Herta Müller và những linh hồn rỗng

“... cô hỏi: Khi nào thì chiến tranh kết thúc. Tôi nói: Chiến tranh đã kết thúc được hai năm nay”. [Atemschaukel – Herta Müller] Chiến tranh đã kết thúc được hai năm nay nhưng sau đó nhân vật tôi - Leo Auberg - lại giục cô gái đang ngồi ăn kiến trở về một cái trại. Chiến tranh có thể đã kết thúc nhưng những cái trại thì không. Cái đói cũng không. Sự phi nhân lại càng không.

Atemschaukel (Tựa đề bản dịch của PhanBook và NXB Hội Nhà Văn: Nhịp thở chao nghiêng) được Herta Müller cho phát hành năm 2009, cùng năm bà nhận giải Nobel và lên đọc diễn từ về một chiếc khăn mùi xoa. Đúng hơn là câu hỏi về một chiếc khăn mùi xoa mà mẹ bà sẽ thường hỏi mỗi khi thấy bà ra khỏi nhà: “Con có mang theo khăn mùi xoa chưa?” Câu hỏi ấy với bà là một dạng thức của tình yêu. Rồi bà nhớ đến câu chuyện của nhà thơ Oskar Pastior, nhân vật nguyên mẫu của Leo Auberg trong Atemschaukel, một thanh niên Đức sống ở Rumania bị đưa vào trại lao động cải tạo Gulag ở Liên Xô sau Thế chiến II như một sự trả lại cái tàn ác bằng chính sự tàn ác, người mà trong cuốn sách này cũng được một người đàn bà Nga bố thí cho một chiếc khăn mùi xoa, với hy vọng anh có thể trở về nhà và đứa con trai trạc tuổi anh của bà cũng có thể trở về nhà. Một món đồ thật tầm thường nếu như anh đang ở nhà, nhưng vì lúc này, “nhà” là một nơi xa ngái, nên bỗng chốc, vẻ đẹp của nó khiến anh đau đớn. Anh dùng nó để xì mũi, để quàng khăn, để chấm những giọt nước mắt mà anh tự phỉnh phờ mình rằng đó là nước mắt lạnh.

Khi Herta Müller được xướng tên cho giải Nobel năm đó, giới phê bình văn chương Mỹ hỏi: Herta là ai? Chưa từng nghe tới. Hoàn toàn nằm ngoài vùng phủ sóng. Không có cuốn sách nào của bà trong hiệu sách. Thêm một nhà văn vô danh đoạt giải. 18 thành viên ban giám khảo Nobel là người ngoài hành tinh mới đọc một tác giả như thế. Tiếc là họ không trao cho John Updike… Tất cả những lời khiếm nhã ấy không nói lên gì nhiều về Herta Müller, ngược lại, nó nói nhiều hơn về những người phủ định bà. Hãy để tôi mượn một mẫu câu thật hay mà bà đã sử dụng trong Atemschaukel rằng “Nhớ nhà. Cứ như thể là tôi cần nó”, thực sự thì “Nobel. Cứ như thể Herta cần tới nó”. Đúng ra, chúng ta – con người của thiên niên kỷ thứ ba – cần văn chương của Herta Müller hơn bà cần chúng ta. Rất ít nhà văn xứng đáng với câu này, nhưng Herta Müller xứng đáng, rằng được có mặt trên đời để thưởng thức văn chương của bà là may mắn và cũng là bất hạnh của chúng ta.

Chúng ta – con người của thiên niên kỷ thứ ba – cần văn chương của Herta Müller hơn bà cần chúng ta. Được có mặt trên đời để thưởng thức văn chương của bà là may mắn và cũng là bất hạnh của chúng ta.

Chúng ta cần văn chương của bà để ghi nhớ, rằng lịch sử không chỉ tồi tệ hơn, mà tồi tệ hơn một triệu lần so với những gì ta nghĩ mình đã biết, rằng một con người có thể sa sút đến mức nào và bị triệt tiêu đến mức nào thì không còn là một con người nữa. Nhưng cũng vì lý do đó mà chúng ta không muốn phải cầu viện tới văn chương của bà, chúng ta đã ngủ quên trong giấc mộng đẹp của hòa bình rồi còn đâu, xin đừng ai lay nhắc về những tiền kiếp khốn cùng xa xưa ấy.

Atemschaukel gồm rất nhiều chương nhỏ, mỗi chương kể về một thứ, hoặc một điều, hoặc một người cụ thể trong thế giới Gulag. Thường là những thứ nhỏ tới li ti, như xi măng, than đá, hay mẩu bánh mì, hay một mái tóc, hoặc một cô gái tâm thần ăn kiến và nhện, một người bị rơi vào hố vữa và mãi mãi không còn ngoi lên được nữa. Không có một chương nào về một chủ nghĩa hay lý tưởng chính trị, không một dòng phân trần rằng mình không thuộc về phe phát xít, mình không phải gián điệp, ngay cả một lời tỏ ra căm giận sự toàn trị cũng không. Tất cả những kẻ ở đây như những kẻ phạm nhân trong Trại Lao Cải của Franz Kafka, không biết bản án là gì, mà tại sao phải biết, có biết cũng chỉ là một kiểu thủ tục mà thôi, điều quan trọng hơn cả là đòn hành hình thì da thịt sẽ tự biết mà không cần ai phải nói. Không ai đủ sức để nhìn thứ gì lớn lao hơn. Lớn lao nhất chắc là “thần đói”, bấy nhiêu rồi cũng quay về những ảo tưởng về “thần đói”, vị thần bảo trợ, thiên thần hộ mệnh của kẻ nào đang sống (tựa đề bản dịch tiếng Anh cuốn sách này là “hunger angel – thiên thần đói), còn “thần đói” lảng vảng là còn đang thở.

Herta Müller. Nguồn: NYT

Thế giới Gulag ảm đạm và sơ sài tới mức người ta có thể lên một danh sách tách bạch những gì hiện hữu để mà nhớ lại. Chỉ có bằng ấy thứ quanh ta và ta còn biết làm gì ngoài hão huyền và nhân tính hóa về chúng để duy trì chính sự tỉnh táo đang trên bờ vực chấp chới của mình? Con người phát triển một mối quan hệ với từng thứ vật chất như rau tân lê, một chiếc xẻng tim, một bể hóa chất, nhưng con người đã suy thoái đến mức từ chủ ngữ bị giáng thành tân ngữ trong câu.

Một số văn sĩ mở rộng ngôn từ theo trục hoành, như Shakespeare, bằng cách sáng tác ra từ ngữ mới và đào ngữ vựng theo chiều ngang, số đó tuy ít nhưng vẫn là nhiều so với những người như Herta Müller, những người mở rộng ngôn từ theo trục tung, không cần dùng từ mới nhưng lại thay đổi kết cấu cơ bản của nó, thay đổi những nguyên tử cấu thành bên trong nó, để xi măng không còn là xi măng nữa, và giấc mơ cũng không còn là giấc mơ mà trở thành một đòn trả đũa, ngay cả con người cũng chẳng còn nguyên vẹn là con người, con người trở thành xi măng, xi măng trở thành kẻ trộm, kẻ trộm lại thành…, cứ thế. Đọc Herta Müller như bước vào một lễ bốc mộ ngôn từ, những xác từ đã đổi thay về nghĩa, chỉ còn bộ xương ngôn từ trắng hếu phô ra nhưng thịt của ngôn từ thì đã phân hủy.

Đọc Herta Müller như bước vào một lễ bốc mộ ngôn từ, những xác từ đã đổi thay về nghĩa, chỉ còn bộ xương ngôn từ trắng hếu phô ra nhưng thịt của ngôn từ thì đã phân hủy.

Müller đã tìm được một đường hầm ngầm nào đó bên dưới những con chữ, bà có hàng tá những câu văn có khả năng “dịch chuyển tức thời” từ điều này sang điều kia, chẳng hạn một câu ở gần cuối tác phẩm, khi lúc này nhân vật chính đã được trở về nhà:

“Bảy năm kể từ khi trở về quê hương là bảy năm tôi không có chí. Nhưng mỗi khi nhìn thấy súp lơ trắng trên đĩa, từ 60 năm nay tôi lại ăn chí của chỏm áo len trong ánh bình minh đầu tiên. Cả kem tươi cho đến bây giờ vẫn không phải là kem tươi”.

Chỉ từ cùng một “chất liệu” là màu trắng, nhưng con chí gặm nhấm da đầu thời Gulag đã trở thành kem tươi, thành áo len, những thứ tuyệt nhiên không thể có trong thế giới hậu Gulag – chỉ một đường hầm ngôn từ ấy mà nhà văn đã đủ sức làm Gulag bành trướng trong tâm tưởng, một Gulag không bao giờ thực sự chấm dứt mà cơi nới mãi ra, phình lên như một vũ trụ ngày càng nở rộng và không có gì khác bên ngoài đó, hỏi có cái gì bên ngoài nó là vô nghĩa.

Hay những câu khác: “Đến tận giờ tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại đổ xúp rau vào lọ nước hoa. Điều này liệu có liên quan tới câu nói của bà: Bà biết, cháu sẽ quay trở về. […] Hay là bất chấp thần đói, trong đầu tôi vẫn hình dung người ta thường mang theo quà lưu niệm sau mỗi chuyến đi xa”;

“50 trang Zarathustra làm giấy quấn thuốc đổi được một đơn vị muối, 70 trang thậm chí được 1 đơn vị đường. Tôi đổi cuốn Faust bìa vải cho Peter Schiel lấy lược thiếc chải chí cho riêng mình. Tôi ăn tuyển tập thơ ca 8 thế kỷ dưới dạng bột ngô và mỡ lợn, còn cuốn Weinheber mỏng thì hóa thành hạt kê”.

Than ôi! Nước hoa – súp rau; Zarathustra – muối và đường; Faust – lược chải chí; thơ ca – bột ngô và mỡ lợn – những phép biến hình ấy không theo một quy tắc biến hình logic nào, tất cả đã bị vò nát đến lõng bõng rồi được nhét vào một lò mổ, nơi sát sinh mọi ý nghĩa và triết học và những điều lãng mạn và những thứ mà tâm hồn ta sống vì. Nào là Zarathustra, nào là Faust, nếu như những con người ấy có tồn tại trên đời và bị đẩy vào một trại Gulag, họ liệu còn có thể nói được những lời minh triết cao ngạo rằng kẻ nào leo tới đỉnh núi cao nhất sẽ cười trước mọi bi kịch đau thương dù có thật hay tưởng tượng, liệu họ có còn đủ sức mà giao kèo cùng quỷ dữ, hay chính họ cũng chỉ còn là sở hữu của thần đói, bị nhốt bên trong mình mà vẫn không thấy mình thuộc về mình, hay có lẽ họ cũng chỉ đi ăn xin, cũng ốm xi măng, cũng lấy đi mẩu bánh mì cuối cùng của một người vừa chết và nhận ra mình chỉ là con bọ tầng hầm.

Không ai viết về cái đói giống như Herta Müller, tàn bạo mà không ủy mị, khốc liệt mà không giật gân hay mua nước mắt. Trước Müller, nhà văn Thụy Điển Knut Hamsen, cũng là chủ nhân giải thưởng Nobel Văn chương, từng có một tiểu thuyết nổi tiếng mang tên Đói mà trong đó ông kể về một tay nhà báo nghèo chống cự với cơn đói trong khi cố gắng kiếm sống bằng một bài báo mà y mãi không sao nặn ra nổi một chữ. Cái đói của Hamsen cũng dẫn tới trùng trùng ảo giác, nhưng cái đói của Müller đã trở thành một bản thể vươn lên từ ký sinh trùng thành thần thánh, và Chúa có thể bị giết nhưng thần đói thì không bao giờ chết. Cái đói toan tính và lừa mị, người ta sợ cái đói không phải vì sợ nó mà vì sợ sẽ mơ về một điều gì khác tốt đẹp hơn cái đói. Người ta sợ cả hy vọng và những giấc mơ. Con người đã bị hút sạch sẽ khỏi chính cuộc đời mình theo cách ấy. Họ đều là những linh hồn rỗng.

Rỗng ngay từ đầu, nhân vật tôi đã không ở đó ngay từ đầu, như trong câu mở của Atemschaukel:

Tôi đem theo tất cả những gì tôi có.
Hoặc là: tôi đem theo tất cả những gì là của tôi.
Tôi đem theo tất cả những gì tôi có. Nhưng chúng không phải là của tôi”.

Chỉ để nói một ý thật đơn giản nhưng Müller đã mất những bốn câu để cố gắng diễn giải mối quan hệ giữa “tôi” và “những gì của tôi”, và rồi sau đó là một đoạn liệt kê những món đồ mà mọi người dúi vào tay nhân vật chính khi biết anh sẽ phải tới chỗ người Nga, họ cho anh tất vì đã biết cũng chẳng cứu vãn được gì. Bốn câu chỉ để người ta biết anh không có gì theo mọi nhẽ, anh là một thế thân, mọi thứ của anh đều được nhồi nhét từ bên ngoài nhưng anh về bản chất đã trống hoác.

Để rồi cho tới tận những dòng cuối cùng, khi anh đã đi qua một hành trình chết đi sống lại để về nhà, anh vẫn không hơn gì một cái quan tài rỗng, chẳng đựng cái xác nào ở trong nó. Một người hùng trong tiểu thuyết truyền thống luôn rời khỏi “vương quốc” để bước vào hành trình khám phá một “kho báu” nào đó. Vậy mà Leo Auberg cũng lên đường, cũng trở về, song kho báu anh thu hái được chỉ là anh “đã từng ở đó”. Trước và sau Gulag, không có anh. Anh làm sao xây đắp được những ký ức mới trong khi những ký ức không chịu ngủ yên – những ký ức cũ như một bao xi măng ướt không bao giờ khô lại, không cho ta đắp gạch lên để che giấu nó.

Hình ảnh cuối cùng của Nhịp thở chao nghiêng, Leo Auberg nhảy với cái ấm pha trà, với lọ đường, với hộp bánh quy, với gạt tàn thuốc lá, với chìa khóa nhà, với điện thoại, với cả một hạt nho khô mà anh sẽ nuốt nó vào miệng và thấy một điều gì đó “xa xôi”. Một hình ảnh nên thơ khủng khiếp mà cũng đáng sợ tột cùng, nên thơ vì con người có thể nhìn ra điệu luân vũ bên trong những đồ vật tầm thường nhất, nhưng đáng sợ vì trước đó, anh đã định nói chuyện với một người đàn ông song anh lại thôi, anh muốn nói chuyện với một con chó song anh lại thôi, anh chỉ có thể giam linh hồn mình trong một căn phòng với đồ đạc vô tri, chẳng khác gì một người tự đào hố chôn mình, song nếu không tự chôn mình thì anh cũng đâu còn biết làm gì với mình thêm nữa.□

Tác giả

(Visited 45 times, 1 visits today)