Vòng lặp đói nghèo trước sự bất định của tự nhiên

Sự suy giảm nghiêm trọng của không gian sinh tồn là đại ngàn và sự bất trắc của thiên tai, biến đổi khí hậu đã khép chặt vòng lặp đói nghèo ở người dân tộc thiểu số. Liệu có lối thoát cho họ?

Bơ vơ trong không gian sinh tồn

“Lúc chập tối, tầm 7 giờ, cả nhà đang ăn cơm thì mưa to, tôi nghe tiếng sạt ở nhà bên cạnh nên cầm đèn pin soi xung quanh thấy ầm ầm toàn cây, nước và đất đá đen sì đổ từ phía bản Đề Sủa (xã Lao Chải) về nên gọi vợ con bế hai đứa cháu chạy lên núi. Tôi chẳng kịp mặc thêm áo, chỉ mặc mỗi cái quần, tay cầm điện thoại, đèn pin và cây gậy to đi khắp các nhà trong khu, đập cửa, hô hoán “có chạy không là chết, lũ về” ”.

“Không kịp mang theo cái gì ngoài cái thân mình thôi”, A Lầu kể lại điều diễn ra trong ngày mà ông và dân làng không bao giờ quên, ngày 5 tháng 8 năm 2023. Đêm tối, “không kịp nghĩ gì nữa, phản xạ lao ra khỏi nhà. Không có đường, cứ bò, men theo núi”, trong tiếng kẻng báo động liên tục từ ủy ban xã, A Lầu và 47 gia đình khác trong bản Trống Là, sát ven suối Nậm Kim của xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, vượt núi đến gần sáng mới tới được bản Nả Tà trú ẩn. 

Gia đình A Lầu vẫn còn may mắn hơn hàng xóm Cứ A Tùng và Giàng Thị Chù. Trong cơn tứ tán, gia đình A Tùng chạy vào trạm y tế xã vì ngỡ nơi đây kiên cố nhưng rồi lũ tiếp tục cuốn vào, hai vợ chồng bế hai đứa trẻ vội băng qua suối “nước dâng tới bụng, tới lưng” người lớn và quay lại đã không còn thấy bố của Tùng nữa. Hai ngày sau, người ta tìm thấy ông ở thủy điện Huội Quảng, huyện Mường La, Sơn La.

Những khoảnh khắc sinh tử như thế vẫn thường lặp lại vào mỗi mùa mưa hơn chục năm nay ở Yên Bái, nhất là các huyện tập trung nhiều đỉnh núi cao địa hình phức tạp như Mù Cang Chải. Luôn ở tình trạng báo động đỏ, ban chỉ huy phòng chống cứu nạn từ huyện đến xã “trực 24/24, đi kiểm kê nguy cơ từng hộ gia đình ở các bản”, ông Sùng A Bình, chủ tịch xã Hồ Bốn kể. Tất cả cán bộ thay phiên nhau trực chiến ở trụ sở, phải chuẩn bị “sẵn mì tôm, nước uống, quần áo để “lên đường vào các bản” ngay khi có lũ.

Dù ở thời hiện đại nhưng khi lũ về, những gì mà chính quyền xã hay cả cấp huyện có trong tay để ứng phó cũng chỉ là sức người. Tất cả cả quá bé nhỏ so với tự nhiên.  “Thất thủ hoàn toàn!”, vì bao giờ cũng vậy, chỉ trong chớp mắt là lũ và sạt lở chia cắt, cô lập, không cho phép các phương tiện hiện đại can thiệp. Nếu muốn nắm tình hình ngay thì chỉ có đi bộ, “đường quốc lộ và liên xã bị hỏng, xã cử ngay một đoàn trèo lên đỉnh Xéo Dề Hồ (đỉnh cao 1500 mét so với mặt nước biển), từ đó đi xuống bản Đề Sủa, sau một ngày mới tới nơi” như lời ông Giàng A Lử, chủ tịch xã Lao Chải, ngay sát xã Hồ Bốn kể. Để báo hiệu dân đã an toàn “chỉ nhờ vào hiệu lệnh tiếng kẻng” như thời chiến. 

Sau tiếng rền ầm ì rồi tới “những đợt nổ bụp bụp từ trong lòng đất” mà những người già nhất bản cũng chưa từng chứng kiến, cơn lũ phá hủy tan hoang, vùi lấp trung tâm xã Hồ Bốn. Không chỉ khu trú trong một khu vực, trước khi kéo đến trung tâm xã và phá hủy 5 tuyến đường của xã Hồ Bốn là nơi có địa hình trũng thấp hơn, cơn lũ khởi phát từ những dãy núi cao hơn của xã Lao Chải đã cuốn phăng cả trung tâm của bản Đề Sủa, 9 tuyến đường của Lao Chải và 5 tuyến đường của xã Khao Mang.

Cả toàn huyện, chỉ một cơn lũ ngày 5/8 đã đủ sức gây thiệt hại hơn 700 căn nhà, 200 km đường huyết mạch của huyện và liên xã bị cắt đứt, cô lập hoàn toàn các xã Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn – không điện, không nước, không sóng điện thoại.

Quả núi lở xuống còn vùi lấp hai em nhỏ ở Khao Mang đang ngủ say khi bố mẹ đi nương chưa về. Nhưng dẫu sao đó vẫn là ngày… may mắn, một may mắn buồn, vì ba xã chỉ mất đi ba người bị lũ cuốn và núi lở. Có những nơi thiệt hại thảm khốc hơn nhiều: ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, trên điểm dừng chân trước khi tới Mù Cang Chải, tai chúng tôi ù đi khi nghe người dân kể đang chuẩn bị làm lễ giỗ chung cho cả làng. Nửa đêm, hơn 50 người ở xã Cát Thịnh không kịp trở tay đã bị cuốn trôi trong trận lũ lịch sử năm 2005. 

Trong đời, nếu chỉ một lần ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết đã trở thành ký ức kinh hoàng, nhưng người dân tộc thiểu số ở miền núi năm nào cũng phải đối diện khi mùa mưa tới vì thiên tai ngày càng gia tăng với tần suất ngày càng dày. Những người Mông như A Lầu, A Tùng ở Mù Cang Chải hay bất cứ những người dân tộc thiểu số nào cư ngụ ở vùng núi, cũng đều khó thoát khỏi thiên tai. Gần hai thập niên (2001 – 2019), các tỉnh miền núi phía Bắc đã phải gồng mình hứng chịu 1.5361 trận lũ lụt, lở đất, phần lớn đều xảy ra ở các thôn bản có địa hình dốc, cắt xẻ, nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Không chỉ ngày càng tăng số lượng, lũ quét, sạt lở thật sự khó lường, khó dự báo, thậm chí nhiều khi là không thể. Ông Giàng A Lử kể, 7-8 năm nay cứ vào mùa mưa lũ, người xã Lao Chải đã đi khảo sát, đầu mùa mưa năm nay đã “phát hiện ra những vết nứt ở nhà của hai hộ dân và di dời khẩn cấp”. Tuy nhiên chỉ một cơn mưa lũ ngày 5/8 khiến cho “chỗ bằng cũng sạt lở, chỗ dốc cũng sạt lở” đã cuốn trôi và phá hỏng hoàn toàn 90 căn nhà, số bị thiệt hại nhẹ hơn cũng lên tới gần 400 căn. Người dân chỉ còn cách ứng phó duy nhất là chạy nhanh ra khỏi nhà. Nguy cơ thì lúc nào cũng chực chờ, với lũ và hơn chục nghìn2 điểm trượt lở đất đá và cả những điểm có nghi vấn trượt lở, các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cách đó hơn một nghìn km, những dãy núi ở miền Trung cũng cùng có chung một điểm với miền núi phía Bắc là thừa thãi sự khắc nghiệt và ngày càng bất định. Đất đai, núi non cõng nhà cửa, ruộng nương vốn là không gian sinh tồn che chở trù phú lại có ngày sụp xuống chôn vùi những phận người, không còn theo quy luật thông thường có dòng chảy mới có lũ.

“Đất chảy” là những gì mà người Bru – Vân Kiều ở ba làng Xa Đưng, Tà Rùng, Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị mô tả về lũ kết hợp với trượt lở vào năm 2020. Mấy tháng mùa mưa ở miền Trung khiến lòng núi ngậm no nước chảy ra như cháo chứ không chỉ là nước chảy thành lũ cuốn trên bề mặt. “Năm người đang làm rẫy ở chỗ đèo Sa Mù (đường vào Hướng Việt) thì mưa, núi nổ, lũ hất văng ba người về một phía. Phía còn lại đất chảy kéo hai con tôi từ chân, bụng, ngực rồi đến cổ. Hai con tôi cố ngoi lên nhưng càng cố thì càng chìm dần chìm hẳn”, ông Hồ Thanh Vân, người làng Ka Tiêng kể lại khoảnh khắc hai con mình vùng vẫy trong tuyệt vọng. Sau khoảnh khắc chôn vùi hai người con ông Vân, đất chảy kéo theo đá, gỗ từ Sa Mù về phá hủy nhà cửa, biến toàn bộ vùng đất canh tác lúa, hoa màu ở ba làng này thành hoang mạc toàn cát, đá, gỗ mà đến ba năm vẫn chưa dọn xong. Hướng Việt bị cô lập trong một tháng, trực thăng phải thả nhu yếu phẩm cứu trợ, thiếu cả nước để uống, con suối Pà Lồng vẫn mang nước uống và tưới tiêu nhiều đời nay, cũng bị trận núi lở cuốn tiêu biến vào lòng đất.

Khó mà đo đếm được các thảm họa thiên nhiên làm suy yếu nguồn lực con người ở các vùng dân tộc thiểu số đến mức nào. Trước tình thế này, đâu là nơi trú ẩn để người dân tộc thiểu số ở miền núi “chạy trời cho khỏi lũ?”.

Trú ẩn ở đâu?

Hết năm này qua năm khác, cuộc sống những nơi đây trôi trong sự phấp phỏng, nơm nớp trước những mùa lũ quét, sạt lở đất. Trước cơn thịnh nộ “long trời lở núi” của tự nhiên giáng xuống ngày một bất thường, có cách nào để họ bấu víu? Khoa học có thể giúp gì cho họ?

Đó là việc mà GS TS Đỗ Minh Đức và các chuyên gia Viện Địa công nghệ và môi trường, trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội cũng như nhiều nhóm nghiên cứu ở Việt Nam thực hiện trong nhiều năm qua. Chúng tôi theo chân giáo sư Đỗ Minh Đức khi nhóm báo cáo đề tài nghiên cứu đánh giá, khoanh vùng các khu vực tiềm ẩn nguy cơ ở thị trấn Mù Cang Chải và vùng phụ cận. Câu trả lời từ nghiên cứu của họ có đem lại tia hi vọng mỏng manh nào không? Thực tế cho chúng ta một sự thật: ngay cả khi có xây dựng được bản đồ nguy cơ, “từ trượt trên quy mô lớn, sạt do công trình nằm trên khối trượt cổ hay sạt lở bờ sông, suối, trượt gây nghẽn dòng dẫn đến lũ bùn đá, cho đến khoanh vùng cả những cụm nhỏ trượt do đào mái dốc làm nhà, làm đường” thì quỹ đất ở đâu để di dời?

Khó mà đo đếm được liệu các thảm họa thiên nhiên làm suy yếu nguồn lực con người ở các vùng dân tộc thiểu số đến mức nào. Trước tình thế này, đâu là nơi trú ẩn để người dân tộc thiểu số ở miền núi “chạy trời cho khỏi lũ?”.

Lãnh đạo các xã và cả phòng Nông nghiệp ở hai huyện mà chúng tôi đi thực tế đều cho biết, bố trí được khu đất an toàn, hợp lý cho người dân ở miền núi vốn sống rất phân tán cách xa nhau mấy “quăng dao” để tái định cư là vô cùng khó khăn. Thậm chí có nhiều cụm dân cư ở ngay thị trấn, sát suối hoặc ta luy cao, có nguy cơ mất an toàn nhưng vẫn đang chấp nhận ở. Thực tế là trận lũ ống bất ngờ phá hủy trung tâm xã Kim Nọi nằm ngay thị trấn Mù Cang Chải cuốn đi 7 sinh mạng vào năm 2017, trận sạt lở ở Hướng Phùng, Hướng Hóa vùi lấp 22 quân nhân năm 2020, đều không hề có suối lớn chảy qua.

Có nơi vùng chịu tác động của lũ lụt sạt lở rộng với nhiều hộ dân, cho nên ngay cả khi đã rà soát nguy cơ, xác định phải xây dựng khu tái định cư cho người dân thì cũng không phải ngày một ngày hai thực hiện được. Đó là trường hợp của Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dù năm 20183 cả huyện từng được rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở ở 121 điểm phân bổ khắp 5 xã, mỗi điểm gồm có nhiều nhà dân và cơ sở hạ tầng khác, nhưng từ năm 2020 tới nay mới di dời được hơn 100 hộ. Lũ quét và sạt lở thì lúc nào cũng chực chờ.

Vậy trong không gian người dân tộc thiểu số sinh tồn nay không còn chốn nào nương náu? Nhẽ ra không hoàn toàn bi đát như thế. “Khu vực phía đông xã Hướng Sơn, nằm về phía đông – đông bắc của huyện Hướng Hóa, là khu vực núi cao cũng là khu bảo tồn rừng nguyên sinh thì hầu như không quan sát thấy hiện tượng trượt lở”, báo cáo đánh giá hiện trạng lũ lụt trượt lở ở huyện Hướng Hóa viết4. Bằng kinh nghiệm dân gian và bằng con mắt thường, những người thiểu số sống với rừng bằng tri thức bản địa lâu đời cũng rừng nguyên sinh là nơi trú ẩn “Chúng tôi đi vào rừng nguyên sinh thì ít khi sạt lở lắm”, anh Hờ A Hừ, Chủ tịch xã Kim Nọi kể.

Đây cũng là điều mà giáo sư Đỗ Minh Đức lưu ý về vai trò của việc giữ rừng nguyên sinh, “khi mưa lớn thì rừng có thể giữ được 60-70% nước trên thân cây, lá cây, chỉ riêng điều đó đã giúp giảm hai phần ba khả năng xảy ra lũ quét rồi. Khi giữ được rừng nguyên sinh thì khả năng xảy ra [lũ quét] cực kỳ thấp”. Tán lá che chở cho đất rừng không bị nước mưa xói thẳng vào, lớp thảo mục do cành khô, lá rụng cùng với rễ cây chằng chịt giảm tốc độ trôi của dòng nước mặt, giữ đất đai bớt bị xói mòn. Nhờ vậy, rừng cũng giúp bổ cập một phần nước mặt vào các túi nước sâu dưới lòng đất, góp phần làm giảm lượng dòng chảy lũ, hạ thấp lưu lượng đỉnh lũ.

Rừng không chỉ mang lại nơi trú ẩn lúc nguy cấp, rừng là nguồn sinh kế của người thiểu số vốn có lối canh tác dựa vào thiên nhiên. Nhưng có lẽ thật khó hi vọng vì chất lượng của rừng tự nhiên liên tục suy giảm do mất rừng và suy thoái rừng.

Nhưng có lẽ khó hi vọng vào nơi trú ẩn quan trọng ấy ở thời điểm này. Bởi vì chất lượng của rừng tự nhiên liên tục suy giảm do mất rừng và suy thoái rừng, đến năm 2012, rừng giàu đóng tán chỉ chiếm 4.6%5 tổng độ che phủ rừng, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR). Do nỗ lực trồng rừng, độ che phủ rừng đạt 41.45% nhưng chất lượng của rừng tự nhiên liên tục suy giảm, trên thực tế, “diện tích rừng giàu đa dạng sinh học ở nơi có độ dốc thấp đã hầu như không còn”. Hơn ai hết, chính người dân và những cán bộ cắm bản đều thấy những vết sạt lở loét trên khắp đồi núi vốn chỉ còn trơ lại màu đất đỏ hoặc xanh đều tăm tắp của những cây trồng độc canh như keo lai6 – loại cây trồng chỉ làm đất nghèo thêm – giống “y như vết gấu cào lên” cơ thể của đồi núi, còn cánh rừng nguyên sinh xanh thẫm sót lại không hề hấn gì. Những điều trông thấy khiến anh Hờ A Hừ tự rút ra nhận xét “sạt lở, lũ quét, cá nhân tôi thấy phần lớn là do con người tác động”.

Vòng lặp đói nghèo

Một miền núi không còn rừng cũng sẽ là một miền núi nghèo kiệt, một miền núi bấp bênh về sinh kế. Vì rừng không chỉ mang lại nơi trú ẩn lúc nguy cấp, rừng là nguồn lợi cho 25 triệu7 người nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam nương nhờ vào. Các nguồn thu từ rừng mang lại thu nhập cho người dân cao hơn nhiều so với bất kỳ loại sinh kế nào khác ở các địa phương có rừng8.

Người nghèo nói chung và người dân tộc thiểu số là nhóm dễ bị tổn thương nhất, dễ mất đi toàn bộ tài sản và có khả năng phục hồi sau thiên tai kém hơn. Giữa lúc còn chưa thoát khỏi tình cảnh đói nghèo kinh niên, bất bình đẳng dai dẳng thì nhóm yếu thế này lại phải hứng chịu thêm những tác động của biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng sâu vùng xa có tỉ lệ nghèo và cận nghèo lên tới 70%, thậm chí ở một số dân tộc còn là 80% và tỷ lệ nghèo cùng cực là 45,5%9 (Việt Nam là tấm gương về giảm nghèo, nhưng phần lớn thành tựu này ở các nhóm đa số như Kinh, Hoa, Tày, Nùng, tiêu biểu như người Kinh, hiện nay tỉ lệ nghèo cùng cực chỉ là 2,9%). Nhìn thấy vòng lặp luẩn quẩn giữa nghèo đói, suy giảm rừng và tổn thất do thiên tai, các nhà nghiên cứu sinh thái từng cảnh báo từ cuối thập niên 1990 – thời điểm Việt Nam có tốc độ phá rừng nhanh nhất khu vực10: nếu không phục hồi rừng thì sẽ phải đối diện với “sự suy thoái nghiêm trọng” của môi trường tự nhiên, với những “hậu quả kinh tế và xã hội thảm khốc”. Hay GS.TS Đào Thế Tuấn cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng thực sự trong nông nghiệp miền núi”11. Nếu không có những chính sách căn cơ bài bản để bảo vệ rừng, thì người dân tộc thiểu số là những người đầu tiên gánh chịu tai họa, mà căn nguyên không phải do họ gây ra12.

Sau hai thập kỷ cảnh báo, người dân tộc thiểu số vẫn chới với: vừa hứng chịu sự suy giảm nghiêm trọng của rừng – không gian sinh tồn ổn định cả nghìn năm nay, vừa chịu thêm sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng dày đặc và bất thường. Khi không thể trụ lại được vì thiên tai và không thể sống dựa vào rừng, họ thật khó thoát khỏi vòng vây của đói nghèo cùng cực.

Đây cũng là những gì mà chúng ta dễ dàng nhận thấy ở Mù Cang Chải, Hướng Hóa hay bất cứ nơi nào khác mà người dân tộc thiểu số sinh sống phải hứng chịu thiên tai. Chỉ riêng một trận lũ ngày 5/8 năm nay, gia đình A Lầu rơi vào cảnh tay trắng, toàn bộ những gì tích cóp cả một đời người – căn nhà gỗ thông kể từ khi lấy vợ mới dựng được vào 5 năm trước, 2000 mét vuông lúa, một nương ngô mỗi năm mang về 100 bao lúa và ngô, 24 con lợn, 120 con ngan, tất cả nằm lại dưới lớp đất dày và đá hộc. Trong một ngày, ở xã Hồ Bốn, 48 nhà chung cảnh ngộ với A Lầu, 121 nhà hỏng hóc từ 50% trở lên, lũ san phẳng một vùng đất lúa, hoa màu hơn 50 hecta chưa biết bao giờ mới nạo vét cát đá sỏi để canh tác trở lại, chưa kể tới tài sản ô tô xe máy, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi hoàn toàn. Hai tháng sau ngày lũ đi qua, nơi từng là cánh đồng xanh nay chỉ còn là cánh đồng xám toàn là đá cuội lớn. Có những nơi lũ đã đi qua tới ba năm nhưng đồng ruộng vẫn chưa thể xanh lại như ở Hướng Hóa – hơn 400 hecta lúa, chiếm non nửa diện tích lúa của huyện đã bị phá hủy, mà phần lớn đến nay vẫn không thể canh tác lúa lại vì nguồn nước đã tiêu biến vào lòng đất. Ở trung tâm xã Hướng Việt, trên diện tích 50 hecta trước đây từng là ruộng lúa nước vẫn mênh mông cát.

Hệ quả của thiên tai còn có một khía cạnh khác, ngoài việc mất mát tài sản và tính mạng, người dân tộc thiểu số còn thêm phần thiệt thòi do không được tiếp cận với giáo dục, cơ sở hạ tầng, giao thông, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác.

Để hình dung rõ hơn về những cú sốc mới về thiên tai, khí hậu có thể khiến cho tình hình bất bình đẳng và nghèo đói ở người dân tộc thiểu số trở nên trầm trọng hơn như thế nào, chúng ta cần thêm một chiếc kính soi chiếu vào những vùng vẫn còn nghèo lương thực và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Trong một nghiên cứu mới đây, TS. Trần Quang Tuyến, Khoa Quốc tế, ĐHQG HN và đồng sự sử dụng dữ liệu khảo sát 2.500 hộ13 gia đình sáu tỉnh Bắc Trung Bộ, cho thấy, tỉ lệ thiếu đói và số ngày trung bình trong tuần không có thức ăn giàu protein ở người dân tộc thiểu số cao gấp đôi so với nhóm đa số như Kinh/ Hoa.

Về lâu dài, những gì các hộ gia đình thiểu số phải hứng chịu trực tiếp cũng sẽ tạo ra gánh nặng với kinh tế vĩ mô. Với những tỉnh nghèo như Yên Bái, suốt mùa mưa chỉ loay hoay ứng phó với thiên tai, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ và sạt lở trở thành gánh nặng ngân sách quá lớn. Chỉ một trận lũ 5/8/2023, Mù Cang Chải thiệt hại 100 tỉ (bằng ⅔ con số thu ngân sách năm 2023 của huyện là 150 tỉ). Trong cuộc họp về nghiên cứu phân vùng nguy cơ và dự báo tai biến trượt lở, lũ quét khu vực thị trấn Mù Cang Chải và phụ cận, ngày 19/10/2023, ông Lò Văn Hà, phó chủ tịch Thị trấn Mù Cang Chải kể lại một điển hình mà ông nhớ nhất chỉ riêng năm 2018, ước tính tỉnh Yên Bái thiệt hại 1.000 tỉ vì hư hỏng 5.800 căn nhà, mất gần 4.500 hecta lúa và hoa màu, hỏng một loạt cơ sở hạ tầng, chưa kể không gì có thể so được với tính mạng của 21 người đã mất vì lũ năm đó. Tính ra, con số thiệt hại này bằng gần nửa nguồn thu ngân sách của tỉnh Yên Bái cùng năm đó, 2.200 tỉ14. Biết bao thứ cần chi sau một trận lũ quét, thậm chí, việc hỗ trợ di dời nhà ở cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của lũ và sạt lở cũng cần tới ngân sách trung ương, hoặc những đề xuất như xây dựng các khu tái định cư cho người dân chịu thiên tai ở Yên Bái hay Quảng Trị, đều cần đến ngân sách trung ương, tối thiểu là đối ứng.

Trong một năm 2023, đến tháng 10, 30 tỉnh đề xuất được chính phủ xem xét hỗ trợ khắc phục sạt lở khẩn cấp đã lên tới hơn 15.000 tỉ đồng15. Chưa kể, các đề xuất hiện nay, như của Yên Bái và Quảng Trị, thực chất chưa “ra tấm ra món” mà chỉ thu xếp khẩn cấp người dân chưa có nhà ở vào các khu vực còn quỹ đất, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ. Những đề xuất quy mô hơn, như trong khảo sát của giáo sư Đức, “tập trung khối lượng đủ lớn dân cư để đảm bảo an toàn tái định cư cho cả thôn hoặc xã chẳng hạn” sẽ cần tới kinh phí rất lớn từ trung ương. Riêng việc xử lý được một số khối trượt ở ngay tại Thị trấn Mù Cang Chải cũng vượt quá khả năng của huyện hoặc của tỉnh.

Nguồn lực còn lại trong khung sinh kế?

Những gánh nặng phí tổn để ứng phó tức thời đó cũng như những nguy cơ ngày càng lớn của biến đổi khí hậu càng khiến chúng ta nhìn thấy nhu cầu cấp bách của việc ưu tiên phục hồi rừng tự nhiên (ước tính khiến Việt Nam phải đánh đổi 6,8 GDP16 hằng năm để khắc phục thiệt hại, và chi phí khắc phục thiệt hại luôn gấp 15 lần17 so với chi phí phòng ngừa, chưa kể thiệt hại về người) cũng như đánh giá lại giá trị của rừng một cách đầy đủ hơn, nhất là tính đến những hậu quả phải chịu khi vành đai bảo vệ ⅔ diện tích của đất nước bị suy giảm. Nhưng để khôi phục được hệ sinh thái rừng, cần hàng mấy chục năm hoặc cả đời người.

Lúc này, nhìn vào khung sinh kế vẫn được áp dụng để phân tích nguồn sinh kế bền vững ở các vùng dân tộc thiểu số, dễ dàng thấy với nguồn lực tài chính hạn hẹp, nguồn lực tự nhiên từ rừng đang suy giảm, khả năng vươn lên của người dân tộc thiểu số nằm nhiều ở cơ hội học tập. Nhưng hiện nay liệu bao nhiêu người dân tộc thiểu số có cơ hội này?

Thế hệ con em người Mông của A Tùng, A Lầu có tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học thấp nhất, so với các nhóm dân tộc khác, và càng lên bậc học cao hơn, trẻ dân tộc rất ít người càng có tỉ lệ hoàn thành chương trình phổ thông thấp. Chỉ có xấp xỉ 60%18 học sinh dân tộc Mông và các dân tộc thiểu số ít và rất ít người khác hoàn thành cấp 2, thấp hơn rất nhiều so với nhóm đa số (trên 90% trẻ em các dân tộc đa số Kinh – Hoa, Tày, Thái, Mường, Nùng hoàn thành bậc học này). Đây cũng là những gì mà chúng tôi chứng kiến, người dân ở các xã mà chúng tôi đi khảo sát cho biết trình độ học vấn trung bình của hầu hết người dân chỉ ở lớp 7 – 8. Trong khi bằng chứng nghiên cứu từ nhiều nước đã chứng minh mỗi năm đi học giúp tăng thu nhập thêm 8-10%19, ngược lại, cứ giảm mỗi 1/3 năm học thì thu nhập trong đời người bị giảm 3%.

“Chúng ta cũng cần nhớ rằng khả năng vươn lên thay đổi vận mệnh của cha mẹ và của thế hệ con cái, ở các nhóm khác nhau có sự chênh lệch rất lớn”, TS. Trần Quang Tuyến nhấn mạnh. Trong cùng một điều kiện kinh tế xã hội tương đồng thì khả năng vươn lên, chuyển đổi nghề nghiệp của người con trong gia đình có bố là lao động tay chân kém so với người có bố là lao động trí óc tới 17 lần20. Nếu đặt trong bối cảnh các cú sốc thiên tai ngày càng nhiều, thì người dân tộc thiểu số càng ít có cơ hội vươn lên. Việc đầu tư cho một đứa con đi học của hộ gia đình người Kinh cao gấp khoảng bốn lần của hộ dân tộc thiểu số. Bất bình đẳng cơ hội của thế hệ này dễ trở thành “cái bẫy” cho thế hệ tương lai và trở thành vòng luẩn quẩn rất khó phá vỡ.

Hiện tại, với nguồn lực hạn chế, các hộ dân tộc thiểu số cũng chỉ có thể có cách ứng phó tức thời, ngắn hạn thay vì các chiến lược đối phó lâu dài với biến đổi khí hậu. Một chiến lược sinh tồn dễ thấy là di cư đi làm ăn xa mà chủ yếu là công việc tay chân. Đây là xu hướng rõ rệt, đã được phản ánh trong nhiều nghiên cứu, khảo sát. Trong khoảng 10 năm gần đây, những xã chịu lũ lụt ngày càng thường xuyên hoặc nghiêm trọng hơn, thì người dân thường di cư nhiều hơn21.

Ở Mù Cang Chải, A Tùng cũng dự kiến xây sửa xong nhà thì sẽ đi tìm việc làm thợ hồ, hai người con của A Lầu thì đã xuống Hà Nội, hòa vào dòng người người Mông tìm việc làm ở thành phố mỗi ngày mỗi nhiều. Ở Hướng Hóa, người Bru Vân Kiều ít có mối quan hệ, ít mạng lưới xã hội nên ít đi tìm việc ở xa hơn, nhưng cũng đã có xã đã có khoảng 200 người di cư đi tìm việc làm.

Còn A Lầu đã ngoài 50 tuổi khó đi làm ăn xa hơn nhiều, vẫn đang dựng nhà, chưa biết bao giờ mới cải tạo được 2000 mét vuông đất ruộng toàn đá to như cái chậu và sẽ trồng được cây gì trên mảnh đất toàn cát đó.

Đọc thêm
Rừng ngập mặn: Giữa những bủa vây
Khủng hoảng sinh thái tái định vị xã hội loài người
Thách thức những quan niệm về thiên tai và thảm họa
Thế giằng co trong bảo vệ san hô
Hệ sinh thái biển Việt Nam: Cơ hội phục hồi?
Đồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ dần biến mất
Đồng bằng sông Cửu Long: Sẽ tìm cơm và cá ở đâu?
Sạt lở đất: Nguy cơ không giống nhau giữa các nhóm xã hội

Bài viết được thực hiện với hỗ trợ từ Mạng lưới báo chí Trái đất của Internews.

Tài liệu tham khảo:

1 CVv486S22022065.pdf (vista.gov.vn). https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/342438/CVv486S22022065.pdf

2 Theo đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam”, có 9.000 điểm trượt có quy mô và mức độ nguy hiểm khác nhau, gần 3.000 điểm trượt nghi vấn ở 10 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thanh Hóa và Nghệ An. Nguồn: http://landslide.itst.gov.vn/new-detail/de-an-dieu-tra-danh-gia-va-phan-vung-canh-bao-nguy-co-truot-lo-dat-da-cac-vung-nui-viet-nam-giam-thiet-hai-thien-tai/52/

3 Theo báo cáo thuyết minh “Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực tỉnh Quảng Trị” của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” năm 2018 của Viện địa chất và khoáng sản – Bộ tài nguyên môi trường.

4 Chúng tôi xin báo cáo này từ Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa.

5 https://www.cifor.org/publications/pdf_files/OccPapers/OP-203.pdf

6 https://nongnghiep.vn/can-cach-nhin-dung-ve-gia-tri-cay-keo-d319701.html

7 https://www.worldbank.org/vi/results/2016/04/12/vietnam-sustainable-plantation-and-livelihoods-for-low-income-farmers

8Cuong Van Hoang & Tuyen Quang Tran & Yen Hai Thi Nguyen & Lan Thanh Nguyen, 2020. “Forest resources and household welfare: Empirical evidence from North Central Vietnam,” Natural Resources Forum, Blackwell Publishing, vol. 44(4), pages 311-333, November.

9 Multidimensional Inequality in Vietnam Report, Mekong Development Research Institute, 2020.

10 Theo De Koninck, trong những năm 1990, tốc độ phá rừng Việt Nam nhanh nhất khu vực, che phủ rừng ở Việt Nam bị suy giảm xuống chỉ còn 20% hoặc 16%, thậm chí một số đánh giá còn cho rằng tỉ lệ che phủ xuống dưới 10%. Nguồn: https://idrc-crdi.ca/sites/default/files/openebooks/274-0/index.html

11 Nguồn: https://idrc-crdi.ca/sites/default/files/openebooks/274-0/index.html

Nguồn: https://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2017/08/090817_Proceeding-Human-Ecology-final.pdf

12 Theo báo cáo của CIFOR, khai thác gỗ (cả hợp pháp và bất hợp pháp), chuyển đổi đất rừng cho các mục đích phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các nhà máy thủy điện và phát triển nuôi trồng thủy sản, và trồng các cây có giá trị kinh tế cao vẫn là nguyên nhân chính của mất rừng ở Việt Nam.

13 https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/app5.330

14 https://www.yenbai.gov.vn/PublishingImages/Tran-Hung/CKNS-2018/QuyetToan/qt-2018-n-b63-tt343-15.pdf
Riêng trận lũ 5/8/2023: Ước tính thiệt hại 100 tỉ (để thấy gánh nặng mà huyện nghèo này phải gánh chịu, có thể so sánh với con số thu ngân sách năm 2023 của Mù Cang Chải là 150 tỉ).

15 https://www.vietnamplus.vn/bo-tri-von-ho-tro-kip-thoi-hieu-qua-cho-cac-dia-phuong-bi-sat-lo-post903751.vnp.
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-khoang-400-ty-usd-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-post886272.vnp

16https://tailieuhoinghi.monre.gov.vn/Data/files/2023/So%20ket%206%20thang%202023/Tham%20luan%20Hoi%20nghi%20so%20ket%20Bo%20TNMT_danh%20gia%20thuc%20hien%20NQ24_TW_C.pdf

17 https://www.undrr.org/media/74265/download?startDownload=true

18 Báo cáo Giáo dục Việt Nam 2022 của UNICEF

19 World Bank (2018). World Development Report: Learning to Realize Education’s Promise. Washington, DC: World Bank Group.  

20https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0190740917310241?via%3Dihub

21 https://link.springer.com/article/10.1007/s41885-020-00062-3

Tác giả

(Visited 775 times, 3 visits today)