Phim độc lập: Độc lập với cái gì?
Khi việc làm phim không thể một mình mình như làm thơ hay vẽ tranh, thì điện ảnh độc lập sẽ khiến bạn lập tức đặt câu hỏi, vậy nó độc lập với cái gì?
Theo cuốn Thuật ngữ điện ảnh – truyền hình (Vũ Xuân Quang, Trần Thanh Tùng biên soạn) của Hội Điện ảnh Việt Nam xuất bản năm 2009, Phim độc lập “còn gọi là phim vị nghệ thuật (art film), do một người hoặc một nhóm người tự sản xuất không vì lợi nhuận, không có công ty chủ quản, với chi phí thấp, công nghệ đơn giản. Trước đây, người ta gọi là “phim tác giả”, nhưng từ này rất khó hình dung bởi không có phim nào là khuyết danh. Gần đây người ta gọi là Phim độc lập là tương đối sát nghĩa, bởi tính độc lập về nội dung, tư tưởng, độc lập về tiêu chí nghệ thuật, độc lập về tài chính. Cũng có thể gọi đó là phim vị nghệ thuật (art film) bởi đạo diễn có thể tự do hoàn toàn tự trong sáng tạo để bộc lộ quan điểm thuần khiết của mình đối với nghệ thuật. Ở phương Tây, phim độc lập bao gồm cả phim ngắn, phim tài liệu… Phim độc lập tách biệt khỏi dòng phim đại chúng (mainstream), tức dòng phim thương mại, nên ở Mỹ và châu Âu nó thường được chiếu trong những rạp riêng, cho một bộ phận khán giả. Tuy nhiên, phim độc lập cũng có thể gây ra “cơn sốt” về doanh thu.” Khái niệm này nhìn nhận Phim độc lập ở khía cạnh mỹ học điện ảnh. Nhấn mạnh vào yếu tố độc lập trong tư duy sáng tạo, nó đánh đồng khái niệm Phim độc lập với Phim tiên phong (Avant-garde films), dòng phim nằm ngoài nền công nghiệp điện ảnh, thách thức những phim tự sự có tính thương mại.
Ra đời vào những thập niên đầu tiên của thế kỉ XX, Phim tiên phong (trong dòng chảy của Nghệ thuật tiên phong) mang tinh thần thực nghiệm gồm sáu xu hướng chính: hoạt họa trừu tượng, chủ nghĩa Dada, chủ nghĩa Siêu thực, điện ảnh tinh khiết, các phim tài liệu trữ tình, và thể loại tự sự thực nghiệm. Nó gần với hoạt động của các nhà văn, họa sĩ của chủ nghĩa hiện đại hơn là nền công nghiệp điện ảnh.
Đơn cử một vài đặc điểm của Phim tiên phong như: những người làm phim dùng tiền riêng hoặc tìm đến các nhà bảo trợ giàu có để làm những bộ phim thể hiện say mê sáng tạo, chống lại văn hóa đại chúng. Họ cũng thành lập các câu lạc bộ điện ảnh với những rạp chiếu phim chuyên biệt hóa để trình chiếu điện ảnh nghệ thuật, điện ảnh thực nghiệm. Chúng ta thấy rõ ràng cách hiểu Phim độc lập theo định nghĩa nêu trên không khác sứ mệnh của Phim tiên phong là mấy. Nó thu hẹp Phim độc lập vào một phần tử Phim tiên phong. Và chắc chắn nó vấp phải sự nhầm lẫn khi nhắc đến khái niệm Phim tác giả trong “Học thuyết tác giả” của Andrew Sarri.
“Good Will Hunting” (1997) của đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn
người Mỹ Gus Van Sant là một trong những phim độc lập thành công nhất về
doanh thu. Bộ phim có kinh phí 10 triệu USD nhưng thu về gần 225 triệu USD.
Nhìn từ lịch sử điện ảnh, khái niệm phim độc lập đã được đẻ ra từ nền công nghiệp điện ảnh Mỹ. Phim độc lập được sản xuất bởi những hãng phim độc lập “không có sự kết hợp thành dây chuyền, không thuộc sở hữu của hãng phát hành, và cũng không sở hữu hãng phát hành nào”2. Theo người viết bài này, chính vấn đề phát hành mới là điều cốt tủy, làm nên sự khác biệt để phân biệt phim độc lập. Các nhà làm phim độc lập có thể được bảo trợ tài chính đủ để thực hiện các tác phẩm nhưng chưa bao giờ họ chắc chắn có một chỗ đỡ đầu cho đứa con tương lai của mình. Không có chỗ phát hành? Không cần phát hành? Họ, hoặc bị coi là quay lưng với khán giả, tìm đến các liên hoan phim để tranh giải, để chào bán phim cho các hãng phát hành… hoặc chọn con đường không phải là các rạp chiếu phim, như phát hành video, DVD, trên truyền hình hay internet. Từ đó mà vấn đề kinh phí hay cá tính độc đáo mới được xử lý. Thực tế, tại Hollywood, chính những khi các hãng lớn làm ăn sa sút, sản lượng phim thiếu hụt, là cơ hội để các hãng phim độc lập có được thị phần phát hành. Hay chính các nhà làm phim độc lập đã tạo ra Mùa phim hè khi mà trước đây mùa hè được coi là mùa ế ẩm của thị trường phát hành phim.
Phim độc lập Mỹ có ba thời kỳ ấn tượng. Vào thập niên 1940 và 1950, khi một số diễn viên, đạo diễn có tiếng của Hollywood tách ra hoạt động độc lập. Vào cuối thập niên 1960 và 1970, với sự lới lỏng của những đạo luật sản xuất phim, điện ảnh độc lập có sức hút mạnh mẽ khi khởi phát phim kinh dị giật gân, phim gợi dục, phim bạo lực… Và thập niên 1990 chứng minh sự lan tỏa, ảnh hưởng của phim độc lập nghệ thuật với những gương mặt độc đáo sáng danh. Đây cũng là thời kỳ phim độc lập thực sự bùng nổ với sự xuất hiện của điện ảnh kỹ thuật số. Đối mặt với tương lai phát hành mù mịt, kinh phí sản xuất khiêm tốn nhưng dễ thở với gọng kìm kiểm duyệt, điện ảnh độc lập đã tự làm phong phú nó ở nhiều thể loại mà sự độc đáo chính ở việc pha trộn hay đưa vào các yếu tố chống thể loại để làm mới điện ảnh truyền thống ở cả hình thức thể hiện lẫn đề tài khai phá. Phim độc lập không đồng nghĩa với phim nghệ thuật nhưng phim độc lập là mảnh đất lý tưởng để tố chất nghệ thuật của nhà làm phim được tát cạn.
Với các nền điện ảnh ngoài Hollywood, nhắc đến Phim độc lập, người làm phim có cảm nhận về mặt tinh thần nhiều hơn. Bạn chọn làm phim độc lập là bạn tách ra khỏi hệ thống dây chuyền mang tính cung cầu, đầu tư – thu hồi, kiểm duyệt, mô phạm để xác lập quy tắc thẩm mỹ, ngôn ngữ phim của chính mình. Bạn độc lập với những thứ ngoài mình để đặt cái tôi sinh động hấp dẫn vào trung tâm sáng tạo. Quá trình làm phim của bạn bấp bênh và hiểm nguy hơn nhưng bạn luôn có hơn một sự lựa chọn để thực hiện những cam kết thẩm mỹ của mình, bạn không thành nạn nhân thường xuyên của cái gọi là kế hoạch sản xuất hay phương tiện kỹ thuật. Điều này đã được chứng minh bởi các nhà làm phim độc lập khi họ tạo nên Làn sóng mới của Pháp, Làn sóng mới của Nhật, Làn sóng mới Đài Loan, Thời kỳ phục hưng của điện ảnh Iran, hay gần nhất là Điện ảnh thành thị của thế hệ đạo diễn thứ sáu Trung Quốc.
—
1 Từ vựng điện ảnh (Minh Tùng, Phương Lan, Vinh Sơn biên soạn, NXB Văn hóa Sài Gòn 2007 và NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm 2011), cũng định nghĩa Phim độc lập “là những bộ phim có kinh phí thấp không do các hãng phim lớn sản xuất. Phim độc lập đôi khi có chất lượng rất cao và giành được nhiều giải thưởng.”
2 Lịch sử điện ảnh tập 1, tác giả Kristin Thompson và David Bordwell, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007)