Một cuộc phiêu lưu phi thực
Thật không thể tưởng tượng một nhà vật lý từng đoạt giải Nobel lại có đam mê bất ngờ với một quốc gia nhỏ bé gần như biệt lập với cả thế giới đến mức dành quãng thời gian ngắn ngủi cuối đời để chuẩn bị cho chuyến đi phi thực đến nơi ấy.
Nhưng điều đó đã xảy ra, với Richard Feynman, người có hành xử kỳ lạ như các hạt electron, và với Tuva, cái tên mà giờ đây vẫn còn xa lạ với nhiều người.
Nếu lật lại những trang cuộc đời của Feynman, bước vào thế giới tuổi thơ của ông, chúng ta sẽ thấy một cậu bé 11 tuổi háo hức trước những con tem hình dáng khác biệt, hình thoi và tam giác, từ vùng đất xa lạ Tannu Tuva và được cha mình chỉ cho cái chấm bé tí màu tía nằm phía Tây Bắc Mông Cổ. Hơn 50 năm sau, trong một ngày hè nắng ấm, nhà vật lý làm việc tại Caltech tình cờ sống lại cảm giác háo hức khó cắt nghĩa. “Một khi tôi chạm đến một câu đố, tôi không thể rời nó được”, câu nói này của Feynman đã gói ghém toàn bộ niềm đam mê bất ngờ của ông với Tuva và lý giải toàn bộ nỗ lực kỳ quặc mà ông và Ralph Leighton, người bạn vong niên cùng chơi trống bongo và là con trai của nhà vật lý đồng nghiệp Caltech, Robert B. Leighton, đã cùng nhau trải nghiệm. Tất cả những điều đó đã được Ralph Leighton hồi tưởng trong cuốn sách mình xuất bản vào năm 1991 Tuva or Bust: Richard Feynman’s last Journey – năm 2014, cuốn sách được NXB Trẻ ấn hành ở Việt Nam với tiêu đề Cuộc phiêu lưu cuối cùng của Feynman 1.
Tuva, cái tên tưởng chừng đã bị lãng quên trong ký ức tuổi teen và lại càng dễ bị bỏ qua khi bước vào thế giới vi mô đầy những hiện tượng phức tạp, nơi hành xử phản trực giác của vật chất là các hạt hạ nguyên tử khiến người ta thường không dễ cắt nghĩa. Feynman đã ngụp lặn trong thế giới ấy và tái diễn tả tương tác của chúng bằng những giản đồ đơn giản 2. “Feynman nhận giải Nobel cho tích phân quỹ đạo và giản đồ Feynman, chứng minh điện động lực lượng tử tái chuẩn hóa được cho mọi tả chính xác thế giới vi mô. Đóng góp của Feynman lớn đến mức, mọi công trình về vật lý hạt đều sử dụng kỹ thuật tính toán của Feynman. Có thể nói, không có Feynman thì không có vật lý hiện đại ngày nay”, một nhà vật lý từng giành giải Tạ Quang Bửu nhận xét về đóng góp của Feynman.
Vật lý đã choán hết mọi quan tâm của ông rồi ư? Thật là là Tuva vẫn ở đâu đó trong một ngăn ký ức của Feynman để rồi bật ra theo một câu hỏi tinh quái “Vậy chuyện gì xảy ra với Tannu Tuva?”, trong cuộc trò chuyện về tên các quốc gia với Leighton, lúc đó là một giáo viên toán phổ thông. Có lẽ, cả hai đều không nghĩ rằng, câu hỏi này đã mở đường cho cả hai bước vào kế hoạch không tưởng: đến Kyzyl, thủ đô của Tuva bởi theo lý giải của Feynman thì “một nơi mà được đánh vần là K-Y-Z-Y-L thì hẳn phải thú vị lắm đấy”. Có lẽ ở thời điểm hiện nay, việc lên internet, đặt một chuyến máy bay và xin visa tới một quốc gia không còn là chuyện lạ nhưng ở thời điểm cuối những năm 1970, cuộc chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô (Tuva thuộc Liên Xô) đã đẩy chuyến đi này vào thế gần như không tưởng. Lần lượt các biến cố của thế giới, cả về mặt quân sự lẫn dân sự, đã dội thêm chông gai vào kế hoạch của họ.
Nhưng cũng giống như các quá trình của tự nhiên tuân theo giản đồ Feynman, những suy nghĩ và hành động đầy say mê sau đó của cả Feynman và Leighton đã đưa họ đến với những điều-tưởng-chừng-không-tưởng-nhưng-có-thực diễn ra sau đó, trong vòng hơn thập kỷ. Leighton, trong sự khuyến khích dẫn đường của Feynman, đã bước vào một cuộc tìm kiếm Tuva từ mọi ngóc ngách, từ mọi con đường, kể cả việc viết thư gửi Đài phát thành Moskva, viết thư cho một nhà nghiên cứu ở Tuva hay các bức thư trao đổi với tác giả các cuốn sách hiếm hoi xuất bản ở phương Tây về Tuva, Những người du mục ở Nam Tuva (NXB Cambrigde, 1999) của nhà nghiên cứu Sevyan Vainshtein mà tên nguyên bản là Dân tộc học lịch sử của người Tuva. Đây là một cuốn sách hiếm hoi của các nhà dân tộc học Liên Xô viết về Tuva được xuất bản ở phương Tây và theo lời giới thiệu của nhà nhân học Anh Caroline Humphrey “Tuva thật biệt lập, điều đó giữ cho con người ở miền đất này tránh được sự soi mói từ bên ngoài cho đến tận thời gian gần đây. Nhưng một loạt nghiên cứu thực địa của các nhà nhân học Xô Viết làm việc tương đối độc lập với nhau, đã làm sáng tỏ một điều lý thú rằng, Tuva là nơi giao tụ của ba hệ kinh tế truyền thống quan trọng nhất của Trung Á”.
Tuva, một thiên đường bị lãng quên của thế gian, đã trở thành cái đích đẹp đẽ để hướng đến của nhà vật lý lừng danh, ngay cả sau hai lần phẫu thuật ung thư. Có lẽ, không có niềm say mê ngây thơ đến kỳ cục của Feynman thì chắc hẳn Leighton và bạn của anh không thể kiên nhẫn dò theo từng bước, thậm chí dò theo cả cuốn từ điển hiếm hoi mà mình có để đọc những dòng chữ “45 tuyết rơi tôi” trong bức thư gửi từ Tuva, tiến từng bước trên hành trình khám phá ấy. Điểm thưởng cho họ, nếu gọi là như vậy, trên con đường đó, chính là những phút giây thưởng ngoạn kỹ thuật hát kỳ lạ, “khoomei”, hầu âm xướng hay đồng song thanh. “Những âm thanh trên cái đĩa hát thật quá đỗi kinh ngạc: làm thế nào một ca sĩ có thể hát đồng thời hai nốt? Thoạt tiên, ‘giọng’ cao hơn vút lên như một tiếng sáo, vài quãng cao hơn giọng cơ bản. Rồi đến các kiểu hát khoomei khác lạ hơn mà kỳ dị nhất trong đó là cách hát ‘liến láu’, nghe như tiếng côn trùng xa xôi quện lại”…
Những cuốn hút về văn hóa, chứ không phải thuần túy là sự tò mò của người phương Tây trước những biểu hiện ngoại lai, đã đưa Leighton đến với những chuyến đi “dọn đường” cho Feynman tới Tuva, trong đó có cuộc triển lãm văn hóa ở Bảo tàng lịch sử Göteborg, Thụy Điển. Họ lên một kế hoạch điên rồ là tổ chức một triển lãm tương tự ở Los Angeles, một sự kiện văn hóa có thể đưa họ tới gần Tuva. Đó là một cuộc triển lãm mang tên “Những người du mục Âu Á” với những đồ tạo tác Tuva cổ đại.
Chúng ta biết rằng, trong những năm cuối đời, Feynman phải chịu đựng sự tàn phá sức khỏe của ung thư. Sự sống còn lại trong cơ thể ấy đã phải tính từng ngày, từng tháng. “Tù trưởng hay bị mệt và đôi khi chán nản”… Nhưng có lẽ, niềm vui và sự say mê mà ông thấy từ cuộc sống, từ hành trình không tưởng đến Tuva mà ông thắp lên không chỉ cuốn hút các bạn trẻ mà còn đem lại cho chính mình niềm hạnh phúc khôn nguôi, “khi ông bắt đầu nói về Tuva thì cảm giác đau ốm của ông biến mất. Gương mặt ông sáng lên, đôi mắt ông lấp lánh, lòng nhiệt thành đối với cuộc đời của ông dễ lây lan sang người khác”.
Có lẽ, cho đến những ngày cuối đời, Feynman vẫn còn giữ được trong mình niềm vui sống, bất chấp phải mang căn bệnh bên mình. “Tôi đã ham muốn rất nhiều khi học vẽ, bởi một nguyên nhân mà tôi từng giữ cho chính mình: tôi muốn truyền đi tải cảm xúc mà tôi có về vẻ đẹp của thế giới này”, ông từng thổ lộ như vậy.
Niềm đam mê cái đẹp của thế giới ấy đã thôi thúc ông đến với Tuva, một cuộc hành trình vĩnh viễn trong tâm tưởng bởi ông không còn cơ hội để tới được nơi đó nữa, sau khi sự sống đã bị rút cạn vào ngày 15/2/1988. Rút cục, những người bạn, với sự khuyến khích của ông, đã tổ chức cuộc triển lãm giới thiệu văn hóa và thay mặt nhà vật lý để đến với mảnh đất biệt lập này, trong cảm giác đau nhói.
Đó là cũng là khởi điểm của những trao đổi văn hóa giữa Tuva với thế giới bên ngoài ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Và là lý do để Leighton và những người bạn của anh lập trang web mang tên Những người bạn của Tuva để giới thiệu về Tuva và người bạn lớn của vùng đất này, Feynman.
Những cảm xúc về một cuộc hành trình tưởng chừng không tưởng, một cuộc hành trình vĩnh viễn trong tâm tưởng của Feynman, do đó, sẽ đưa chúng ta đến với những trang sách của Cuộc phiêu lưu cuối cùng của Feynman, không chỉ một lần.
———————————
1. https://www.nxbtre.com.vn/sach/khoa-hoc-kham-pha-cuoc-phieu-luu-cuoi-cung-cua-feynman-12996.html
2. http://tiasang.com.vn/van-hoa/song-sot-trong-the-gioi-cua-nhung-titan/