Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Cần một đội ngũ chuyên nghiệp
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết tái khởi động dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận, vốn được thông qua từ năm 2009 gồm hai nhà máy với bốn lò phản ứng, công suất mỗi lò 1000 MWe.
Khi đó, chúng ta đã chọn được địa điểm và triển khai dự án tiền khả thi. Song, đến năm 2016 thì dự án phải dừng lại vì nhiều lý do khác nhau.
Tám năm qua, thế sự xoay vần, những quan điểm thấu đáo hơn về điện hạt nhân đã trở lại trên toàn thế giới. Chúng ta không thể chỉ dựa vào năng lượng tái tạo và trông chờ vào một mình nó để giải quyết bài toán năng lượng cúa nhân loại. Giữa xu thế Phục hưng của điện hạt nhân toàn cầu, việc Việt Nam quyết tâm quay trở lại với dự án bỏ dở không chỉ là một điểm tiếp nối với quá khứ mà còn là không để lỡ nhịp với thời đại.
Nhưng chúng ta không nên quên đi những bài học của quá khứ mà trong đó sự cố xảy ra năm 2011 tại lò phản ứng số một của nhà máy Fukushima ở Nhật Bản cho thấy những sai sót nhỏ trong xây dựng và vận hành, cộng hưởng với thảm họa thiên nhiên có thể dẫn đến tai nạn lớn. Những bài học nằm lòng như thế làm chúng ta thêm cẩn trọng cho bài toán của chính chúng ta.
Giờ đây, khi chúng ta tái khởi động dự án ĐHN Ninh Thuận, các đối tác sẽ chào hàng bằng các lò phản ứng tiên tiến, công suất trên 1000 MWe, thuộc thế hệ III+, có chức năng an toàn thụ động. Nếu xảy ra sự cố mất điện toàn nhà máy, các cơ chế tự nhiên, như trọng lực và dòng đối lưu, sẽ tự động được kích hoạt để làm nguội nhà lò. Phải nói rằng lò phản ứng 1000 MWe thế hệ III+ là công trình lớn, công nghệ phức tạp, hàng vạn chi tiết phải được lắp đặt ngay trên công trường xây dựng… Những bài học kinh nghiệm trong thi công và giám sát thi công ở một số dự án nhà máy điện hạt nhân của Mỹ, Anh và Phần Lan sẽ giúp chúng ta thêm bài học trong quá trình chuẩn bị cho dự án của mình.
Có người cho rằng, những khó khăn trong giám sát thi công có thể sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta xây các lò công suất bé (dưới 300 MWe) được lắp ráp theo mô đun, gọi là SMR (small modular reactors). Loại lò phản ứng này hứa hẹn một ưu điểm lớn là sau khi kiểm tra chất lượng ngay tại nhà máy, các mô đun sẽ được chở đến lắp ráp tại chỗ, tránh bớt khó khăn giám sát chất lượng tại công trường. SMR có an toàn nội tại, ít phải thay nhiên liệu, không yêu cầu gắt gao về địa điểm…, Vậy nó có thể trở thành giải pháp phát triển ĐHN chủ đạo trong tương lai được okhông? Song nhiều chuyên gia cho rằng cần thận trọng hơn, không chỉ ở việc công suất lò quá bé mà còn nhiều vấn đề khác, ví dụ như nhiều vấn đề công nghệ còn chưa được kiểm chứng và còn nhiều vấn đề khoa học mà những người làm nghiên cứu trên thế giới còn chưa hiểu được một cách đầy đủ. Hiện tại, mới chỉ một vài lò công suất dưới 100 Mwe mới được đưa vào vận hành thử nghiệm ở Nga và Trung Quốc. Ở Mỹ, một vài phương án SMR đã nhận được tài trợ từ chính phủ để thử nghiệm nhưng chưa có kết quả. Có thể nói SMR hiện chỉ mới ở giai đoạn phôi thai, chưa rõ khi nào mới có hình hài rõ ràng để tiến đến thương mại hóa. Với một quy trình kiểm định và cấp phép nghiêm ngặt của hệ thống pháp quy hạt nhân quốc tế, chắc không thể sớm trước hai mươi năm!
Cho nên nếu quyết tâm làm ĐHN, ta chỉ còn cách xây dựng các lò công suất lớn, trên 1000 MWe thuộc thế hệ III+ vừa để bảo đảm điện nền vừa có năng lượng sạch cho tăng trưởng kinh tế (dự báo đến 8000 MWe hằng năm). Tái khởi động ĐHN Ninh Thuận do đó không chỉ đơn thuần là xây dựng một nhà máy mà là bước khởi đầu cho cả một hành trình dài, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh.
Nước nào sẽ đồng hành với ta trên cả hành trình này là vấn đề hệ trọng, cần cân nhắc rất chu đáo trước khi tái khởi động ĐHN. Ngoài việc sở hữu một công nghệ lò ưu việt, họ còn phải sẵn lòng giúp ta xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, đủ sức tiến lên làm chủ, và từng bước nội địa hóa công nghệ ĐHN. Chúng ta có nhiều người nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế, nhưng nhân lực liên quan đến lò phản ứng năng lượng và hệ thống pháp quy an toàn ĐHN lại quá mỏng về số lượng lẫn trình độ chuyên nghiệp.
Thách thức thiếu nhân lực chuyên nghiệp vẫn là một trong những thách thức hàng đầu của chúng ta!
Vậy chúng ta giải quyết bằng cách nào? Trên lộ trình phát triển điện hạt nhân cũng như những ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia với lò phản ứng nghiên cứu mới có công suất gấp 20 lần lò Đà Lạt, đang được thai nghén từ nhiều năm nay, chẳng những hy vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất chất phóng xạ và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân mà còn thu hút nguồn nhân lực chuyên nghiệp tiệm cận với công nghệ ĐHN.
Gấp rút khởi công và đưa vào vận hành lò nghiên cứu mới này sẽ tạo ra bước đột phá có ý nghĩa quyết định cho chương trình ĐHN./.
GS. Phạm Duy Hiển
Bài đăng KH&PT số 1327 (số 3 đến số 5/2025)