Thánh địa Mỹ Sơn: Con đường Thần đạo 

Nằm lẻ loi và tách biệt khỏi những nhóm đền tháp với kiến trúc độc đáo, tháp K tựa như một ngọn tháp đã rơi vào quên lãng, thưa thớt dấu chân người ghé đến.

Các nhà khảo cổ đang khai quật làm rõ con đường thần đạo dẫn từ khu tháp K.

Giờ đây, một con đường dẫn từ tháp K đến các đền tháp khác trong quần thể thánh địa Mỹ Sơn đang dần hiện ra, đặt ra giả thiết về vai trò của tháp K như một điểm khởi đầu con đường dẫn để Thần linh – Vua chúa và Tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng của thánh địa.

Mặt trời điểm chính Ngọ, ánh nắng gay gắt phủ xuống vùng thung lũng hẹp, ẩn nấp giữa những rặng núi thấp – thánh địa Mỹ Sơn hiện lên kỳ bí và trang nghiêm. Dưới cái nắng miền Trung, từng đoàn khách du lịch vẫn đang ngắm nhìn những đài thờ vuông được ghép từ các khối sa thạch, phía trên là bộ ngẫu tượng Linga và Yoni liền khối. 

Thật khó để mường tượng khu phế tích khảo cổ học, ngổn ngang, vụn vỡ này đã từng là vùng thánh đô hoàng gia lộng lẫy không khỏi khiến ta nghĩ đến những câu thơ của Chế Lan Viên Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than. Bên cạnh những kiến trúc hiện còn ở Mỹ Sơn, các chuyên gia ghi nhận nhiều dấu tích kiến trúc bị sụp đổ hoàn toàn, vì lẽ đó nhiều người đã từng ngậm ngùi rằng những công trình đã biết “còn xa mới có thể đại diện cho toàn thể các công trình đã từng hiện diện nơi đây”.

Cách đó không xa, tách bạch khỏi sự ồn ã của nhóm khách du lịch, các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam) và Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đang cặm cụi dò xét các hố thăm dò của tháp K – phần tháp nằm riêng biệt và thường là khu vực mà các khách tham quan sẽ bỏ qua. Nheo mắt bởi ánh nắng, TS. Nguyễn Ngọc Quý, trưởng đoàn khai quật, chỉ cho chúng tôi dấu tích kiến trúc lữ tường thuở xưa ở phía Đông ngọn tháp. “Những dấu tích này là bằng chứng cho thấy khả năng từ tháp K có một con đường dẫn vào các ngôi đền bên trong”, anh gợi mở.

Con đường đó có ý nghĩa gì? Có nghĩa rằng tháp K chính là cửa ngõ dẫn vào quần thể kiến trúc Mỹ Sơn. Nếu đúng như vậy, nó nên là điểm khởi đầu của toàn bộ lộ trình tham quan, và là nơi chúng ta đưa du khách bước vào cánh cửa quá khứ của một vương triều hùng mạnh.

Ngọn tháp bị lãng quên

Câu chuyện của vương quốc Champa tại Mỹ Sơn bắt đầu từ cách đây gần 2000 năm. Minh văn của vua Bhadravarman, trị vì khoảng năm 380-413, hé lộ rằng ngài đã cho dựng một ngôi đền đầu tiên để phụng hiến thần Bhadrésvara-Siva tại Mỹ Sơn; và xác lập vùng đất được chọn để xây dựng thánh địa của hoàng gia. Vùng đất này dựa vào ngọn núi thiêng ở phía Nam thung lũng tên là Mahaparvata (Đại Sơn Thần), mà ngày nay nhân dân trong vùng gọi là núi Răng Mèo hay Hòn Quắp.1

Các nhà khảo cổ đang khai quật làm rõ con đường thần đạo dẫn từ khu tháp K.

Ngày nay, thánh địa Mỹ Sơn là một trong những trung tâm đền tháp chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những đền tháp Ấn giáo của Mỹ Sơn gồm 68 kiến trúc đền tháp phân bố thành tám cụm, mỗi cụm có một đền tháp chính và các đền tháp phụ trợ phân bố ở trung tâm thung lũng núi, với trục chính là suối Khe Thẻ – bắt nguồn từ ngọn núi thiêng ở phía Nam chảy ngang qua thung lũng để đổ vào dòng sông thiêng Mahanadi (Nữ thần Đại Giang) tức sông Thu Bồn ở phía Bắc. 

Kể từ ngọn tháp đầu tiên vào thế kỷ IV, Mỹ Sơn liên tục được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ trong nhiều thế kỷ sau đó và chỉ kết thúc khi vùng đất phía Bắc sông Thu Bồn sát nhập vào lãnh thổ nước Đại Việt (năm 1306). Mỹ Sơn từ đó trở thành một huyền thoại bí ẩn. Phải đến năm 1885, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, một toán lính người Pháp đã tìm đến địa danh này, họ đã tìm thấy một vùng thung lũng hẹp rậm rạp của vùng rừng nhiệt đới ẩn giấu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo. Mười năm sau đó, nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp – lúc ấy giờ là chủ một đồn điền ở làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam – đã cho phát quang phế tích này.

Con đường này có thể có nhiều chức năng, một là Thần đạo – đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo; hai là Con đường Hoàng gia – con đường dành cho các vị Vua chúa và Tăng lữ Chămpa đi vào cúng tế các vị thần của họ. 

TS. Ngọc Quý

Theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, cựu quản thủ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, mặc dù người Chăm không xây dựng những công trình bằng đá quy mô đồ sộ như Angkor ở Campuchia hay các đền đài Ấn giáo – Phật giáo (Hindu-Buddhist) ở miền Trung Java (Indonesia), nhưng các công trình kiến trúc bằng gạch của họ lại phản ánh cảm quan thẩm mỹ tinh thế và tài năng khéo léo của nghệ nhân Champa qua nhiều thế hệ. 

Được hun đúc dưới bàn tay những người nghệ nhân Champa, quần thể đền tháp Mỹ Sơn bao gồm một phức hợp đa dạng các phong cách kiến trúc và kiểu thức trang trí độc đáo. Phần lớn các đền-tháp hiện tồn tại ở Mỹ Sơn đều được xây dựng trong những thế kỷ 10, 11, 12 và 13. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật như Jean Yves Claeys, Philippe Stern, Henri Parmentier đánh giá các ngôi đền A1, B3, B5, C1 và D1 v.v là những tuyệt tác của kiến trúc Champa. Những ngôi đền này hiện đã trở thành toạ độ tham quan được ưa chuộng nhất của các khách du lịch khi đến thăm thú nơi đây.

Trái ngược với khung cảnh đông đúc khách du lịch ở những ngôi đền trung tâm, tháp K là một tháp đơn lẻ nằm ở phía Tây Bắc thung lũng, nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác. Tháp được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, khá cao. Phía Tây và Tây Nam không xa tháp là dòng suối Khe Thẻ chảy uốn lượn. 

Tháp K trước và sau đợt trùng tu dự án hợp tác bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp K, H, A ở Mỹ Sơn giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ảnh: NLĐ

“Nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường suối Khe Thẻ, hay nếu đúng con đường bộ ngoằn ngoèo men theo bờ suối Khe Thẻ xưa kia là lối để vào Mỹ Sơn thì công trình kiến trúc đầu tiên bắt gặp trong thung lũng này là tháp K”, TS. Nguyễn Ngọc Quý mô tả. Có lẽ nằm ở vị trí đặc biệt như vậy nên tháp K được xây dựng khá đặc biệt với cấu trúc như một tháp Cổng.

Theo khảo tả của H.Parmentier vào đầu thế kỷ XX, “nhóm K chỉ có một tháp với cửa bố cục theo chiều dài hướng Đông – Tây, nó có hai cửa trong một đường bao bằng tường gạch. Hiện nay không còn gì và dựa vào những cột góc ngoài”. Bên trong tháp không có gì, chỉ còn những hốc lớn với bố cục kép trên trục thẳng đứng. Thậm chí, “từ bên ngoài cấu tạo lại tầm thường hơn nữa. Có những lẫn lộn giữa nền và đáy của thân tháp, chúng bị rút gọn thành một chân đơn giản”. Các mặt tường tháp dài có sáu cột cắt tạo nên những gian. Gờ mái uốn cong thành bát. Các cửa giả lên cao mãi tận giữa hai đáy treo, phần cao của đáy đôi tương đương với đáy của thân chính được khắc những vật treo theo kiểu rất đặc biệt, cửa giả có kích thước lớn, hầu như tạo thành một trái riêng. 

Bên trên tháp có một lá nhĩ với bố cục đôi được đục bởi một đường xiên để tạo chỗ cho một ô trán bằng đá. “Ô trán khắc một vị thần với hai cánh tay và ba đầu (còn đầu thứ tư chắc chắn là không nhìn thấy) ngồi trên một tòa sen. Hai chiếc đầu hai bên chỉ thấy được hai phần ba, cả hai đều đội mũ Mukuta nhiều tầng […] Mặt bên ngoài chỉ còn lại những cột góc, bao một cửa lớn cùng vài mét tường bao […] Tháp có vẻ được mái phủ bởi một vòm có hai đầu hồi. Chúng không còn những điêu khắc nhưng còn cho thấy một đầu con sư tử thể hiện đứng được bảo quản khá tốt”. Và cuối cùng tác giả chốt lại: “Không có một văn bia nào xem chừng đã tồn tại ở đây”.2

Tôi mong muốn làm rõ con đường thần đạo này nối đến đâu, để hành trình tham quan có thể bắt đầu từ tháp K và di chuyển theo trục con đường này đến những cụm tháp khác. Đó là cách chúng ta tạo dựng một câu chuyện thú vị dẫn dắt du khách tìm về quá khứ.

TS. Nguyễn Ngọc Quý

Dựa vào bản vẽ của H.Parmentier, tháp K có bình đồ hình chữ nhật, lòng rộng 3,9 x 3,19m, được mở hai cửa đăng đối nhau theo hướng Đông – Tây. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam xếp tháp K có niên đại thế kỷ XII – XIII.

Cũng như các nhóm di tích khác, tháp K bị tự nhiên và chiến tranh can thiệp, bom đã phá hủy nốt những gì còn lại của tháp. Cùng với các tháp M, N; tháp K là một trong những phế tích kiến trúc mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể nhận diện rõ ràng. “Ngay cả khi xét đoán dựa trên vị trí và kiến trúc tháp, chúng ta vẫn chưa có đủ căn cứ để khẳng định chức năng của tháp là trạm đầu tiên đón tín đồ vào hành hương”, TS. Nguyễn Ngọc Quý thận trọng chia sẻ.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, việc nghiên cứu, trùng tu tôn tạo di tích, với sự hỗ trợ của các chuyên gia UNESCO, các nhà khảo cổ và trùng tu Italia, Ấn Độ…, được tiến hành có hệ thống, khoa học và bài bản hơn. Nhiều đợt nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo đã được thực hiện với sự hợp tác của các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế giúp cho các khu tháp G, A, K, H, L… đã bị sụp đổ, dần có lại được phần nào diện mạo giúp du khách có thể tham quan chiêm ngưỡng.

Sơ đồ các khu tháp tại thánh địa Mỹ Sơn, tháp K nằm tách biệt so với khu vực đền tháp trung tâm. Ảnh: Sách Exploring Quảng Nam

Năm 2017, khi nhóm chuyên gia Ấn Độ đến Mỹ Sơn để tu bổ, tôn tạo tháp K trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Việt Nam – Ấn Độ, họ đã ghi nhận tháp K có hai cửa Đông và Tây. Khi dọn dẹp để thực hiện tu bổ, họ đã làm xuất lộ đoạn lữ tường của một con đường gắn liền với cửa phía Đông của tháp K, hướng về nhóm tháp E, F. Ngoài những hiện vật thuộc thành phần kiến trúc, còn có hai tượng sư tử trong tư thế đứng, khuôn mặt thể hiện nét hung dữ và nhiều hiện vật đất nung, gốm, sứ rất phong phú cùng sự đa dạng về hoa văn. Những hiện vật trên được xếp vào niên đại thế kỷ XII.

Các chuyên gia Ấn Độ khi ấy vì nhiều lý do nên đã không quan tâm đúng mức đến phần lữ tường xuất lộ mà chuyển sang xây dựng phần tường mới bao quanh khuôn viên tháp.  Bất chấp điều đó, “chúng tôi nhận thấy đây có thể là con đường dẫn vào các ngôi đền bên trong”, TS. Nguyễn Ngọc Quý nhớ lại. Những mảnh ghép đang dần xuất hiện. “Đó là lúc chúng tôi biết nên tiến hành việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống phế tích kiến trúc ở khu vực quanh tháp K để xác minh hiện diện hay chăng một con đường dẫn từ tháp K vào các khu tháp thuộc khu vực trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa”. 

Con đường thần đạo?

Tháng sáu năm nay, TS. Nguyễn Ngọc Quý và các nhà khảo cổ học khác đã đặt những nhát cuốc đầu tiên để khám phá những gì còn tồn tại bên trong lòng đất. “Chúng tôi bóc từng lớp 10cm – 20cm các hố thăm dò nhằm theo dõi diễn biến địa tầng di tích và thu thập toàn bộ hiện vật xuất lộ trong quá trình đó”, anh mô tả. 

Khu vực đào thăm dò khảo cổ nằm ở phía Đông và phía Tây tháp K, trong phạm vi cách tường bao quanh khuôn viên tháp mới được xây dựng khoảng từ 10m đến 50m. Một khó khăn khi tiến hành khai quật, đó là tường bao mới do các chuyên gia Ấn Độ xây để bảo vệ quanh tháp K (có lẽ nhằm chống xói mòn của nước lũ) lại sử dụng các loại gạch cùng chất liệu gạch tu bổ tường tháp để làm tường, do đó đã khiến cho việc nhận diện những yếu tố gốc của ngôi tháp cũng trở lên khó khăn hơn.

“Cảnh quan của tháp K đã khác biệt rất nhiều so với khi nó mới được phát hiện vào đầu thế kỷ XX bởi H. Parmentier và sau đó là trong mô tả của các nhà nghiên cứu trong nước tại những cuộc khảo sát sau này”, TS. Nguyễn Ngọc Quý so sánh sự khác biệt. Xung quanh khu vực tháp K hiện nay là phạm vi rừng cây rậm rạp, nhưng các nhà khảo vẫn có thể nhận thấy đây là một không gian khá bằng phẳng và thoáng đãng. Phía Tây tháp K là khu vực bờ suối Khe Thẻ; phía Đông tháp K khả năng là một khoảng sân rộng, bằng phẳng được san đắp có chủ ý bằng đất cát tạo thành một không gian thoáng đãng.

Với 20m2 diện tích đào thăm dò khảo cổ ban đầu tại khu vực quanh tháp K, bên cạnh các mảnh gạch vỡ vụn và các loại đồ gốm có niên đài trải dài qua nhiều giai đoạn, các nhà khảo cổ học đã làm lộ rõ hai đoạn của các phần tường kéo dài từ tháp K về phía đông, hướng vào các khu tháp E – F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn. Tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 46cm. Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong hai hố đào không nhiều nên có lẽ tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong và phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích. 

“Con đường này có thể có nhiều chức năng, một là Thần đạo – đường đi của các vị thần Ấn Độ giáo; hai là Con đường Hoàng gia – con đường dành cho các vị Vua chúa và Tăng lữ Chămpa đi vào cúng tế các vị thần của họ; hoặc như ngôn ngữ hiện đại ngày nay, đây là con đường dẫn vào thánh địa Mỹ Sơn”, TS. Nguyễn Ngọc Quý phân tích. 

Qua kết quả thực tế khảo sát và thăm dò trên hiện trường di tích, có thể nhận thấy kiến trúc tường bao đã xuất lộ trong hố khai quật là đoạn nối dài với tường bao bắt đầu từ cửa phía đông tháp K. Toàn bộ đoạn tường bao đường đi ở phía đông tháp K đã xuất lộ qua đào thăm dò dài khoảng 65m và qua kết quả điền dã dài khoảng 150m; chiều rộng của con đường bao gồm cả hai tường bao là khoảng 9m; chiều rộng lòng đường khoảng 8m. Trong đó, khoảng chiều dài con đường đã xuất lộ do đợt trung tu của Dự án hợp tác Ấn Độ – Việt Nam tại tháp K năm 2017 – 2018 dài khoảng trên 20m.

Nhóm khai quật ghi nhận đây là một công trình kiến trúc mới được biết đến bởi kiến trúc đã bị phá hủy từ lâu và đến nay đã bị vùi lấp bên dưới một lớp đất rừng bồi lấp khá dày. Dẫu vậy, công tác thăm dò khảo cổ mới chỉ được thực hiện trong một diện tích rất khiêm tốn, chỉ với 20m2, do vậy chưa thể làm rõ niên đại cụ thể của di tích. “Tuy nhiên qua mối liên quan của phế tích đường dẫn với tháp K, có thể bước đầu nhận định đường dẫn có niên đại thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K”, TS. Nguyễn Ngọc Quý nhấn mạnh. 

Sau quãng thời gian tìm kiếm, các nhà khảo cổ học đã thu được trái ngọt ban đầu: quả thật có một con đường dẫn bắt đầu từ tháp K đi vào khu trung tâm thánh địa Mỹ Sơn ở thế kỷ XII. Vậy con đường đó dành cho ai? “Đó là con đường dẫn để Thần linh – Vua chúa và Tăng lữ Bà la môn giáo đi vào không gian thiêng thánh địa Mỹ Sơn”, anh dẫn dắt đến kết luận cuối cùng. 

Thiết kế lại lộ trình tham quan

Khi TS. Nguyễn Ngọc Quý đang khai quật di tích tháp K, thì cách đó gần 800km, ở thánh địa Cát Tiên (Lâm Đồng) TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên (Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ), người không tham gia vào nghiên cứu ở Mỹ Sơn, cũng đang cẩn thận xem xét một con đường nối tháp Cổng đến những đền tháp khác trong quần thể Cát Tiên. 

TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên ngay lập tức nhận ra một mối liên kết nào đó khi anh lần đầu lắng nghe TS. Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ những phát hiện của mình trong một Hội nghị khảo cổ học vào cuối tháng 11 vừa qua.

“Con đường này rộng bao nhiêu?”, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên không giấu được vẻ bất ngờ vào lúc đặt câu hỏi. Khi nhận được câu trả lời là khoảng 9m, anh liên tưởng đến con đường mà mình cũng vừa tìm được: Con đường đó rộng chính xác là 8m85.

“Tại khu thánh địa Cát Tiên mà chúng tôi khai quật, cũng có một đường dẫn, kết nối các kiến trúc đền tháp bên trong khu vực. Đây là khu kiến trúc tôn giáo có niên đại khoảng thế kỷ 8-10, trong khi đường dẫn từ tháp K ở thánh địa Mỹ Sơn thuộc văn hoá Champa có niên đại khoảng thế kỷ 12. Tôi tự hỏi phải chăng thời điểm đó có một quy chuẩn quy hoạch chung giữa những hệ thống kiến trúc – dù khác nền văn hoá và cách xa về không gian địa lý”, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên nói với Tia Sáng“. 

TS. Quý vẫn để ngỏ câu trả lời cho những băn khoăn của TS Kiên, bởi chính anh cũng không chắc chắn về điều này khi những dữ kiện trong tay còn quá mơ hồ. “Trước mắt, chúng tôi sẽ mở thêm các hố khai quật để giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất, dấu tích Con đường Hoàng gia đã được phát hiện, đoạn đường có thể xác định theo hố thăm dò dài trên 65m và xác định trên khảo sát điền dã dài trên 150m tính từ tháp K, nhưng nó kéo dài tới đâu và có hướng thẳng đến khu E – F như hiện nay chúng ta đoán định?”, TS. Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ. 

Thứ hai, niên đại con đường hiện đang được xác định sơ bộ vào khoảng thế kỷ XII, tương đương với niên đại tháp K. Tuy nhiên, theo bia ký còn ghi lại, những ngôi tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ V; dấu tích kiến trúc sớm nhất còn lại là tháp F1 có niên đại cuối thế kỷ VIII. Vậy có khả năng tìm thấy dấu tích của một con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn trước thế kỷ XII? “Vấn đề thứ hai mở ra một câu hỏi quan trọng khác, đó là liệu thánh địa Mỹ Sơn có thay đổi về không gian linh thiêng qua mỗi thời kỳ lịch sử?”

Đó là những câu hỏi lớn, đầy tham vọng, mà chắc rằng chỉ vài ba cuộc khai quật là không thể giải quyết. Điều đắn đo trước mắt của TS. Nguyễn Ngọc Quý lúc này là anh nhận ra rằng giả thiết về con đường thần đạo đi vào Mỹ Sơn khác hẳn với cách thức hiện nay được thiết kế để đón du khách đến tham quan Mỹ Sơn. 

“Đa phần khách tham quan Mỹ Sơn hiện nay là chuyên gia lịch sử và du khách nước ngoài quan tâm đến văn hóa Á đông, họ đến tham quan các cụm tháp lớn trước theo một lộ trình tuỳ ý. Nhiều người bảo họ sẽ không quay lại, vì ‘di tích lịch sử chẳng có gì hấp dẫn mà cứ như cái lò gạch ấy’”, anh thuật lại. “Tôi mong muốn làm rõ con đường thần đạo này nối đến đâu, để hành trình tham quan có thể bắt đầu từ tháp K và di chuyển theo trục con đường này đến những cụm tháp khác. Đó là cách chúng ta tạo dựng một câu chuyện thú vị dẫn dắt du khách tìm về quá khứ.”

Anh nói, bỗng dừng lại nhìn về hướng các du khách lúc này đang chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên kể về câu chuyện huyền bí xung quanh kỹ thuật xây dựng tháp gạch của người Chăm. “Nhất là khi đó là một nền văn hóa vẫn còn nhiều ẩn khuất”. 

—–

Chú thích:

1 Trần Kỳ Phương (2008). Vestiges of Champa Civilization. Hanoi: Thế Giới Publishers

2 Lê Đình Phụng (2004). Kiến trúc điêu khắc ở Mỹ Sơn di sản văn hóa thế giới. Hanoi: Khoa học Xã hội Publishers 

3 Tim Doling (2020). Exploring Quảng Nam: Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng and Tam Kỳ. Hanoi: Thế Giới Publishers

4 Trần Kỳ Phương (2021). Nghệ thuật Chămpa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền-tháp. Hanoi: Thế Giới Publishers

Tác giả

(Visited 174 times, 1 visits today)