Ocean Vuong và đôi cánh kháng lửa
Có cái giá nào để trở thành một người nghệ sĩ hay không?
Trong một đoạn của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, Ocean Vuong kể lại một buổi tà dương cuối hạ, nhân vật chính (hay tác giả) ngồi cùng chàng trai mà cậu yêu và cùng nói về mặt Trời. Tất thảy con người từng sống trên thế gian này đều ở dưới cùng một ánh mặt trời, vậy nhưng cậu bảo rằng, làm mặt trời chẳng có gì sướng.
“Vì nếu là mặt trời cậu sẽ không bao giờ nhìn thấy chính mình. Cậu còn không biết được mình ở chỗ nào trên trời kia”, cậu nói.
“Mình nghĩ làm mặt trời không sung sướng gì vì lúc nào cũng cháy”, người bạn của cậu nói.
Một đoạn văn thật đẹp, thật nhạy cảm, và tôi nghĩ đã gói gọn việc làm một nghệ sĩ là như thế nào. Bởi hơn bất cứ điều gì trên thế gian này, mặt trời là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ lớn, tác phẩm của nó chính là vạn vật trên thế gian này. Nhưng để sáng tạo chừng ấy thứ trong chừng ấy tỷ năm, cái giá phải trả là: mặt trời nhìn thấu mọi sự trừ chính mình, và mặt trời luôn luôn phải cháy, cháy cho đến khi trở thành một tinh tú chết.
Nhưng mặt trời đâu được lựa chọn trở thành điều gì khác ngoài chính nó, một nghệ sĩ cũng như vậy, người đó không có lựa chọn nào. Ocean Vuong gọi cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh vừa là một “coming-of-age”, vừa là một “coming-of-art”, và rất nhiều lần trong đó anh dùng ẩn dụ về “sentence” – trong tiếng Anh vừa là một câu văn, cũng là một bản án. Nghĩa là, viết là một bản án. Người nghệ sĩ những tưởng tự do nhưng hóa ra lại là kẻ bị ràng buộc nhiều nhất bởi quá khứ, bởi những dày vò, bởi lực hút của cả nỗi đau và cái đẹp.
***
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đẹp như một cầu vồng. Không phải vì Ocean Vuong là một người đồng tính mà tôi so sánh như vậy. Tôi so sánh vậy là bởi sự chuyển tiếp giữa những chủ đề và những kiểu ngôn ngữ trong nó thật mượt mà như màu sắc của cầu vồng: từ cái chết đến tình dục tuổi thiếu niên, từ tiệm nail sặc mùi aceton ở Hartford đến một khu nghĩa trang ở Gò Công, từ màu da đến vụ nạo thai của người mẹ, từ thi ca đến thuốc giảm đau, từ Chopin đến 50 Cent, từ cách đặt một dấu chấm đến hy vọng làm người.
Tiểu thuyết lấy hình thức một lá thư của người con trai với biệt danh Chó Con gửi mẹ. Mẹ cậu là con gái của bà ngoại – một phụ nữ Việt Nam – cùng một người lính Mỹ đã biến mất từ hồi chiến tranh; mẹ cậu là nhân viên một tiệm nail ở Mỹ; mẹ cậu là một người mắc sang chấn tâm lý; mẹ cậu là một nạn nhân bị bạo hành gia đình; mẹ cậu là một người mẹ đơn thân; mẹ cậu không biết chữ; mẹ cậu là một người tị nạn; và cậu, trước khi là một nhà thơ, trước khi là một giáo sư đại học, trước khi là người “khám phá lại ngôn ngữ tiếng Anh”, thì cậu là con trai của mẹ cậu. Và vì mẹ cậu không biết chữ, cuốn sách đúng hơn là một lá thư sai địa chỉ, người đọc được nó sẽ không phải người cần đọc nó, người cần đọc nó sẽ không bao giờ hiểu được nó. Nghĩ kỹ thì, đây chẳng phải là số phận tất yếu của văn chương đấy ư?
Có hai khoảnh khắc mà ta cảm thấy có thể là khoảnh khắc mà Chó Con bắt đầu trở mình thành một nghệ sĩ. (Chân dung một nhà văn thời cún con1 là đây chứ đâu!) Tất nhiên không phải lúc cậu bắt đầu đặt bút viết, một nghệ sĩ đích thực luôn đã là một nghệ sĩ dù anh ta hay cô ta chưa tạo nên một thứ gì đó, vì nghệ sĩ không phải một nghề nghiệp mà là một tâm thức.
Khoảnh khắc thứ nhất là khi Chó Con học lớp ba và được đọc một câu chuyện về cô bé nọ cùng bà phát hiện có cơn bão ập đến, nhưng thay vì kéo mành lại thì họ lại nướng bánh: “Nướng bánh trong mắt bão; cho mình nếm của ngọt ở lằn hiểm nguy”. Văn chương Ocean Vuong luôn là một thứ bánh trong mắt bão như vậy: bột của nó là bóng đêm, là bóng ma, là những dị vật tinh thần mà chiến tranh để lại, là tiếng khóc của một con thú trong đêm tối, là mùi thuốc tẩy và formol và toluene ăn mòn phổi sực nức của một tiệm làm móng, là một bào thai đã bị nạo ra như đu đủ, là nước sùi ra từ miệng một người bạn sốc cocaine, là tiếng súng; nhưng nhân của nó là một nhà kho đầy ắp tình yêu, là một đàn bướm di chuyển hàng ngàn cây số, là trích dẫn của Roland Barthes, là bụi hồng, mưa, mùa hè véo von, là cuộc sống – thứ mà Chó Con gọi là “tất cả những gì con muốn”. Anh biết bão sẽ tràn vào, sẽ cuốn phăng hết và khi ra đi mọi thứ sẽ vỡ vụn tan hoang, nhưng không thể thôi làm ra một thứ gì thơm phức, như thể anh thực sự tin nó sẽ khiến cơn bão bớt phần hung hãn.
Khoảnh khắc thứ hai là khi Chó Con thấy mẹ mình bước vào một siêu thị để mua đuôi bò, và bà làm đủ mọi cử chỉ tức cười, thậm chí đóng giả một con bò vẫy vẫy đuôi mà chẳng ai hiểu gì cả, họ chỉ òa cười, và Chó Con hứa với lòng mình từ này sẽ không bao giờ “thiếu chữ” để điền vào những chỗ ngắc ngứ và những khoảng trống trong lời mẹ. Vì có điều gì đó mà những người khác không thể nói nên văn chương xuất hiện, lôi ra những câm lặng và cả những thứ đã bị diễn đạt sai để nắn chỉnh lại cho đúng, hoặc chí ít là cho bớt sai đi. Và với một lịch sử đầy lỗ rò như thế – lịch sử của người Việt Nam trên đất Mỹ, lịch sử của một người nhập cư, lịch sử của một đứa con lai, lịch sử của một người đồng tính, Ocean Vuong có vô khối việc để làm, có vô khối khoảng không để làm đầy.
Ocean Vuong biến đổi những chất liệu trừu tượng thành hình tượng, những chất liệu xúc giác thành chất liệu thị giác, anh đi từ thế giới này sang thế giới kia như đã biết lối tắt dẫn hiện thực vào giấc mơ, anh như một ảo thuật gia lấy được từ trong tủ trống con chim bồ câu hay trái táo, anh là một nhà hình thức chủ nghĩa đích thực.
***
Anh đã làm đầy như thế nào? Trong một bài phỏng vấn của mình, Ocean Vuong nói về Rimbaud như một người thầy tinh thần với triết lý nổi tiếng “derange the senses”, mà trong nguyên văn tiếng Pháp, là “raisonné dérèglement de tous les sens”, hiểu đơn thuần là khuấy đảo, quấy nhiễu những giác quan. Rimbaud làm điều đó bằng cách gò ép thân xác mình vào rượu absinthe, vào tình dục, vào cần sa, vào nỗi cô đơn, vào bệnh tật, vào thuật giả kim, vào những cơn thiếu ngủ. Cha đẻ của thi ca hiện đại đã viết thế này: “Mọi thể loại tình yêu, nỗi đau, cơn điên; anh nhìn vào bên trong mình, anh nuốt mọi chất độc trong anh, giữ lại chỉ tinh chất của nó.” Theo Rimbaud, chỉ cách ấy anh mới trở thành một hiền nhân tối cao và tạo ra một thứ ngôn ngữ “của linh hồn, dành cho linh hồn, bao hàm mọi thứ”.
Ocean Vuong là một thi sĩ, ngay cả khi viết tiểu thuyết anh cũng là một thi sĩ hơn là một tiểu thuyết gia, và anh đã làm đúng như những gì Rimbaud đặt ra. Anh nuốt hết mọi chất độc, dường như không có gì là không ẩn chứa những chất độc, ngay cả tình thương của mẹ và của bà cũng có chất độc – nỗi mặc cảm, cơn hoảng loạn, những trận đòn; thuốc giảm đau đương nhiên là đầy chất độc – mà thi ca có lẽ cũng là một loại OxyContin gây nghiện; tình yêu đương nhiên đầy chất độc – vì trong tình yêu đã luôn nảy mầm sự chia ly và cái chết. Nhưng nếu không như thế, anh sẽ không thể viết ra những so sánh xuyên mọi biên giới và chiều kích, rằng dấu phẩy như một thai nhi, tiếng piano như hạt nước mơ thành cơn mưa, nỗi buồn trộn với niềm vui thành màu tím, vết thương là cuộc hội ngộ của da, vùi mặt vào người tình như vùi vào một thứ khí hậu, và khí hậu thì lại là tự truyện của một mùa. Ocean Vuong biến đổi những chất liệu trừu tượng thành hình tượng, những chất liệu xúc giác thành chất liệu thị giác, anh đi từ thế giới này sang thế giới kia như đã biết lối tắt dẫn hiện thực vào giấc mơ, anh như một ảo thuật gia lấy được từ trong tủ trống con chim bồ câu hay trái táo, anh là một nhà hình thức chủ nghĩa đích thực.
Cũng trong bài phỏng vấn ấy, anh nói về việc tiếng Việt đã giúp anh “uốn cong” tiếng Anh thế nào. Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm, mỗi âm tiết đều có ý nghĩa của nó và cuộc đời riêng của nó, hoàn toàn khác với tiếng Anh. Tiếng Việt cũng không có thì động từ, có khi bạn phải nghe tới cuối câu mới biết hành động ấy diễn ra lúc nào (ví dụ như “Tôi ăn cơm rồi” khác với “Tôi ăn cơm”). Anh cho rằng những bóng mờ của âm sắc trong tiếng Việt đã ảnh hưởng tới cách anh viết tiếng Anh.
Từ lời tâm sự trên, hãy thử đọc lại Một thoáng ta rực rỡ nhân gian, có lẽ bạn sẽ nhận ra Ocean Vuong có thói quen đặt sức nặng của câu ở cuối cùng, kho báu luôn nằm ở toa cuối cùng trên đoàn tàu ngôn từ của anh. Chẳng hạn như hai câu sau: “Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng”.2; và “Trong một thế giới vô cùng như của chúng ta, nhìn là một hành động đặc biệt: nhìn một cái gì đó là lấp đầy cuộc đời bạn bằng điều đó, dẫu chỉ là một thoáng”.3 Hai câu cùng kết thúc bằng một phó từ “briefly” (một thoáng) – một phó từ hư vô, vuông góc và triệt tiêu từ “rực rỡ” (gorgeous) và cụm từ “lấp đầy cuộc đời” (fill your whole life), hệt như từ “rồi” đặt ở cuối câu trong tiếng Việt sẽ triệt tiêu thì hiện tại của động từ đi trước nó. Đây là một sự vỡ lẽ sau chót, một chung cuộc, một encore gieo vào dư âm, hóa ra cái mà ta tưởng vậy lại không phải vậy, sự ngắn ngủi và vô thường lên ngôi sau một câu phức vận dụng đủ mọi dấu câu và mệnh đề. Ngôn ngữ văn chương đẹp luôn phải đi theo phương vuông góc như thế, giáng xuống bất thình lình như một ngôi sao băng vút qua, đẹp và đẹp không ngờ.
***
Giờ đây, có lẽ ta đã có đủ mọi dữ kiện để quay lại hình ảnh mặt trời ta đã nhắc tới đoạn đầu.
Mặt trời bừng cháy của Ocean Vuong hay một nhà thơ phải nuốt chất độc của Rimbaud, tất cả cũng chỉ cùng một ý. Hay một cách viết khác mang ý tương tự cũng của Vuong, ở phần đầu cuốn tiểu thuyết này, khi Chó Con ngắm đàn bươm bướm chạy trốn khỏi mùa đông mà cậu cứ ngỡ như chạy trốn khỏi bom napalm. Chúng bay ra từ đó, nguyên lành, “bằng đôi cánh, sau bao nhiêu đám cháy, rốt cuộc cũng thành kháng lửa” (ngoài lề thì, Đây lại là một ví dụ nữa về kho báu cuối con tàu ngôn từ nơi Ocean Vuong. “Fireproof” – “Kháng lửa” đặt ở cuối cùng một câu văn về lửa cháy, bom napalm. Tính từ ấy vuông góc với cả cánh bướm mong manh và lửa, như tạo thành đường trục ba chiều, mở ra một chiều kích mới.) Một đàn bướm chấp chới bé xíu xiu xuyên qua một vũ khí hủy diệt, có lẽ đã nuốt trọn khói và nhiệt và những chất hợp chất hóa học đủ sức lấy mạng chúng. Nhưng chúng không chết, chúng “kháng lửa”.
Bạn đã thấy điều kỳ diệu ấy hay chưa? Ocean Vuong đã đánh lừa ta, từ đầu chí cuối. Đàn bướm kia chịu mọi khốn khổ, và vẫn tiếp tục bay đi. Đàn bướm kia chính là một biểu tượng của người nghệ sĩ, với nỗi đau làm nên trái tim họ, nhưng rốt cuộc trọng tâm của “câu văn” hay “bản án” lại không nằm ở phần chính giữa, phần nói về nỗi đau, mà nó nằm ở sau cùng, ở hai chữ “kháng lửa”, nghĩa là sống. Là như vậy đấy, điều quan trọng nhất về đàn bướm không phải ở hành trình bị thiêu đốt của chúng, mà ở chỗ chúng bị thiêu đốt mà chúng lại kháng lửa. Một người nghệ sĩ không phải người chịu đựng nỗi đau, không phải người uống thuốc độc, mà là người chịu đựng chừng ấy nỗi đau và dược chất, nhưng vẫn sống.□
———————————-
1. Chân dung một nghệ sĩ thời cún con, tuyển tập truyện thơ của thi gia Dylan Thomas.
2. Câu nguyên văn: “If, relative to the history of our planet, an individual life is so short, a blink, as they say, then to be gorgeous, even from the day you’re born to the day you die, is to be gorgeous only briefly”.
3. Nguyên văn: “In a world myriad as ours, the gaze is a singular act: to look at something is to fill your whole life with it, if only briefly”.