“Bảy chuyện kể Gothic”: Chuyện những người kể chuyện

Phải chăng đơn giản là vì, cám dỗ kể chuyện lôi kéo ta, một khi đã kể chuyện, thì không ngưng lại được?

Trong vở “Electra” của kịch tác gia Hy Lạp Sophocles, có một đoạn khi một lão nhân gia kể cho Elektra nghe về cái chết của em trai nàng, Oreste. Đó là một cái chết giả mạo, thế nhưng trong một vở kịch không dài mà Sophocles vẫn dành một thời lượng không ngắn để bịa ra câu chuyện về một cái chết chưa từng diễn ra. Ông hoàn toàn có thể thu ngắn phần ấy lại, nhưng không, ông chọn tâm huyết bịa chuyện như thể Oreste đã chết thật, đến mức ta dù biết Oreste chưa chết, vẫn có khi nhập vào Elektra mà tin chàng đã chết. Nhưng tại sao phải thế? Phải chăng đơn giản vì, cám dỗ kể chuyện lôi kéo ta, một khi đã kể chuyện, thì không ngưng lại được?

Tập truyện Bảy chuyện kể Gothic của Isak Dinesen dày đặc những kẻ thích kể chuyện như thế. Họ kể chuyện ở bất cứ đâu và bị lực hút của những câu chuyện nuốt lấy. Họ ngồi trên một chiếc thuyền trong đêm trăng, thay phiên nhau kể chuyện cho nhau. Họ kể chuyện cho nhau sau một vụ tai nạn xe ngựa khiến. Họ kể chuyện cho người khác nghe về câu chuyện một người khác nữa đã kể cho họ nghe. Họ kể chuyện cho nhau nghe sau khi đã trở về trong bộ dạng một bóng ma từ xa khơi. Họ kể chuyện khi mắc kẹt nơi một gian cỏ khô khi bên ngoài xảy ra một trận lụt khủng khiếp. Ở cấp độ cao nhất, họ không kể chuyện nữa, họ biến đời thành truyện, tạo nên một lồng kính để nuôi những câu chuyện những mong sẽ quang hợp ra thi ca, sẽ gieo trồng thu hoạch được một mùa vụ thi ca.

Kể chuyện là một hành động căn nguyên để sống và tiếp tục sống. Trong truyện Những kẻ sống trong mơ, một nữ danh ca opera sau một vụ hoả hoạn ngay trên sân khấu, đã buộc lòng phải dựng lên bia mộ cho chính mình để cất giữ một huyền thoại, và kể từ đó, bịa ra vô số những câu chuyện mới để làm một người khác. Nàng nhận ra có rất nhiều người để nàng có thể trở thành, có rất nhiều niềm vui và nỗi buồn mà nàng có thể ướm mình vào đó, bản thân nàng là một tuyển tập những câu chuyện nối dài. Không có một “nàng” cố định, nguyên tuyền hay vĩnh cửu.

Dường như truyện ngắn này cũng là một ẩn dụ cho sự đọc: rất nhiều người gặp người phụ nữ ấy, mỗi người gặp nàng khi nàng đội lốt một danh tính khác nhau, ai cũng khăng khăng mình yêu nàng, mình biết nàng, nhưng có thật sự họ hiểu gì nàng không? Khi gặp lại, nàng trở thành người khác. Câu chuyện liên tục thay đổi theo không-thời gian, mỗi người đọc lại đọc theo một kiểu, ai cũng chỉ là “những kẻ sống trong mơ” chỉ nắm được một góc gấu áo của câu chuyện ấy. Nhưng những câu chuyện lớn luôn là như vậy, chúng che đậy bản dạng của mình – mà có bản dạng nào như thế hay không?

Đọc từng truyện trong Bảy chuyện kể Gothic có lẽ cũng đã là đủ để ta không dám đưa ra một câu trả lời dễ dàng cho câu hỏi ấy. Con khỉ muốn kể về điều gì? Câu chuyện bắt đầu từ một bà Tu viện trưởng Đồng Trinh, người sở hữu một con khỉ nhỏ được em trai mang về từ Zanzibar. Tựa đề truyện là con khỉ, nhưng con khỉ chỉ được nhắc đến trong hai trang đầu trước khi biến mất trong gần 100 trang sau đó, để rồi chỉ xuất hiện trở lại trong một đoạn kết dị hợm. Ta thậm chí đã quên mất sự hiện diện của con khỉ khi câu chuyện theo chân Boris người con trai do bà đỡ đầu, một ngày nọ, bỗng trở về và bày tỏ mong muốn kết hôn, rồi sau đó là một màn tính kế cầu hôn cầu kỳ mưu mẹo với nàng Athena con gái Lão Bá Tước. Phải đến khi đọc đến những dòng sau cuối, ta mới lật lại câu chuyện từ đầu, và chợt nghĩ có lẽ chi tiết bà Tu viện kể chuyện bầy thú hoang dã của đức vua xứ Zanzibar và lời thốt lên của bà rằng “Chao ôi, trái tim điên cuồng của những con thú bị nhốt cũi!” có lẽ không chỉ là một truyện kể vu vơ.

Những câu chuyện trong Bảy chuyện kể Gothic cứ như thế, tạo thành những ngõ lối rối rắm của một khu chợ souk Phi châu hay Ả Rập, những câu chuyện lấp lánh trào ra tứ phía như những món đồ thủ công tinh xảo bày bán trong những cửa hiệu san sát nhau khiến người đọc hoa mắt, không còn nhớ mình đang ở đâu, đã đi đâu và sẽ về đâu.

Bà Tu viện trưởng là một người – khỉ, vậy những người còn lại thì sao? Trong đêm lưu lại Tu viện, nàng Athena khi thì được mô tả như một con ngựa, khi thì là một con rắn, khi thì là một con gấu; còn Boris được mô tả như một con chim. Cuộc yêu của họ đầy bạo liệt như cuộc vật lộn cổ xưa của hai loài vật hoang dã châu Phi. Vậy thì có phải câu chuyện này trả tình yêu và đam mê về với bản chất man di và chưa thuần hoá? Nhưng cũng có thể chìa khoá nằm trong một câu thoại của Tu viện trưởng: “…thế gian này hệt như cô dâu, thế là cứ mỗi lần cởi bỏ mạng che mặt là một lần ngạc nhiên thích thú. Trời đất hỡi, chúng ta, những kẻ đã cử hành hôn lễ vàng với nó, thận trọng với thói tò mò.” Phải chăng câu chuyện này là một ngụ ngôn nhắc khéo ta đừng cố mò mẫm gương mặt thật của thế gian nếu không muốn nhận ra cô dâu của Chúa cũng chỉ chia sẻ chung một linh hồn và thể xác với loài khỉ?

Người ta có thể cứ thế mà nhân bội những diễn giải lên, bằng cách bắt lấy một lời luân lý khác người mà một nhân vật buột miệng nói ra, rồi giải mã theo lời ấy. Và không ai, không một ai có thể dám chắc mình đã nhìn thấy gương mặt thật của câu chuyện này.

Ngay cả truyện có vẻ như đã bày biện tất tật ra trước mắt như Thi nhân về một người đã từng được gặp gỡ Goethe không biết bao lần và có một khao khát lập kế hoạch gieo trồng thi ca, bằng cách bảo trợ cho một chàng trai trẻ mà ông tin có tài thơ phú, nuôi dưỡng trong lòng chàng những rung cảm để một ngày nào đó chàng sẽ đơm hoa kết trái ra những áng thơ bất hủ, đủ hết thảy hỉ nộ ái ố ai lạc dục. Cuối cùng, thi gia tương lai bắn người bảo trợ, và vợ ông, nhân tình của chàng thi gia, dùng hòn đá lớn kết liễu ông. Hai đòn cứ như thể trong vụ án mạng khi Agamemnon bỏ xác dưới tay vợ mình là Clytemnestra và nhân tình Aegisthus trong vở Agamemnon của Aeschylus, hay khi Clytemnestra bỏ xác dưới tay con trai Oreste trong vở Electra của Sophocles. Thơ ca là cây độc, có thể phản bội người đã tưới tắm và vun đắp cho nó. Thật cuồng tưởng khi nghĩ có thể xây nên một nhà kính nuôi thơ trong bầu không khí thuần tuý thơ ca, thơ ca nào chịu dậm chân tại chỗ và giam hãm mình trong bầu không thơ-chỉ-để-cho-thơ.

Nhưng liệu câu chuyện này có ẩn ý gì về cái chết của chàng Werther của Goethe hay không? Werther cũng cần hai đòn để tự kết liễu mình, cụ thể là hai viên đạn. Chàng mượn nó từ tình địch của mình, cũng như nhà bảo trợ ở đây chết dưới tay nhân tình của vợ, và ở cả hai câu chuyện, nhân vật có một quãng chưa chết ngay mà còn thoi thóp rất lâu. Vậy, có khi nào chàng thi sĩ được nuôi trong nhà đây chỉ là một bản ngã của chính nhà bảo trợ, và phải giết bản ngã kia để bản ngã này được tự do?

Những câu chuyện trong Bảy chuyện kể Gothic cứ như thế, tạo thành những ngõ lối rối rắm của một khu chợ souk Phi châu hay Ả Rập, những câu chuyện lấp lánh trào ra tứ phía như những món đồ thủ công tinh xảo bày bán trong những cửa hiệu san sát nhau khiến người đọc hoa mắt, không còn nhớ mình đang ở đâu, đã đi đâu và sẽ về đâu. Cảm giác lạc lối cũng không sao cả, bởi cũng như hoàng đế Shahryar mỗi đêm được nghe nàng Scheherazade kể chuyện mà quên mất niềm nghi ngờ những người đàn bà, những câu chuyện bịa hay nhất bao giờ lại cũng khiến ta tin vào sự chân thành của người kể ra nó, ta tin người kể chuyện như tin một người dẫn đường địa phương dắt ta qua những lối tắt ngõ hẹp tối tăm của souk. Mà cũng chẳng thể làm gì khác ngoài tin.

Tác giả

(Visited 86 times, 1 visits today)