Tranh Đông Hồ – Gốc tích đám cưới chuột?
Đằng sau tích đám cưới chuột trên bức tranh dân gian Đông Hồ của Việt Nam là một chuỗi những va đập và ảnh hưởng từ văn hóa dân gian Trung Quốc mà ngày nay, người ta còn chưa giải thích được một cách tường tận.
Những ghi chép trong thư tịch cổ
Trong văn hóa dân gian Trung Quốc, đám cưới chuột là một phong tục khá phổ biến. Theo nhà nghiên cứu Tạ Xương Nhất trong cuốn “Phong tục dân gian và nghệ thuật đám cưới chuột” thì tập tục này đã được tìm thấy ở hơn 100 huyện lị thuộc 19 tỉnh thành của Trung Quốc. Do tập quán sinh hoạt của từng địa phương khác nhau nên thời gian diễn ra tập tục đám cưới chuột cũng rất đa dạng. Như ở Thương Lạc tỉnh Thiểm Tây, ngày chuột bắt đầu đi hỏi vợ được cho là ngày 23 tháng chạp, trùng với ngày Táo quân lên chầu Thượng đế. Ở Hồng Động tỉnh Sơn Tây, Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Quảng An tỉnh Tứ Xuyên… thì lại diễn ra sau một ngày tức 24 tháng chạp. Còn ở Tô Châu tỉnh Giang Tô, Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, Miên Dương tỉnh Tứ Xuyên, Thụy Kim tỉnh Giang Tây… thì lại diễn ra vào đêm trừ tịch. Với huyện Võ Tiến tỉnh Giang Tô, Long Du tỉnh Chiết Giang… thời điểm chuột lấy vợ bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng giêng. Còn tại Cao Hùng, Đài Nam… thuộc Đài Loan thì lại bắt đầu từ ngày mùng 3 tháng giêng. Nhưng tựu trung dân gian cho rằng thời gian bắt đầu diễn ra hôn lễ của họ nhà chuột sẽ kéo dài từ ngày 23 tháng chạp cho đến hết ngày mùng 2 tháng 2, tức kéo dài khoảng hơn một tháng. Tại sao đám cưới chuột lại diễn ra trong khoảng thời gian đó? Vì theo tín ngưỡng dân gian, ngày 23 tháng chạp là ngày Táo quân và chư thần lên chầu Thượng đế, đó là quãng thời gian địa giới lâm vào tình trạng “vô thần”, tức không có thần linh cai quản, nên họ nhà chuột mới nhân cơ hội này để tổ chức đám cưới.
Sự phá hoại của loài chuột đặc biệt ở các quốc gia sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp đã gây nên một tâm lý vừa căm ghét vừa e sợ. Ở Trung Quốc, việc thờ chuột đã thấy ghi chép từ thời Đường, thần chuột từng được gọi là Thử thần, Tý thần hay Đại Hao Tinh Quân, chữ Hao trong từ hao tổn, tức vị thần chủ trì việc hao tổn lương thực do loài chuột gây ra. Nhưng ngược lại tại một số nơi dân gian quan niệm rằng nhà nào kho đụn đầy đủ thì chuột mới ghé thăm, nên chuột cũng có khi được coi là thần Tài. Bên cạnh đó chuột là loài đứng đầu trong mười hai con giáp, chữ Tý chỉ chuột còn một âm khác là Tử, tử nghĩa là con trai, cũng có nghĩa là con cháu, nên được dùng tượng trưng cho sự con đàn cháu đống. Cũng vì lẽ đó nên trong quan niệm dân gian Trung Quốc chuột là loài vừa đáng ghét lại vừa đáng quý.
Thư tịch sớm nhất viết về đám cưới chuột là sách Dương Châu phủ chí khắc năm Vạn Lịch thứ 33 đời Minh. Sang đến thời Thanh, Tiền Vịnh (1759 – 1844) đã nhắc lại việc này trong truyện “Thử thực tiên thảo” (chuột ăn cỏ tiên) trong sách Lý viên tòng thoại.
Không ai rõ tập tục đám cưới chuột bắt đầu xuất hiện chính xác vào thời gian nào, nhưng nó đã được nhắc đến rất nhiều trong các thư tịch từ giữa thời Thanh cho đến Dân quốc. Sách Vạn Tuyền huyện chí khắc năm Càn Long thứ 10 tại tỉnh Hà Bắc viết: “Ngày mùng 10 tháng giêng còn gọi là ngày thập chí, tục truyền là ngày chuột cưới vợ. Hôm đó các nhà đều rải thóc gạo ra chỗ đất trống và thắp hương khấn chuột”. Sách Loan Châu huyện chí khắc năm Quang Tự thứ 24 cũng tại tỉnh Hà Bắc cho biết: “Ngày 25 tháng giêng tục gọi là ngày chuột lấy vợ. Vào ngày này người ta lấy gạo nếp tế thần chuột, đến khi trời tối không được thắp đèn đốt lửa”. Sách Giang Hạ huyện chí khắc năm Đồng Trị thứ 8 viết: “Tối 24 tháng chạp là thời điểm chuột gả con. Các nhà đều rắc bánh và hoa giấy ở những chỗ tối, tục gọi là thiêm tương”. Vào thời gian này không được phép giã, mài hay gây tiếng động, nếu không sẽ làm kinh động đến chuột khiến chúng quay ra phá hoại”. Sách Thụy Kim huyện chí khắc năm Quang Tự thứ nhất tại Giang Tây cũng viết: “Đêm trừ tịch phụ nữ phải sớm tắt đèn nến, sau đó lấy bột yên chi (một thứ bột dùng để trang điểm) đút xuống gầm giường”. Sách Quảng An tân chí khắc lại năm Dân quốc thứ 16 tại Tứ Xuyên viết: “Đêm ngày 24 tháng chạp theo lệ cắm hoa màu và nến quả (?), gọi là tục chuột gả con”.
Tại Đài Loan, các sách Cơ Long huyện chí, Vân Lâm huyện chí cảo, Đài Nam thị chí… đều chép: “Ngày mùng 3 tháng giêng, tục truyền là ngày chuột cưới vợ. Khi trời tối phải sớm tắt đèn đi ngủ, đồng thời trong nhà phải rắc muối và gạo gọi là lão thử phân tiền (phát tiền cho chuột)”. Sách Mễ Chi huyện chí khắc tại Thiểm Tây cũng viết: “Ngày mùng 10 tháng giêng, tục gọi là ngày chuột lấy vợ, tối hôm đó người ta lấy đồ ăn rắc vào xó nhà, gọi là rải đường cho chuột”. Lý do vì sao lễ cưới của họ nhà chuột lại luôn diễn ra vào buổi tối, sách Hoài Dương hương thôn phong thổ ký khắc năm Dân quốc thứ 23 tại tỉnh Hà Nam cho hay: “Chuột cử hành hôn lễ không như người, chỉ có thể làm trong chỗ tối tăm, nếu thấy ánh sáng liền lập tức dừng ngay. Con người chúng ta nếu thắp đèn đốt nến gây cản trở hôn lễ của chuột sẽ bị chuột năm đó quấy phá”.
Chính vì lo sợ sự tàn phá của loài chuột đến vậy nên ở nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ Trung Quốc người ta lưu truyền rất nhiều các điều cấm kỵ trong ngày chuột lấy vợ. Sách Ngu thành huyện chí khắc năm Quang Tự thứ 21 tại Hà Nam viết: “Tối ngày 17 tháng giêng dân gian kiêng đốt đèn để không cản trở hôn lễ của chuột”. Sách An Cơ huyện chí khắc năm Dân quốc thứ 14 tại Thiểm Tây cũng cho rằng: “Ngày mùng 10 tháng giêng gọi là ngày chuột lấy vợ. Tối hôm đó người ta nên sớm tắt đèn đi ngủ để không phải kinh động đến chuột”. Ngoài ra trong ngày này dân gian còn truyền nhau rất nhiều điều cấm kỵ khác như phụ nữ không được đụng dao kéo hay kim chỉ, không được ngồi trò chuyện lâu, không được gây huyên náo, không múc nước, không đào xới, mài giũa hay băm chặt, không ăn kê hay cháo kê, phụ nữ phải cất giấu áo quần thật cẩn thận, không để trẻ con vì tò mò mà lẻn đi xem chuột lấy vợ, hay thậm chí dặn trẻ con phải cất kỹ những đôi giày thêu, nếu không lũ chuột sẽ ăn cắp để làm kiệu hoa đi đón dâu…
Câu chuyện chuột gả con
Không thể biết chuyện chuột gả con có trước hay tục lệ đám cưới chuột có trước. Nhưng câu chuyện dân gian chuột kén rể cho con đã thấy xuất hiện ở rất nhiều nền văn hóa khác nhau, còn tập tục liên quan đến đám cưới chuột thì chỉ mới thấy phổ biến tại Trung Quốc. Câu chuyện chuột kén rể ngay trên lãnh thổ Trung Quốc cũng đã thấy xuất hiện nhiều dị bản, trong đó phổ biến nhất là hai cốt truyện được lưu truyền tại huyện Toại Minh tỉnh Tứ Xuyên và huyện Thiệp tỉnh Hà Bắc. Ở huyện Toại Minh tỉnh Tứ Xuyên câu chuyện được kể như sau. Có một gia đình chuột nọ có cô con gái đến tuổi gả chồng. Cha mẹ rất yêu cô, muốn kiếm cho con gái một bậc anh hùng đại trí đại dũng. Bà mẹ bèn nghĩ, trên đời chỉ có Mặt trời là xứng đáng hơn cả, bèn tìm đến hỏi ý kiến Mặt trời. Mặt trời ngự ở trên cao thấy vậy liền thoái thác rằng: “Ta thì không được rồi, ta mà gặp mây liền bị mây che khuất ngay”. Chuột mẹ nghe có lý, bèn đến hỏi ý kiến mây, mây nghe vậy cũng vội vàng từ chối: “Ta nào có được, ta mà gặp gió là bị gió thổi tan ngay”. Chuột mẹ thấy cũng đúng, bèn đến hỏi gió, gió nghe xong cũng nhanh trí thoái thác rằng: “Ta cũng nào có bản lĩnh gì, ta mà gặp tường là bị chặn lại ngay”. Chuột mẹ lại nghe lời gió đến gặp tường, tường nghe xong cũng vội xua tay: “Ta à, ta mà gặp họ chuột các người là bị khoét thủng ngay”. Chuột mẹ nghe xong hốt nhiên bừng tỉnh, hóa ra bậc đại trí đại dũng trên thế gian này không ai khác chính là họ chuột nhà ta, sau đó bèn kiếm ngay cho cô con gái một chàng rể chuột.
Câu chuyện của huyện Thiệp tỉnh Hà Bắc về đại thể cũng giống câu chuyện trên, chỉ có khác một chút là nhân vật Mặt trời được thay thế bằng Mặt trăng và kết thúc thì không có hậu bằng. Chuyện là sau khi được tường bảo nên quay về với họ nhà chuột, chuột mẹ liền tìm đến một anh chàng mà bà cho là xứng đáng hơn cả. Vừa đặt vấn đề xong anh chàng chuột liền từ chối rằng: “Tôi làm sao xứng đáng làm bậc anh hùng đại trí đại dũng cho được, tôi mà gặp mèo là mất mạng ngay”. Chuột mẹ nghe xong bỗng như bừng tỉnh: “Đúng rồi, thế mà ta không sớm nghĩ ra, chỉ có mèo mới xứng đáng nhất với con gái ta”. Nói xong cả nhà liền đem cô con gái yêu quý đến ra mắt mèo. Nhưng ai ngờ mèo ta vừa thấy gia đình chuột lục tục kéo tới thì chẳng đợi nghe giãi bày, liền vồ lấy chuột mẹ và cô con gái tha đi mất.
Câu chuyện chuột gả con không những phổ biến ở Trung Quốc mà còn thấy xuất hiện ở khá nhiều các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Sri Lanka… Về đại thể thì rất giống nhau, chỉ có nhân vật tường là được thay thế bằng đối tượng khác, với Nhật Bản, tường được thay bằng thành quách, với Hàn Quốc và Triều Tiên được thay bằng pho tượng Di Lặc đá, còn với Ấn Độ thì thay bằng trái núi. Một dị bản phổ biến khác được lưu hành tại Trung Quốc có kết cấu nội dung tương tự là truyện Miêu hiệu (đặt tên cho mèo) được ghi lại trong trong sách Ưng hài lục của Lưu Nguyên Khanh đời Minh, chuyện rằng: “Nhà Tề Yểm có nuôi một con mèo, tự thấy là vật hiếm có, bèn đặt tên là Hổ miêu. Một vị khách thấy vậy liền cho rằng hổ tuy dũng mãnh nhưng không thần kỳ bằng rồng, vậy nên đặt tên là Long miêu. Vị khách khác nghe vậy lại nói rồng tuy thần thông hơn hổ xong nếu bay lên trời thì mây lại chẳng cao hơn sao, vậy không bằng đặt tên là Vân miêu. Một người khác nữa thấy vậy lại nói mây tuy che trời nhưng không địch nổi gió, vậy nên đặt tên là Phong miêu. Người nữa lại nói gió tuy vậy nhưng lại bị chặn bởi tường, làm sao bằng tường cho được, vậy nên đặt tên là Tường miêu. Rồi người nữa lại cho rằng tường tuy kiên cố xong chuột lại khoét được tường, vậy nên đặt tên là Thử miêu. Có cụ già thôn đông nghe chuyện liền cả cười: “Ha ha! Bắt chuột là mèo, mèo vẫn là mèo, việc gì phải đánh mất bản thân như vậy”. Đọc xong câu chuyện trên ta có thể nhận ra một phiên bản được lưu hành rộng rãi ở Việt Nam có tên “Mèo lại hoàn mèo”, xong câu chuyện chuột gả con có được lan truyền sang Việt Nam hay không thì hiện người viết vẫn chưa từng nghe qua.
Tranh dân gian về đề tài đám cưới chuột
Các dòng tranh niên họa (tranh tết) nổi tiếng tại Trung Quốc như dòng tranh Dương Liễu Thanh tại Thiên Tân, tranh Võ Cường tỉnh Hà Bắc, tranh Đào Hoa Ổ tại Tô Châu tỉnh Giang Tô, tranh Cựu Giáo Trường tại Thượng Hải, tranh Than Đầu tại Long Hồi tỉnh Hồ Nam, tranh Miên Trúc tại Tứ Xuyên, tranh Tân Giáng tại Sơn Tây, tranh Bình Độ tại Sơn Đông, tranh Chương Châu tại Phúc Kiến…đều từng có tranh tết về đề tài đám cưới chuột. Các dòng tranh này đều thịnh phát dưới thời Thanh nên các bức họa đám cưới chuột thường không có niên đại sớm hơn thế kỷ 18.
Khi đem so sánh với bức tranh đám cưới chuột của dòng tranh dân gian Đông Hồ, ta có thể thấy rõ sự tương đồng với ba bức đám cưới chuột của Trung Quốc, một là của dòng tranh Cựu Giáo Trường tại Thượng Hải, hai là dòng tranh Than Đầu tại Hồ Nam và ba là dòng tranh Chương Châu tại Phúc Kiến. Nếu so với bức đám cưới chuột của dòng tranh Than Đầu ta có thể thấy sự tương đồng là khá lớn, từ bố cục, vị trí cũng như vai trò của các nhân vật, thì với dòng tranh Cựu Giáo Trường và Chương Châu sự tương đồng này có phần ít hơn, nhưng về bố cục tựu chung vẫn phân ra hai tuyến nhân vật chủ đạo, tuyến trên là đội ngũ dâng lễ cho mèo, tuyến dưới là đoàn nghi trượng rước dâu. Với tranh của Cựu Giáo Trường và Chương Châu, chú rể cưỡi cóc, còn tranh của Than Đầu, chú rể chuyển sang cưỡi ngựa. Thật không khó để nhận ra bức đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ dòng tranh nào của Trung Quốc, nhưng từ bao giờ và theo cách thức nào mà tranh tết Than Đầu của tỉnh Hồ Nam lại có thể lan truyền sang Việt Nam vẫn là điều hiện chưa có lời giải thích thỏa đáng. Chỉ biết rằng dòng tranh Than Đầu Hồ Nam bắt đầu manh nha từ giai đoạn cuối Minh đầu Thanh, sau đó phát triển cực thịnh từ trung kỳ nhà Thanh cho đến Dân quốc. Vào những năm đầu Dân quốc số hộ làm tranh tết tại trấn Than Đầu lên tới 108 hộ với hơn 2000 nhân công, sản lượng hằng năm có khi đạt tới ba mươi triệu bản in, cung ứng nhu cầu tranh tết trên hầu khắp lãnh thổ Trung Quốc. Trong bối cảnh thịnh phát như vậy, việc các đồ án niên họa của dòng tranh Than Đầu đã theo chân Hoa kiều lan tới các quốc gia lân cận trong đó có Việt Nam là điều không có gì lạ.
Tuy nhiên cũng giống như mọi sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa, bao giờ sau khi thâm nhập vào một nền văn hóa khác, sản phẩm ngoại lai sẽ bị biến dị một phần, có thể về hình thức và thậm chí là cả nội dung. Với trường hợp bức tranh đám cưới chuột của Việt Nam, rõ ràng sự biến dị này có thể được thấy rõ, điển hình trong trang phục của chú rể, tạo hình nhân vật và hàng chữ chú thích. Trong ba đồ án của Trung Quốc, lễ vật được chuột dâng lên mèo có gà và cá, có vẻ như điều này hơi vô lý, bởi trong thực tế với kích thước của mình gà không phải là con mồi được nhắm đến của mèo, thế nên có lẽ vì lý do đó mà các tác giả Việt Nam đã thay gà bằng chim? Còn trang phục của chú rể, ở tranh Trung Quốc ta thấy rõ là trang phục đời Thanh, còn sang Việt Nam trang phục đã biến thành quan phục, có thể nhận ra qua mũ ô sa cánh chuồn, thứ mũ mà thường dân không bao giờ được đội.
Ở đây có một câu hỏi đặt ra là, liệu có thể căn cứ vào bức tranh đám cưới chuột của Đông Hồ để biết thêm về nghi thức rước dâu của người Việt thế kỷ 18, 19 hay không. Theo người viết thì không, bởi hiện chưa có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ người Việt từng rước dâu bằng kiệu hoa còn chú rể thì cưỡi ngựa và đội mũ ô sa trong ngày thành thân cả. Ngay cả chi tiết hai chú chuột thổi kèn tỏa nột, một thứ kèn thông dụng trong các nghi lễ của Trung Quốc, thì cũng chưa thể căn cứ vào đó để cho rằng loại kèn này đã từng xuất hiện trong đám cưới của người Việt. Nhưng có một điểm đáng chú ý, một hệ quả của sự tiếp biến văn hóa rất đáng lưu tâm, đó là dòng chú thích bằng chữ Hán trên cùng. Trong đồ án của dòng tranh Than Đầu ta thấy các chữ: “Sở Nam Than trấn, tân khắc lão thử thú thân toàn bản”, “Nhạc ti”, “Tống lễ”, “Miêu nhi”, “Đả đăng”, “Kiệu phu”, “Đả thái”, “Minh kim”. Trong đồ án của Việt Nam ta thấy các chữ: “Miêu”, “Tống lễ”, “Tác nhạc”, “Lão thử thủ thân”, “Chú tế”, “Nghênh hôn”. Hai cụm từ “Lão thử thủ thân” và “Lão thử thú thân” thoạt nghe thì có vẻ giống nhau nhưng lại khác nhau hoàn toàn về nghĩa. “Lão thử thú thân” trong đồ án của Trung Quốc nghĩa là chuột cưới vợ, chữ thú trong từ hôn thú, giá thú, nhưng “Lão thử thủ thân” trong đồ án của Việt Nam lại mang nghĩa là chuột phòng thân hay chuột giữ mình, chữ thủ trong từ phòng thủ, cố thủ. Phải chăng các tác giả Việt Nam đã khéo léo gửi gắm ngụ ý, tạo nên một sự liên đới hóm hỉnh giữa hình tượng chuột dâng lễ cho mèo và việc chuột phòng thân để nói lên hiện thực xã hội, nếu vậy đó quả là một sự cải tiến thú vị.
Sau khi tranh tết đám cưới chuột được phổ biến rộng rãi, các dòng tranh dân gian tại Trung Quốc đã nhân đó phát triển nhiều đồ án khác nhau mang đề tài đám cưới động vật như “Cáp mô thủ thân” (đám cưới cóc nhái) của hai dòng tranh Dương Liễu Thanh ở Thiên Tân và Võ Cường tỉnh Hà Bắc, tranh “Thủy thú nghênh thân” (thủy tộc đón dâu) của dòng tranh Võ Cường hay bức “Ma tước giá nữ” (đám cưới chim sẻ) của dòng tranh Miên Trúc tỉnh Tứ Xuyên.
Ngoài sự lan tỏa trong dòng tranh dân gian, chủ đề đám cưới chuột còn xuất hiện rất thường xuyên trong nghệ thuật tranh cắt giấy tại Phúc Sơn tỉnh Sơn Đông; An Trí, Lạc Xuyên tỉnh Thiểm Tây, hay trong các đồ án tranh thêu, khuôn làm bánh và nghệ thuật tượng đất dân gian tại Bắc Kinh, và không chỉ dừng lại ở đó, giờ đây nó đã vượt ra ngoài rào cản của không gian hai chiều để hiện diện trong các lễ hội và nghệ thuật sân khấu đương đại như một di sản không thể thiếu của văn hóa Trung Quốc truyền thống.□
Tài liệu tham khảo:
Trung Quốc niên họa nghệ thuật sử. Bạc Tùng Niên. Hồ Nam mỹ thuật xuất bản xã. 2007.
Lão thử thú thân đích dân tục hòa nghệ thuật. Tạ Xương Nhất. Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã. 2005.