Novecento – Nghệ sĩ dương cầm trên đại dương: Dư thanh của hư vô

Cuộc hải hành này không phải một lát cắt ẩn dụ cho cuộc đời. Cuộc hải hành chính là cuộc đời, của 1900, của âm nhạc Novecento chơi.

Một cuốn sách như Novecento tự tạo lập nên một khu tự trị cho riêng nó.

Ta vừa đọc gì đây? Một tiểu thuyết ư? Một novella ư? Một áng thơ? Một bản prelude? Người ta xếp Novecento của Alessandro Baricco là một độc thoại sân khấu. Nhưng dù ta đặt nó vào đâu thì điều ta nhận ra cũng là, mọi cách phân chia thể loại của chúng ta đều chỉ là một hình thức đàn áp văn chương, chia văn chương vào những phòng giam mang tên “genre”. Novecento như một… con thú mỏ vịt – loài động vật này, khi mới được biết đến, còn bị nhiều khoa học gia cho là trò lừa, xếp nó vào đâu đây? Động vật có vú ư? Nhưng nó đẻ trứng mà. Cấu tạo di truyền của nó cũng có đặc điểm của chim, của bò sát. Một cuốn sách như Novecento tự tạo lập nên một khu tự trị cho riêng nó.

Cũng tự trị như con tàu Virginia vượt Đại Tây Dương, từ châu Âu tới Mỹ, từ Mỹ tới châu Âu, từ châu Âu lại tới Mỹ, cứ thế mãi, cho đến khi chiến tranh chấm dứt và con tàu chỉ còn là một đống thép han gỉ, cần phải nổ tung một lần rồi thôi. Cũng tự trị như người nghệ sĩ dương cầm với cái tên kỳ lạ – Novecento, hay 1900 – đã sinh ra, sống, chơi đàn, và chết chỉ trên con tàu ấy. Cũng tự trị như thứ “âm nhạc” của anh, nếu có thể gọi đó là âm nhạc, dù với những ai đã từng ai nghe anh chơi đàn, đều cảm thấy như thứ phát ra từ những đầu ngón tay của anh là một thứ chưa từng tồn tại trước đó, và khi anh rời khỏi phím đàn, âm thanh ấy cũng không bao giờ còn tồn tại nữa. Gọi nó là “âm nhạc” cũng chỉ là một cách gọi cho tiện mà thôi. Vì ta không có ngôn từ nào khác. Vì ngôn từ thì khiếm khuyết, đầy lỗ rò, đầy sai số. Còn âm nhạc của 1900, có lẽ là một thứ đồng thời liên tục chuyển dời không thể nắm bắt, đồng thời cũng tuyệt đối đến mức không thể nằm gọn vào đâu.

Âm nhạc ấy có lẽ là một vụ nổ lớn khai sinh ra vũ trụ của riêng mình.

Chúng ta đã biết nhiều những cuộc đời gói gọn trên một chuyến hải hành. Thế Titanic chẳng phải là câu chuyện về một cuộc đời, một cuộc tình, câu chuyện của một cặp tình nhân đã sống, đã yêu, đã chia ly trên chỉ một chuyến xuyên đại dương. Thế Cuộc đời của Pi chẳng phải là câu chuyện về một cuộc sinh tồn, phân thân, đắc đạo, giác ngộ trên một chiếc bè trôi nổi giữa mênh mông biển cả. Nhưng cũng không có câu chuyện nào như câu chuyện của 1900. Tất cả những câu chuyện ấy chỉ là một chuyến hải hành, có khởi đầu và có kết thúc. Ở đây là vô tận những chuyến hải hành, đi và về, về rồi đi, vòng quanh luân chuyển như một bánh xe luân hồi. Cuộc hải hành không phải một lát cắt ẩn dụ cho cuộc đời. Cuộc hải hành chính là cuộc đời, của 1900, của âm nhạc anh chơi.

Âm nhạc của 1900, trung tâm của nó không phải con người, trung tâm của nó là chính nó, nó tự tồn tại chỉ để lý giải cho chính nó, không khiến ai quên đi linh hồn mình cả.

Alessandro Baricco yêu những thế giới đóng kín. Cũng giống như cái nơi “chân mây cuối trời” nằm trong lòng nước Nhật mà người buôn tằm Hervé Joncour đã tới trong kiệt tác Lụa của Alessandro Baricco, cuộc hải hành của tàu Virginia là một thế giới tưởng chừng ai cũng có thể bước lên nhưng sau rốt là một thế giới đóng kín. 1900 trong mắt người kể chuyện của cuốn sách, Tim Tooney – chàng nghệ sĩ trumpet, có lẽ cũng giống cô gái trẻ người Nhật bí ẩn và mãi luôn bí ẩn mà Joncour không bao giờ hiểu nổi. Ta trôi dạt. Họ thì cố định. Ta thay đổi. Họ thì như nhất. Ta là biến số. Họ là hằng số. Ta cứ tưởng hằng số cố định thì luôn dễ hiểu hơn.

Nhưng tại sao phải là một thế giới đóng kín? Tại sao người nghệ sĩ dương cầm vĩ đại nhất trên trần gian này chỉ có thể là một người sống và chết trên một con tàu, chưa bao giờ bước xuống, từ chối bước xuống? Dường như câu hỏi ấy thừa. Đương nhiên nó phải là một thế giới đóng kín, để chặn lối sự uế tạp, để bảo quản cái tinh khiết, để không làm oxy hoá những tinh thể của cái đẹp. Nhưng nếu vậy, cái đẹp này để làm gì?; cho ai?; có ý nghĩa gì không nếu nó không phụng sự lý tưởng nào của con người, không mắc míu vào đời sống của con người, vào sung sướng hay khổ đau của con người, vào hiện thực của con người?

Câu trả lời cũng có luôn. Đối lập với 1900, Jelly Roll Morton, người phát minh nhạc jazz, sinh ra từ thế giới bên ngoài, những nhà thổ là nơi nuôi dưỡng âm nhạc của ông. Ông có thể tạo ra thứ âm nhạc “giống như làn áo lót bằng lụa đang nhè nhẹ buông dọc thân thể một người đàn bà… hiện diện tất cả những nhà chứa gái của nước Mỹ”, thứ âm nhạc“tưởng chừng như ở trong đó có tất cả những bông vải của toàn thể bọn mọi đen trên thế giới…” Nghe nhạc ông, người ta bỏ lại linh hồn đằng sau. Ông lên tàu thách đấu với 1900. Ba vòng thi. Vòng đầu 1900 chơi một bản nhạc con nít. Vòng hai 1900 chơi lại đúng bản nhạc Jelly Roll chơi. Chỉ còn vòng ba. Sau khi Jelly Roll biểu diễn một bản nhạc như “ảo thuật”, 1900 mới tức giận, ngồi vào đàn, chơi một thứ nhạc khiến tất cả khiến Jelly Roll câm lặng.

Âm nhạc của Jelly Roll, một thứ âm nhạc dĩ nhân vi trung (anthropocentrism), luôn đặt con người làm trung tâm, thì sau rốt chỉ là màn “ảo thuật”, nghĩa là một màn diễn, một sự bóp méo hiện thực, một sự kiêu ngạo khiến con người quên mất linh hồn mình. Âm nhạc của 1900, trung tâm của nó không phải con người, trung tâm của nó là chính nó, nó tự tồn tại chỉ để lý giải cho chính nó, không khiến ai quên đi linh hồn mình cả. Có lẽ là người ta thấy linh hồn mình như một mảnh phân tán trong linh hồn thế giới. Con người là một phần của âm nhạc, nó không phải ảo ảnh, không phải lễ hội phù phiếm, nó không vượt lên ai hết, nó là nó, trong nó đã có tất cả. 1900 không bao giờ bước xuống tàu, và anh nằm lòng cái thế giới ngoài kia qua câu chuyện của những vị khách trên tàu, anh không cần tới Paris để biết Paris, không cần yêu để biết tình yêu. Nghệ thuật đích thực ngay cả khi nằm trong tháp ngà thì cũng đủ sức đọc cả thế giới. Không phải vì nó là một vị Chúa ở trên cao nhìn xuống và biết hết. Mà vì nó ở cùng độ cao với con người (chiến thắng của 1900 cũng không giống như chiến thắng của Apollo trước Marsyas, chiến thắng của thần thánh trước sinh vật thứ cấp). Không phải vì nó là một chân lý đậm đặc, mà vì nó trong suốt. Và vì nó trong suốt, nó đi xuyên qua, len lỏi, lắng nghe, thâu nhận sự tồn tại của ta như vốn là. Bằng cách không đặt con người ở trung tâm, nó lại đi được sâu hơn vào con người.

Cũng chẳng có gì lạ khi ta không biết 1900 đã học dương cầm ở đâu. Một ngày nọ, anh biến mất. Người ta tưởng anh đã lẻn khỏi tàu. Một ngày khác, anh xuất hiện trở lại, bỗng nhiên chơi dương cầm. Ta không khỏi nghĩ rằng có lẽ con tàu đã cho anh mượn sức mạnh ấy, cùng với lời giao kết rằng anh sẽ mãi phải ở lại đây phụng sự con tàu, cả khi con tàu sẽ bị đánh đắm vào vực sâu biển cả. Không giấy tờ, không ghi chép, anh chưa từng tồn tại, anh đến từ con tàu và sẽ biến mất cùng con tàu, âm nhạc của anh cũng sẽ biến mất với con tàu, không có bằng chứng rằng anh và thứ âm nhạc này đã ở đó, hoạ may chỉ còn là một ký ức trong những người đã từng nghe anh, nhưng họ biết làm thế nào để chứng thực, vì đến lượt họ rồi cũng sẽ chết mà thôi. Anh là dư thanh của hư vô.

Một trong những phân đoạn kỳ lạ nhất, mà về sau khi lên phim đã được Giuseppe Tornatore điện ảnh hoá đầy duyên dáng, là cảnh 1900 tháo phanh cây đàn piano, và “lái” chiếc đàn trong khi con tàu chòng chành giữa cơn giông tố. Cây đàn trượt đi, và anh vẫn chơi đàn say sưa, tất cả đã đổ vỡ xung quanh nhưng anh vẫn còn chơi nhạc. Đó là một đoạn văn đẹp nao lòng về một con người trong thế giới tự trị của mình, của âm nhạc. Đẹp, không chỉ vì nó không rụt rè trước giống tố – nó hấp thụ cả giông tố, mà vì nó còn không cả rụt rè trước số phận đã định rằng nó sẽ lại về với hư vô – nó hấp thụ cả hư vô. Nó là tất cả, vì nó chứa đựng cả không gì cả.

Bài đăng Tia Sáng số 6/2025

Tác giả

(Visited 153 times, 6 visits today)