Nếu muốn rừng ngập mặn cứu chúng ta thì trước tiên chúng ta phải cứu rừng.

“Ấp Âu Thọ A: đi tuần tra, phát hiện một vụ đào đồm độp (hay còn gọi là sâm đất) trong rừng; Ấp Âu Thọ B: phát hiện chặt 2 cây rừng về làm củi đốt; Ấp Trà Sết: đi tuần tra phát hiện chặt 20 cây đước; cây ở khu vực rừng mới trồng bị sâu ăn lá nhưng vẫn đang mọc lên bình thường…”

Một buổi sáng tháng 10, dù bận rộn vụ thu hoạch lúa và xuống hành giống nhưng các thành viên trong tổ bảo vệ rừng cộng đồng ở xã Vĩnh Hải – Hạt Kiểm lâm Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng vẫn có mặt và báo cáo việc bảo vệ rừng chính xác đến… từng cây một.

Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu chỉ có vỏn vẹn chín người nhưng phải quản lý rừng trên một khu vực rộng lớn khắp cả Vĩnh Châu đến sát tỉnh Bạc Liêu nên cần dựa vào tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Do chưa có chính sách giao đất giao rừng và yêu cầu từng hộ được giao đất phải chịu trách nhiệm bảo vệ rừng trong khoảnh được giao khoán nên những “tai mắt nhân dân” trong tổ bảo vệ rừng – thường là những hộ sống ở ven rừng, phải tuần tra, để ý liên tục “nghe tiếng tiếng búa đốn là tới ngay”.

Từng vụ việc đều được phản ánh trong báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng mỗi quý. Chi tiết tới mức, trước đó, trong báo cáo quý III năm 2023, Chi cục cũng đã báo cáo, xử lý hành chính một vụ vi phạm hai người chặt 18 cây bần và mắm về làm củi, một vụ cuốc vào đường nước, một vụ tự ý trồng dừa vào trong rừng, với tinh thần “mất một tí xíu là kiểm lâm đi xử ngay”.

Để hiểu tại sao tổ bảo vệ rừng và kiểm lâm lại giám sát chặt đáng kinh ngạc, thậm chí “mướn người đào cái rãnh rộng hai thước để nuôi cá kèo mà trên tỉnh cũng xuống, phó chủ tịch tỉnh đi kiểm tra” như lời anh Thạch Bun Thol, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng ấp Âu Thọ B, chúng ta cần nhìn lại quá trình mất mát rừng trên diện rộng trước đây mà đến bây giờ vẫn chưa hề đo lường hết tác động.

Sau thời kỳ bùng nổ của ngành tôm

“Xung quanh đây từng là rừng hết, ban đầu nhà tôi tự khoanh rừng nuôi quảng canh dưới tán rừng”- Khoanh nuôi tôm cua cá quảng canh dưới tán rừng như anh Nguyễn Hưng (nhân vật được thay đổi tên), ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu kể lại nghĩa là dựa hoàn toàn vào nguồn lợi từ rừng, hớt bớt đất lên để có một lòng kênh đủ rộng, rồi chỉ cần quây lưới lại để cua cá không bơi ra ngoài, làm cống xả nước mỗi tháng hai lần là đã có đủ tôm cua cá mang bán. Vì rừng ngập mặn có nước ra và nước vào rừng theo thủy triều, ấu trùng tôm cua cá tự theo con nước đó vào trong rừng và sinh sôi lớn dần, tự ăn các loài phiêu sinh rất dồi dào dưới tán rừng.

Những vuông tôm sát rừng ngập mặn ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Video: Thành Nguyễn.

Nhưng rồi chỉ “ăn rừng” không đủ, trong vùng kẻ trước người sau, mà theo lời anh Hưng là “nhiều lắm, không kể hết được”, đều nhất loạt chuyển sang nuôi tôm thâm canh. Đó là thời điểm cơn sốt bùng nổ của ngành tôm những năm 1990[1] mang lại ước mơ đổi đời nhờ nuôi tôm thâm canh. Mặt khác, việc rùng rùng chuyển đổi không chỉ vì “lời quá” mà còn vì “khi nhà khác đã chuyển sang thâm canh mà mình vẫn nuôi quảng canh là mình không có ăn nữa”. “Mình đang nuôi quảng canh để thả tôm bạc, tôm đất, tôm thẻ, thả cua nhưng dần xung quanh mọi người ủi ao lên hết, xử lý nước, tạt thuốc, bơm nước từ ruộng họ ra rồi thì mình buộc phải làm theo. Nếu mình không ngăn thành vuông thâm canh, khi người ta xả nước ra rồi con nước lớn chảy vào vuông tôm của mình là tôm chết hết”. Vì trong nước để nuôi tôm công nghiệp có thuốc để diệt các loài tạp, hóa chất xử lý ao nuôi, tôm trong vuông quảng canh gặp nước này sẽ nhiễm bệnh chết, anh Hưng kể lại.

Do đó, anh Hưng cũng “chặt hết cây, đốt cho sạch hết rồi múc bờ, ủi, làm hai vuông tôm” trên diện tích khoảng 1 ha. Đất rừng mới khai phá vẫn chưa có mầm bệnh nên những ngày tháng hoàng kim của nuôi tôm thâm canh tới rất nhanh, anh Hưng “trúng ngay hai vụ lời hai trăm triệu sửa nhà cho ba”. Cùng khoảng thời gian đó, chỉ riêng ở một tiểu khu anh đang ở chứ không phải toàn ấp, đã có mấy chục hộ cùng chuyển sang nuôi tôm thâm canh. Lịch sử xuất hiện của ao nuôi tôm công nghiệp ven cánh rừng ngập mặn dọc ấp Trà Sết và Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu được hình thành như vậy.

Người ta có thể gặp bất kỳ đâu những câu chuyện như vậy ở khắp vùng rừng ngập mặn cả hai đồng bằng lớn của Việt Nam. Sự xâm lấn vào rừng để nuôi tôm công nghiệp ở nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, ngay cả canh tác hộ gia đình mỗi ngày một ít, mỗi hộ một ít để nuôi trồng thủy sản vào trước những năm 2000 tưởng như nhỏ lẻ nhưng từng chút một góp lại đã làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng rừng ngập mặn.

Sự “lây lan” của phong trào nuôi tôm thâm canh một cách nhanh chóng như điều anh Hưng kể liên quan đến đặc thù của khu vực đồng bằng thấp sát biển và vùng rừng ngập mặn: các khu vực khoanh nuôi quảng canh của hộ dân gần như không có ranh giới, nước chảy “luông tuồng” giữa các kênh rạch, với hơn 26.000 con sông, ngòi, kênh rạch tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn cử, riêng một khu vực quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đất mũi Cà Mau, trên diện tích chỉ của ba xã và một phần của một thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, nhưng đã có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt với tổng chiều dài …trên 398 km. Điều đó khiến việc kiểm soát chất lượng nước giữa các vuông tôm quảng canh hay thâm canh rất khó, thậm chí là …không tưởng. Và khi đã có những hạt nhân ban đầu chuyển đổi sang nuôi thâm canh thì cả vùng sẽ rùng rùng chuyển động.

Các nhà khoa học ước tính, khoảng 250.000 ha rừng ngập mặn đã bị chuyển đổi thành vùng nuôi trồng thủy sản trong giai đoạn từ 1981 đến 1994[2] (vào năm 1943 Việt Nam có khoảng 400.000 hecta rừng ngập mặn), hoặc, xét về tỉ lệ, so sánh giữa năm 2000 với 1990, thì việc bùng nổ nuôi trồng thủy sản đã là nguyên nhân làm 2/3 diện tích rừng ngập mặn biến mất[3].

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nuôi trồng thủy sản là nguyên nhân dẫn đến việc mất rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến trước những năm 2000. Biểu đồ giai đoạn 1988 – 2002: trong khi diện tích rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long suy giảm thì diện tích mặt nước cho nuôi trồng thủy sản đã tăng. Nguồn: Phạm Khánh Nam, Võ Quốc Tuấn và cộng sự, tính toán từ nguồn số liệu của Cục Kiểm lâm (2017); GSO (2016). [11]

Hai đơn cử ở hai đồng bằng có thể kể tới là Cà Mau, nơi có diện tích rừng lớn nhất và trù phú nhất Việt Nam, hơn 50% diện tích rừng bị mất đi do bị biến thành ao nuôi tôm từ 1973 đến 2008[4], còn ở Đồng bằng sông Hồng, Vườn Quốc gia Xuân Thủy thuộc Nam Định chỉ còn khoảng 37% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1986. Nghiên cứu từ dữ liệu vệ tinh cho thấy, những khu vực rừng ngập mặn ở Bạc Liêu và Sóc Trăng đã giảm lần lượt 90% từ 5.495 ha xuống còn 515 ha và giảm 55% từ 14.105 ha xuống 6.289 ha, từ năm 1988 đến năm 2018; trong khi đó, trang trại nuôi trồng thủy sản tăng trưởng ở mức trung bình 5.024 ha mỗi năm trong cùng thời gian[5].

Ước tính, 90% các loài sinh vật biển phải sống một phần trong toàn bộ đời của mình trong rừng ngập mặn, hoặc là sinh đẻ, trưởng thành hoặc trú ngụ trong một giai đoạn và 80% lượng khai thác thủy hải sản dựa vào hệ sinh thái này.

Nếu lật giở ảnh vệ tinh qua các năm trong giai đoạn trước 2000, toàn bộ bức tranh rừng ngập mặn có sự thay đổi liên tục, mỗi năm dải màu xanh lại bị những ô màu trắng nuôi thâm canh thủy sản xâm lấn dần, màu trắng ngày càng loang rộng. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, hiện trạng hiện nay có thể đã khác đi nhiều so với quy hoạch. Nhưng, dù điều này diễn ra ở trên diện rộng thì cho đến giờ vẫn chưa có đánh giá tổng thể, và cũng rất khó đánh giá tác động môi trường có tính hệ thống cho những gì đã diễn ra bởi nó đòi hỏi không chỉ nhìn sâu vào điều kiện ở từng vùng nuôi trồng, mà còn đánh giá trên diện rộng của tỉnh, của vùng, cần đo lường liên ngành kinh tế – môi trường như tác động xã hội lên cư dân.

Hệ sinh thái độc nhất vô nhị này là một phần trong quá trình lấn biển tạo nên đồng bằng, là cội nguồn nuôi nấng không chỉ cho cả hai đồng bằng này mà còn có ảnh hưởng lớn đến cả nền kinh tế mà đến nay chưa thể đo lường hết. Nhìn gần, chỉ riêng một mớ rễ cây mắm cây đước cũng có thể giống như một khu rừng nhô lên trên mặt nước, có thể lọc nước ngọt từ nước biển mặn và chính là vườn ươm cho cá, động vật giáp xác và động vật có vỏ. Ước tính, 90% các loài sinh vật biển phải sống một phần trong toàn bộ đời của mình trong rừng ngập mặn, hoặc là sinh đẻ, trưởng thành hoặc trú ngụ trong một giai đoạn và 80% lượng khai thác thủy hải sản dựa vào hệ sinh thái này[6].

Có thể ở tầm vĩ mô chưa có đánh giá tác động môi trường toàn cảnh. Nhưng chính những người cư ngụ ở vùng này đang dần thấm thía, số phận của rừng gắn chặt với thân phận nhỏ nhoi của con người, sự bấp bênh của rừng dẫn đến sự bấp bênh của con người. Phận rừng cũng là phận người.

Những người nông dân như anh Hưng không thể lý giải nổi nguyên nhân, chỉ chịu đựng sự mất mát khi rừng biến mất mà không rõ vì sao vẫn dòng nước ấy trong kênh dẫn vào, nuôi tôm thâm canh “thất liền hai vụ, tôm bịnh chết hàng loạt, không chết ngay khi mới thả mà lớn gần tới ngày thu mới sình bụng chết hết”. Anh tính “xe ủi cải tạo hết mười mấy triệu, một trăm ngàn con giống mười mấy triệu, thuốc men, hóa chất, dầu nhớt, hết 40 triệu/ao. Quạt máy 15 triệu/ao. Cả hai ao nợ khoảng 70 triệu nên nghỉ luôn”. Mấy chục ao nuôi thâm canh gần nhà anh cũng trong tình cảnh thất tôm, bỏ ao hoặc cho người khác thuê lại để nuôi cá – thứ ít bệnh hơn nhưng còn đòi hỏi trường vốn hơn nuôi tôm rất nhiều do thời gian nuôi lâu tính bằng hai năm chứ không phải vài tháng được thu như tôm, các đại lý vật tư, thức ăn cho cá không cho nợ.

Thân phận người nông dân sống nương tựa vào rừng ngập mặn nơi đâu cũng giống nhau, ở Đồng bằng sông Hồng, điều tương tự cuối cùng rồi cũng đến: mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ít rủi ro hơn, nhưng tôm cũng dễ bệnh thất thường hơn, tất nhiên là rủi ro không quá lớn do chỉ cần đầu tư giống thay vì phải nặng gánh cải tạo ao nuôi, thuốc men, hóa chất và thức ăn; còn nuôi tôm thâm canh không phải là giấc mơ thoát nghèo dễ dàng vì năm trúng năm thất rất khó lường. Là người từng trải, có kinh nghiệm nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng và nuôi tôm công nghiệp ở mạn Cần Thơ, Bạc Liêu nhưng đến khi trở về quê nhà ở Cồn Đen, xã Thái Đô, Thái Thụy, Thái Bình, anh An (tên nhân vật được thay đổi) cho biết chỉ đi nuôi tôm thuê chứ kiên quyết không tự nuôi thâm canh vì đã thấy “nhiều nhà năm trúng – thất thu thất thường”, “nguồn nước ở xung quanh đây ô nhiễm hết rồi, không thể kiểm soát được”, cố gắng cách mấy vẫn “cầm chắc khả năng thua lỗ tới bảy phần mười”.

Và một điều những người nông dân ở cả hai đồng bằng này đều chắc chắn: đã đào ao, xử lý hóa chất chuyển sang nuôi tôm thâm canh thì ao sâu, đất chai cứng không bao giờ có thể quay trở lại thành rừng ngập mặn để canh tác dưới tán rừng được nữa.  

Đời cây và đời người

Kể từ những năm 2000, sau những cú sốc thiên tai[7] đến liên tiếp, nhìn thấy rõ lợi ích của việc giữ rừng ngập mặn, như ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thừa nhận “bạn tưởng tượng vùng bán đảo Cà Mau là vùng đất thấp, vùng bãi bồi, nếu không có rừng ngập mặn này thì trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn bộ cơ sở hạ tầng, đời sống dân cư của cả cái tỉnh Cà Mau này nói riêng và cả đồng bằng này bị ảnh hưởng đến mức nào?”, các nhà quản lý cấp tỉnh tự đặt ra yêu cầu với chính mình lên cao tới mức phải “thuộc rừng như lòng bàn tay”.

Nhưng dù cương quyết chặn đà phá rừng một cách quyết liệt nhất, trồng mới, thậm chí đổ tiền xây kè cứng để bảo vệ rừng thì giờ đây rừng ngập mặn lại phải đối diện với nguy cơ khác: sạt lở nghiêm trọng ở đồng bằng phía Nam và áp lực phát triển kinh tế ở đồng bằng phía Bắc.

Những bàn tay trồng rừng, tính bằng từng cây mắm cây đước, những cuộc tuần tra bằng mắt thường giữ từng tấc rừng không đọ lại được với sức ngoạm của biển.

Nếu như việc nuôi tôm giống như tằm ăn nong lá, khiến cả vùng rừng ngập mặn chuyển màu tự lúc nào không hay thì sạt lở ven biển đột ngột lấy đi từng mảng rừng lớn tính bằng hàng trăm hecta, Cà Mau mỗi năm bị sóng biển “ngoạm” mất 300-400 ha, thậm chí có năm lên tới 500 ha, theo ông Thức. Nếu rừng ngập mặn của Cà Mau bị sạt lở là một thị trấn, thì trong 10 năm chúng ta đã mất một diện tích gần tương đương thị trấn Rạch Gốc, huyện lỵ của huyện Ngọc Hiển. Những bàn tay trồng rừng, tính bằng từng cây mắm cây đước, những cuộc tuần tra bằng mắt thường giữ từng tấc rừng không đọ lại được với sức ngoạm của biển. Không chỉ riêng Cà Mau, sạt lở đe dọa đến rừng ngập mặn ven biển của toàn Đồng bằng sông Cửu Long. Một tính toán gần đây cho thấy, đồng bằng Cửu Long đã mất đường đai dọc bờ biển khoảng 2,3 km2/mỗi năm trong giai đoạn 2003–2012[8].

Lẽ thường, những cây rừng ngập mặn chắn sóng bão và bảo vệ con người chứ tại sao cây rừng không tự bảo vệ được chính mình? Thực ra đó là trong điều kiện thông thường, còn hiện nay rừng ngập mặn đang bị ép tứ bề, bởi xói lở rừng dọc bờ biển do các hoạt động của chính con người gây ra đã vượt quá mức bồi lắng của cả hai đồng bằng – tải lượng phù sa bồi đắp ra các cửa sông giảm mạnh – sông Hồng (giảm 91%) và sông Mê Kông (giảm 74%)[9] sau khi liên tiếp bị chặn dòng để làm thủy điện, khai thác nạo vét cát trên sông, xây dựng các công trình kỹ thuật, đê biển để bảo vệ các khu dân cư và hạ tầng, bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản làm giảm khả năng tiêu sóng của rừng.  

Một phần khu vực rừng ngập mặn bị sóng đánh ở Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Sóc Trăng (hạt kiểm lâm ước tính khoảng 100ha). Ảnh: Thành Nguyễn.

Nhìn từ dữ liệu vệ tinh, diện tích rừng đang bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trong vài năm gần đây, nhờ các khu vực khoanh nuôi trồng mới, dần dần xây cả kè cứng để chắn sóng che cho rừng, cũng như một số khu vực giao đất giao rừng cho dân, tuy nhiên diện tích tăng lên mới chỉ gần đủ bù vào diện tích rừng đã mất đi hàng năm do sạt lở ngày càng trầm trọng, TS. Võ Quốc Tuấn, Trưởng phòng thí nghiệm GIS & Viễn Thám, Đại học Cần Thơ cho biết. “Nếu không có những thay đổi mạnh hơn nữa để gia tăng diện tích rừng nhanh hơn thì rất khó chạy đua được với sạt lở ven biển” vì “càng ngày càng lở”.

Trong dài hạn, các đập thủy điện quy mô lớn kết hợp với tình trạng lún tăng nhanh và nước biển dâng càng làm hiện tượng xói lở ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long trầm trọng hơn nữa. Một dự báo trên toàn cầu cũng cho thấy, nếu vẫn theo kịch bản nước biển dâng hiện nay thì có thể chúng ta đang nhìn thấy những mảnh rừng ngập mặn cuối cùng trên thế giới – chỉ chưa đầy một đời người, vào khoảng 30 năm nữa sẽ không còn rừng ngập mặn, do nước biển dâng cao quá khả năng bồi tụ bền vững ở các vùng rừng và ngập quá khả năng chịu đựng của rừng ngập mặn, vì hiện nay đa phần rừng ngập mặn nằm ở độ cao gần ngưỡng ngập nước. Nước biển dâng cao quá ngưỡng chịu đựng của các loại cây trong rừng ngập mặn (cần có thời gian ngâm nước và thời gian nước rút cạn để “thở”), khiến rễ cây chìm ngập hoàn toàn trong thời gian dài thì rừng ngập mặn sẽ bị “chết đuối” vì “ngộp thở”.[10]

Thực ra, nếu nước biển dâng, để tiếp tục sứ mạng bảo vệ con người, rừng ngập mặn vẫn có thể thích nghi bằng cách quay ngược trở lại, tiến vào đất liền, như đã từng trong lịch sử. Nhưng ngược lại với quá trình những cây mắm, đước, bần – ba vị “tam công” mở đất tích lũy phù sa, làm vững nền đất các bãi bồi để hai đồng bằng mở rộng về phía biển, lên tới gần 100 mét mỗi năm ở mỗi đồng bằng, thì ngày nay, sự phát triển của con người lại chặn đứng đường lùi của rừng ngập mặn. Trong ba mươi năm qua, diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp để phát triển kinh tế rất lớn, thậm chí ở một số địa điểm, gần như rừng đã nhường chỗ hoàn toàn cho các khu đô thị, các dự án phát triển kinh tế xã hội. Chẳng hạn, các dự án phát triển xây dựng các khu dân cư và đường xá đã được thực hiện và đã nhanh chóng xóa sổ hầu hết rừng ngập mặn của thành phố Rạch Giá, Kiên Giang (hiện nay, chỉ còn 1% diện tích đất của Rạch Giá được bao phủ bởi rừng ngập mặn). Tương tự, rừng ngập mặn huyện Trà Cú ở tỉnh Trà Vinh, từng che phủ hơn 20%, hầu như đã mất hết do phát triển công nghiệp hóa[11].

Giai đoạn 1997-2017: Ngoại trừ một trường hợp tăng nhẹ về diện tích rừng ngập mặn ở tỉnh Bạc Liêu và tăng lên đáng kể ở Cà Mau, tất cả các tỉnh còn lại đều có sự sụt giảm về diện tích rừng ngập mặn. Nguồn số liệu: Phạm Khánh Nam, Võ Quốc Tuấn và cộng sự [11].

Trong lúc này, ở Đồng bằng sông Hồng, mới đây nhất tỉnh Thái Bình đã quyết định sẽ chuyển đổi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thành khu đô thị, khu kinh tế ven biển[12]. Đây là một quyết định gây tranh cãi rất lớn do Khu bảo tồn này nằm đối diện Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định và cả hai nơi đều được UNESCO công nhận trong vùng dự trữ sinh quyển sông Hồng. Chưa nói tới các giá trị kinh tế mà rừng ngập mặn và các bãi bồi mang lại, nếu giữ được rừng ngập mặn, nơi đây sẽ giúp hóa giải[13] được những cơn bão đập thẳng vào đất liền cũng như tích lũy được carbon gấp bốn lần[14] so với rừng thông thường.

Giá trị lợi ích rừng ngập mặn (hay tổng giá trị kinh tế) thường bị tính thiếu, và tính không đúng các giá trị duy trì đa dạng sinh học, giá trị phi sử dụng, giá trị hấp thụ carbon…

Hơn ai hết, người dân ven biển nơi đầu sóng ngọn gió thấm thía điều này. “Trận sóng thần lấy hết sạch trơn hàng dương ngoài rẫy đó. Rồi hai năm sau đó cơn bão số 5 lại lấy hết nhà cửa ruộng vườn”. Cơn sóng thần mà anh Bun Thol còn nhớ chính là những trận sóng cao đánh tan tành toàn bộ hàng dương vào năm 1995, còn cơn bão số 5 là bão Linda lấy đi 3000 sinh mạng, khiến không chỉ tâm bão là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau mà toàn bộ dải ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tan hoang.

Hai mươi lăm năm đã trôi qua nhưng hình ảnh cả ngôi làng tang thương “chỉ còn trơ lại nền nhà” trước sóng biển của cơn bão thảm khốc nhất trong lịch sử miền Nam ít nhất 100 năm qua đã ám ảnh người dân Vĩnh Hải. “Dải rừng dọc đai biển của ấp Âu Thọ A và B đều được trồng từ hồi đó. Tôi cũng tham gia trồng rừng từ đó đến giờ”, anh Bun Thol nói. Hai lăm năm trôi qua kể từ ngày ấy, toàn bộ hai ấp Âu Thọ A và B được rừng bao bọc, cây đã lớn đủ tuổi để bảo vệ làng mạc. “Ba năm trước nước lớn, sóng đánh nhưng ngủ có biết gì đâu, sáng hôm sau ngủ dậy thấy dép nổi lên mới biết hôm nước đánh vào nhưng đã có rừng chặn lại rồi, nước lên từ từ êm quá không biết luôn”, anh Bun Thol kể.

Cần một cách đánh giá tác động môi trường khác

Nhưng để nhìn nhận toàn diện hơn về vai trò của rừng ngập mặn, từ đó đưa ra các quyết định chính sách bảo vệ, trồng lại rừng hay chấp nhận đánh đổi vì các mục tiêu kinh tế xã hội khác, chúng ta cần một cách đánh giá tác động môi trường khác trước. Bởi vì “rừng ngập mặn hiện là một công cụ tốt để đối phó/thích ứng với tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, trong khi giải pháp xây đê biển cứng tốn nhiều chi phí và chứa đựng nhiều rủi ro. Nhưng giá trị chống xói mòn, bảo vệ bờ biển của rừng ngập mặn thường bị bỏ qua trong các phân tích chính sách khi lựa chọn các phương án chuyển đổi sử dụng đất”, PGS.TS Phạm Khánh Nam, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết.

Các đánh giá tác động môi trường hiện nay mới chỉ giới hạn ở mô tả dự án xây dựng, các biện pháp xả thải, thu gom và xử lý chất thải, tham vấn ý kiến cộng đồng… mà chưa lượng giá được những giá trị hiện có và giá trị sẽ mất đi vĩnh viễn.

Trước nay, trong các đánh giá kinh tế xã hội và trong hình dung chung, chúng ta vẫn chưa thấy hết những gì mà rừng ngập mặn mang lại, chẳng hạn hiện tại, “trong các tính toán ở Việt Nam thì nuôi tôm công nghiệp đem lại nhiều lợi ích bằng tiền trên 1 ha hơn là lợi ích của rừng ngập mặn trên 1 ha”. Nhìn chung, theo PGS.TS Phạm Khánh Nam, giá trị lợi ích rừng ngập mặn (hay tổng giá trị kinh tế) thường bị tính thiếu, và tính không đúng các giá trị duy trì đa dạng sinh học, giá trị phi sử dụng, giá trị hấp thụ carbon…. Thậm chí ngay cả khi ước tính về giá trị hấp thụ carbon rồi vẫn có thể tính thiếu, ví dụ có nghiên cứu tính giá 1 tấn carbon vào khoảng 11 USD nhưng giá trị thực sự có thể khoảng 60 USD/tấn. Đồng thời, “giá trị lợi ích rừng ngập mặn là cho cả xã hội, cho người dân sống trong khu vực rừng ngập mặn (khai thác gỗ, thủy sản v.v.), cho người dân gần đó được rừng bảo vệ chống xói mòn đất, điều hòa khí hậu, lọc nước, cho người dân cả nước, cho người dân toàn cầu (hấp thụ carbon giảm tác nhân gây biến đổi khí hậu). Giá trị này không thể hiện bằng dòng tiền mà thường thể hiện bằng phúc lợi tăng lên”, PGS.TS Phạm Khánh Nam giải thích. Khi đánh đổi rừng ngập mặn, giá trị lợi ích từ nuôi tôm công nghiệp hoặc các dự án kinh tế thì thường được đo bằng tiền và dành cho nhóm người đầu tư. “Nhưng nếu tính về tác động phân phối/sự bình đẳng trong phân chia lợi ích từ tài nguyên chung thì rừng ngập mặn làm tốt hơn nhiều”.

Để đo lường được giá trị của rừng ngập mặn, các nhà khoa học và nhà quản lý phải có dữ liệu chính xác và thống nhất về hiện trạng rừng, đo lường cụ thể từng hoạt động kinh tế dưới tán rừng, chuỗi kinh tế từ rừng, những tác động gián tiếp… cũng như những giá trị đó mất đi ra sao khi từng diện tích rừng mất đi, và đây cũng là cách đánh giá phổ biến ở nhiều nước, theo PGS.TS Phạm Khánh Nam.

Nhưng các đánh giá tác động môi trường hiện nay của chúng ta mới chỉ giới hạn ở mô tả dự án xây dựng, các biện pháp xả thải, thu gom và xử lý chất thải, tham vấn ý kiến cộng đồng…mà chưa lượng giá được những giá trị hiện có và giá trị sẽ mất đi vĩnh viễn. Chưa kể, với đặc thù của hệ sinh thái ngập mặn, việc tác động môi trường ở đầu nguồn rất có thể sẽ dẫn tới hệ lụy ở cuối nguồn.

Đây chính là điều mà mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn kết hợp du lịch cộng đồng – được kỳ vọng là cứu cánh để giao khoán rừng và giữ rừng – nhiều nhất ở nơi cuối nguồn của dòng Mê Kong là Cà Mau và một số địa điểm lẻ tẻ ở các tỉnh khác, đang phải đối mặt. Các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, nơi địa giới của Vườn Quốc gia Đất mũi và Rừng phòng hộ Đất mũi nằm trọn bên trong, đang trở thành vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng – đòi hỏi người nông dân phải nuôi không hóa chất, không thức ăn, thậm chí không được sử dụng men vi sinh giúp phân hủy lá cây rụng xuống. Nhưng thực tế nước lấy vào các vuông tôm lại chảy “luông tuồng” trong toàn hệ thống kênh rạch chứ không chịu khu trú trong các ốc đảo. “Ở thị trấn Rạch Gốc và các vùng khác được nuôi công nghiệp nhưng không may không xử lý tốt hoặc nhằm năm tôm bệnh, thất nhưng không còn tiền xử lý nước, cứ xả ra sông, xả theo thủy triều thì nhằm con nước lớn đưa vô (vào vuông của mình). Xả đầu nguồn thì cuối nguồn lấy nước bị nhiễm”, anh Nguyễn Tấn Lợi, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cho biết.

Mặc dù anh và nhiều hộ gia đình khác ở Viên An không có bất kỳ công cụ thí nghiệm nào để phân tích tôm sinh thái chết hoàn toàn do ảnh hưởng nước nuôi công nghiệp, nhưng nơi đây nhiều hộ gia đình đã bị chết trắng cả vụ tôm sinh thái. Chưa kể, phần lớn các hộ có diện tích đất dưới 3hecta (chiếm khoảng 30-40% tổng số hộ nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau) chưa thể giữ tỉ lệ rừng chiếm 60% diện tích được giao như khuyến cáo của ngành nông nghiệp mà muốn âm thầm mở rộng diện tích mặt nước để nuôi tôm. Tăng diện tích mặt nước hay tăng mật độ nuôi sẽ lại khiến những ao nuôi tôm quảng canh càng trở nên mong manh dễ nhiễm bệnh hơn.

Một liên hoàn trận, từ những nguyên nhân trực tiếp như nuôi tôm lấn vào rừng, cho đến những hoạt động kinh tế trên thượng nguồn sông Mê Kông, tưởng như không liên quan đến rừng ngập mặn, cũng như hàng loạt các nguyên nhân khác chưa thể kể đến trong bài như ô nhiễm, giao thông, phú dưỡng từ hoạt động nông nghiệp … đã bủa vây lấy rừng – tất thảy đều do các hoạt động của con người gây ra. Thực ra đây cũng không phải chỉ là tình thế riêng Việt Nam gặp phải mà ở nhiều nước, chỉ đến khi rừng ngập mặn biến mất rồi người ta mới nhận ra đã mất đi điểm tựa sinh thái quan trọng. Thái Lan cũng là một điển hình của việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm – ước tính đến năm 1993, đã chuyển đổi 38%–65% diện tích rừng ngập mặn thành trang trại nuôi tôm. Trên toàn thế giới, một phần ba diện tích rừng ngập mặn đã biến mất từ năm 1980 đến năm 2000[15], nguyên nhân chủ yếu do con người, trong đó lớn nhất vẫn là lấy đất rừng nuôi trồng thủy sản và canh tác nông nghiệp.

Vành đai rừng ngập mặn bên ngoài, bên trong là làng mạc, nhà ở, đất ruộng và ao nuôi trồng thủy sản, ở xã Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Đối với những cứu cánh hiện nay, để vừa giữ được rừng ngập mặn, vừa hài hòa sinh kế cho người dân không lấn đất rừng làm tôm thâm canh. tránh được vết xe đổ của những vùng đi trước như Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Thái Bình…, cũng rất khó để duy trì các “ốc đảo” này. “Đã muộn để kiểm soát bệnh từ các đầm nuôi tôm thâm canh trong điều kiện kênh rạch chằng chịt, thực tế bệnh ở tôm đã lưu hành ở đồng bằng này từ 20 năm nay, kể từ khi chúng ta nhập tôm ngoại lai vào Việt Nam và nhân giống để phục vụ ngành tôm phát triển bùng nổ. Chưa kể các ao nuôi thâm canh, nhất là ở quy mô nông hộ thường càng khó xử lý chất thải hữu cơ của tôm, tẩy ao nuôi, xả nước … theo quy trình chặt chẽ”, một nhà sinh học nghiên cứu về các loài giáp xác cho biết. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nuôi tôm sinh thái, mà bây giờ rất khó có tỉnh nào, hay thậm chí cả vùng đủ sức khoanh vùng để không bị ảnh hưởng từ nước ở nơi khác chảy vào. Chúng ta chỉ còn biết hi vọng vào việc giữ được nhiều rừng và hi vọng vào khả năng lọc nước của chính cây rừng ngập mặn.

Còn đối với những vùng đất đã bị chuyển thành ao nuôi thâm canh từ cả chục năm trước nhưng thất trong nhiều vụ, thì việc chuyển đổi gì tiếp theo vẫn là một dấu hỏi bỏ ngỏ. Chỉ cho chúng tôi cả loạt ao sâu hoắm, đất chai cứng sau một thời gian xử lý hóa chất, anh Hưng cho biết giờ “trồng hành, trồng dưa hấu bán, đi làm mướn đắp vô tiền lỗ” còn vợ của anh kiếm đồng ra đồng vào nhờ vào bãi bồi nơi bìa rừng bị sóng đánh sạt lở cả một khoảng rộng mênh mông.□

Đọc thêm:
Vòng lặp đói nghèo trước sự bất định của tự nhiên
Khủng hoảng sinh thái tái định vị xã hội loài người
Thế giằng co trong bảo vệ san hô
Hệ sinh thái biển Việt Nam: Cơ hội phục hồi?
Đồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ dần biến mất
Đồng bằng sông Cửu Long: Sẽ tìm cơm và cá ở đâu?

Bài viết được thực hiện với hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews.

Tài liệu tham khảo

[1] Nuôi tôm ở Việt Nam bắt đầu được chú trọng và bùng nổ kể từ cuối những năm 1990 để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, theo Lebel và cộng sự, 2002, DOI: 10.1579/0044-7447-31.4.311.

[2]https://ww.mangrovesforthefuture.org/assets/Repository/Documents/MFF-Viet-Nam-NSAP.pdf

[3] https://www.cifor.org/knowledge/publication/8610

[4]https://www.researchgate.net/publication/255977774_Change_Detection_of_Land_Use_and_Riverbank_in_Mekong_Delta_Vietnam_Using_Time_Series_Remotely_Sensed_Data

[5] https://www.cifor.org/publications/pdf_files/OccPapers/OP-233.pdf

[6] https://link.springer.com/article/10.1007/s10531-012-0388-x

[7] Việt Nam xếp thứ 7 trong 10 quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên Thế giới từ 2000 – 2019. Nguồn: Báo cáo Human cost of disaster của UN office for Disaster risk Reduction, trang 12. Link: https://www.undrr.org/media/48008/download?startDownload=true

[8] https://www.nature.com/articles/srep14745

[9] Các tính toán gần đây cho thấy tải lượng phù sa sông Mekong giảm khoảng 74%, tải lượng phù sa sông Hồng giảm 91%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình bồi tụ đất tạo nên các bãi bồi – tiền để để hình thành rừng ngập mặn.

[10] Rừng ngập mặn khó có khả năng chống chọi theo các kịch bản nước biển dâng quá 6mm/ năm – theo các kịch bản phát thải hiện nay. https://www.science.org/doi/10.1126/science.aba2656?

[11] Pham Khanh Nam et al, Report “Mainstreaming natural capital into sustainable development policies and actions – a rapid assessment of mangrove ecosystem services in the Mekong Delta”, 2018.

[12] Phóng viên đã liên hệ và gửi câu hỏi phỏng vấn nhưng không nhận được câu trả lời của các nhà quản lý ở Thái Bình.

[13] https://link.springer.com/article/10.1023/A:1009928003700

[14] https://www.iucn.org/news/oceania/202107/my-mangroves-my-livelihood

[15] https://news.mongabay.com/2011/04/vanishing-mangroves-are-carbon-sequestration-powerhouses/

Tác giả

(Visited 139 times, 1 visits today)