20 năm mảng Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương
Cách đây đúng 20 năm, vào ngày 16/5/1993, tại bãi biển này đã làm lễ hạ thủy một chiếc bè mảng tre. Và ngày 17/05/1993, chiếc mảng tre này gồm có 5 người đứng đầu là Tim Severin, một nhà bác học về biển người Ireland bắt đầu chuyến hành trình  vượt Thái Bình Dương.
Khác với các mảng đánh cá thông thường, mảng này được tăng cường bởi ba lớp tre luồng với tổng cộng đã lắp ghép lại 550 cây và hàng nghìn mối buộc lạt mây. Mảng phải làm theo lối cổ xưa, khi không có những đinh sắt hay dây thép dây ni lông chằng buộc, không có những miếng foam hỗ trợ cho bè mảng khỏi chìm. Đó là công sức của gần một trăm lao động phường Trường Sơn thị xã Sầm Sơn ngày nay, đã miệt mài trong gần sáu tháng trời dưới sự chỉ huy của người đứng đầu thị xã Hà Minh Khiêm. Sau khi hoàn tất và được hạ thủy an toàn với một cái lễ đầy màu sắc dân gian tại đền Độc Cước, chiếc mảng được bộ đội biên phòng kéo ra Bãi Cháy Hạ Long. Tại đây, bè được lắp “động cơ”, đó là ba cánh buồm nâu được may cắt công phu và tẩy nhuộm theo đúng phong cách dân gian bởi những người thợ tài hoa vùng Phong Cốc Hà Nam, Yên Hưng Quảng Ninh. Thế là chiếc mảng Sầm Sơn đã hoàn chỉnh, sẵn sàng bước vào cuộc hành trình.
Để có thể trang bị các thiết bị cứu sinh và liên lạc hiện đại,những trang bị của thế kỷ 20 duy nhất có trên chiếc mảng cổ xưa có tuổi hai nghìn năm, chiếc mảng tre được cẩu lên tàu của Công Ty Vận Tải Biển Việt Nam từ Hạ Long chạy sang Hongkong. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 17/05/1993, chiếc mảng tre bắt đầu chuyến hành trình ven theo đảo Đài Loan, ghé qua Nhật Bản sau đó hướng thẳng sang phía Đông vượt Thái Bình Dương.
Đoàn thám hiểm gồm có 5 người đứng đầu là Tim Severin, một nhà bác học về biển người Ireland. Ông đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm nhằm lặp lại những chuyến đi của người xưa như ngay từ thời còn là sinh viên, ông đã cùng bạn bè lặp lại chuyến đi của Marco Polo, nhà du lịch người Ý thế kỷ 13 đã vượt sa mạc sang Trung Quốc. Bằng chuyến vượt Thái Bình Dương lần này, Tim muốn chứng minh bằng thực tế một học thuyết mà nhiều nhà khoa học đã đề xuất: Từ hàng nghìn năm trước đây đã có những cuộc vượt biển từ vùng Đông Nam Á, từ bán đảo Đông Dương, từ phía Nam Trung Quốc… bằng các phương tiện thô sơ, tạo nên việc giao thoa văn hóa giữa châu Á và vùng Trung Nam châu Mỹ.
Sau Tim, một thành viên thứ hai không kém phần quan trọng, đại diện cho những người đã làm nên chiếc mảng tre khổng lồ và là người thông thạo nhất kỹ thuật dân gian trong việc chế tạo và điều khiển mảng, một người con của Sầm Sơn đã nhiều đời nay chuyên sinh sống cùng với mảng tre, đó là anh Lương Viết Lợi, địa chỉ tại Xóm Núi phường Trường Sơn thị xã Sầm Sơn. Chưa từng đi xa, chưa từng lên tới Hà Nội, không biết một chữ tiếng Anh, chàng trai 34 tuổi không choáng ngợp trước ánh đèn Hongkong hay các đô thị Nhật Bản, hết sức tự tin hòa mình cùng tập thể đoàn thám hiểm, cùng sống và làm việc hăng say trong suốt 6 tháng trời lênh đênh, núp trong căn lều thô sơ bằng tranh tre nứa lá do chính tay mình dựng lên.
Mặc dầu mới vượt được 85% khoảng cách Thái Bình Dương ngăn cách châu Á và châu Mỹ,hành trình 6 tháng trời với 5.500 hải lý đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của chiếc mảng tre thô sơ mà theo nhận định của các nhà dân tộc học hàng hải thế giới cùng với ghe bầu,mảng tre Sầm Sơn là sản phẩm độc đáo của xứ này (tức Việt Nam) mà ”không có tại bất cứ nơi nào khác trên thế gian này” (ý kiến của đô đốc hải quân Pháp Pâris François-Edmond 1806-1893,quản thủ Bảo Tàng Hàng Hải Pháp). |
Với ba thành viên còn lại là bác sĩ Joe trẻ tuổi, anh Max và Trondur là hai vận động viên chơi du thuyền yacht có hạng, những cánh buồm vượt đại dương là chuyện bình thường nhưng với buồm cánh dơi và chiếc xiếm dân gian Việt Nam thì phải coi Lợi là người thầy, người huấn luyện tận tâm. Trải qua bao khó khăn hải hành trên chiếc bè thô sơ, luôn luôn dính sát mặt nước đại dương, những lần gặp cướp biển, những nguy cơ bị tàu lớn đè bẹp, những trận giông bão trên đường bị cuốn theo dòng chảy Kuroshio, chiếc mảng đã tới tọa độ 31độ 41Bắc, 148 độ 27 Tây còn cách bờ bang California nước Mỹ khoảng 1000 hải lý, thuyền trưởng Tim quyết định rời bỏ mảng để được một chiếc tàu Nhật đi ngang qua chở đoàn về Tokyo. Lúc này, một trận bão lớn sắp đổ tới và 5,6 cây luồng đã bật khỏi các mối nối chằng buộc bằng mây, đe dọa tới mạng sống của đoàn.
Mặc dầu mới vượt được 85% khoảng cách Thái Bình Dương ngăn cách châu Á và châu Mỹ, hành trình 6 tháng trời với 5.500 hải lý đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của chiếc mảng tre thô sơ mà theo nhận định của các nhà dân tộc học hàng hải thế giới cùng với ghe bầu, mảng tre Sầm Sơn là sản phẩm độc đáo của xứ này (tức Việt Nam) mà “không có tại bất cứ nơi nào khác trên thế gian này” (ý kiến của đô đốc hải quân Pháp Pâris François-Edmond 1806-1893, quản thủ Bảo Tàng Hàng Hải Pháp).
Từ thô sơ tới hiện đại
Chiếc bè do Tim chỉ huy vượt Thái Bình Dương được chế tạo theo mẫu bè dân gian Sầm Sơn nhưng đã được nâng cao lên bởi khoa học hiện đại mà người thiết kế chính là kỹ sư đóng tàu người Anh Colin Mudie. Đó là một cái tên khá nổi tiếng mà bất cứ người nào làm công tác huấn luyện hải quân trên thế giới đều biết. Ông là tác giả của rất nhiều các tàu buồm huấn luyện cho hải quân nhiều nước như Anh, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản…
Cảng Đà Nẵng của chúng ta vào tháng 11 năm 2011 đã được đón tiếp chiếc tàu buồm mang tên Sudarshini do chính Colin vẽ kiểu cho Hải quân Ấn Độ, con tàu vào thăm với màn trình diễn ngoạn mục: hàng chục thủy thủ dàn hàng trên các nhánh ngang của cột buồm, chơi vơi trên mặt nước hàng chục mét… Chính lao động vất vả giữa sóng nước trên các con tàu chạy bằng sức gió xa xưa là điều kiện tốt nhất để rèn luyện những kỹ năng thủy nghiệp, cứu sinh khi tai nạn, là nguồn gây cảm hứng trước vẻ đẹp khốc liệt của đại dương, là lò rèn luyện can trường biết dựa vào sức mình khi chẳng may bị quăng ra khỏi một con tàu hiện đại không còn trong tay các thiết bị điện tử của thế kỷ 21! Bởi vậy tàu buồm luôn luôn vẫn là lò rèn luyện người đi biển mà các trường hải quân cũng như các trường đào tạo tàu buôn vẫn cần dùng tới ,với những cuộc đại hội tàu buồm toàn thế giới tổ chức hằng năm vô cùng hoành tráng. Colin đã làm chủ mảng các con tàu này không phải là điều ngẫu nhiên.
Năm 1958 cặp vợ chồng kỹ sư đóng tàu 30 tuổi Colin và Rosemary đã liều mạng thực hiện chuyến bay bằng khinh khí cầu vượt Đại Tây Dương. Quả cầu rớt xuống biển, cặp vợ chồng thoát chết nhờ chiếc giỏ khí cầu chở người đã được họ thiết kế như một chiếc ca nô. Bằng phương tiện nhỏ bé này, hai người đã vượt sóng trước khi có người tới cứu. Với tình yêu bầu trời và biển cả như vậy, họ cùng đeo đuổi sự nghiệp các con tàu buồm suốt cả cuộc đời. Khi Tim mang tới nhà hai ông bà những đoạn tre luồng và lạt mây, những mẫu mảng tre, những điều thu thập được từ Sầm Sơn, Colin cảnh báo ngay với Tim “Ai cũng biết rằng mảng có vấn đề về tính ổn định khi bị nghiêng góc lớn, và việc lật lại một chiếc mảng lớn càng khó hơn sau khi nó bị lật úp vì nó có độ ổn định ban đầu rất lớn”. Nói thẳng ra là, mảng tre của Việt Nam rất ổn định, song đó cũng là nhược điểm nguy hiểm nhất của nó: khi mảng bị nghiêng đến một góc nhất định, nó sẽ bất thình lình bị lật úp, và một khi đã bị lật úp thì gần như không thể lật nó ngửa trở lại. Và tất nhiên là, đang đi ở giữa đại dương mà mảng bị lật úp thì thủy thủ đoàn sẽ gặp rắc rối to.
Colin tỏ ra rất thích thú với bất kỳ thử thách kỹ thuật lạ thường nào, và ông đã phát huy hàng loạt những kỹ năng đáng nể. Là một nhà thiết kế hàng đầu về các tàu buồm huấn luyện, ông còn có cả một lượng kiến thức bách khoa về các loại thuyền buồm truyền thống và những con tàu buồm lịch sử. Nhờ đó ông đã lập được vô số bản thiết kế cho bất kể loại thuyền nào, từ bản sao chiếc thuyền buôn của thế kỷ 17 cho đến chiếc thuyền buồm cánh dơi. Theo đề nghị của Tim, ông đã sẵn sàng để làm một bản thiết kế sơ bộ cho một chiếc mảng tre vượt đại dương dựa theo các số liệu đã thu thập được tại Sầm Sơn, cũng như là tham khảo các mẫu bè cổ và thuyền buồm trong sử sách. Để cẩn thận hơn, ông đã cùng vợ là bà Rosemary đã viết và cho chạy một chương trình máy tính nhằm nghiên cứu tính ổn định lý thuyết của mảng khi chịu các tải trọng khác nhau. Colin có một thái độ nể trọng sâu sắc đối với các dân tộc bản địa đã xây dựng và phát triển các phương tiện thủy của mình theo các bước tiến hóa trải qua hàng thế kỷ. Vì vậy, Tim và Colin đã nhất trí tiến hành công việc theo từng bước với sự tham gia sát sao của những người thợ làm mảng ở Sầm Sơn.
Đầu tiên, Colin đưa ra bản thiết kế sơ bộ để làm một mô hình mảng dài khoảng nửa mét, chính xác đến từng chi tiết. Tim đem mô hình này đến gặp những người dân chài ở Sầm Sơn và nhờ họ làm một mảng mẫu, với chiều dài bằng phân nửa chiếc mảng thật. Với cách làm này, Tim và Colin đã học hỏi được thêm vài điều về các kỹ thuật cần thiết để làm một chiếc mảng lớn hơn rất nhiều so với mảng tre Sầm Sơn. Và Tim đã dùng mảng mẫu này để đi thử. Sau khi Colin đưa thêm vào các chi tiết cho bản thiết kế cuối cùng, Tim tiến hành làm mảng tre với kích thước thật dành cho chuyến đi xuyên đại dương. Đó là chiếc mảng như hình vẽ kèm theo với các đặc tính: dài 18,3m; rộng 4,6m; mớn không xiếm 0,41; mớn có xiếm 1,3m; buồm 75m2; đáy 3 lớp luồng buộc lạt mây tre.
Tháng mười năm 2012 vừa qua, để chuẩn bị cho cuộc kỷ niệm 20 năm mảng Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương, tôi đã nối điện thoại với Colin. Từ vùng Hampshire, tận cùng phía Nam của nước Anh, tôi nghe được giọng nói rành mạch, rõ ràng của một ông già suốt đời gắn bó với biển cả và những cánh buồm nay đã ở tuổi trên 80. Ông rất mừng vì đã nghiên cứu mảng tre Việt Nam, ông cũng muốn biết chúng ta có những nghiên cứu gì về mảng về thuyền dân gian. Tôi thật xấu hổ không biết nói sao khi biết rằng trong các trường của chúng ta hiện nay đầy ắp những tập hồ sơ đóng bìa xanh chữ vàng ngay ngắn với các tiêu đề tàu đệm khí, tàu WIG,với những nghiên cứu về CAD/CAM… trong đóng tàu, hàng hải… mà tịnh không có một đề tài nào về buồm, về mảng về ghe bầu, những vấn đề luôn được nêu ra làm đầu đề nghiên cứu tại các đại học danh tiếng tại Paris, Seattle, Roma… Hình như câu chuyện về mảng Sầm Sơn nhỏ bé này cũng có mối liên hệ tới những vấn đề to tát mà chúng ta thường đang lớn tiếng nói ngày hôm nay về biển đảo, về cái gọi là “chiến lược biển”!