Tết Việt có cần điều chỉnh?

Có người đặt ra câu hỏi khá táo bạo, khiêu khích này cho tôi, tương tự như khi người ta tính chuyện bứng một gốc cây cổ thụ ngàn năm, rễ của nó đã lan rộng cả dải đất hình chữ S, tán của nó xòe cả bầu trời vùng biển Đông, toan ngắt cành ngắt lá đem trồng đi chỗ khác, hoặc chừng như muốn xem bói một quẻ nhờ vào lời thần thánh hoặc tìm nhà bác học phán cho một câu điều chỉnh. Điều chỉnh - hai chữ rất thời thượng của thời... hậu cách mạng bứng gốc, nay bớt lại chỉ điều chỉnh thôi nhưng điều chỉnh cái gì, ai điều chỉnh?


Tác phẩm “Lễ hội đầu năm” của Nguyễn Gia Trí. 

Tết cũng giống như cây cổ thụ ấy, nó đã mọc trên đất nước Việt Nam từ nghìn năm nay, khi người nông dân Việt Nam thứ nhất sáng dậy ra đồng xới đất, nhìn trời, tính thời gian bốn mùa xuân hạ thu đông, khởi vụ gieo trồng theo cảm tính giao hòa với trời đất, theo tiết nắng mưa và theo nhu cầu sống còn, lao động chồng cày vợ cấy, gầy dựng gia phong con đàn cháu đống, vun trồng nếp sống tinh thần cho đến ngày hôm nay, chồng đi xe mô tô hay xe hơi xịn chở vợ và hai- ba- bốn con đi… sắm Tết.

Tết hay Tiết là nhịp nghỉ đầu tiên của cuộc vỡ đất nhọc nhằn suốt bốn mùa mưa nắng gió bão trên dải đất phù sa bên biển Đông ấy. Lao động và nghỉ ngơi, làm lụng và vui chơi, có làm có ăn, có làm có chơi là hai yếu tố cần và đủ của đời sống con người. Văn hóa đi theo con người như một nhu cầu thiết yếu, nó tạo nên truyền thống, làm nền tảng cho cuộc sống. Cứ tính một thế hệ là một trăm năm đời người thì Tết đã bao lần trăm năm tiếp diễn như một truyền thống đời này sang đời khác. Tết là ngày lễ đầu tiên – đánh dấu khởi điểm thời gian của một năm cho nên được gọi là Tết Nguyên Đán và là ngày quan trọng nhất trong các lễ hội của người Việt. Truyền thống văn hóa của người Việt tạo nên một nếp lễ hội thuần túy Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của Trung Quốc về âm lịch, phép tính thời gian. Không có lễ hội nào hội tụ đa dạng những nét bản sắc văn hóa như ngày lễ Tết: về phương diện xã hội, Tết gắn chặt với cơ cấu gia đình như là nền tảng xã hội: đó là ngày đoàn tụ sum họp gia đình và đại gia đình sâu đậm nhất, ý thức về tổ tiên dòng dõi vào ngày đầu tiên của một năm mới đầy lạc quan và hy vọng, mang tính triết lý tôn giáo nhân sinh, nuôi dưỡng đức tâm tri ân nguồn cội, trong tương quan với vũ trụ (trời đất) và môi sinh. Tết còn quy tụ mọi mặt của văn học nghệ thuật từ thi ca (thơ Tết) hội họa (tranh Tết) cho đến nghệ thuật “chơi”, cây cảnh, cầm ca, những trò chơi nhân gian và nghệ thuật ẩm thực qua những kỹ xảo hào soạn mứt bánh ngày Tết, đó là dịp đễ các bà nội trợ, các thiếu nữ trổ tài, và cuối cùng Tết là dịp… mặc áo mới, diện áo mới, kích thích nghệ thuật thêu may của một thời, ngày nay gọi là thời trang. Có lẽ để Tết thực là Tết – như đã được ghi nhận trong lịch sử từ đời Lý cho đến đời Lê là ngày lễ quan trọng nhất trong năm (theo Lê Quý Đôn), – chính những con người làm nên cái Tết ấy, từ bác nông dân cho đến vua quan, và những nghệ nhân, nghệ sĩ, ngay cả những người ăn Tết, đã trải tấm lòng thành để xây dựng nên tác phẩm nhân gian “đồng lòng vui xuân thưởng Tết”. Nếu không có tâm đạo đi sâu vào từng chi tiết nghệ thuật, sự chăm chút thẩm mỹ của từng tay nghề, mứt gừng mứt khế e đã bị bỏ quên, nếu không trân trọng từng tấm vải dệt làm nên chiếc áo, áo Tết đã tàn phai…, nếu không chí thành trong việc thờ cúng tổ tiên, Tết đã không tồn tại như một phong tục đẹp của người Việt cho đến ngày nay.

Có lẽ trong đời của một con người, kỷ niệm về những ngày Tết là những kỷ niệm sâu đậm nhất về quê hương, nếp gia phong của gia đình, sự ấm cúng của đoàn tụ, nỗi hoan hỉ hợp quần, nói chung là tình người trong những ngày Tết mang đến niềm vui và hy vọng trong tương lai. Tết đã trở nên một phong tục Việt, và chính nó là truyền thống văn hóa của người Việt. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp: 20 làm tốt, 21 xỏ tai, 22 đeo bông, 23 đưa về. Với tục cúng ông Táo, Tết Nguyên Đán bắt đầu với nhiều chuẩn bị trong gia đình cho đến Giao thừa và ngày mồng Một Tết, con cháu tề tụ đông đủ, chúc thọ, mừng tuổi, trao quà…

Đã nhiều năm, tôi có dịp thưởng thức Tết Tây ở xứ người, cũng đã từng trải qua những Tết Ta tha hương. So với Tết Ta, Tết Tây chỉ xảy ra mấy tiếng đồng hồ, từ buổi chiều cho đến 12 giờ đêm, thường là bạn bè gặp nhau, ít khi đi cùng với bố mẹ, cụng ly mừng năm mới, chúc túi tiền rỏn rẻng, ca hát, đốt pháo bông và nhảy đầm suốt đêm. Tết Tây chỉ là một điểm giao thời giữa những con số mà con người ghi nhận có tính máy móc, có chút cảm khái về thời gian trôi đi, trong đó không có một ý niệm về sự khai mở sức sống mới của mùa xuân, bởi vì lịch Mặt trời tính ngày 01 của năm vào tháng giêng là tháng lạnh nhất, vẫn còn đông giá. Trong lúc Tiết đầu năm của âm lịch ấm áp đầy sức sống, đầy mầm non tươi mới, lúc trăm hoa đua nở, Tết Ta quả thực gần với nhân sinh và môi sinh kể về ngày tháng, thời tiết, và đượm tình thân ái của con người. Trải qua những Tết Tây, người xa quê càng thấm đượm chiều sâu của Tết quê hương là dường nào.

“Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết 

Uớc gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân” (Nguyễn Khuyến)

Tuy nhiên, lễ càng to càng lắm tệ hại. Việc chạy đua mua sắm ba ngày Tết, vay nợ sắm Tết, giữ thể diện bề ngoài ba ngày Tết trong lúc nghèo khó, chuộng hình thức khoe khoang, những con buôn, quảng cáo trục lợi vào dịp Tết, hình như thời nào cũng xảy ra, trong quá khứ đã được nêu ra trong văn học không ít, nhà thơ Trần Tú Xương, các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn đã vạch trần, châm biếm những lối phô trương giả dối:

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo,

Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy

Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu

Thôi thế thì thôi đành Tết khác

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo

(Tú Xương, Cảm Tết)

 

Bài “Năm mới chúc nhau”

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,

Đứa thời mua tước đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

 

Nó lại mừng nhau cái sự giàu,

Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng đồng rơi, lọ phải cầu.

 

Nó lại mừng nhau sự lắm con,

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bài thơ trên hình như vẫn còn thời sự cho ngày nay. Ngày nay, vẫn có cuộc chạy đua người Việt ăn Tết kiểu phú quý sinh lễ nghĩa, quà cáp càng to càng sang, xa hoa lộng lẫy bề ngoài thì nhiều. Thời đại kỹ nghệ nên mứt bánh tràn lan mà hình như thiếu phẩm chất. Và căn bệnh thời đại nằm chình ình nơi chữ “ĐẠI”, bánh chưng bánh tét phải đại to chiếm kỷ lục, cây cảnh phải đại quý (mắc tiền), mọi thứ đều hướng về “Đại Tỷ Tỷ“ mới oai. Chạy đua theo xa xỉ và trục lợi, tâm đức thoái hóa vì tham tiền, hưởng lợi, những lễ hội ngày nay mất hết vẻ thanh cao, mà trở nên những nơi quy tụ giành giật, chụp giật các hiện vật dị đoan và nhất là tính kiêu sa ham thích vật lạ, bỏ mất nét tao nhã của sự thưởng ngoạn đồng điệu giữa người và người. Nhưng may thay, có dấu hiệu giới trẻ thích ăn tết theo truyền thống và đang tìm tòi chiều sâu của tất cả những điều gì có dính líu đến Tết, một cảm hứng mới về truyền thống như một hoài vọng cánh én mùa xuân, và hơn thế nữa với tinh thần khoa học trong việc tổ chức Tết.

Với sự thông minh nhạy bén của tuổi trẻ, trong những điều kiện xã hội đang thay đổi, điều kiện kinh tế và cơ cấu gia đình đang biến đổi, thế hệ trẻ sẽ có những sáng kiến mới cho việc thưởng Tết vừa truyền thống vừa hiện đại, bởi chính họ là chủ thể ăn Tết.

Vậy nên nếu điều chỉnh cái gì chung quanh chữ Tết, vụ Tết, cái đó liên quan nhiều nhất đến người ăn Tết, và điều chỉnh làm sao để cái Tết truyền thống Việt Nam lại hiện nguyên hình về cả ba phương diện chân thiện mỹ hợp với môi trường môi sinh và con người trong một Nguyên Đán mới, có đủ trí tuệ và con tim xây dựng một cộng đồng người Việt ăn Tết đậm đà tình người. Vâng, chữ Tình trong Tết Việt cần được tô đậm nét hơn cho dù “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” được điều chỉnh cho sức khỏe con người (ăn ít mỡ!!!) và an lạc xã hội. Trong Tết, sức ấm chính là chữ tình nơi mỗi chiếc bánh chưng, nơi mứt gừng thơm ấm, nơi chén trà thơm hương mộc, nơi đóa hải đường hồn nhiên, nơi chiếc áo mới được nâng niu, nơi câu thơ mộc mạc… mà người xưa để lại với tấm lòng chí tình, xin hãy giữ gìn!. □

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)