Lễ hội trong tôi

Lễ hội là một nhịp thư giãn, nhịp chậm của một nền văn hóa. Một nền văn hóa lao động luôn kèm theo một nền văn hóa giải trí. ở truyền thống của các nền văn minh phương Tây, lễ hội hầu hết mang chức năng vui chơi, thư giãn, bên cạnh những ngày lao động nặng nhọc. Ví dụ: Lễ hội hóa trang ở Galbrovo ở Bungari, lễ hội Đấu bò tót ở Tây Ban Nha... ở nước ta, lễ hội xuất phát từ nhu cầu của một cư dân trồng lúa nước, qua đó người ta thường trình diễn các trò chơi dân gian.

1. Lễ và Hội
Lễ hội bao gồm hai phần: phần lễ cộng với phần hội. Lịch sử nước ta dệt nên bởi những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, vì thế dân các làng thường nhân ngày kỉ niệm làng để bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng chống ngoại xâm quê ở làng ấy. Sự thờ kính anh hùng chính là linh hồn của lễ hội, và người ta thường có đám rước tượng ảnh, bằng sắc danh nhân đi quanh làng với đầy đủ nghi trượng, các đồ tế tự như cờ, lọng, bàn kiệu và một đoàn tùy tùng khá đông, với lễ phục đầy màu sắc rực rỡ, kéo theo một đoàn người dài gồm cả già, trẻ, trai, gái trong làng. Đó chính là phần lễ của ngày Hội làng.
ở đây các trò chơi dân gian được trình diễn từ năm này sang năm khác, ít khi có những trò chơi mới… Nhưng chính sự lặp lại những trò chơi có từ xa xưa ấy đã dệt nên tấm vải của tâm hồn làng, tức là điều mà ta gọi là “bản sắc dân tộc”, dệt nên quãng tháng ngày hoa niên của mỗi đời người đã đánh mất từ lâu và bây giờ đang tìm thấy lại. Những trò chơi dân gian đều giống nhau giữa vùng này và vùng khác, như là: kéo co, nhảy bao bố, đánh cờ người, đánh đu tiên, đua trải, chọi gà, thi nấu cơm, thi đối đáp… hoặc những trò chơi đặc thù của một số làng mạc. ở đồng bằng sông Hồng, nhiều làng còn thuê riêng những gánh hát chèo, hát bội về diễn nhiều đêm ở sân đình cho dân làng xem; đây là những kỉ niệm thơ mộng nhất mà người ta sẽ mang theo suốt đời. Cái sân làng bập bùng tiếng trống ấy vẫn còn mãi trong kí ức Nguyễn Bính như ta vẫn biết:

 Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: mùa xuân đã cạn ngày

2. Hội làng là một biểu hiện của ý thức “về nguồn”
Người Việt Nam rất tự hào về nguồn gốc Rồng Tiên cao quý của mình. Những truyền thuyết “Âu Cơ – Lạc Long Quân” là nguồn gốc Rồng Tiên của dân tộc. Mẹ Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng là xuất phát của ý niệm đồng bào, và hơn thế nữa, chúng ta có huyền thoại của 18 đời Hùng Vương, còn có mộ của nhiều Vua Hùng, mộ của Kinh Dương Vương, còn có sử thi của các dân tộc nhắc nhở về nguồn cội của chính mình. Những ngôi làng là một vỏ cứng bọc bên ngoài của ý niệm văn hóa dân tộc. Và những lễ hội tất nhiên không thể nào quên nhắc nhở về ý niệm nguồn cội. Lễ hội Đền Hùng là dịp tỏ bày tỏ lòng biết ơn đối với một triều đại đã khai sáng ra dân tộc Việt Nam; đồng thời là lễ hội của toàn thể dân tộc mang cùng một dòng máu. Những cư dân vào thời đại Vua Hùng khi có điều oan ức thường đi dọc sông Hồng nhìn xuống dòng nước để tìm Lạc Long Quân đồng thời khấn nguyện rằng: “Bố ơi bố, xin bố về xử việc cho con”.
Lễ hội Đền Hùng được xem là lễ hội vĩ đại nhất của ý thức về nguồn. Ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm, phải nói rằng tất cả dân tộc Việt Nam đã đổ xô về Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh để dâng hương lên những cụ tổ tiên của dân tộc, để từ đó ý thức nguồn cội là một hiện tượng tâm lý kỳ lạ nhất trong lịch sử nhân loại mà yếu tính thống nhất của người Việt.
Nhớ rằng đối với ngôi làng nhỏ, thì người sáng lập không hẳn phải thuộc dòng quyền quý giống như ở Vua Hùng, mà có khi Thành Hoàng làng có xuất thân là một kẻ nghèo hèn, miễn là đã có công khai sơn ra ngôi làng. Họ cũng đều được dân làng tôn vinh như linh hồn của hội làng. Thành Hoàng được xem là hạt nhân của văn hóa đình miếu, tồn tại khắp các làng mạc để làm thần bảo trợ cho dân làng có được một cuộc sống hạnh phúc, giống như nữ thần Athéna bảo hộ cho nhân dân thành Troie trong thần thoại Hy Lạp.

Thành Hoàng làng có thể là một danh tướng (ví dụ như Thánh Gióng), một danh nho hoặc lắm khi chỉ là một ông tổ nghề nghiệp đã dạy cho dân một nghề nào đó sau này đã được dân làng truyền từ đời này sang đời khác (ví dụ ông tổ nghề đúc đồng ở Huế); thậm chí có nơi chỉ là một người ăn mày nằm chết đường ở đình làng (như dân làng Ba Xã ở Hà Tĩnh) mà cho đến nay mỗi dân làng còn giữ phong tục gác lại công việc để đi ăn xin vài ba hôm, gọi là làm nghĩa vụ với làng). Những vị Thành Hoàng làng đó đều được rước đi quanh làng ở vị trí trung tâm của lễ hội, và trong tâm hồn của dân làng, họ đều được đối xử bình đẳng như nhau, không phân biệt nguồn gốc xã hội sang hèn. ở tỉnh Quảng Trị người ta chỉ thờ phụng vị “hậu khai khẩn” xem như người có công vỡ đất, mà không thờ “tiền khai canh” vì ông “khai canh” này được giải thích như là “người Chăm”, ý nhắc lại bối cảnh lịch sử của đám cưới Huyền Trân Công Chúa.

3. Lễ hội là dịp biểu hiện nét đặc trưng của làng
Nếu chỉ có phần “Lễ” (Rước Thành Hoàng), thì hội làng mọi nơi đều gần giống nhau. Ý thức của ngôi làng rất quý trọng những gì là cái đặc thù của riêng mình, là ý thức rằng mình không giống ai, cái độc đáo của ngôi làng luôn là niềm tự hào của dân làng. Niềm tự hào ấy dù nhỏ bé đi nữa, thì người làng vẫn có ý thức phô trương trước mắt mọi người, nếu không phải trong “Lễ” thì cũng trong “Hội”. Ví dụ ở một làng nọ ở Bắc Ninh, người ta có tục chém sống một con heo thành hai phần để cầu an cho làng, giống với tục “đâm trâu” của người Thượng. Cũng có tục nấu chè bánh trôi trước lễ kỉ niệm Trần Hưng Đạo gọi là lễ “nạp đạn” cho Đức Thánh Trần. Hồi tục đốt pháo còn phổ biến, người làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có tục đốt pháo vào dịp đầu xuân, cũng vào ngày hội làng. Lễ hội này rất nô nức, người ta còn che những nhà tạm dùng làm quán ăn, nhà nghỉ ngơi cho những người đi dự hội từ phương xa đến. Thành Hoàng của làng là Thiên Cương tuớng quân, “một tướng tiên phong của Vua Hùng”. Cuộc thi nhằm xem cỗ pháo nào lớn nhất (tất cả đều bằng cỡ khẩu súng Thần công) người ta đi từ đầu làng đã nghe một tiếng nổ rung chuyển bằng một quả bom lớn, từ bên này sông bắn sang bên kia làm giấy vỏ pháo rơi kín mái của một ngôi trường làng. Dân làng giải thích rằng “Ông này (Thiên Cương tướng quân) ra trận bị thương về thì mới đến lượt ông Gióng ra”. Hôm đó nhằm ngày giỗ của Thiên Cương tướng quân.
Tôi có dịp rong chơi qua nhiều lễ hội ở châu thổ sông Hồng. Nào lễ hội Đền Đô (lễ hội tôn vinh các vua nhà Lý) là lễ hội hoành tráng nhất; lễ hội Lim quy tụ hầu hết người đẹp của một vùng làng chung quanh về hát quan họ, lễ hội làng Lệ Mật có diễn ra cuộc thi mổ gà, người ta làm thịt gà sống rồi tạo dáng giống như ở con người; con thì dáng hiêu hiêu tự đắc, con thì gục đầu ra dáng thất bại, con thì quặt cánh lại gãi lưng trông như người nghiện, tất cả đều nhằm chọc cười cho dân làng; lễ hội gà đó phản ánh tinh thần lạc quan của người nông dân Lệ Mật thật đáng quý. ở quê tôi (Huế) hàng năm có lễ hội mục đồng, do những trẻ chăn trâu đứng làm chủ tế. ở xã Hương Vinh, hiện vẫn còn một cái đàn đắp bằng đất hình bán nguyệt, gồm có ba tầng: tầng trên cùng thờ thần mục đồng, tầng hai và ba dùng để bày biện các món ăn, các món nông sản. Các trẻ chăn trâu đứng ra làm chủ, những ông chủ có trâu đều được mời đến dự lễ, đồng thời làm chủ tài trợ những món cúng giỗ, chuẩn bị thức ăn thật ngon để các trẻ chăn trâu đãi khách. Kết thúc buổi lễ, ông “vua chăn trâu” tuyên đọc một bản tổng kết, ca ngợi những trẻ chăn trâu giỏi, nuôi trâu béo tốt, thương yêu con trâu, và nghiêm khắc phê phán những trẻ mục đồng lười biếng, để trâu đói hoặc ăn lúa, phá ruộng của dân làng. Xong bản tổng kết các mục đồng bèn bầu lên một “vua mục đồng” mới, vị này kêu ra trước bàn thờ đánh đòn những kẻ phạm tội. Đánh đòn rất đau, đến độ nửa chừng, lũ chăn trâu phạm tội đều vùng dậy bỏ chạy. Tôi nghĩ rằng đó là một ngày hội khuyến nông rất có ích ở vùng Thừa Thiên Huế không nên đánh mất.
Ôi những ngày hội làng! Những áng thơ dân gian luôn luôn gợi dậy trong tôi kỉ niệm mềm yếu chất phác đối với cuộc sống, đọng lại trong con mắt của tâm thức tôi những màu sắc ngây thơ trong đám rước và tiếng trống đình giục giã. Lớn lên tôi trở thành thị dân, lưu lạc giữa những ngã ba phường phố, tâm hồn đánh mất dần nhiều lý tưởng nhân văn tốt đẹp, nhiều khi ngơ ngẩn tự hỏi biết bao giờ trở về?!

Huế, tháng 3 năm 2006

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tác giả