“Vùng đất quỷ tha ma bắt”: Lễ chiêu hồn ký ức
Những câu chuyện khiến ta cười trong chua xót ấy đều đến từ một thời kỳ khi những ngôi làng bỗng hóa thành thị trấn, đất bỗng hóa thành bê tông, rừng tre bỗng hóa ra rừng cột thép, người nông dân bỗng không còn là người nông dân nữa. Nông thôn bị xâu xé bởi đồ nhập khẩu, nhà cao tầng, xe lửa, những dự án quy hoạch đất đai, tiền. Và đó cũng là bối cảnh ra đời tiểu thuyết "Vùng đất quỷ tha ma bắt" của tiểu thuyết gia hiện đại Đài Loan, Trần Tư Hoành.
Ai đã từng xem The Sandwich man, một trong những bộ phim đầu tiên của Làn sóng mới điện ảnh Đài Loan diễn ra vào đầu thập niên 1980, chắc sẽ không quên những câu chuyện về một người đàn ông nghèo khoác bộ đồ hề chèo rồi hành nghề… đeo biển quảng cáo, câu chuyện về hai người bán những chiếc nồi áp suất Nhật Bản được ngợi ca là ưu việt, để rồi cái nồi bị nổ khiến một người đầu suýt lìa khỏi cổ, hay câu chuyện một gia đình xóm liều một hôm nghe tin ông chồng bị xe ô tô của quan chức Hoa Kỳ cán phải, cả gia đình bỗng nhận được biệt đãi từ những người ngoại quốc. Những câu chuyện khiến ta cười trong chua xót ấy đều đến từ một thời kỳ khi những ngôi làng bỗng hóa thành thị trấn, đất bỗng hóa thành bê tông, rừng tre bỗng hóa ra rừng cột thép, người nông dân bỗng không còn là người nông dân nữa. Nông thôn bị xâu xé bởi đồ nhập khẩu, nhà cao tầng, xe lửa, những dự án quy hoạch đất đai, tiền. Và đó cũng là bối cảnh ra đời tiểu thuyết Vùng đất quỷ tha ma bắt của tiểu thuyết gia hiện đại Đài Loan, Trần Tư Hoành.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết (có lẽ) là một cái làng, trong cái làng có một cái nhà, cái nhà ấy gồm người cha, người mẹ, năm cô con gái lớn và hai cậu con trai út. Trong ba người đàn ông có hai người đồng tính. Trong bảy thành viên của gia đình thì hai người là hồn ma, một người tưởng chết cháy hóa ra còn sống, những người nghĩ còn sống nhưng thật ra cũng không khác chi đã chết trong hầm mộ. Một kẻ tự giết mình. Một kẻ đi giết người. Một vài kẻ hình như cũng muốn giết người, chỉ là chưa có cơ hội nào để giết, hoặc đã ủ mưu rồi mà kẻ mình muốn giết lại sống quá dai. Một người vô tình đẩy người khác vào chỗ chết. Đó là cái làng nơi người âm và người dương chồng chéo lên nhau trong mùi tương đậu nành, mùi cống rãnh, mùi những thứ thuốc làm tóc rẻ tiền, mùi kim loại cháy, và kẻ nào cũng chịu đựng một chấn thương theo cách của mình, một cái làng đâu đó khiến ta liên tưởng tới làng Comala của Juan Rulfo hoặc hạt Yoknapatawpha của Faulkner – một kiểu “tam giác quỷ” trong thế giới văn chương, nơi người ta mãi mãi bị ếm nguyền.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày rằm tháng bảy – ngày xá tội vong nhân, ngày người chết trở về, cậu em út của nhà họ Trần từ Berlin trở về quê hương sau nhiều năm xộ khám vì tội giết người. Từ đó như mở ra một buổi chiêu hồn, từng linh hồn trong gia đình dù còn sống hay đã chết được gọi lên thay phiên nhau kể chuyện, những giọng kể của họ lẫn lộn giữa hiện thực và huyền ảo, hiện thực và quá khứ, hiện thực và phi hiện thực. Đôi khi để dễ theo dõi, người đọc sẽ phải dùng một cây bút chì đánh dấu lại ở từng chương rằng chương này mang giọng kể của ai, ai đang nói, bởi đó là một cuốn tiểu thuyết bắt người đọc nhìn từ trên xuống như khi đang chơi trò ghép hình, mỗi phần được xắt thành những miếng ghép rất nhỏ, ta nhặt từng miếng ghép lên, liền phải xem nó ứng vào đâu trong bức tranh tổng thể.
Điều đó là một trong những nguyên nhân khiến cho cuốn tiểu thuyết này, giống như Những chuyện tình thế kỷ mới của Tàn Tuyết (dù ắt hẳn, cuốn sách của Tàn Tuyết đạt tới một mức độ toàn bích khác) trở thành một tác phẩm khiến người ta vẫn có thể đặt niềm tin vào việc đọc tiểu thuyết, rằng vẫn còn lại một vài cách kể chuyện là “độc quyền” của riêng tiểu thuyết, những điều mà điện ảnh hay truyền hình vẫn chưa thể bắt chước hoàn toàn hay chiếm đoạt. Sự mềm dẻo và tính chất phi vật lý của từ ngữ cho phép nó trượt ra khỏi những ranh giới dễ dàng hơn hình ảnh, cho phép văn chương cắt vụn thế giới, xáo trộn chúng lên mà không làm thế giới ấy nát bấy, vẫn có thể di chuyển từ điểm vụn này tới điểm vụn kia trong nháy mắt.
Và nguyên nhân thứ hai khiến cuốn sách này làm chúng ta tin vào văn chương, rằng văn chương không phải nô lệ được giao phó nhiệm vụ vạch trần hiện thực – không ai cần đến văn chương, thứ nghệ thuật chậm nhất trong các loại nghệ thuật, phải đi vạch trần những điều mà cả thế gian này đều đã rõ rành rành từ lâu. Người ta rất dễ “sa ngã” vào ý tưởng cho rằng Vùng đất quỷ tha ma bắt vạch trần những hiện thực tàn khốc (hay tệ hơn, một cáo trạng) về bạo lực gia đình, sự kỳ thị người đồng tính, tư tưởng trọng nam khinh nữ, nạn tham ô tham nhũng, tranh chấp đất đai, thiên tai, bạo lực học đường, nạn bắt bớ trong thời kỳ Quốc dân Đảng nắm quyền và ti tỉ những cụm từ khái quát các vấn đề xã hội nan giải khác… Nhưng quy về các chủ đề, có khi nào đó là cách nhanh nhất để triệt hạ văn chương?
Một ví dụ nhỏ, khi Trần Tư Hoành kể về vợ chồng người chị cả, người chồng đổ hàng trăm triệu vào việc kinh doanh một vườn lan để rồi kết cục thảm bại, đó liệu có phải nhằm phê phán những phong trào buôn bán tạm bợ và sự vô tích sự của những gã đàn ông chăng, hay đơn giản chỉ để thỏa sức tưởng tượng về một người đàn ông ấy thủ dâm trước hoa lan và ngủ chung với hoa lan, thỏa sức phóng đại những gì không có thật để tìm kiếm cái mà Nabokov gọi là “sự thật nghệ thuật”. Và cũng nói như Vladimir Nabokov thì “cuộc truy tìm đời sống thực, con người thực, vân vân là quá trình vô nghĩa khi nói về sách. Trong một cuốn sách, hiện thực của một con người, một món đồ, hay một bối cảnh chỉ phụ thuộc duy nhất vào cái thế giới trong cuốn sách đó. Một tác giả độc đáo luôn luôn chế ra một thế giới độc đáo…”.
Thứ khiến chúng ta rúng động khi đọc cuốn sách này nhất định không phải vì nó miêu tả cặn kẽ thói kỳ thị đồng tính của xã hội Đài Loan – cái đó đọc một bản tin truyền hình cũng đã đủ rồi, mà vì chi tiết khi bà mẹ nhìn thấy đứa con trai út đang nắm lấy dương vật của một thằng con trai khác, thì đó là trong một đêm mưa đá ào ào mà vong linh người cha khi nghĩ lại chỉ “muốn móc cơn mưa đá ra khỏi tai mình”. Có lẽ không nên coi tòa Bạch Cung với cái vườn thú có con hà mã châu Phi mà tay thiếu gia xây nên để đón cô chị tư về ở chỉ là sự văn chương hóa những mâu thuẫn đất đai trong quá trình nông thôn đổi mới, văn chương không bao giờ chỉ là cuộc đắp điếm lên cái thực tại để kể chuyện cho hấp dẫn hơn, dù có thể sự đại khái hóa, phiên phiến hóa rằng văn chương đang phục vụ một mục đích thực tiễn nào đó sẽ giúp văn chương có vẻ gần gũi và dễ hiểu hơn với công chúng, nhưng cuối cùng văn chương chỉ phục vụ một mục đích duy nhất và cao nhất: chính nó. Và chính ở một cuốn tiểu thuyết có vẻ như thu thập rất nhiều nguyên liệu đời sống để chưng cất lên như Vùng đất quỷ tha ma bắt mà ta lại càng thấy rõ hơn sự tách biệt tinh khiết của văn chương.
Một tiểu thuyết gia nước ngoài so sánh cuốn sách như một chiếc vali nén đầy những ký ức chỉ chực chờ bung ra, còn tôi muốn so sánh nó như một chiếc bàn thờ ký ức, nơi thay vì đặt lên những mâm ngũ quả hay những khay oản, những đĩa xôi, thì người ta đặt lên đó tất cả những đĩa ký ức, thắp một nén nhang, cầu mong siêu thoát. Nhưng người ta có thể siêu thoát được không? Và “sự thật nghệ thuật” trong cuốn tiểu thuyết này là gì?
Có lẽ sẽ có rất nhiều kiến giải. Nhưng với riêng tôi, đó là sự không-thể-siêu-thoát một khi đã hiện diện trên trần thế này, dù là người hay đã thành ma, dù là trai hay là gái, dù là già hay là trẻ, dù là “thẳng” hay là “cong”, dù có tội hay chưa có tội. Người cha và cậu con trai út đều là những người đồng tính, một che giấu mãi thân phận trong một cái tháp nước, một có thể tới trời Âu và sống thực với xu hướng tính dục của mình; anh trai và em trai, một là gã trai dị tính cũng từng nếm chút ít vị vinh hoa khi nở mày nở mặt leo lên tới chức xã trưởng và một là nhà văn – cái nghề nghiệp luôn dạt ra bên lề xã hội; năm chị em gái, người có đầu óc người có ngực bự, người trên danh nghĩa trở thành mệnh phụ phu nhân, người làm vợ MC nổi tiếng còn người chỉ là vợ một gã đàn ông vô dụng, người ngồn ngộn ham muốn dục tình, người dị ứng nổi mề đay với những lần ân ái – ai trong số họ là người hạnh phúc nhất? Ai trong số họ thực sự được yêu? Mà được yêu có thay đổi điều gì không?
Trong cuốn tiểu thuyết này có một trận động đất. Trận động đất quét qua đảo Đài Loan, khiến cho những tòa nhà sụp đổ, những ngọn núi sụp đổ, rất nhiều thứ sụp đổ. Ta những mong một trận động đất như thế (như một cơn hồng thủy chẳng hạn) sẽ nuốt vào khe nứt của đất những tàn dư bất hạnh để tạo nên một cuộc đời mới, một cuộc giải thoát hay siêu độ, nhưng không, thứ duy nhất đến động đất cũng không thể đánh sập là chấn thương của con người. Khổ đau là muôn đời. □