“Nàng tóc đỏ”: Đáy của số phận

“Số phận Istanbul là số phận của tôi”, Orhan Pamuk từng viết trong Istanbul, hồi ức và thành phố, một trong những cuốn sách, có lẽ là, hay nhất về một thành phố. Luôn luôn trong những tiểu thuyết của Orhan, Istanbul như nạm bằng gương phản chiếu con người, bóng thành phố nhập vào bóng con người, thành phố là sự khuếch đại của con người, và con người là một tiểu mô hình của thành phố.

Cuộc lưu trữ những kỷ vật từ mối tình đẹp rạng ngời của Kemal trong Bảo tàng ngây thơ đồng vọng với ký ức về một Istanbul huy hoàng sóng sánh chất thơ. Hay cuộc lùng bắt kẻ gây án trong Tên tôi là đỏ cũng là cuộc truy khảo mầm mống những vết chớm nứt của một đế chế giữa thế giằng co hai nền văn minh Âu – Á. Và trong Nàng tóc đỏ, cuốn tiểu thuyết thứ 10 của nhà văn, ra đời 10 năm sau khi ông nhận giải Nobel Văn chương danh giá, số phận giết cha của những người đàn ông trong truyện cũng không gì khác là sự phủ định của Istanbul hiện đại hóa với lịch sử của mình.

Pamuk kể chuyện như một nàng Scheherazade, từ tốn dạo nhịp không vội vàng, như thể vẫn luôn còn ngày mai để ta kể tiếp, và Nàng tóc đỏ có một khởi đầu chậm rãi đến độ, ta không biết nên chờ đợi điều gì ở đó.

Cem mơ làm nhà văn nhưng xin đi học đào giếng để tiết kiệm tiền vào đại học. Theo chân thầy Mahmut, một người thợ lâu năm mà cậu coi như cha, đến vùng ngoại ô Istanbul, sáng sáng, cậu cùng ông đào từng tấc đất trong vô vọng, và đêm đêm, cậu xuống thị trấn, những mong được thoáng thấy người đàn bà tóc đỏ mà cậu đã say đắm ngay từ lần đầu gặp gỡ. Mọi chuyện cứ thế trôi đi, không gì đặc biệt ngoài việc dường như cậu và Mahmut đã hoàn toàn thất bại, cho đến một ngày, cậu vô ý đánh rơi chiếc xô xuống lòng giếng sâu hoắm nơi thầy cậu đang cần mẫn đào, cậu nghĩ mình đã giết ông, và trong hoảng hốt, cậu chạy trốn. Nhưng số phận là một lực hấp dẫn không cho kẻ nào bứt ra, sau mấy chục năm, cậu thanh niên giờ đã thành một nhà triệu phú, bị kéo lại về thành giếng cũ đã điêu tàn, lần này, đối diện với đứa con trai mà mình chưa từng biết mặt.

Có gì hơi khác thường trong Nàng tóc đỏ. Dù vẫn còn đó những người đàn bà khiến ta mê say, vẫn còn đó Istanbul và vẫn còn đó những vở kịch trên đường phố, nhưng Nàng tóc đỏ tiết chế đến kỳ quái, tỉnh lược đến khó tin và kiệm lời đến kinh ngạc, nếu so với những trước tác mà nhờ chúng, Pamuk đã thành danh. Với một nhà văn đã từng nói rằng “tôi cũng nhạy cảm trước sự đau khổ của con người nhưng kể cả điều đó cũng không cho phép tôi viết dù chỉ một câu văn thiếu thẩm mỹ”, có chút khó hiểu khi ông chọn viết Nàng tóc đỏ theo cách này. Không phải cuốn sách có những câu văn thiếu thẩm mỹ. Nó gãy gọn và có những khoảnh khắc đẹp huyền ảo về những đêm cậu thiếu niên Cem và người thầy đào giếng Mahmut kể cho nhau nghe những thần thoại và truyền thuyết – những khoảnh khắc như cắt ra từ Ngàn lẻ một đêm – nhưng cấu tứ giản dị của nó, lối trần thuật thẳng thắn của nó, không trình diễn vốn hiểu biết uyên áo của một tác giả có mười hai ngàn cuốn sách trong thư viện, khiến Nàng tóc đỏ mang dáng dấp một tiểu thuyết triết học (conte philosophique), nơi không phải cốt truyện và bầu không khí văn chương được xếp ở thứ hạng ưu tiên, mà chính là cái tình huống hư cấu kéo căng con người ra xem họ có thể “giãn” đến mức nào.

Tử chiến cha – con trong Nàng tóc đỏ không phải bi kịch một gia đình mà là tử chiến giữa quá khứ và hiện đại, giữa Istanbul đô thị hóa và Istanbul thuở trinh nguyên.

Haruki Murakami ném Toru Okada vào giếng để anh huyễn mộng, để anh ngồi trong bóng tối tuyệt đối của cái cô đơn nhưng lại là nơi duy nhất anh tự kết nối với bản thể đi lạc của mình. Nói xa hơn thì… Kim Dung ném Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến vào giếng để họ yêu nhau, ném Cưu Ma Trí hay Tạ Tốn xuống giếng để họ giác ngộ Phật tính. Nghĩa là giếng, dẫu hun hút không ánh Mặt trời, nhưng là chốn sáng lên minh triết (Murakami bảo giấc mơ cả đời mình là được ngồi dưới đáy giếng, nhân vật Đoàn Dự thì bảo nơi sung sướng nhất đời mình là dưới đáy một chiếc giếng khô!). Còn Orhan Pamuk thì khác, ông ném nhân vật vào cái giếng do chính họ tự đào lên, và cái giếng của Pamuk như một lời nguyền rằng, mọi nỗ lực kết nối với quá khứ đứt gãy tại đây, có níu cố nữa cũng chỉ kết thúc trong tội ác. Thời gian là diễn trình một chiều và cái giếng là điểm chặn, kẻ nào liều mình đi tới đó sẽ phạm phải một tội ác nguyên thủy không cách chi né tránh – mà ở đây, là tội giết cha.

Số phận lắm chiêu trò. Hơn 250 năm sau khi chàng Zadig của Voltaire trở thành nạn nhân bị quần thảo bởi số phận, ta những tưởng thế kỷ 21 đã trao cho con người một ý chí hoàn toàn tự do và “con người khác nhau ở sự lựa chọn”, ấy thế mà, Cem, trong cả hai phân cảnh tội ác – một cảnh đóng vai kẻ giết cha, một cảnh đóng vai người cha bị giết – đã không có quyền lựa chọn. Anh bị cuốn vào một cách bí hiểm bởi những công thức nghiệt ngã mà số phận đã an bài. Trong vô thức, cuộc đời anh lặp lại những cổ mẫu trong thần thoại: anh vô ý giết cha – như Oedipus 1 của Hy Lạp, và anh suýt giết chết đứa con trai mình – như Rostam2  của Ba Tư.

Song, Orhan Pamuk không chỉ mô phỏng Freud một cách khéo léo. Tử chiến cha – con trong Nàng tóc đỏ không phải bi kịch một gia đình mà là tử chiến giữa quá khứ và hiện đại, giữa Istanbul đô thị hóa và Istanbul thuở trinh nguyên. Nói như Abhulhak Sinasi Hisar, một nhà văn buồn bã của nước Thổ điêu tàn mà Orhan Pamuk chịu nhiều ảnh hưởng: “Cũng như chuyện chúng ta phải chết, chúng ta cũng phải chấp nhận là không có sự trở về với một nền văn minh mà thời điểm đã đến và qua từ lâu.” Nước Thổ xưa đã mất, Istanbul xưa đã mất, ngay cả nỗi buồn hüzün của những người Hồi Giáo cũng đã mất, thành phố bỏ lại sau lưng những cái đã từng một thời là nó. Nhưng không thể lấy lại những gì đã mất, như đồng hồ cát, dù lật ngược lại cho cát rơi về vị trí cũ, thì những hạt cát cũ vẫn đếm những khoảng thời gian mới. Cem đau đáu nhìn về quá khứ nhưng không có lỗi lầm nào được sửa chữa, chỉ có những tội lỗi mới chất chồng thêm.

Pamuk kể chuyện như một nàng Scheherazade, từ tốn dạo nhịp không vội vàng, như thể vẫn luôn còn ngày mai để ta kể tiếp, và Nàng tóc đỏ có một khởi đầu chậm rãi đến độ, ta không biết nên chờ đợi điều gì ở đó.

Pamuk không để Cem giết con trai, mà để con trai giết Cem, dẫu cho người mang theo súng là Cem. Nếu Cem giết con, nó là sự vang vọng của Rostam. Nhưng vì Cem bị con giết, tiếng vọng cuối cùng, tiếng vọng sẽ sinh sôi, là tiếng vọng của Oedipus, tiếng vọng của người Hy Lạp, tiếng vọng của phương Tây. Phương Tây đã chiến thắng, sau rốt. Ngay cả số phận cũng là số phận của phương Tây.

Oscar Wilde nói, nghệ thuật không bắt chước cuộc đời mà cuộc đời bắt chước nghệ thuật. Còn với Orhan Pamuk, thần thoại không bắt chước cuộc đời mà cuộc đời bắt chước thần thoại. Giây phút mọi sự thật sáng tỏ, giây phút mà Aristotle gọi là “anagnorisis”, con người nhận ra mình có tiến hóa đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không trèo ra ngoài cái giếng của số phận. Bởi cái giếng ấy luôn cao lút đầu ta.

(1) Oedipus là nhân vật thuộc thần thoại Hy Lạp, người đã chịu lời sấm giết cha là vua Laius và ngủ với mẹ mình là hoàng hậu Jocasta. Đau khổ khi nhận ra sự thật, Oedipus tự móc mắt mình.

(2) Rostam là nhân vật trong trường thi Shahnahme của thi sĩ Ba Tư Ferdowsi. Theo đó, Rostam người đã sát hại con mình là Sohrab mà không hay biết.

Tác giả

(Visited 43 times, 2 visits today)