành chính trị. Các dòng bút sử chiến tranh không còn tư thế “trừ giặc khấu” như giai đoạn trước, nhưng tông giọng vẫn như cũ, khi gọi người phương Tây có hình dạng “lông đỏ” (bọn Hồng Mao) khác mình, chỉ như đám “man di đến từ biển” (Dương di). Ở khía cạnh này, tự tôn là khuôn mặt khác của tự ti và bất lực. Tư tưởng Hoa- Di, và chủ nghĩa bành trướng Nho giáo đã bị đè bẹp bởi súng đạn, bản đồ, tàu thủy, kĩ thuật hàng hải, và tư tưởng cứu thế, chủ nghĩa tư bản in ấn, chủ nghĩa thực dân- đế quốc. □

(còn tiếp)
 

Cuốn “Bài ngoại mậu kiến liệt truyện” (VHv.1280) tuy ngắn nhưng lại là một sử phẩm về chiến tranh, với mục đích “bêu tên” những người thất bại, và những quan điểm sai lầm của họ. Năm mươi chín tiểu truyện mô tả những gương mặt cần vương chống Pháp như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân, Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Phan Trung Khánh, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Quang Bích, Vũ Hữu Lợi, Nguyễn Cao, Phan Đình Phùng, Lã Xuân Oai, Hoàng Tương Hiệp,… Đây là những dòng bút sử chiến tranh được viết vào đầu thế kỷ XX, trên quan điểm ủng hộ vương triều và chính quyền bảo hộ của Pháp. Cái nhan đề cho thấy, tác giả vô danh nào đó coi việc chống Pháp là một “quan điểm bài ngoại sai lầm” (排外謬見).

—–

1 “Định các công thần [đánh Nguyên] lần trước và lần sau. Người nào xông lên trước phá trận giặc, lập kỳ công thì chép vào tập Trung hưng thực lục lại sai vẽ hình.” (Toàn thư)

2 Đại Việt sử ký, Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, T2, tr, 488.

3 Tứ bình thực lục thời chúa Trịnh,(Đinh Khắc Thuân chủ trì, Hồng Phi- Đinh Khắc Thuân dịch chú), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.14.

4 Ngự chế lam sơn thực lục tự, trong “Nguyễn Trãi toàn tập tân biên” T2, Nxb. Văn học, TP.HCM, tr.309-310.

5 Nguyễn Văn Nguyên, 2003, Tấu biểu đấu trang ngoại giao của Nguyễn Trãi, Nxb Thế giới, Hà Nội, 350 trang.

6 Andrew Hardy, “Lịch sử Thăng Long trong bối cảnh khu vực: Chế Bồng Nga, Lê Thánh Tông và Hoàng đế nhà Minh của Trung Hoa”, Xưa & Nay, số 365, 2010, pp. 17-20; 368, pp. 13-15.

7 Thân Nhân Trung , 1498, Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi, Bia lăng vua Lê Thánh Tông, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, ký hiệu: 1373, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

8 Dutton,  George.  2006.  The  Tay  Son  Uprising:  Society  and  Rebellion  in  Eighteenth-Century  Vietnam. Honolulu: University of Hawai’i Press. 293 pages.

9 Cơ mật viện- Nội các triều Nguyễn, 2009, Khâm định tiễu bình Bắc kì nghịch phỉ phương lược chính biên, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.9.

Tác giả